Làm mới nhạc xưa: Đâu là giới hạn?

Thứ Bảy, 13/04/2019, 14:14
Gần đây, bên cạnh sự phát triển rầm rộ của nhạc trẻ còn là xu hướng quay về nghe lại nhạc xưa - những bản nhạc một thời đã in đậm trong trí nhớ của khán giả. Để đáp ứng nhu cầu có thật đó, nhiều nghệ sĩ đã liên tục cho ra đời các sản phẩm âm nhạc, cover lại các ca khúc cũ được yêu thích, dĩ nhiên có sự làm mới, làm lạ đi để tạo dấu ấn riêng.


Nhưng làm mới như thế nào lại là một câu hỏi lớn, bởi vì có không ít sự làm mới các giá trị cũ đã nhanh chóng nhận được sự phản ứng tiêu cực từ khán giả, thậm chí bị tẩy chay.

Năm vừa rồi, NSND Thái Bảo phát hành đĩa CD nhạc xưa mang tên “Giấc mơ vô thường”. Là một ca sĩ “chuyên trị” các ca khúc nhạc đỏ, nhạc cách mạng, nhưng chị vẫn mạnh dạn đầu tư một sản phẩm nhạc xưa.

Trong CD “Giấc mơ vô thường” Thái Bảo hát lại một loạt ca khúc nhạc xưa nổi tiếng như Bài không tên số 2, Bài không tên cuối cùng (Vũ Thành An), Ướt mi (Trịnh Công Sơn) Cho người tình lỡ (Hoàng Nguyên), Thu sầu (Lam Phương), Sang ngang (Đỗ Lễ), Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Mùa đông của anh (Trần Thiện Thanh)…

Nữ ca sĩ Đồng Lan làm mới nhạc Trịnh trong album mới.

Nói về quan điểm làm mới các ca khúc nhạc xưa, NSND Thái Bảo chia sẻ: “Khi hát những ca khúc đã quen thuộc từ lâu, bạn phải tạo ra được một dấu ấn riêng đủ mạnh thì mới có thể chinh phục khán giả.

Bạn hát giống những người đi trước thì bạn tự xóa mình. Bạn hát dở hơn những người đi trước, bạn cũng không có cơ hội được nhớ đến. Làm mới, ở một nghĩa nào đó là bắt buộc, là cần thiết, nếu không bạn ra sản phẩm chỉ tốn công sức.

Nhưng làm mới như thế nào lại là một câu chuyện phải cân nhắc. Khi hát dòng nhạc nào đó, bản thân tôi trước hết phải hiểu sâu sắc về dòng nhạc đó. Mỗi bài hát đã quen thuộc đều mang một câu chuyện đẹp trong nội dung của nó. Tôi phải đảm bảo rằng mình cảm thấu hết nội dung của từng ca khúc, hiểu được rõ ràng thông điệp mà tác giả gửi gắm vào ca khúc đó.

Tôi nghĩ rằng, làm mới thế nào cũng phải giữ cho được tinh thần gốc của ca khúc, không được làm sai lệch nó đi. Khi tôi hát những bản nhạc xưa, trước tiên tôi cần những bản phối mới, và phải làm việc với nhạc sĩ phối khí thống nhất phương án.

Riêng cách hát thì tôi không chủ trương bóp méo hay vặn vẹo gì cả, tôi vẫn hát trung thực với cảm xúc của mình về ca khúc. Mình là nghệ sĩ sống trong thời đại hôm nay thì đương nhiên giọng hát mình cũng chứa tinh thần thời cuộc hôm nay, vấn đề chỉ là hát sâu sắc, trung thực với cảm xúc của mình.

Làm lạ hóa đi hay dị hóa đi đến mức người nghe phải ngạc nhiên thì tôi không chủ trương. Các giá trị đã trở thành cổ điển rồi, theo tôi, vẫn phải giữ cái chất cổ điển đó, không nên nhân danh làm mới mà đánh mất nó đi. Chẳng hạn như biến bolero thành rock thì không được”.

Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng có quan niệm làm mới nhạc xưa như Thái Bảo. Để gây được ấn tượng mạnh, thậm chí là gây sốc trong công chúng, một số ca sĩ đã không ngần ngại làm mới tới bến, cố ý tạo ra những tranh cãi trong dư luận. Chẳng hạn, ca sĩ Hà Trần làm mới nhạc xưa bằng 2 album “Tình ca qua thế kỷ” đã khiến cho dư luận chia thành 2 phe.

Một phe ủng hộ việc đổi mới cách hát của ca sĩ. Một phe phản đối vì cho rằng sự “phá cách” của cô làm hỏng nhạc xưa - những bản nhạc đã cực kỳ quen thuộc với khán giả. Bản thân nữ ca sĩ khi dấn thân cover lại những bản nhạc cũ cũng không định chia khán giả thành 2 nhóm như vậy.

Ca sĩ Đức Tuấn tạo dựng tên tuổi bằng hát nhạc xưa.

Cô đơn giản chỉ muốn phá bỏ những hình dung cố hữu về một bài hát, để “áp đặt” một cái tôi riêng của mình lên đó. Những bản nhạc bolero hay thậm chí là những ca khúc cách mạng được nữ ca sĩ hát theo một phong cách khá tự do, phóng túng, không theo lề lối cố định nào cả.

Cho đến nay, đánh giá về mức độ thành công hay không của những đĩa CD hát nhạc xưa của Hà Trần vẫn dừng lại ở mức độ thử nghiệm. Nó gây dư luận vì có những tranh cãi trái chiều chứ không hẳn là tạo ra tiếng vang về chất lượng.

Một nữ ca sĩ gây tranh cãi nữa là Phương Thanh. Album “Chanh Bolero” của cô cũng tạo ra nhiều ý kiến khác nhau về việc hát như vậy là làm mới hay làm hỏng nhạc bolero.

Tiếc là các ca sĩ như Hà Trần hay Phương Thanh chỉ dừng lại ở 1 vài sản phẩm làm mới, không tiếp tục con đường làm mới đó để phân định với khán giả cách đi của mình là đúng hay không. Riêng ca sĩ Lệ Quyên làm được việc này. Ban đầu cách cô hát bolero kiểu mới bị nhiều khán giả phản ứng. Họ cho rằng chất giọng trầm khản, cột hơi đoản như cô không phù hợp với bolero.

Tuy nhiên, sau nhiều năm chung thủy với dòng nhạc này, với cách hát riêng và lạ của mình, cô đã được công chúng chấp nhận và thậm chí càng ngày càng được yêu mến, trở thành một “nữ hoàng phòng trà”.

Tuy nhiên, những ví dụ làm mới nhạc xưa thành công luôn ít hơn những ví dụ làm mới nhạc xưa bị thất bại. Ca sĩ trẻ Quách Tuấn Du từng cố tình gây sốc bằng cách pha trộn kiểu “giật gân” vào bolero và bị khán giả tẩy chay ngay lập tức.

Một số ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Thùy Chi, Trúc Nhân, Phương Vy… đã từng cover lại các ca khúc cũ, một thời làm mưa làm gió trong đời sống âm nhạc, nhưng họ chưa gặt hái được nhiều thiện cảm trong khán giả, bởi lẽ họ mới chỉ dừng lại ở việc “làm mới” hình thức. Nghĩa là mới chỉ lạ hơn trong cách hát, cách ngắt chữ phối nhạc, chứ chưa thực sự mang đến những biên độ mới trong cảm xúc của người nghe.

