Klopp và Van Gaal: Lửa nước và câu chuyện cá tính

Thứ Sáu, 15/01/2016, 11:18
Cuối tuần này, trận derby thực sự của nước Anh sẽ diễn ra. Hai màu đỏ của Liverpool và Man Utd sẽ trộn lại trở thành một chiến trường máu lửa. Dĩ nhiên năm nào trận derby màu đỏ ấy cũng diễn ra 2 lần, nhưng năm nay lại có một màu sắc rất mới và rất đáng để chờ đợi.

1. Trận derby giàu truyền thống nhất nước Anh luôn như vậy, dù có một tháng diễn ra 2 trận như hồi năm 2013 thì cũng vẫn cuốn hút kì lạ và luôn có nhiều chuyện để mà nói. Lần này cũng vậy, dù tính chất của trận đấu không còn như ngày xưa, nhưng cuộc chơi ấy lại ở một dạng thức và trạng thái đặc biệt.

Nếu Liverpool sau một thời gian thăng hoa đầy cảm xúc nay đang bắt đầu có dấu hiệu bất ổn, thì Man Utd của van Gaal lại bỗng dưng hồi phục khi mà mọi thứ tưởng như đã bị vùi vào đống tro tàn. Sự trái chiều ấy là điểm nhấn đầu tiên. Những số phận, cá tính và sự khác biệt của hai vị HLV mới thực sự là điểm nhấn của trận derby này.

Họ đã từng gặp nhau ở Bundesliga khi dẫn dắt 2 CLB hàng đầu của Đức. Một bên Klopp ở Dortmund, còn phía kia là van Gaal cùng Bayern Munich. Khi ấy, số phận của họ cũng đi theo hai chiều chẳng hề song song. Klopp thực sự trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của Dortmund thì van Gaal chỉ là kẻ phá hoại, rồi một ngày phải ra đi trong ê chề. Bây giờ thì điều đó cũng chẳng khác là bao.

Ông Klopp (trái) và ông van Gaal.

Van Gaal được coi là kẻ tội đồ biến Man Utd trở thành đội bóng nhạt nhẽo, buồn tẻ và “ẩm ương” nhất nước Anh, còn Liverpool dù chưa thực sự trở lại nhưng cũng mang lại đầy hi vọng, với những trận đấu đầy cảm xúc. Hai con người ấy đã “đụng chạm” nhau nhiều, như một sự run rủi định mệnh, nhưng ở hoàn cảnh nào thì họ cũng tạo ra một cuộc đối đầu của hai trường phái, hai cá tính và hai con người không bao giờ tìm thấy sự dung hòa.

Đây là trận derby nước Anh đầu tiên của HLV Juergen Klopp, đó chắc chắn là một sự trải nghiệm lí thú, trước một người coi mọi trận đấu đều như nhau. Trận nào cũng thế, van Gaal chỉ ngồi một chỗ, không biểu cảm, chẳng cảm xúc, dù đối thủ của ông là West Ham, Sunderland hay đó là Chelsea, Arsenal. Còn Klopp được coi là “miệng núi lửa”, lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ, kể cả lúc ông… thua trận.

Bất kì ai cũng nói rằng, cá tính mỗi người xuất phát từ cuộc sống và môi trường phát triển. Người ta kể những câu chuyện “lâm li bi đát” về van Gaal để giải thích cho sự bảo thủ, tính cách độc tài và tính khác người của ông. Hàng loạt những câu chuyện quá khứ được kể lại, dù phần lớn trong đó là những chuyện bịa trắng trợn, rằng van Gaal khổ ra sao, những hình phạt của gia đình, những vất vả trong cuộc sống, phải bươn chải làm những việc tầm thường để kiếm từng cắc bạc…

Ông Klopp luôn vui vẻ, thân thiện đến mức... tát yêu cầu thủ.

Nhưng để nói rằng, những điều đó tạo nên van Gaal bây giờ thì “sai lè”. Bởi ở một con người khác, Klopp mang tính cách trái ngược, dù câu chuyện về quá khứ của ông cũng na ná về màu sắc như  van Gaal.

