Làn sóng mỹ nhân Việt dấn thân vào điện ảnh

Thứ Tư, 06/03/2019, 17:44
Tại Việt Nam, không ít bộ phim do phụ nữ làm đạo diễn, với kinh phí khủng. Có phim doanh thu cao, có phim lỗ nặng, đằng sau hậu trường là những giọt nước mắt, nhưng họ không bỏ cuộc, vẫn lặng lẽ tìm mọi cách tiến về phía trước.


Để có một tác phẩm điện ảnh ra đời trải qua không ít gian nan, gian nan từ khâu tìm đề tài, tuyển diễn viên, kêu tài trợ, gọi rạp chiếu… Tại Việt Nam, không ít bộ phim do phụ nữ làm đạo diễn, bỏ tiền ra làm giám đốc sản xuất với kinh phí khủng, lên tới vài chục tỷ đồng. Có phim doanh thu cao, có phim lỗ nặng, đằng sau hậu trường là những giọt nước mắt, nhưng họ không bỏ cuộc, vẫn lặng lẽ tìm mọi cách tiến về phía trước.

"Hiện tượng"  Ngô Thanh Vân và Mỹ Tâm đang thu hút dư luận

Trong buổi ra mắt phim tại Việt Nam, Ngô Thanh Vân và ekip cho biết “Hai Phượng” là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được công chiếu song song tại Việt Nam và Mỹ. Để làm được điều này, bộ phim phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Hollywood. 

Nói như vậy tức là “Hai Phượng” sẽ là phim Việt đầu tiên sánh vai cùng các tác phẩm Hollywood, là niềm tự hào của điện ảnh Việt tại phòng vé Bắc Mỹ. Tuy nhiên, việc một bộ phim Việt được trình chiếu tại Mỹ thực ra không phải chuyện mới. 

Trước đây, báo chí từng ghi nhận nhiều trường hợp phim Việt chiếu rạp tại Mỹ. Vậy thực hư chuyện “Hai Phượng” là phim Việt đầu tiên công chiếu song song tại Việt Nam và Mỹ ra sao? Bộ phim được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đưa chào bán tới các nhà phát hành phim tại Mỹ và nhận được sự hợp tác của hai công ty là Well Go USA và Arclight Films.

Khi ra mắt tại Mỹ, “Hai Phượng” có tên tiếng Anh là “Furie” và có bản trailer riêng với logo của hai hãng này. Phim sẽ được ra mắt tại 7 rạp chiếu ở 7 khu vực khác nhau tại Mỹ. Trên trang facebook của hãng, Well Go USA ưu ái dành cho “Hai Phượng” vị trí ngay trên phần ảnh bìa. Điều này chứng tỏ sự quan tâm và coi trọng của hãng phim với tác phẩm Việt. 

Nhưng nói như vậy không có nghĩa “Hai Phượng” đã đủ sức cạnh tranh "tay bo" với các tác phẩm Hollywood. Đối tượng mà “Hai Phượng” phục vụ chủ yếu vẫn là người Việt tại Mỹ. Trên các kênh truyền thông của hãng phim, những người quan tâm và tương tác với bộ phim phần lớn vẫn là người Việt. Chắc chắn sẽ có khán giả Mỹ tới rạp xem “Hai Phượng” nhưng số lượng không quá lớn.

Sau nhiều lần làm ngơ khi được hỏi về cái tên “lạ hoắc” Mira Dương, Mỹ Tâm vừa thừa nhận mình là đạo diễn kiêm biên kịch “Chị trợ lý của anh”. Phim thu về 40 tỉ đồng trong tuần đầu công chiếu và dự đoán đạt tổng doanh thu 100 tỷ đồng, một con số khổng lồ bất cứ nhà sản xuất phim chuyên nghiệp nào khao khát. 

Với Mỹ Tâm, đây là phim đầu tay của cô với chi phí 17 tỷ đồng thì đúng là một tay mơ, giọng ca của “Giấc mơ tình yêu” có trong mơ cũng không thấy điều này. Mỹ Tâm vừa chính thức thừa nhận mình là đạo diễn kiêm luôn cả biên kịch bộ phim “Chị trợ lý của anh”. Như vậy cùng với vai trò nhà sản xuất và diễn viên chính, Mỹ Tâm chính thức "cân" toàn bộ tác phẩm,

Cảnh phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”.

