Làm mới nhạc xưa: Không phải thích làm gì thì làm

Chủ Nhật, 02/06/2019, 20:08
Không đơn thuần là hòa âm, phối khí mang lại hơi thở mới cho ca khúc nhạc xưa, giờ đây, ca sĩ trẻ còn “phái sinh” nữa. Tuy nhiên, làm mới nhạc xưa không có nghĩa thích làm gì thì làm. Khi tham gia vào một cuộc chơi sáng tạo hoặc đồng sáng tạo, vẫn có những “ngưỡng” giới hạn mà người chơi (dù muốn hay không) phải tuân thủ nguyên tắc.


Tùy tiện khoác áo mới cho ca khúc xưa

Mới đây, Bùi Lan Hương trở thành cái tên gây tranh cãi khi hát ca khúc “Mưa hồng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca khúc “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đáng nói, không chỉ hòa âm, phối lại hai ca khúc nổi tiếng mà cô còn “mạnh bạo” thay đổi khá nhiều về ca từ, tiết tấu và cả giai điệu của bài hát.

Ngay sau đó, trên các diễn đàn xã hội cũng như cộng đồng yêu nhạc bùng lên hai quan điểm thích và không thích. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cách cô “phái sinh” để làm mới, đa số ý kiến còn lại cho rằng Bùi Lan Hương đang phá vỡ, thậm chí là “giết chết” ca khúc của Trịnh Công Sơn và Nguyễn Văn Tý.

Bùi Lan Hương “phái sinh” ca khúc “Mưa hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và “Dư âm” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý gây tranh cãi.

Sự việc ồn ào đến mức, Bùi Lan Hương phải lên tiếng công khai trên trang facebook cá nhân của mình. Cô viết, hai ca khúc “đã đăng lên facebook là một bản phái sinh cover làm theo kiểu cafe bạn hát tôi nghe, mang tính chất thể nghiệm và sáng tạo. Không mang tính chất thương mại, không có tính chất truyền thông tên tuổi trong đó. Đây không phải là phong cách âm nhạc và hướng đi tiếp theo của Hương”.

Tuy nhiên, Hương quên mất cô đang là một cái tên mới nổi của làng nhạc, sở hữu lượng fan đông đảo. Dù là một kiểu “dạo chơi vui vẻ” như Hương nói, clip của cô cũng thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích sau khi công bố.

Không nhiều thì ít, sẽ có những người hâm mộ “ngộ nhận” đây là lời ca khúc nguyên bản do 2 nhạc sĩ viết. Đó là chưa kể tới việc, nếu trong trường hợp kênh youtube của cô có bật chế độ kiếm tiền thì dù vô tình hay hữu ý, điều mà Hương nói không mang tính chất thương mại cũng cần xem lại.

Trước bản “phái sinh” ca khúc “Mưa hồng”, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng, đây không phải là ca khúc của người anh thân thiết của mình. Theo Trần Mạnh Tuấn, “cái hồn và sự tinh tế trong giai điệu ca từ của bản nhạc gốc lẫn tinh thần Trịnh Công Sơn đã hoàn toàn biến mất. Việc các bạn trẻ tự ý sửa đổi ca từ trong bài hátMưa hồng cũng đã cho thấy rõ thái độ thiếu tôn trọng đối với tác giả - người được mệnh danh là “phù thủy của ca từ".

Đó là tôi chưa nói vấn đề nhận thức về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, về sự toàn vẹn của tác phẩm theo quy định của pháp luật. Về ca từ của Trịnh Công Sơn luôn có nhiều khoảng lặng, mỗi chữ anh viết là sự chắt lọc rất tinh tế, kể những dấu chấm phẩy cũng rất rõ ràng, chính vì vậy việc đổi ca từ của anh là điều khó chấp nhận được”.

Thậm chí, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn cho rằng, hành vi “phái sinh” của Bùi Lan Hương là một kiểu làm “tùy tiện, vô văn hóa”. “Nếu nói đó là cách sáng tạo, thì cá nhân tôi thấy không phải là sáng tạo. Nếu có tài thật sự thì bạn hãy sáng tác.

Bạn không thể nào mượn lời, mượn nhạc rồi thêm bớt được. Hành động này không lịch sự, không văn hoá, không có đạo đức nghề nghiệp”, em gái nhạc sĩ nói thêm. Đến hiện tại, may là tại Việt Nam chỉ mới có một Bùi Lan Hương đổi lời, đổi nhạc của người khác, nhất là của một tác giả lớn chứ tưởng tượng đất nước mình có một số người vô ý thức như vậy thì sẽ ra sao", em gái nhạc sĩ họ Trịnh nói thêm.

Theo nhà lí luận âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Với âm nhạc thế giới, các tác phẩm phái sinh có từ nhiều thế kỷ và khá phổ biến. Tuy nhiên, khi biến tấu hay ngẫu hứng trên chủ đề của một tác phẩm đã có từ trước, các nhạc sĩ luôn quan tâm cách gọi tên tác phẩm, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

Ví dụ, nhạc sĩ Trọng Bằng đã từ bài “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt mà sáng tác nên ca khúc “Vang mãi bản tình ca”... “Tình ca” và “Vang mãi bản tình ca” là hai cái tên riêng biệt, nhưng vẫn có sự gắn kết với nhau. Nếu chú ý đến chi tiết này và hiểu về các hình thức âm nhạc, nghệ sĩ có thể biến tấu, phóng tác… chủ động và tự do; song cần tôn trọng tác phẩm gốc, không lấy tên gọi cũ đối với tác phẩm phái sinh cùng thể loại, để tránh gây hiểu nhầm, đồng thời rõ ràng về thông tin giữa hai tác phẩm”.

