Từ chuyện Man Utd thăng hoa với dàn tài năng trẻ:

Là hiện tượng nhất thời hay ngôi sao thực thụ?

Thứ Bảy, 05/03/2016, 10:25
Marcus Rashford đang làm điên đảo các manucian (fan hâm mộ MU). Từ Europa League tới Premier League, chàng tiền đạo 18 tuổi ghi liền 4 bàn, đưa Man Utd quay lại cuộc đua.


Tối chủ nhật, những khán giả có mặt tại Old Trafford hẳn là người sung sướng nhất. Đội bóng con cưng của họ đánh bại đối thủ truyền kiếp Arsenal bằng thứ vũ khí chẳng ai ngờ tới. Louis van Gaal tiếp tục tin dùng dàn cầu thủ đôn lên từ đội trẻ và một trong số đó, Marcus Rashford tỏa sáng rực rỡ với 2 bàn thắng và 1 pha kiến tạo.

Marcus Rashford – niềm hy vọng mới của các manucian.

Nhưng, bài học của Federico Macheda chưa bao giờ mất tính thời sự. Và cuối cùng, Rashford là ai, đến từ đâu? Liệu anh ta có thực sự mang trong mình dòng máu “Quỷ” thuần khiết không? Rashford là dấu hiệu phục sinh của đế chế đỏ, hay chỉ đơn thuần là hiện tượng nhất thời?

Sản phẩm của thế giới ảo

Federico Macheda từng khiến người hâm mộ Man Utd phát điên sau bàn thắng quý hơn vàng vào lưới Aston Villa hồi tháng 4-2009. Nhưng 8 năm từ thời khắc mang tính lịch sử, không ai còn nhớ hình dáng thần đồng Macheda thuở nào. Trong khoảng thời gian này, Macheda kinh qua 7 CLB khác nhau, không đâu trụ lại quá một năm và có 4 mùa không ghi nổi bàn nào.

Vì sao từ vị thế anh hùng, Macheda nhanh chóng sa sút? Có phải chuyện năng lực và may mắn không? Chỉ biết rằng, tiền đạo chủ lực của đội U18 Man Utd thì không thể kém được!

Nhiều CĐV lo sợ Rashford sẽ đi vào vết xe đổ của Macheda (trái).

Football Media cho hay từng có cả một chiến dịch đứng sau khuếch đại danh tiếng tuyển thủ này. Theo nhiều nguồn tin, tiền đạo này bỏ 20.000 bảng thuê văn phòng Rooster PR. Ngày ấy, lên Twitter, gõ @Macheda bộ lọc cho ra 72 tài khoản khác nhau có tên Macheda, và tài khoản nào cũng ghi chú “Đây là tài khoản thật của Macheda”. Người dùng chẳng biết thật giả ra sao vì cái nào cũng giống nhau nên theo dõi tất cả tài khoản.

Tâm lý “chọn nhầm còn hơn bỏ sót” của khách hàng chính là mục đích của việc tạo trang Twitter Macheda ồ ạt. Macheda xuất hiện càng nhiều thì càng nổi tiếng. Dần dần, NHM thấy nhiều hơn những bức ảnh Macheda chụp hình tự sướng, đi từ thiện, mặc đồ bơi khoe thân hình khỏe khoắn. Chỉ 2 tháng sau bàn thắng vào lưới Aston Villa, Macheda được 7 nhãn hàng chào mời quảng cáo, tiêu biểu có Puma và Under Armour.

Nói Macheda là thanh niên sống ảo không quá lời. Rio Ferdinand kể Macheda hết giờ tập là ôm điện thoại lên mạng xã hội. Robert Stevens, chuyên gia của Football Media tiết lộ thời gian trung bình Macheda dành cho điện thoại là 7 tiếng mỗi ngày, bằng một giấc ngủ khoa học. Sớm nổi tiếng, choáng ngợp trước những lời ca tụng của cánh báo giới, Macheda sớm lụi tàn âu cũng dễ hiểu.

Tấm gương Macheda nhắc nhở những Rashford hay Donald Love: Thành công sớm chưa bao giờ là tấm vé đảm bảo cho họ bước vào thế giới ngôi sao thực thụ.

