Stanislav Wawrinka vô địch US Open (Mỹ mở rộng) 2016:

Lên ngôi theo những cách chẳng giống ai

Thứ Sáu, 16/09/2016, 09:54
“Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better” (Tạm dịch: Từng cố gắng. Từng thất bại. Không vấn đề. Cố gắng lần nữa. Thất bại lần nữa. Thất bại theo cách đẹp hơn) – hình xăm trên cánh tay trái của nhà tân vô địch US Open 2016 chính là phác họa hoàn hảo nhất cho tinh thần và ý chí mà Stanislav Wawrinka đã thể hiện trong suốt sự nghiệp đầy những thăng trầm của mình.


Đơn giản là "Stan the Man"

Hình xăm mà Stanislav Wawrinka lựa chọn là những câu thơ của thi sỹ, nhà văn người Ireland Samuel Beckett (1906-1989). Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, một trong những tư tưởng chính của Beckett là sự cố gắng không ngừng của những người muốn sống hợp đạo lý trong một cuộc đời nhiều phi lý.

Nỗ lực không ngừng, cố gắng không ngừng, đó cũng là triết lý của Stanislav Wawrinka. Anh được đặt biệt danh “Stan the Man” cũng vì lý do đó. Gần như cho đến trước tuổi 29, Wawrinka quanh quẩn trong cái bóng của người đồng hương, đồng nghiệp được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử tennis, Roger Federer.

Wawrinka với chức vô địch US Open 2016.

Tay vợt sinh năm 1985 luôn bị xem là bản sao không hoàn hảo của Federer, nhất là khi anh cũng sở hữu cú bung trái một tay vốn được xem là tuyệt chiêu của “Tàu tốc hành”.

Wawrinka cũng từng thừa nhận anh là CĐV trung thành của Federer và điều đó càng khiến cho những sự so sánh xuất hiện nhiều hơn. Đứng cạnh Federer, Wawrinka thật nhỏ bé. “Tàu tốc hành” có tới 17 Grand Slam trong sự nghiệp và được thừa nhận là tay vợt vĩ đại nhất lịch sử.

Bị so sánh với một tượng đài là áp lực khủng khiếp và chỉ có sự kiên trì cùng một tinh thần tự rèn luyện tuyệt vời, Wawrinka mới dần dần thoát khỏi mác “Tay vợt số 2 Thụy Sỹ” để khẳng định vị thế của riêng mình.

3 trận chung kết Grand Slam và 3 lần vô địch, giờ thì Wawrinka có thể tự hào vì sự nghiệp của mình. Tất cả 3 danh hiệu ấy đều đến sau tuổi 29, cột mốc mà nhiều người cho rằng các tay vợt đỉnh cao khó còn có thể giữ được phong độ ổn định.

Đáng nể hơn, các đối thủ mà Wawrinka đánh bại trong những trận chung kết đều là tay vợt số 1 thế giới vào thời điểm đó (Nadal ở Australia Open 2014, Novak Djokovic tại French Open 2015 và US Open 2016). Điều đó cho thấy bản lĩnh đáng nể của tay vợt Thụy Sỹ.

Thứ bản lĩnh đó không phải tự nhiên mà có. Wawrinka là con trai thứ hai của ông bà Wolfram và Isabella. Ông Wolfram là một người Đức gốc Tiệp Khắc cũ, là thế hệ thứ hai trong gia đình nhập cư vào Thụy Sỹ từ năm 1946. Bà Isabella là người Thụy Sỹ gốc và là một nhà giáo dục giàu lòng nhân ái.

Bà được tiếp quản trang trại cha mẹ để lại có tên "Ferme du Chateau", gần Lausanne, cạnh lâu đài Saint-Barthélemy. Trang trại luôn được bà Isabella mở rộng cửa để giúp đỡ những người thiểu năng trí tuệ, những người bị trầm cảm và nghiện ma tuý hoặc rượu. Đó cũng là nơi Wawrinka lớn lên.