Làn sóng nữ quyền

Danh tiếng chính là lợi thế lớn của hầu hết sao Việt khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim ảnh như: Mỹ Tâm, Thủy Tiên, diễn viên Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền, Ngọc Trinh… Nhiều người xuất thân từ nghề diễn viên hoặc có học về đạo diễn, còn hầu hết đều từ dân kinh doanh hay quảng cáo và truyền thông chuyển sang. Học nghề từ thực tiễn công việc, có thất bại, có thành công và rút kinh nghiệm theo thời gian…

Hơn 10 năm trở lại đây, điện ảnh tư nhân được cởi trói, nhiều hãng phim có phụ nữ đóng vai trò “đầu tàu”. Gần đây nhất  có Linh Bồ với phim đầu tay “S.O.S Sói trắng”; Tú Vi với phim “Đời cho ta bao lần đôi mươi”; NSND Hồng Vân với phim “Xóm trọ 3D”. Ngô Thanh Vân với Công ty giải trí VAA, từng làm các phim “Ngày nảy ngày nay”, “Bẫy rồng”, “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”... 

Thanh Thúy với Công ty Giải trí Thiên Phúc, làm các phim “Taxi, em tên gì”, “Ma dai”, “Mỹ nhân, già gân và găng tơ”, “Sứ mệnh trái tim”; Bee Phạm với Công ty Dream Event, thực hiện các phim “Trúng số”, “Lửa Phật”, “Bao giờ có yêu nhau”, “78910”; Vũ Thị Bích Liên với Công ty Golden Screen và Mega GS Communication (hiện nay) từng làm các phim “Nhà có 5 nàng tiên”, “Quý tử bất đắc dĩ”, “Lật mặt 1 và 2”, “Rừng xanh kỳ lạ truyện”; 

Trương Ngọc Ánh với Công ty TNA Entertainment, thực hiện những phim điện ảnh kinh phí lớn như “Hương ga”, “Truy sát”, “Vệ sĩ Sài Gòn”, “Sắc đẹp ngàn cân” và sắp tới là “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Jenni Trang Lê - nhà sản xuất của Chánh Phương Film với các phim “Dòng máu anh hùng”, “Long ruồi”, “Để Mai tính”, “Em chưa 18”, “Fan cuồng”… 

Từ rất lâu Đinh Thị Thanh Hương và Đinh Thị Hoa của Galaxy Studio và Galaxy M&E được biết đến với các phim “Những cô gái chân dài” (2004), “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Quả tim máu”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Giải cứu thần chết”, “Mỹ nhân kế”, “Dạ cổ hoài lang”. 

Hai chị em Ngô Thị Bích Hạnh và Ngô Thị Bích Hiền - chủ nhân Công ty BHD từng sản xuất bộ phim đầu tiên “Vũ khúc con cò” (1999) và nhiều phim khác như “Áo lụa Hà Đông”, “Những nụ hôn rực rỡ”, “Cô dâu đại chiến”, “Lửa phật”, “Cánh đồng bất tận”, “Quyên”… Mai Thu Huyền với Công ty Tincom Media thực hiện các phim “Giấc mơ Mỹ”, “Lạc giới”… Thời gian tới, con số này còn tăng lên nhiều.

Cảnh phim “Chị trợ lý của anh”.

Với bộ phim tự sản xuất và đóng chính “Hương ga”, Trương Ngọc Ánh đã thoát mác “cô Dần” (phim “Áo lụa Hà Đông”) mà gắn tên tuổi của mình với bộ phim mới.  Ngô Thanh Vân  trước đó cũng nổi tiếng hơn với những bộ phim do chính mình sản xuất kiêm diễn viên như “Ngày nảy ngày nay”, “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”. “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh cũng bước lên một nấc thang mới với “Vòng eo 56”.

Nhìn chung, làm nhà sản xuất phim hiện nay đòi hỏi vừa có bản lĩnh và tầm nhìn kinh doanh, vừa có sự nhạy cảm và thăng hoa của một nghệ sĩ. Nói như đạo diễn Trương Dũng và Dustin Nguyễn thì nữ giới làm nhà sản xuất phù hợp hơn cánh mày râu, thực tế đã chứng minh điều này, và các nữ giám đốc sản xuất của phim Việt đều là những người am hiểu về điện ảnh và quy trình sản xuất một bộ phim nên giới làm nghề rất yên tâm khi cộng tác với họ.

Tuy nhiên, ngoài khó khăn về tìm và thẩm định kịch bản hay, nhân sự giỏi xác định thị hiếu khán giả thì về cơ bản, một giám đốc sản xuất phải biết tính toán được cần bao nhiêu kinh phí để sản xuất, mời đạo diễn và diễn viên cho phù hợp... đến giám sát sản xuất, tìm nhà phát hành, chọn thời điểm ra mắt phim thích hợp, quảng cáo, tiếp thị và còn phải là người đứng giữa nhà đầu tư và đạo diễn để cân bằng giữa yếu tố thương mại và chuyên môn.

