Vụ livestream lén phim “Cô Ba Sài Gòn”:

Làm thế nào giải quyết được phần gốc của vấn nạn xâm phạm quyền tác giả?

Thứ Ba, 21/11/2017, 14:18
Phim “Cô Ba Sài Gòn” hay nhiều bộ phim trước đó bị quay lén trong rạp khiến dư luận đặt câu hỏi, phải làm thế nào để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với tình trạng vi phạm bản quyền phức tạp, công khai, ngang nhiên như ở nước ta, biện pháp này có giải quyết được phần gốc của vấn đề hay không...


Chỉ trong vòng 30 phút livestream “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội trong ngày chiếu rạp đầu tiên, số lượng truy cập lên đến 5.700 người và không ngừng tăng. Theo thông tin đơn vị sản xuất bộ phim này công bố, họ đã bị tổn thất 250 triệu đồng vì hành vi xâm hại bản quyền này.

Theo đó, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là với các phần mềm, ứng dụng live broadcast (truyền hình trực tuyến) càng tạo điều kiện dễ dàng cho việc vi phạm quyền tác giả. “Cô Ba Sài Gòn” không phải là bộ phim Việt đầu tiên rơi vào tình cảnh tréo ngoe này.

Trước đó, ta có thể kể ra một số cái tên như “Gái già lắm chiêu”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Xóm trọ 3D”, “Lô tô”, “Em chưa 18”… đều là những bộ phim bị livestream (phát trực tiếp trên facebook – PV) hoặc quay lén khi ra rạp.

Người quay lén phim “Cô Ba Sài Gòn” khai chỉ muốn “câu like” nên mới livestream phát tán trên mạng xã hội.

Cùng với trào lưu livestream bùng nổ như hiện nay, nội dung bộ phim được lan truyền với một tốc độ chóng mặt và khó kiểm soát. Theo phía nhà sản xuất cũng như các đơn vị phát hành, hành vi này ảnh hưởng mạnh đến doanh thu và có thể khiến đơn vị phát hành hay bản thân rạp chiếu bị phạt nặng vì vấn đề bản quyền. Sau khi phát hiện bộ phim của mình bị phát tán trên mạng xã hội, Ngô Thanh Vân đã phải kêu lên, làm như thế là “giết chết phim Việt”.

Qua tìm hiểu, để hạn chế vấn nạn này, các hệ thống rạp chiếu phim đã tăng cường các biện pháp để giám sát. Cụ thể, nhân viên áp thu được cài vào trong mỗi suất chiếu, thường xuyên đi dọc các hàng ghế để nhắc nhở khách hàng không được sử dụng điện thoại trong lúc chiếu phim.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây, quy định của rạp chiếu chỉ là “không được phép quay phim, chụp ảnh trong lúc chiếu phim” thì hiện tại đã phải bổ sung thêm “không được livestream”. Những quy định này được trưng bày khắp nơi trong rạp, trước cửa rạp và cả thông báo trước khi chiếu phim.

Tuy nhiên, nhìn lại, tình trạng livestream đâu vẫn hoàn đó; thậm chí, càng trở nên tinh vi hơn với sự trợ giúp của các thiết bị nghe nhìn hiện đại. Việc bộ phim của Ngô Thanh Vân là một minh chứng cho việc đó. Để thấy, giải quyết câu chuyện vi phạm bản quyền này không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nhiều khán giả chưa tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về luật; thậm chí có một số người dù biết luật mà vẫn vi phạm.

Phim “Em chưa 18” cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Từ trước đến giờ, có không ít trường hợp quay lén bị phát hiện và xử phạt nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, răn đe, cảnh cáo. Có lẽ vì vậy mà đâm ra “nhờn” luật. Để rồi, danh sách các bộ phim bị quay lén càng lúc càng dài ra.

Không chỉ phim Việt mà cả những bộ phim bom tấn nước ngoài, nhất là những bộ phim hot, hễ ra rạp là lại bị livestream. Chính vì sự phức tạp này mà qua vụ “Cô Ba Sài Gòn” bị quay lén tung trên mạng xã hội, nhiều người đặt ra câu hỏi cần xử lý ra sao để có sức răn đe, không chỉ trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa họ tái phạm.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Trước hết phải có luật, chặt chẽ và nghiêm minh

- Vừa qua, việc bộ  phim “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream phát tán trên mạng gây xôn xao dư luận. Thậm chí, có người còn ước tính được mức độ thiệt hại gần 300 triệu đồng. Có người đặt ra vấn đề cần xử lý nghiêm hành vi này. Anh nghĩ sao?

+ Tôi tự hỏi, nếu mỗi lần xem là một lần tính theo thuật toán facebook, thì quy mức độ thiệt hại ra số tiền đó liệu đã chính xác chưa? Và ai dám chắc, họ không xem livestream đó thì họ sẽ ra rạp mua vé xem phim?