Bản gốc và bản phái sinh.

Ông Nguyễn Quang Long đưa ra nhận định: “Sai lầm lớn nhất của Bùi Lan Hương nằm ở cách thể hiện. Cô đã không đặt tên khác cho tác phẩm. Việc xuất bản tác phẩm hiện nay quá dễ dàng, ai cũng có thể tự làm và vai trò của các hội đồng xét duyệt đã mất. Nếu có hội đồng xét duyệt, hai tác phẩm kể trên sẽ không thể xuất bản, nếu không gọi tên khác, theo đúng những nguyên tắc mà giới âm nhạc đã và đang thực hiện, bởi các hội đồng luôn tôn trọng quyền tác giả, thậm chí ca sĩ chỉ hát sai một lời cũng không được chấp nhận”.

Trước những ồn ào của dư luận và phản ứng của chính gia đình Trịnh Công Sơn, Bùi Lan Hương đã xóa clip trên kênh youtube của mình. Tuy nhiên, clip trên trang fanpage tới thời điểm ngày 30/5 vẫn còn.

Cần tuân thủ luật chơi

Thời gian qua, có không ít ca sĩ nỗ lực làm mới ca khúc nhạc xưa. Gần đây có rapper Hà Lê với dự án Trịnh Contemporary không chỉ dừng lại ở việc hát lại nhạc Trịnh, mà sẽ thêm vào đó các yếu tố đương đại để tạo sự mới mẻ như âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh...

Nam ca sĩ Đức Tuấn mới đây cũng liên tục công bố một loạt sản phẩm làm mới nhạc xưa như nhạc của Trần Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn… bằng cách pha trộn khéo léo giữa pop truyền thống, soul, jazz, orchestral,… Trước đó có Tùng Dương với “Tùng Dương hát tình ca” hát nhạc Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Hồ Quỳnh Hương với “Hương xưa 1” hát bolero, diva Hà Trần cũng tung ra album “Vol 2 Tình ca qua thế kỷ”…

Khi được hỏi, Đức Tuấn chia sẻ anh không sửa lời bài hát nhạc xưa. “Trước khi ghi âm bất kỳ ca khúc nào, tôi cũng tìm hiểu rất kỹ về hoàn cảnh sáng tác, từng lời ca. Với nhạc xưa, tôi lại càng cẩn trọng hơn và luôn tham khảo qua rất nhiều tài liệu tham chiếu, các bản ghi cũ...

Trong trường hợp ca khúc “Hoa trinh nữ”, tôi không tự ý sửa lời bài hát mà hát theo bản ghi ca khúc trong album “Mười năm tình cũ” của chính nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Còn về các vấn đề pháp lý, tôi đã làm đầy đủ mọi thủ tục với cơ quan thẩm quyền".

Thời gian gần đây, Đức Tuấn làm mới hàng loạt ca khúc nhạc xưa.

Những dự án này sau khi ra mắt đều nhận được sự ủng hộ từ phía công chúng; và cũng đã có những trường hợp ca sĩ trở thành “ngôi sao” nhờ hát nhạc xưa khi biết thổi vào đó âm hưởng mới, tiếp nối giá trị cũ và mang ca khúc xưa đến gần công chúng ngày nay.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có những trường hợp làm mới phản cảm. Với trường hợp Bùi Lan Hương “phái sinh” ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí là một sự thất vọng lớn, thậm chí là một thất bại đối với riêng ca sĩ trẻ này.

Không như nhiều nghệ sĩ khác có chất giọng “vừa vừa” và phải mượn đến chiêu trò để nổi tiếng, Hương là một ca sĩ có thực lực và sở hữu một giọng hát hay. Tốt nghiệp Á khoa thính phòng, opera tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, ghi dấu ấn đặc biệt bằng thể loại Dream pop, Bùi Lan Hương trở thành hiện tượng của chương trình Sing my song 2018.

Mới đây, cô còn ẵm giải Nghệ sĩ mới của năm tại giải thưởng âm nhạc uy tín Cống hiến 2019. Với sự phá cách lần này, cô đã làm mất điểm của chính mình. Ca sĩ Tuấn Hiệp thậm chí còn nhận xét Bùi Lan Hương “thẩm mĩ âm nhạc có vấn đề”.

Nhận xét của Tuấn Hiệp có phần khá nặng lời nhưng cũng không phải không có lí. Không chỉ có giọng hát, ca sĩ muốn đi đường dài, cũng phải có bản lĩnh kèm thẩm mĩ âm nhạc. Tuy nhiên, không phải cứ “khoe” ra cái cá tính của mình mới là bản lĩnh. Ứng xử có văn hóa cũng là một dạng bản lĩnh trong bối cảnh thị trường âm nhạc bát nháo như ngày nay.

Và cần nhớ, công chúng luôn chào đón với những người dám làm mới nhưng sẽ không chấp nhận được những hành vi tùy tiện, phá nát di sản âm nhạc đã được lưu giữ, bảo tồn cho tới nay. Sáng tạo nào cũng có nguyên tắc. Nghệ sĩ nhập cuộc chơi, cũng phải tôn trọng cuộc chơi đó. Không phải một mình một chiếu. Đừng để sự thiếu hiểu biết hoặc tìm hiểu chưa cặn kẽ mà tự đánh mất mình.

Cốc Vũ
.
.
.