Theo diễn viên Mai Thu Huyền, những nghệ sĩ lâu năm thường muốn làm nhà sản xuất vì sẽ có tính chủ động hơn. Bởi nếu tìm kiếm và chờ đợi vai diễn đến với mình sẽ trong tình thế bị động. Nên khi làm nhà sản xuất, tìm được những kịch bản ưng ý, họ sẽ được tự do trải nghiệm, sáng tạo. Nhiều bộ phim đầu tư hàng chục tỷ đồng, chọn sai thời điểm phát hành là lỗ nặng. 

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết: "Với thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại, chỉ cần cho ra đời một bộ phim "làm thế nào để đừng lỗ" đã là khó. Nếu nhà sản xuất làm ra một bộ phim không được đón nhận, xem như công sức, tiền bạc của cả ekip đổ sông đổ biển". "Làm phim ở Việt Nam nói chung vẫn còn là nghề quá cực khổ và gian nan. 

Khi phim thành công thì vui, còn khi phim thất bại lại day dứt, trăn trở. Nếu không có nghị lực và đam mê cùng sự ủng hộ của những người đồng hành thì chắc chắn nữ giới chúng tôi khó làm tốt vai trò của một nhà sản xuất", bà Vũ Thị Bích Liên chia sẻ. 

Mọi gánh nặng đè lên vai giám đốc sản xuất trong khi kinh phí trung bình cho mỗi phim chỉ 10 tỷ đồng. Thật là gian nan, thị trường điện ảnh Việt rất tiềm năng, song không phải dễ dãi nữa. Nếu không có  ê kíp làm việc chuyên nghiệp, nhanh nhạy với thị trường thì mọi thứ xem như thất bại. 

Hiện tại, gần như chỉ có các bộ phim của Ngô Thanh Vân được lòng cả khán giả lẫn giới chuyên môn bởi sự chỉn chu, chất lượng. Minh chứng cho điều này là những bộ phim của Ngô Thanh Vân đã mang về các giải thưởng như Cánh diều vàng (phim “Cô Ba Sài Gòn”), được chọn tham gia nhiều Liên hoan phim như Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, tranh cử Liên hoan phim Oscar…

Dù đã quen với việc đảm đương nhiều vai trò nhưng chính Ngô Thanh Vân cũng nhìn nhận: “Nếu diễn xuất áp lực một thì làm phim áp lực 10 vì cần làm chủ tất cả, từ tạo dựng câu chuyện, chọn diễn viên, tạo cảm xúc, diễn biến tâm lý và đưa ra cách diễn cho từng nhân vật”.

Poster “Hai Phượng” trên trang chính thức của hãng phim Mỹ.

Những thất bại

Tuy nhiên, không phải mỹ nhân nào khi lấn sân làm phim ở hai vai trò cũng tạo được kết quả tốt. Bộ phim “Điệp vụ 3 lờ” với kinh phí hơn 10 tỷ đồng của ca sĩ Thủy Tiên khi công chiếu, phản hồi là sự thất vọng với kịch bản dễ dãi. Với kinh phí tương tự, “Vòng eo 56” gây tranh cãi về diễn xuất của Ngọc Trinh nhưng may mắn mang về doanh thu 33 tỷ đồng. Lý Nhã Kỳ dốc hàng chục tỷ trong vai trò nhà đầu tư kiêm diễn viên chính trong dự án phim “Thiên đường” nhưng đổ bể giữa chừng.

Cũng dễ hiểu bởi khi làm nhiều vai trò, không phải ai cũng có năng lực để đảm đương. Theo diễn viên Mai Thu Huyền, nhà sản xuất phải tham gia các công tác từ lúc dự án chưa hình thành tới lúc ra mắt. Họ là người phải làm tất cả các khâu từ lên kịch bản, tìm đạo diễn, diễn viên, bối cảnh, lo phát hành, quảng bá. Đặc biệt, đạo diễn khi làm với những diễn viên kiêm vai trò nhà sản xuất đều khá e ngại. “Họ sợ nếu diễn viên lo sản xuất quá thì quên dồn tâm huyết vào vai diễn, nhưng tập trung cho vai diễn quá thì công việc sản xuất có thể không chu toàn”, cô nói.

Trở thành nhà sản xuất là một trong những lĩnh vực kinh doanh của Trương Ngọc Ánh. Nhưng không phải bộ phim nào mà diễn viên họ Trương sản xuất đều gây tiếng vang. Nếu “Hương ga” thắng lớn với doanh thu hơn 50 tỷ đồng thì “Truy sát” (không công bố doanh thu) lại bị chê chưa vượt qua được cái bóng của “Hương ga” về cả kịch bản lẫn diễn viên. 
Văn Hùng - T.Hoa
.
.
.