Lê Huỳnh Đức: Nếu chỉ "giỏi" mà không "quái"

Thứ Ba, 17/05/2016, 21:56
"Ủa, anh vẫn được khen trẻ, vậy mà ở ngoài, trông Phan Đăng còn trẻ hơn" - đấy là lời nhận xét mà Lê Huỳnh Đức ưu ái tặng tôi khi chúng tôi vô tình đụng nhau trong thang máy ở một hội thảo bóng đá tại Hà Nội năm 2015. 


Đấy là lần đầu tiên tôi gặp, và có vài câu trao đổi với anh. Lần đầu tiên và duy nhất đến lúc này. Một phần vì anh làm việc ở Đà Nẵng, xa tôi quá, phần khác, theo những gì tôi biết thì anh có vẻ không mở lòng với báo giới lắm, tất nhiên trừ một vài mối ruột của anh.

Chẳng sao cả, mỗi người có quyền chọn cho mình một cách sống, một cách ứng xử riêng. Ngay cả tôi cũng vậy thôi, thú thực là mặc dù làm báo thể thao nhưng không phải ông quan chức, ông HLV hay cầu thủ nào tôi cũng có nhu cầu gặp gỡ. Nhu cầu thân thiết, chén chú chén anh thì càng ít, vì kinh nghiệm cho thấy, đôi khi thân nhau quá lại rất khó viết về nhau, mà khi đã viết lại dễ bị tác động nhiều bởi cảm xúc, làm mờ đi cái biên độ khách quan mà một nhà báo cần có và phải có.

Nhưng chuyện Huỳnh Đức có mở lòng với nhà báo hay không chẳng phải là chủ đề của bài viết này. Nhắc lại những chi tiết này, tôi muốn nói: Anh có lẽ là người tôi hiểu lờ mờ nhất, “vỡ vụn” nhất trong số những người tôi đã viết kể từ ngày nhập môn làng bóng. 

Có một pha ghi bàn của Huỳnh Đức mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ, đó là bàn mở tỷ số vào lưới cố thủ thành Đỗ Thành Tôn, trong trận Công an TP Hồ Chí Minh - Công an Hà Nội tại giải Vô địch Quốc gia mùa 1997-1998 trên sân Hàng Đẫy. Đấy là pha bóng Huỳnh Đức thoát xuống nhanh như điện, và cũng như một cú "chích điện", anh "chích" vào quả bóng sớm hơn một nhịp so với lẽ thường, đưa bóng găm thẳng vào góc lưới trong sự ngỡ ngàng của toàn bộ hệ thống phòng ngự đối phương.

Trên sân cỏ Việt Nam, kể từ đó tới nay tôi chưa thấy một cầu thủ Việt Nam nào có thể "chích điện" ghi bàn mau lẹ và xuất thần như vậy. Và có lẽ chỉ một chi tiết vậy thôi đã đủ nói lên tài năng đặc biệt của Lê Huỳnh Đức. Nhà báo Nguyễn Lưu - một cây bút thể thao cựu trào nhiều lần nhận xét với chúng tôi: "Huỳnh Đức là cầu thủ lớn, nhưng cứ ngẫm mà xem, cậu ấy chỉ là cầu thủ lớn trong những trận đấu nhỏ".

Cá nhân tôi nghĩ, lớn - nhỏ tuỳ quan điểm mỗi người, nhưng có sự thật thế này: bóng đá Việt Nam có thể không khó "bói" ra những tiền đạo giàu kỹ thuật, có thể chơi bóng lắt léo như Văn Quyến, Công Phượng, nhưng với mẫu tiền đạo cao to, có thể lực, tốc độ và đầy đủ những tố chất điển hình của một trung phong hiện đại như Huỳnh Đức thì trước và sau thời của anh, phải nói là rất hiếm.

Nhưng Huỳnh Đức không chỉ giỏi ở những kỹ năng đá bóng, mà còn giỏi ở những kỹ năng ứng xử quan trọng khác trên sân cỏ. Trận chung kết giải vô địch quốc gia năm 1996 trên sân Đồng Tháp chẳng hạn, cùng với đồng đội Chu Văn Mùi, Lê Huỳnh Đức đã nổi một cơn thịnh nộ lên cố trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng, và như chia sẻ của ông Hùng với cá nhân tôi trước khi ông qua đời thì: "Nhờ cơn thịnh nộ của cậu ấy mà mọi điểm nóng của trận đấu bị đổ hết lên đầu trọng tài, từ đó che đi nhiều cái nhạy cảm khác".

Cái nhạy cảm ấy là gì, Đội Công an TP Hồ Chí Minh hôm ấy đã thua lạ như thế nào là điều chẳng cần nói lại. Cũng liên quan đến Huỳnh Đức và Công an Thành phố, trong một lần ăn cơm với tôi tại Hà Nội, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh từng cho biết ông đã cực kỳ hối hận khi nhận lời dẫn dắt đội bóng này vào quãng thời gian cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Lý do: "Có nhiều trận đấu, nhiều cầu thủ có vẻ đã không chơi bóng như tôi mong muốn..." - lời kể của ông Vinh.

