Lại là chuyện phép vua thua lệ làng

Thứ Sáu, 21/11/2014, 15:25
Trong lúc người hâm mộ cả nước đang hưng phấn tột độ với những cầu thủ trẻ của lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai thì Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ 2014-2018 đã diễn ra với quy định mới về cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch ở V. League 2015.

Theo đó, mỗi đội tham dự V. League được sử dụng 2 cầu thủ nước ngoài cùng 1 cầu thủ nhập tịch và định mức này cho các đội hạng Nhất là 1 cầu thủ nước ngoài cùng 1 cầu thủ nhập tịch. Vẫn biết, đây là cuộc chơi riêng của một tổ chức phi chính trị nhưng xem ra luật chơi của nó đang vi phạm Hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đó cũng là bằng chứng xác thực nhất cho chuyện “phép vua” lại tiếp tục chịu thua “lệ làng”.

Từ năm 1945, ở những ngày đầu lập nước sau 1 thời gian dài bị đô hộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một sắc lệnh mà trong đó quy định rất rõ ở điều III rằng "Người đã nhập quốc tịch Việt Nam được hưởng đủ quyền lợi và phải chịu tất cả nhiệm vụ của một công dân Việt Nam". Đây là một sắc lệnh cho thấy tầm nhìn xa của một nhà nước non trẻ khi hướng tới chuyện một quốc gia cởi mở sẵn sàng đón nhận những nhân tài đến từ những quốc gia khác, chủng tộc khác.

Với sắc lệnh này, những người nước ngoài có tình cảm với Việt Nam, những kiều bào muốn quay lại quê hương đóng góp cho mảnh đất cha ông của mình đều được hưởng trọn vẹn quyền lợi cũng như phải gánh vác đầy đủ trách nhiệm của một công dân Việt Nam, bình đẳng như bất kỳ ai khác. Tiếp tục với sắc lệnh ấy, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 cũng quy định rất rõ rằng "Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam" và "Công dân Việt Nam được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật." (điều 5-chương I-Luật Quốc tịch).

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Như vậy, rõ ràng, chủ trương của Nhà nước vẫn trước sau như một, mở rộng cánh cửa đối với những người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam bất kể nguồn gốc dân tộc của họ là ai. Và chính vì thế, trong xã hội Việt Nam hiện nay không thiếu những công dân Việt là người thuộc chủng tộc khác vẫn đang ngày ngày đóng góp vào sự phát triển chung.

Vậy mà những cầu thủ bóng đá ngoại nhập, sau một thời gian gắn bó với môi trường Việt Nam, lập gia đình tại Việt Nam, sinh con đẻ cái tại Việt Nam lại bị giới hạn quyền lợi bởi một cái lệ của mấy vị có quyền “cầm cân nảy mực” trong làng bóng đá. Có thể họ lấy lý do nếu ưu ái cầu thủ ngoại nhập tịch quá thì không có chỗ cho cầu thủ gốc Việt phát triển nhưng đó chính là sự can thiệp phi lý và phi tự nhiên. Cạnh tranh sòng phẳng là môi trường văn minh nhất để con người tiến bộ. Ngăn chặn cạnh tranh sòng phẳng bằng những “hạn mức” thiên vị, ưu ái chính là chống lại sự vận động tự nhiên và chỉ khiến cầu thủ gốc Việt không phát triển mạnh mẽ hết tiềm năng mà thôi.

Nên nhớ, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do lao động ở những lĩnh vực pháp luật không cấm. Tự do lao động cũng chính là tự do mưu cầu hạnh phúc riêng, mưu cầu một đời sống vật chất ổn định. Việc ngăn cản công dân Việt Nam được mưu cầu những quyền lợi chính đáng đó có thể nói là hành vi vi hiến nặng nề nhưng lại được hậu thuẫn bởi những sự đồng thuận của một cái “làng” vốn dĩ  lắm chuyện lùm xùm. Và chính những quy định vi hiến ấy không khỏi khiến người hâm mộ phải nghĩ rằng "Liệu chăng, đó có phải là phép dọn đường để đội Hoàng Anh Gia Lai của ông Phó chủ tịch LĐBĐ VN Đoàn Nguyên Đức dễ thở hơn khi đá V. League với bộ khung toàn những cầu thủ Việt Nam dưới 19 tuổi?"

H.Anh
.
.
.