Vấn đề của Man UTD

Ngay cả khi viễn cảnh bị sa thải vào cuối mùa đã ở rất gần, Van Gaal có lý do để vui mừng. Sau bao khổ ải, “Tulip thép” đã phần nào chứng tỏ ông rất giỏi trong việc phát hiện các tài năng trẻ. Tung ra sân quá nửa đội hình là thành viên đội U19, xếp tiền đạo cắm với... 1 trận kinh nghiệm làm vốn đối đầu thủ thành hay nhất Premier League 10 năm qua, Van Gaal vẫn thắng Wenger trong cuộc đấu hấp dẫn nhất kỷ nguyên mở tại Anh.

Nhưng khi những dấu hỏi và kỳ vọng còn đang lơ lửng trên đầu Rashford và các đồng đội thế hệ 2016 thì còn cái đáng quan tâm hơn: Có đúng là Van Gaal nói riêng hay Man Utd “phát hiện” ra Rashford? Với một CLB có bề dày truyền thống, yếu tố lịch sử luôn đồng hành cùng sự phát triển xuyên thời gian của đội thì tính biểu tượng – những sản phẩm chính hiệu Carrington giới thiệu mới là điều cần trân trọng.

Rashford sẽ nối bước con đường của Rooney hay chìm nghỉm như Macheda?

Xin đính chính Van Gaal có công “nâng tầm”, song không trực tiếp “phát hiện” ra Rashford hay kể cả Lingaard, Borthwick-Jackson. HLV người Hà Lan và đội ngũ huấn luyện ở Old Trafford chỉ tiếp quản những công trình mà Fletcher Moss nhượng quyền. Chuyện bây giờ mới thực sự thú vị, bởi Fletcher Moss là một tổ chức bóng đá phi lợi nhuận vì cộng đồng.

Năm 1986, tại Công viên Fletcher Moss, phía Nam thành phố Manchester, đội bóng cùng tên ra đời sau khi Ron Jamieson, một trọng tài địa phương được mời về giám sát các trận đấu của những đứa trẻ trong khu vực hay ra đây tụ tập. Fletcher Moss trở nên nổi tiếng vì lối chơi đẹp và lối hành xử chuẩn mực Ăng-lê giữa các thành viên trong tập thể, nhã nhặn, lịch thiệp và hòa đồng.

Jamieson, người sau này thành chủ tịch CLB dựa vào mối quan hệ với giới chuyên môn xin được giấy phép thành lập học viện đào tạo trẻ từ FA. Từ năm 2001 đến nay, Fletcher Moss đã phát triển lên quy mô của một tổ hợp bóng đá chuyên nghiệp. Có cả thảy 17 CLB với đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Đáng chú ý, đây là nơi cung cấp nguồn hàng vô cùng chất lượng cho nhiều đội bóng chuyên nghiệp ở Anh, bao gồm Man Utd.

Theo ước tính của Jamieson, 29 tài năng đã chuyển đến Man Utd từ Fletcher Moss. Nổi bật có Wes Brown, Danny Welbeck, Ravel Morrison hay mới nhất là 3 sao mai đang thi đấu ở giải Ngoại hạng: Lingaard, Borthwick-Jackson và Rashford.

Điểm chung của những gương mặt này là chọn Fletcher Moss làm nơi khởi nghiệp, và được tuyển chọn bởi Ron Jamieson. Ngay từ lúc thành lập Fletcher Moss, Jamieson đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về y học thể thao trước khi đưa ra kết luận: Trẻ em thích bóng đá nên được huấn luyện bài bản từ lúc lên 5. Brown, Lingaard hay Rashford cùng đội U7 Fletchers Moss đều vô địch các giải hạt.

Sau này, do được Sir Alex tạo thêm công ăn việc làm (trong mạng lưới săn đầu người của Man Utd) nên Jamieson ưu tiên xuất sản phẩm chất lượng cao cấp sang Carrington. Bên cạnh đó, Fletcher Moss cũng từng hợp tác với 20 đội bóng chuyên nghiệp khác, trải dọc khắp lãnh thổ sương mù. Arsenal hay Liverpool không nằm ngoài cuộc chơi.

Man Utd về bản chất vẫn dùng tầm ảnh hưởng thương hiệu để chiêu mộ tài năng. Chỉ khác là thay vì mua sao số cho đội một, họ thu nạp dạng tiềm năng cho đội trẻ. Bản thân các quan chức ở Man Utd luôn vỗ ngực tự hào về lò Carrington, nơi trình làng thế giới thế hệ 1992, song sự thật là, đã từ lâu rồi, Man Utd không tự tay nhào nặn ra bất kỳ tài năng sáng giá nào. Họ vẫn đi vào lối mòn đang âm thầm hủy hoại nền bóng đá khai sinh ra môn thể thao: Dựa hơi lính đánh thuê.