2. Klopp cũng vất vả, gia đình ông cũng nghèo chẳng kém nhà van Gaal. Thậm chí có những lúc cậu bé Klopp còng phải phụ bố bán những mặt hàng lặt vặt, như ở ta gọi nôm na là… hàng xén. Không những thế, cuộc sống của Klopp cũng nặng nề với ông bố hà khắc, không hề nhường nhịn con như những ông bố khác, rồi đủ thứ chuyện đại khái như vậy.

Thế nhưng Klopp đến giờ vẫn là một HLV vui tính bậc nhất thế giới, hài hước, hòa đồng, coi tất cả đều là bạn, từ Chủ tịch CLB, các tỷ phú, đến nhân viên, người lái taxi, xe bus hay nhân công dọn dẹp đường. Dù là một người sôi nổi, thích nhạc rock, nhưng Klopp lại tình cảm, gần gũi, thân thiện, luôn coi cầu thủ như con trai mình và công bằng với tất cả.

Những nét tính cách này khác hẳn với van Gaal, coi họ là những người lao động, yêu cầu họ làm mọi thứ, thậm chí hơn cả những gì họ có thể. Ông bảo thủ, luôn coi mình là nhất, là đúng, là chuẩn mực và bắt thuộc hạ phải tuân theo vô điều kiện. Chính những điều đó khiến ông thường xuyên đối mặt với sự phản kháng từ mọi phía. Và đó cũng là lí do tại sao van Gaal không được lòng cầu thủ Man Utd và từng đối diện với những phản ứng, không ủng hộ của hàng loạt ngôi sao.

Sự khác biệt giữa hai người đàn ông có cùng hoàn cảnh sống còn bộc lộ ở… nước mắt. Trong suốt sự nghiệp của mình, van Gaal chưa bao giờ nhỏ một giọt nước mắt, kể cả khi ông thất bại tồi tệ, không thể đưa ĐT Hà Lan vào World Cup 2002, hay khi cùng Bayern thất bại ở trận chung kết Champions League 2010, và cả khi thành công ở Barca. Nhưng Klopp, một người tưởng như sôi nổi, đã 2 lần khóc như trẻ con khi chia tay Mainz 05 ở mùa giải mà CLB này phải xuống hạng, lần khi rời Dortmund, lúc đội bóng này chỉ trụ hạng thành công ở mùa giải năm ngoái.

Đó gọi là cảm xúc, một thứ cảm xúc tự nhiên nhất, thật nhất. Và đó là lý do tại sao bất cứ ở CLB nào, Klopp cũng mang đến một lối chơi dạt dào, cống hiến và rất nhiều khát khao. Tại Liverpool, đội bóng này cũng đang dần thoát ra khỏi sự cứng nhắc về chiến thuật, để trở thành CLB chơi thứ bóng đá uyển chuyển, cảm xúc. Còn Man Utd, vẫn như van Gaal, lặng lẽ, vô cảm và thực dụng đến đáng sợ.

Cảm hứng còn tạo ra ranh giới giữa hai HLV ở phía sau sân cỏ. Trong các trận đấu, van Gaal lầm lì ngồi một chỗ đã đành, khi tập luyện, gương mặt của ông cũng cau có. Không khí khi Man Utd tập, khi họ ăn tập thể, khi họ giải trí, luôn luôn là sự nặng nề, nghiêm túc đến phát sợ. Sự lạnh lùng đến mức vô cảm ấy được truyền từ chính van Gaal, bảo sao khi họ ra sân cũng chẳng có ai nở một nụ cười, không có ai cảm thấy thoải mái, và điều đó chỉ đến trong chốc lát khi Man Utd ghi bàn. Mà Man Utd mùa thì ai cũng biết, tỷ lệ ghi bàn thấp chưa từng có, chỉ tầm 1 trận 1 bàn.

Còn ông Van Gaal thì luôn ngồi với tư thế này.