Việc livestream lén trong rạp, tất nhiên là hành vi đáng lên án và gây thiệt hại cho phía sản xuất cũng như phát hành nhưng nếu chỉ dựa vào pháp luật để giải quyết câu chuyện, tôi e là hơi khó. Nó chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề mà thôi, chứ không hoàn toàn giải quyết được phần gốc của nạn quay lén trong rạp đâu.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.

- Theo anh, làm sao để giải quyết phần gốc của vấn đề này?

+ Nên đánh động vào ý thức bản quyền của người xem phim. Các nhà phát hành, các hãng phim nên nghĩ ra một chiến dịch nào đó để nâng cao ý thức của họ.

- Nhưng chờ ý thức của người dân mình thay đổi, tôi nghĩ chẳng phải ngày một ngày hai? Đây không phải là lần đầu tiên, chúng ta có một bộ phim bị quay lén. Trước đó có khá nhiều bộ phim gặp tình cảnh tréo ngoe như vậy. Bộ phim “Lô tô” của anh cũng như vậy còn gì…

+ Đúng. Việc này không hề dễ. Vì thế, chúng ta cần một lộ trình giáo dục người xem phim. Tức là, phòng bệnh hơn chữa bệnh.

- Luật bản quyền thì sao? Chẳng lẽ, nó không có tác dụng gì ư?

+ Chúng ta tham gia Công ước Bern từ năm 2004. Có luật để bảo hộ những tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi nhưng thực tế còn nhiều chuyện phải bàn. Cho nên chúng ta mới có tình trạng vi phạm tràn lan như vậy. Không chỉ trong lĩnh vực phim ảnh, mà ở những lĩnh vực khác nữa.

Tôi tự hỏi, khán giả của mình có mấy người hiểu về luật này. Trong câu chuyện “Cô Ba Sài Gòn”, tôi tin, bạn sinh viên kia cũng không ý thức được mình vi phạm như thế nào đâu. Bạn chỉ hiếu kì, thích chơi trội trên facebook mà thôi.

Chúng ta phải tuyên truyền, bằng một cách nào đó để người đi xem phim họ hiểu được luật bản quyền là cái gì. Muốn người ta không phạm pháp thì chúng ta phải cho người ta biết luật pháp là gì chứ.

- Anh có gợi ý gì cụ thể?

+ Nếu khán giả chưa chủ động tìm hiểu về luật, chúng ta phải chủ động giới thiệu cái luật đó ra cho họ thấy. Trước khi chiếu phim chính thức, bao giờ cũng có một khoảng thời gian chờ. Nhưng tôi để ý thấy, hình như ở các hệ thống chiếu rạp hiện nay, chúng ta dành hết thời gian chờ đó để giới thiệu các phim mới, hoặc phát quảng cáo nào đó.

Tại sao chúng ta không xen vào giới thiệu một cách cơ bản nội dung của luật để khán giả hiểu hành vi quay lén đó là xâm phạm, mức độ xử phạt ra sao. Bạn nào có ý định livestream mà đọc được những nội dung ấy, tôi nghĩ, chắc cũng chẳng dám móc điện thoại ra mà quay lén đâu. Chứ bây giờ, với hàng trăm cụm rạp như vậy, nhân lực và tiền bạc đâu mà ngồi theo dõi khán giả livestream hay không.

Hay một cách khác nữa, bạn nào phát hiện người livestream trong rạp thì báo cho rạp, rạp sẽ thưởng gì đó cho họ.  Một năm hay nửa năm xem phim miễn phí chẳng hạn. Khi đó, khán giả sẽ nhìn nhau mà ứng xử.

Tôi nghĩ, để giải quyết phần gốc của vấn nạn quay lén, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể, rõ ràng như vậy, chứ không thể nào nói khơi khơi là được. Nếu mất bò mới lo làm chuồng, phát hiện người ta quay lén mới xử phạt, phạt đến một tỷ năm vẫn chưa hết.

- Cảm ơn đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh!

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law: Nâng cao ý thức về vấn đề tôn trọng quyền tác giả

“Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Ở mức độ hành chính, với hai hành vi vi phạm nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm. (Nghị định 131/2013/NĐ-CP).

Ở mức độ hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Nếu phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. (Điều 170a Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Ngoài ra, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp như: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc bồi thường thiệt hại… (theo quy định tại Điều 202 Luật SHTT).

Có thể thấy, với các quy định của pháp luật hiện hành, không khó để xử lý các trường hợp livestream xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực bảo vệ quyền tác giả từ phía chủ thể quyền, việc nâng cao ý thức người dân về vấn đề tôn trọng quyền tác giả mới là quan trọng nhất”.

Du Nguyên
.
.
.