Một đội như Man Utd cần một thế hệ 92 phiên bản mới, những người cả đời gắn bó với Man Utd. Wayne Rooney là thủ lĩnh hiện tại nhưng anh ta đến từ Merseyside. Bản sắc là thứ gì đó người như Rooney còn thiếu để bước vào ngôi đền huyền thoại tại Old Trafford.

Không dưới 4 lần, Rooney làm mình làm mẩy đòi ra đi để được tăng lương. Chuyện như thế không bao giờ xảy ra với Giggs, Scholes, Butt. Ai dám chắc những Rashford, Lingaard sẽ không ruồng bỏ Man Utd bởi bản thân họ chẳng hề mang trong mình dòng máu “Quỷ” thuần khiết.

Chẳng phải Wes Brown, Welbeck đã liên tục nảy sinh những bất đồng cùng BLĐ đội trước khi dứt áo ra đi vì không tìm được tiếng nói chung ư? Chính Welbeck thổ lộ trên Tạp chí Rabogna, Arsenal mới là mái nhà thật sự của mình.

Man Utd đạt tới tầm vóc lớn lao như ngày hôm nay nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa tiềm lực tài chính và bề dày lịch sử. Nếu Rashford thoát ra khỏi cái bóng của thần đồng mà Macheda bao trùm, lấy gì đảm bảo cậu ta không tìm tới chân trời mới khi đủ lông cánh? Một ngôi sao thực thụ tại Man Utd không đơn giản là chơi hay. Trên tất cả, ngôi sao ấy phải mang tính biểu tượng, là người con của đất Old Trafford! 

“Bóng ma” Rooney

Những ký ức tươi đẹp dường như đang ùa về. 12 năm trước, cũng ở tuổi 18 và 120 ngày như Rashford, Wayne Rooney xé lưới Arsenal và từng bước trở thành ngôi sao lớn. Bây giờ, Rashford cũng ra mắt khán giả Anh bằng màn trình diễn chói sáng trước Arsenal.

Tờ Mirror đưa tin, tài năng 18 tuổi lạnh lùng từ chối ký hợp đồng chuyên nghiệp, đi kèm mức lương 15.000 bảng/tuần, gấp 30 lần thù lao đang hưởng. Rashford đợi đến cuối mùa rồi mới đưa ra quyết định do lo ngại HLV Van Gaal mất chức. Nhưng nhiều khả năng, đó chỉ là chiêu trò của Rashford. Anh đang nằm chiếu trên trong cuộc đàm phán. Động thái từ chối vừa qua có vẻ là công cụ đánh bóng tên tuổi và đòi hỏi mức lương cao hơn con số 15.000 bảng kia trong chủ đích của Rashford, hệt như cái cách Rooney đánh tiếng sang Man City hay Chelsea ở thời điểm Man Utd cần luồng sinh khí mới thời hậu Ronaldo, Vidic.

“Thế hệ 2016” sẽ ra sao nếu Mourinho về Old Trafford?

Suốt hai tháng qua, thông tin Mourinho thay thế Van Gaal từ mùa sau tràn ngập mặt báo phương Tây. Nếu chuyện này thành sự thật, cơ hội cho Rashford, Lingaard thể hiện mình coi như không tồn tại.

Mourinho là HLV thích mua sắm, chiêu mộ ngôi sao và đẩy họ lên tầm cao mới. 10 năm qua, ông là chiến lược gia chi tiêu mạnh tay nhất thế giới, khoảng 619 triệu bảng. Mourinho không có thói quen chờ đợi những sao mai như Rashford trưởng thành vì phong cách của “Người đặc biệt” là chinh phạt các trận địa trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Mourinho không phải mẫu HLV lý tưởng cho một đế chế dài hạn với những kế hoạch dài hơi kiểu Arsene Wenger, Sir Alex.

Hồi còn dẫn dắt Real, Mourinho phát hiện ra Varane, đưa hậu vệ người Pháp về Bernabeu, song thẳng thắng thừa nhận: “Việc đào tạo cậu ấy là của người kế nhiệm tôi”. 

Đơn Ca
.
.
.