Về mặt tình cảm, tôi cực kỳ yêu mến và tin tưởng "bố" Vinh, nhưng ở góc độ lý trí của một nhà báo tôi không cho phép mình bị đánh gục bởi những gì "bố" kể, vì dẫu sao đấy cũng chỉ là thông tin một chiều. Phải gặp lại những cầu thủ Công an Thành phố, gặp lại chính Lê Huỳnh Đức để hỏi cho ra nhẽ mới có thể kiểm chứng thông tin từ chiều còn lại. Tiếc là đến lúc này tôi vẫn chưa có cơ hội làm điều ấy. Ngay cả phi vụ mà Huỳnh Đức bị "tố" là dính vào nhóm "quyền lực đen" trong đội bóng của mình đến nỗi phải chạy loạn về Đà Nẵng cũng thế, tôi cũng chỉ được nghe kể từ người này người kia (mà phải nói là kể hùng hồn sinh động lắm), chứ chưa được một lần nghe chính Huỳnh Đức kể, nên tuyệt đối không dám kết luận gì.

Qua một loạt những vụ việc mình quan sát, có lẽ tôi chỉ dám kết luận một điều mà ai cũng có thể kết luận về anh: một Huỳnh Đức nhiều màu sắc, nhiều gai góc và tất nhiên là "quái". Lịch sử bóng đá Việt Nam từng có không ít cầu thủ - HLV giỏi, nhưng nếu chỉ giỏi một cách chân phương thì rất khó tồn tại lâu và thành danh ở môi trường này.

Bên cạnh yếu tố giỏi, cần yếu tố quan trọng khác, đó là "quái" để có thể tìm cho mình một tâm thế tốt nhất khi thi đấu, và để có thể "đi guốc trong bụng cầu thủ", từ đó trị cầu thủ đến nơi đến chốn khi trở thành HLV. Tất cả những HLV thực sự thành công với bóng đá Việt Nam như lão làng Lê Thuỵ Hải, rồi Hữu Thắng, Huỳnh Đức đều điển hình cho mẫu người - mẫu thầy vừa "giỏi" vừa "quái chiêu" như thế.

Rất nhiều lần tôi nghĩ, phải chăng đó chính là hình mẫu anh hùng thời loạn - cái thời mà "ghế thầy bốn chân, cầu thủ nắm ba chân", nên để "trị" cầu thủ thì ông thầy cũng phải thuộc làu những chiêu mánh của cầu thủ - những chiêu mánh mà khi còn là cầu thủ có lẽ chính họ cũng chẳng lạ lùng gì?! Bạn có thể thích hay không thích một mẫu người hùng như thế, nhưng bạn không thể phủ nhận: thời loạn, con người ta phải thế! Tôi tin là cũng giống như người đồng nghiệp Hữu Thắng, trong tương lai, rồi sẽ có một ngày Huỳnh Đức ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐTQG, và có thể sẽ  đặc biệt thành công với vị trí này.

Có một động lực quan trọng "ép" tôi phải viết về Huỳnh Đức, đó là lời đề nghị thiết tha của một cô gái tên Vân, bán cà phê ở một quán trên phố Lê Đại Hành - Hà Nội, nơi tôi vẫn ghé mỗi ngày. Cô bé này cho tôi xem hàng chục bức thư cô từng viết cho Huỳnh Đức. Cô kể tôi nghe cái cảm giác phải ngồi giữa một rừng các cổ động viên Đội Công an Hà Nội để cổ vũ cho Huỳnh Đức và Đội Công an TP Hồ Chí Minh khi đội bóng này ra Hà Nội thi đấu ngày xưa. Và cô bảo: "Hồi ấy, tụi con gái mới lớn chúng em, không ai không thần tượng anh Huỳnh Đức".

Có lẽ, trong những giấc mơ của mình, những cô gái này đã mơ những điều rất đẹp cùng Huỳnh Đức, và đấy là lời tưởng thưởng vô giá mà không phải bất cứ ai theo nghề quần đùi áo số cũng may mắn có được.

Phải thế không, Lê Huỳnh Đức?

Hơn một lần từ chối Đội tuyển Quốc gia 

Hậu AFF Suzuki Cup 2012, khi ĐT Việt Nam thất bại và thầy nội Phan Thanh Hùng quyết định ra đi thì chính Lê Huỳnh Đức, chứ không phải trợ lý của ông Hùng - HLV Hoàng Anh Tuấn mới là Ứng cử viên thay thế số 1. Thời điểm ấy, Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng đã ngồi cùng Lê Huỳnh Đức để bằng mọi cách thuyết phục HLV này nhận lời lên Tuyển, nhưng cuối cùng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Đến năm 2016, khi thầy ngoại Toshiya Miura ra đi thì Hội đồng HLV Quốc gia lại lập tức đưa Huỳnh Đức vào danh sách thay thế số 1. Theo đánh giá của ông Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Sỹ Hiển thì: "Đây là một HLV tài năng, vừa có nhiều kiến thức huấn luyện bài bản, hiện đại, vừa có nhiều kinh nghiệm chiến trường, thực sự là một mẫu HLV rất cần cho ĐT". Nhưng một lần nữa, công việc ổn định ở SHB Đà Nẵng đã níu Huỳnh Đức lại, còn theo đánh giá của những người hiểu Huỳnh Đức, và hiểu cả cách làm việc của VFF thì: "Một người "quái" như Huỳnh Đức thừa biết nên nhận lời vào lúc nào thì có lợi nhất cho mình".

Trước đây, Huỳnh Đức cũng có một thời gian ngắn lên Tuyển làm trợ lý cho thầy ngoại Henrique Calisto, và khi thầy "Tô" cầm ĐT U.23 đá giải ở Hà Nội thì Huỳnh Đức cũng từng được giao nhiệm vụ cầm ĐT Việt Nam đá giải ở TP Hồ Chí Minh. Ông thầy người Bồ Đào Nha cũng hết sức tin tưởng, đánh giá cao Huỳnh Đức, và theo ông: "Trong tương lai, ĐT Việt Nam sẽ thành công với một HLV như thế!".

Phan Đăng
.
.
.