Đó là cách họ tự đưa mình vào áp lực. Mặc dù Klopp cũng là “tay” cứng nhắc, không có bất kì ngày nghỉ nào hay phần thưởng gì cho cầu thủ, họ cũng phải tập luyện và thi đấu theo triết lí bóng đá rất nặng về di chuyển của ông, nhưng Klopp biết cách cân bằng cho học trò. Ví dụ, sau mỗi buổi tập nặng, Klopp có thể chơi đàn cùng học trò nghêu ngao hát, ông có thể pha trò cười đùa cùng đội, có thể thi thố cùng nhóm cầu thủ một trò chơi nào đó. Sự gần gũi đó là động lực để các cầu thủ của ông đổ sức ra phục vụ ý đồ chiến thuật và lối chơi cực kì tốn sức.

3. Nếu van Gaal cấm đoán cầu thủ từ chuyện sử dụng công nghệ điện thoại, kiểm soát từng bữa ăn, chỉ đạo cả chuyện thứ tự lên lấy đồ ăn, thì Klopp cũng cấm vợ hay bạn gái cầu thủ bén mảng đến những nơi đội tập trung, tập luyện. Liverpool cũng phải phục tùng vài nguyên tắc cơ bản mà Klopp đưa ra: cấm nói đến chuyện danh hiệu, phát biểu, phỏng vấn ngoài kế hoạch như họp báo họp chuyên môn báo chí, đều phải xin phép và kiểm soát nội dung (nhất là với các cầu thủ trẻ)…

Nhưng điều khác biệt là: Klopp nhận được sự ủng hộ tuyệt đối với tâm trạng thoải mái nhất, còn van Gaal thì không. Thậm chí, một nhóm cầu thủ có Rooney, Herrera, Mata… từng gặp riêng van Gaal kiến nghị và phản đối những quy tắc hà khắc của ông.

Xoay vòng HLV

Đây là câu hỏi khá ngớ ngẩn, nhưng lại đang là điều nhức nhối ở bóng đá Anh và cả châu Âu. Thất bại của Mourinho, của B.Rodgers, Benitez, và phần nào đó cả Klopp (xét trên khía cạnh thành tích), là điều đang tạo ra trah cãi. Các đội bóng lớn, có truyền thống, đặc biệt là tại Anh thường có “quy tắc” sử dụng khái niệm “xoay vòng HLV”.

Tức là họ chỉ dùng HLV nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm và như thế là mấy cái tên cứ luân phiên đến hết CLB này tới CLB. Nhưng tất cả hầu hết là thất bại. Tờ Telegraph tính ra, trong top 20 HLV hưởng lương cao nhất thế giới ở 20 CLB hàng đầu châu Âu hiện nay, họ thay đổi khoảng 4,7 CLB trong khoảng thời gian 15 năm. Và trong số 20 CLB đó, có 12 HLV đã huấn luyện ít nhất 2 CLB trong nhóm này. Có nghĩa là sự xoay vòng HLV nằm ở chính những CLB lớn và các HLV tên tuổi.

Cụ thể, Guardiola rời Barca, đến Bayern, rồi rời Bayern sẽ đến một CLB Anh (có thể là Man City, Man Utd, Chelsea). Mourinho rời Chelsea lại về Chelsea và có thể nắm 1 CLB Anh, hoặc thậm chí về lại Real. Ancelotti rời Chelsea đến Real, rồi bỏ Real đến Bayern thay Guardiola. Benitez sau khi bỏ Chelsea về Real thay Ancelotti… Nói chung là cứ đi đi lại lại như vậy, và chẳng mấy ai thành công.

Thực tế khoảng 10 năm gần đây là HLV thành công với 1 CLB thường phải gắn bó với đội bóng đó. Bằng chứng là Heynckes với Bayern, Guardiola, Luis Enrique với Barca, Di Matteo với Chelsea… Họ hiểu đội bóng, trưởng thành từ đó, thành danh ở đó, hoặc ít nhất là từng thi đấu tại đó. Vì thế, nếu van Gaal, Pellegrini, Mourinho hay thậm chí là Klopp có thất bại ở các CLB Premier League cũng là điều dễ hiểu.

Bởi những lí do đó mà trận derby màu đỏ của Premier League lần này có sự khác biệt, có sự mới mẻ và hứa hẹn có cả những điều bất ngờ mang tính cá nhân, thuộc về tính cách cả hai HLV.

Lê Giang
.
.
.