Điều này cũng khó đòi hỏi, vì các ca sĩ trẻ thì chưa có nhiều vốn sống, trong khi những ca khúc nhạc xưa là các giá trị đã vượt qua thời gian, được khẳng định bởi thời gian. Người nghe những ca khúc đó ngoài giới trẻ ra còn là những người đã lớn tuổi, nhiều trải nghiệm.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn là một ca sĩ trẻ khá thành công trong việc cover lại những ca khúc nhạc xưa chia sẻ: “Hát một ca khúc xưa cũ, bạn không thể nói đơn giản là vì khán giả yêu nó mà tôi yêu nó. Cần phải nói ngược lại, rằng tôi hát lại ca khúc đó vì tôi quá yêu nó. Phải yêu và phải thực sự hiểu ca khúc cũ đó rồi hãy bắt đầu công việc làm mới. Và làm mới nếu không đủ độc đáo trong hòa âm phối khí, hãy cứ “mộc” hát. Hãy lấy cái sự “làm mới” trong cảm xúc mà bắt đầu”.

Nữ ca sĩ Mỹ Linh là người đầu tiên soạn lời cho những bản nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới trong dự án “Chat với Mozar”.

Xét cho cùng, mới trong cảm xúc là khó nhất, khi bạn hát một ca khúc nhạc xưa vô cùng quen thuộc. Khi cảm xúc của bạn mới, người nghe sẽ thấy thích thú. Nghệ sĩ phải chấp nhận rằng, khi công chúng tìm đến nghe lại một ca khúc nhạc xưa, công chúng sẽ khó tính hơn nhiều khi nghe một bản nhạc lần đầu tiên.

Nam ca sĩ Đức Tuấn có lẽ là một nghệ sĩ trẻ được yêu mến nhất hiện nay khi kiên trì theo đuổi những ca khúc nhạc xưa. Anh hát nhạc trữ tình, bolero của các tác giả nổi tiếng rất được lòng khán giả.

Khi được hỏi về công việc chinh phục những bài hát cũ khó khăn như thế nào, Đức Tuấn nói: “Một người muốn thành danh trong các giá trị cũ, trước tiên phải là người yêu mến, trân trọng các giá trị cũ đó. Đối với tôi, mỗi bài hát cũ còn lại qua thời gian là một di sản văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà công chúng nhiều thế hệ mê say, đắm đuối một ca khúc cũ.

Khi đã hiểu về các giá trị cũ như vậy, thì tinh thần của một người nghệ sĩ trẻ như tôi là phải giữ gìn, nâng niu, tôn vinh, lan tỏa các giá trị đó cho hôm nay, cho mai sau. “Làm mới” là nâng các giá trị đó lên, không phải làm méo mó hay quái dị nó đi”.

Quả thật, những giá trị cũ, khi bạn tìm đến với nó, nó đã được khẳng định, đã chịu mọi thử thách của thời gian. Đến lượt nó sẽ thử thách những nghệ sĩ trẻ, bằng tình yêu của chính họ với các giá trị văn hóa, cũng như mong muốn được làm mới mình trong dòng chảy đó.

Đấy là lý do chỉ những ca sĩ có nền tảng văn hóa sâu sắc mới có thể lĩnh hội và thể hiện lại thành công những ca khúc nhạc xưa. Họ biết cách làm mới những bài hát cũ từ nội lực sâu trong chính mình, không vay mượn những cái bên ngoài, vì hiểu rằng sự hời hợt đó sớm muộn sẽ bị công chúng tẩy chay.

Trước đây ở hải ngoại, có một thời điểm một làn sóng nghệ sĩ đua nhau làm mới các bản nhạc bolero được yêu thích. Tuy nhiên, làn sóng đó không tồn tại được lâu. Các nghệ sĩ nhanh chóng hiểu ra được rằng, trong bolero, nếu nghệ sĩ quá lạm dụng kỹ thuật hay cách hát, thì nó sẽ bị biến dạng, không còn ra chất của nó nữa.

Cuối cùng, các nghệ sĩ quay về với các giá trị ban đầu, vì họ hiểu rằng, mọi sáng tạo cần phải dựa trên tinh thần gìn giữ các giá trị văn hóa đẹp đẽ trong âm nhạc nhiều thế hệ đã để lại. Một sự làm mới phù hợp, rất tiếc, không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng nhận thức được, khi trình bày những ca khúc nhạc xưa.

Xuân Tình
.
.
.