Lạc bước trong hành trình cảm xúc

Thứ Ba, 07/01/2020, 13:54
Diễn ra từ ngày 20-12-2019 đến ngày 23-2-2020, triển lãm “Tỏa 3” của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã gây ấn tượng mạnh với hơn 50 tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và quốc tế.


"Tỏa 3" giới thiệu đến công chúng hơn 50 tác phẩm thuộc nhiều ngôn ngữ nghệ thuật: hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, video, sắp đặt và ý niệm của 8 nghệ sĩ: Quỳnh Lâm, Phan Anh, Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Văn Duy, Lương Trịnh và hai nghệ sĩ quốc tế là Tristan Jalleh (Australia) cùng cặp đôi Caleb Stein - Andrea Orejarena (Anh, Colombia).

Tới “Tỏa 3”, người xem sẽ trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc, từ những phút lặng lẽ trước sự đổi thay của cuộc sống tới những câu nói không đầu, không cuối, rất đời thường nhưng đầy suy tư.

Bước vào không gian triển lãm, công chúng bất giác thấy nhỏ bé khi đứng trước tác phẩm điêu khắc “Apollo và Tô” cao 5m của nghệ sĩ Nguyễn Đình Phương. Bức tượng làm bằng xốp và đất sét được đặt ở trung tâm của triển lãm “Tỏa 3” khiến bất kỳ ai cũng không khỏi suy tư trước những đường nét cắt gọt như nếp gấp thời gian hằn trên gương mặt Apollo.

Khu vực skydome (giếng trời) tràn ngập ánh sáng tự nhiên tại VCCA.

Đứng lặng lại, ngước nhìn “người khổng lồ” và chú chó dưới chân, vô vàn câu hỏi bỗng xuất hiện: Tại sao lại là Apollo? Hay tại sao ánh mắt của chú chó lại mang chút buồn bã? Tô chờ đợi điều gì ở con đường nhỏ trước mặt? Apollo đang nhìn xuống và thấy gì về chúng ta - những con người đang ngước mắt nhìn lên vị thần Hy Lạp? Tất cả chính là sự truy vấn về con người trong vòng quay của cuộc sống.

Với thiết kế không gian theo lối phi tuyến, các tác phẩm không được trưng bày trên cùng một không gian, người xem có thể tự lạc bước chân, chọn cho mình một góc để suy tư với những tác phẩm nằm ẩn trong từng căn phòng kín đáo.

Các tác phẩm điêu khắc của Lương Trịnh trên đá đen được đặt tiếp nối ngay sau đó. Trong không gian sáng tối đan xen, những tác phẩm đá nằm lặng lẽ như một sự tĩnh lặng xoa dịu tâm trạng, kéo người xem vào hành trình thời gian, đi tìm cội nguồn của sự tồn tại. 

Tác phẩm “6 mét vuông từ năm 79” của nghệ sĩ Phan Anh.

“Khởi nguồn của sắc màu” của tác giả Quỳnh Lâm khiến khán giả có cảm giác bước vào cánh đồng hoa. Thế nhưng, trên cánh đồng ấy, Quỳnh Lâm khiến người xem phải suy tư vì sự tàn lụi của những đóa hoa. Đó là điều tất yếu phải xảy đến như quy luật chung của tự nhiên. Nhưng, trong dòng chảy của thời gian, sự lụi tàn đó cũng có thể là mở màn cho một khởi đầu mới.

Nguyễn Đình Phương lần đầu tiên thực hiện sắp đặt kích thước lớn gồm video và một bức tượng bằng đất sét khổng lồ (cao 5m) thể hiện sự truy vấn về con người trong vòng quay của cuộc sống hiện đại. Tác phẩm sắp đặt công phu bằng gỗ của Phan Anh là nỗ lực đi tìm căn tính của chính mình thông qua câu chuyện lịch sử cá nhân và truyền thống gia đình.

Với tác phẩm “Đây là câu chuyện của tôi đấy” vẽ bằng acrylic trên tường, Nguyễn Văn Duy lại đặt ra vô vàn câu hội thoại với chính mình. Những câu chuyện không đầu, không cuối, tưởng chừng như ngây ngô. Thế nhưng, có lẽ đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có lúc nói những điều tương tự với bản thân mình. 

Trong khi đó, loạt tác phẩm điêu khắc của Lương Văn Trịnh là sự kết hợp điêu luyện của chất liệu truyền thống với những khám phá mới, vừa có phần trữ tình, lặng lẽ nhưng cũng không kém phần nội lực.

