Lại bàn về sự chuyên nghiệp

Thứ Hai, 23/12/2013, 16:50

Cuối tuần trước, khi Arsenal thất bại 3-6 trên sân Man City, dù buồn bã, thất vọng lắm, nhưng tất cả các cầu thủ Arsenal đều vỗ tay, hướng về phía khán đài có các ủng hộ viên trung thành của CLB với cái nhìn tri ân cùng cái vẫy tay chào đầy thân thiện. Chỉ duy nhất một cầu thủ không làm việc đó, với lý do duy nhất: vì quá buồn. Đó là Mezut Ozil, tân binh người Đức của Arsenal. Và lập tức, Mertesacker, một đồng đội của Ozil ở cả Arsenal lẫn ĐT Đức đã lại gần, chỉ thẳng vào mặt Ozil và mắng cầu thủ ấy vì thái độ mà anh đã dành cho khán giả.

Mertesacker cho Ozil biết, tri ân khán giả ủng hộ mình, bất chấp thua hay thắng, là văn hóa ứng xử chung của Arsenal và Ozil nên học lấy văn hóa ấy nếu muốn được chấp nhận ở CLB.

Ngay đêm đó, Ozil đã lên trang cá nhân của mình và nói lời xin lỗi vì hành động của mình, cũng như gửi lời cảm ơn muộn màng tới những ủng hộ viên đã lặn lội từ London đến Manchester xem đội thi đấu. Câu chuyện nhỏ này cho thấy rõ một điều, những ủng hộ viên luôn yêu mến cầu thủ của đội bóng không phải bởi họ tài năng mà bởi thái độ của họ đối với cộng đồng, một nguyên tắc bất thành văn tối quan trọng của bóng đá.

Trong khi đó, ở London, Luis Suarez đã ghi hai bàn thắng, kiến tạo 3 đường chuyền thành bàn cho đồng đội để giúp Liverpool đè bẹp Tottenham 5-0 ngay trên thánh địa White Hart Lane của đối thủ. Và người Anh đã nhìn thấy một Suarez khác hẳn với chính anh kể từ khi trở lại sau án treo giò kéo dài từ cuối mùa trước. Đó là một Suarez chơi bóng thượng võ hơn, không ăn vạ, không chơi tiểu xảo, không phát ngôn bừa bãi. Có lẽ, Suarez đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với tập thể, trách nhiệm thể hiện tinh thần đội bóng chứ không chỉ đơn thuần là chơi cho hay, đá cho giỏi.

Trước khi hai câu chuyện trên xảy ra chưa lâu, tân binh Negredo của Man City đã nhận xét về bóng đá Anh rằng: “Ở Anh, khi ở trong sân cỏ, anh phải thực hiện những yêu cầu chính đáng của ủng hộ viên. Còn bước ra khỏi sân rồi, ủng hộ viên sẽ không đòi hỏi anh nữa bởi họ tôn trọng đời sống riêng của anh. Đơn giản, họ ý thức rõ ràng rằng, trong sân vận động, cầu thủ đang làm việc và bởi thế, các nghĩa vụ với người hâm mộ cũng chính là một phần công việc của họ”. Và tất cả những ví dụ nêu trên cho thấy một điểm nổi bật chung, đó chính là SỰ CHUYÊN NGHIÊåP.

U23 Việt Nam đã rời Sea Games, rời Myanmar với lời xin lỗi của HLV Hoàng Văn Phúc. Lời xin lỗi đó chắc chắn sẽ được người hâm mộ chấp nhận nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ so với chuẩn mực của sự chuyên nghiệp. Đã không có một lời cảm ơn nào của cái đội tuyển thất trận ấy dành cho những người hâm mộ, chí ít là những người bỏ tiền túi theo chân họ sang Myanmar cổ vũ họ thi đấu. Thậm chí, trong hai trận thắng “bèo nhèo” của họ trước Brunei và Lào, có những bàn thắng được ghi xong mà cầu thủ còn chẳng thèm ăn mừng. Tất cả những hành vi đó của họ khiến chúng ta phải nghĩ một điều: “Họ đang chơi bóng vì cái gì?”.

Cách U23 Việt Nam rời sân (ảnh Đông Huyền).

Và tự nhiên, chúng ta cũng đều nhận ra rằng, từ xưa tới giờ, các cầu thủ của chúng ta chưa bao giờ biết cảm ơn người hâm mộ khi họ thất bại cả. Chỉ khi thành công thì họ mới nhớ tới người hâm mộ mà thôi. Còn khi thất bại, người hâm mộ với nỗi buồn còn lớn hơn họ đã và đang ở đâu? Phải chăng, LĐBĐ Việt Nam chưa biết đặt ra một chuẩn mực văn hóa cho những con người đang khoác lên mình bốn chữ “bóng đá chuyên nghiệp” kia?.

Sau thất bại này, có rất nhiều người hâm mộ Việt Nam chắc sẽ buồn lắm. Không phải vì chuyện ĐT U23 bị loại mà bởi họ hiểu rằng, vậy là VFF lại tiếp tục tập trung đầu tư thêm 2 năm nữa (ít ra là vậy) cho cuộc săn vàng Sea Games, một sân chơi làng nhàng. Người hâm mộ không còn muốn thấy VFF cứ mê muội với mục tiêu vàng Sea Games mà quên đi rằng, cả nền bóng đá đang cần đầu tư ở rất nhiều trọng điểm khác nữa và ước mơ của người hâm mộ cũng lớn hơn Sea Games nhiều lần. Chẳng ai cần vàng Sea Games cả nếu như vàng ấy không mang lại cơ hội cho bóng đá Việt Nam ở những sân chơi lớn hơn như Asian Cup hay xa hơn nữa là World Cup.

Thuở sơ khai, nếu con người chỉ tập trung chăm chăm vào mỗi việc “làm sao để săn bắn hiệu quả hơn” thì chắc chắn loài người không bao giờ biết chăn nuôi cả. Sự mê muội vào một mục tiêu duy nhất, cũng giống như chuyện đi học toán mà cứ chỉ chăm chăm vào một bài toán duy nhất, mà không dành thời gian, sức lực, tiền của cho những mục tiêu khác, những bài toán khác chính là nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu. Và bóng đá Việt Nam có đang lạc hậu hay không? Câu trả lời độc giả đều nắm rõ.

Xem ra, cái sự chuyên nghiệp thực sự ở bóng đá xứ ta hình như vẫn chưa có, dù là ở cấp độ hành vi xử sự của cầu thủ hay cấp độ thượng tầng là sách lược, tầm nhìn của lãnh đạo liên đoàn…

Hà Quang Minh
.
.
.