Làm bóng đá bằng cái gì???

Thứ Năm, 21/11/2013, 16:44

Trong cuộc phỏng vấn mới đây nhất của HLV trưởng ĐT Đức, ông Joachim Low, với tờ The Times, vị HLV trẻ tuổi điển trai ấy đã khẳng định rất rõ về những thay đổi triệt để mà nền bóng đá Đức đã thực hiện suốt hơn 10 năm qua. Đó là sự thay đổi mang tính hệ thống, đi từ chi tiết nhỏ nhất cho tới những quyết sách vĩ mô nhất.

Joachim Low đã nhận xét thẳng thừng rằng “tôi chỉ bắt đầu tạm yên tâm về chất lượng đội tuyển kể từ sau năm 2010 mà thôi”. Ông chỉ ra rất rõ rằng bóng đá Đức trước đây vốn dĩ mắc một nhược điểm lớn là xử lý bóng chậm chạp. Ông tính toán rất cụ thể, ở thời kỳ 2008, khoảng thời gian trung bình kể từ khi nhận bóng đến khi chuyền bóng của mỗi tuyển thủ Đức thường kéo dài 2,8 giây và điều đó khiến nhịp chơi bóng của tuyển Đức luôn chậm hơn các đối thủ mạnh mẽ khác.

Và lập tức, Low yêu cầu khoảng thời gian ấy phải được rút ngắn lại ít nhất là một nửa. Chỉ sau đo áhơn 2 năm, thời gian xử lý bóng của các tuyển thủ Đức đã rút xuống chỉ còn khoảng 1 giây và hiện nay, họ đã có những trận có thể chỉ mất 0,8-0,9 giây cho việc xử lý bóng mà thôi.

Đó là một ví dụ vô cùng điển hình của cuộc cách mạng bóng đá Đức, cuộc cách mạng quyết liệt đến mức độ không chấp nhận bất kỳ một chi tiết nhỏ nào chưa hoàn chỉnh. Nhưng thành tựu không chỉ được xây dựng từ việc sửa chữa từng chi tiết một như vậy mà phải đến từ cả những cách tân mang tính hệ thống và có tầm vóc vĩ mô. "Có một sự kết hợp hoàn hảo giữa LĐBĐ Đức với các CLB của chúng tôi trong việc thay đổi tư duy làm bóng đá",

Joachim Low tiết lộ, "Chúng tôi tập trung vào việc đào tạo trẻ một cách nhất quán nhất về kỹ-chiến thuật và quan trọng là sự tin tưởng mà chúng tôi dành cho những cầu thủ trẻ ấy, sự tin tưởng thể hiện bằng chính việc tạo cơ hội cho họ được ra sân thường xuyên hơn". Những gì Low nói đều đã được kiểm chứng từ cấp ĐTQG cho tới các CLB ở Bundesliga. Chính nhờ hệ thống đào tạo với nhiều đổi mới ấy, kết hợp với sự tin tưởng dành cho những người trẻ mà bóng đá Đức đã giới thiệu được nhiều “gương mặt vàng” suốt thời gian qua như Gotze, Ozil, Muller, Reus…

Cách đây chưa lâu, có những phân tích về bóng đá Bỉ cũng đã chỉ ra rằng sự hợp tác, tương hỗ giữa LĐBĐ Bỉ với các CLB của họ cũng rất tốt và chính vì thế, Bỉ cũng đưa ra được một thế hệ cầu thủ mới giàu chất lượng mà điển hình là Hazard, Dembele, Fellaini, Januzaj… Các CLB Bỉ nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ LĐBĐ của họ trong công tác đào tạo trẻ, chia sẻ các tài nguyên đào tạo cũng như chia sẻ các giáo trình mang tính tương tác cao giữa các học viện với nhau. Câu chuyện của bóng đá Bỉ cũng khá tương đồng với câu chuyện bóng đá Đức và dường như nó cho thấy đó chính là hướng đi của thời đại mà ngay cả các nền bóng đá lớn như Anh, Pháp, TBN cũng đang muốn học theo một cách vô cùng cầu thị.

Rõ ràng, ở Đức, ở Bỉ hay ở Anh, Pháp, TBN, người ta làm bóng đá bằng cả cái tâm lẫn cả cái đầu và dám dẹp bỏ cái tôi cũ kỹ của mình vì đại cục. Và từ câu chuyện ấy của họ, ngẫm về chuyện bóng đá xứ ta, tự nhiên thấy buồn nản đến bi kịch…

Thực tế, chất lượng của nền bóng đá Việt Nam đang đi xuống rất rõ rệt trong nhiều năm qua mà cụ thể nhất là ở chất lượng chuyên môn của cầu thủ. Những trường hợp cá biệt như học viện trẻ của HAGL cũng không đủ khoả lấp đi nỗi âu lo thực sự của việc một loạt trung tâm đào tạo truyền thống không “ngắc ngoải” thì cũng “qua đời” mà điển hình là Nam Định, Thể Công, Hải Phòng… Và điều đáng buồn hơn cả là LĐBĐ gần như không có một động thái nào mỗi khi có một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trở nên nguy cấp. Dường như, giới quan chức Liên đoàn luôn suy nghĩ rằng “đã xã hội hoá rồi thì để xã hội lo” thì phải.

Cách đây gần 20 năm, khi đội bóng Công an Hà Nội vẫn còn, trên áo thi đấu của họ đã từng có một thương hiệu tầm đẳng cấp quốc tế là "ABN-Ambro", một ngân hàng lớn cũng đang quảng cáo trên áo đấu Ajax Amsterdam khi ấy. Còn hôm nay, trên áo đấu của mười mấy đội “chuyên nghiệp” V-League, không có lấy một thương hiệu nào mang tầm vóc quốc tế cả. Nên nhớ, thương hiệu mạnh sẽ đi cùng thương hiệu mạnh. Và khi các thương hiệu quốc tế “chê” bóng đá Việt, chắc chúng ta tự hiệu bóng đá chúng ta “mạnh” đến mức nào.

Câu trả lời cho chuyện dài về cách làm bóng đá ở Việt nam chẳng cần nói ra ai cũng rõ. Chỉ một ví dụ cuối thôi cũng khiến mọi thứ thêm tỏ tường. Đó là chỉ có mỗi một cái đại hội Liên đoàn mà còn làm không xong (phải dời đi dời lại mấy lần từ ngày 05/06/2013 cho tới tận năm sau) thì thử hỏi LĐBĐ Việt nam sẽ làm được cái gì ra hồn cho nền bóng đá vẫn luôn có lực lượng ủng hộ viên hùng hậu nhất khu vực này???

Bi kịch của bóng đá Việt là thế!

Hà Quang Minh
.
.
.