Tác phẩm “Khởi nguồn của sắc màu” của tác giả Quỳnh Lâm.

Ở một góc yên tĩnh khác, tác phẩm sắp đặt “6 mét vuông từ năm 79” với câu chuyện từ hiện thực của chính gia đình tác giả Phan Anh tái hiện câu chuyện về người bà, về gia đình như một lời nhắc nhở tới cội nguồn, về những nỗ lực mưu sinh trong cuộc sống vốn khắc nghiệt. Những khung cửa sờn màu, ngổn ngang chất chứa suy tư về sự “vật đổi sao dời” của thời gian, không gian và cả cuộc đời con người.

Điều đặc biệt của "Tỏa 3" là không chỉ giới hạn trong nghệ thuật của người Việt mà còn nỗ lực đa đạng hóa và hướng tới cộng đồng quốc tế. Ngoài sự tham gia của 6 nghệ sĩ trong nước, triển lãm lần này có sự góp mặt của các nghệ sĩ nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội, phản ánh những góc nhìn đa chiều và sự gắn kết mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam.

Tác phẩm “Đây là câu chuyện của tôi đấy” của tác giả Nguyễn Văn Duy.

Series tác phẩm của nhóm tác giả Andrea Orejarena và Caleb Stein là những khoảnh khắc đời thường được tái hiện trong nhiều chất liệu cũng như cách thức khác nhau, từ in phóng ảnh trên giấy bạc, carbon, in lụa, cho tới tranh vẽ mực, tranh màu nước và cả video được dàn dựng lồng ghép công phu và tỉ mỉ.

Triển lãm "Tỏa 3" do Tiến sĩ Mizuki Endo - Giám đốc Nghệ thuật VCCA đồng giám tuyển cùng nhà nghiên cứu - giám tuyển nghệ thuật độc lập Đỗ Tường Linh. Các tác phẩm tại “Tỏa 3” mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ với những thử nghiệm táo bạo.

Giám tuyển Đỗ Tường Linh đánh giá "Tỏa 3" là một cuộc hội tụ phong phú và đầy màu sắc của những nghệ sĩ trẻ năng động và tài năng nhất đến từ Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Triển lãm mang đến cho các khán giả thủ đô một trải nghiệm sâu sắc và tinh tế không chỉ về thẩm mỹ mà cả những khám phá mới mẻ về những vùng tưởng tượng của tâm thức.

Các tác phẩm điêu khắc làm bằng đá đen của nghệ sĩ Lương Trịnh.

Nhận xét về chuỗi triển lãm "Tỏa", Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo hy vọng mô hình này sẽ mang đến cho các nghệ sĩ trẻ cơ hội giới thiệu đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, góp phần thúc đẩy các giá trị thẩm mỹ mới. 

Ông chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật mới đến cùng những hình thức giám tuyển và triển lãm mới, những khán giả mới... đang tạo nên nền tảng định hình “cái chất” của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong tương lai. 

8 nghệ sĩ tham gia triển lãm “Tỏa 3” đều còn rất trẻ nhưng đều đã từng có những triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm chung:

Nguyễn Quỳnh Lâm (sinh năm 1988) tốt nghiệp Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Đại học Kiến trúc. Phan Anh (sinh năm 1990) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. HCM và Thạc sĩ Mỹ thuật tại trường Utrecht School of the Arts (Hà Lan). Nguyễn Đình Phương (sinh năm 1989) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Văn Đủ (sinh năm 1986) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh khoa Sơn dầu. Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1989) tốt nghiệp Cử nhân Hội họa, Đại học Nghệ thuật Huế. Lương Văn Trịnh (sinh năm 1988), tốt nghiệp cử nhân và cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành Điêu khắc. Tristan Jalleh (sinh năm 1979), nghệ sĩ video art đến từ Australia, anh nổi tiếng với các tác phẩm không chỉ đặc biệt cuốn hút về mặt thị giác mà còn truyền tải ý niệm sâu sắc. Andrea Orejarena (sinh năm 1994, Colombia) và Caleb Stein (sinh năm 1994, Anh) là bộ đôi nghệ sĩ đa phương tiện hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Dự án nghệ thuật của họ tại Việt Nam khám phá bản chất của ký ức chiến tranh thông qua sự kết hợp của video, hội họa, nhiếp ảnh, được thực hiện tại Làng Hữu Nghị Việt Nam với sự hợp tác của các cựu chiến binh và con cháu của họ.

Thanh Tuyền
.
.
.