Trưởng thành giữa những người được xem là “không bình thường” là một trải nghiệm khó quên với tay vợt Thụy Sỹ. Chính Wawrinka từng kể lại rằng việc chứng kiến những người thiểu năng kiên trì luyện tập để thực hiện những động tác quá dễ dàng với một người bình thường hay sự cố gắng của những người muốn cắt cơn nghiện rượu, ma túy đã gieo vào lòng anh một ý chí không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn.

Wawrinka luôn ngẩng đầu trước mọi thử thách, và cuối cùng những thử thách ấy đều phải cúi đầu trước anh.

Bước ngoặt từ Magnus Norman

Dĩ nhiên nếu Wawrinka chỉ có ý chí và sự kiên trì mà không có tài năng, anh sẽ không bao giờ gặt hái được thành công trong môn tennis. Từ năm 8 tuổi đến 25 tuổi, tay vợt Thụy Sỹ chỉ có một HLV duy nhất là Dimitri Zavialoff.

Ông là một cựu tay vợt người Bulgaria và là người có công xây dựng lối chơi cho Wawrinka. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Zavialoff, tay vợt Thụy Sỹ chỉ dừng ở mức một tay vợt khá, có kỹ thuật nhưng kém về chiến thuật và đặc biệt là ý chí.

Phần lớn sự nghiệp Wawrinka đứng trong cái bóng vĩ đại của Federer.

Sự nghiệp của Wawrinka chỉ thực sự có bước ngoặt khi anh cộng tác với Magnus Norman, cựu tay vợt Thụy Điển sinh năm 1976 từng lọt vào chung kết French Open 2000. Norman từng là HLV của Robin Soderling, tay vợt đã trở thành hiện tượng khi lọt vào chung kết French Open hai năm liên tiếp 2009 và 2010.

Phong cách huấn luyện của Magnus Norman đề cao việc rèn luyện tâm lý thi đấu, giúp các tay vợt phát huy tối đa khả năng sẵn có ở mức cao nhất trong mỗi trận đấu. Cần nhắc lại rằng trong tennis, yếu tố tâm lý đóng vai trò cực lớn đến màn trình diễn của các tay vợt, đặc biệt là trong thể thức 5 set thi đấu của 4 giải Grand Slam.

Quyết định làm việc với Magnus Norman vào năm 2013, Stan Wawrinka đã tìm được thứ mình còn thiếu. Tay vợt Thụy Sỹ từng bước một trở thành đối thủ đáng gờm với tất cả những tay vợt xuất sắc nhất. Anh lần đầu tiên lọt vào bán kết một giải Grand Slam tại US Open 2013 (thua Novak Djokovic).

Phần thưởng cho Wawrinka là một suất tham dự ATP World Tour Final lần đầu tiên trong sự nghiệp. Anh lọt vào bán kết và một lần nữa thất bại trước Djokovic.

Wawrinka tiếp tục tiến bộ không ngừng vào năm 2014. Anh vô địch ngay giải Grand Slam đầu tiên trong năm, Australia Open 2014. Đáng chú ý, anh đánh bại Novak Djokovic lần đầu tiên (sau 14 trận toàn thua trước tay vợt Serbia) ở vòng tứ kết. Vượt qua Tomas Berdych ở bán kết, Wawrinka đối đầu với một khắc tinh khác là Rafael Nadal ở trận đấu cuối cùng.

Trước trận chung kết đó, Wawrinka toàn thua Nadal trong 12 lần đối đầu, thậm chí còn không có một set thắng nào. Nhưng ở lần chạm trán thứ 13, Nadal đã phải cúi đầu nhận thất bại còn Wawrinka có được Grand Slam đầu tiên.

HLV Magnus Norman đã làm thay đổi sự nghiệp của tay vợt Thụy Sỹ.

Tay vợt người Thụy Sỹ trở thành người đầu tiên kể từ Sergi Bruguera năm 1993 đánh bại cả hai hạt giống hàng đầu trên con đường giành danh hiệu Grand Slam.

Bên cạnh đó, Wawrinka còn trở thành tay vợt đầu tiên đánh bại cả Nadal lẫn Djokovic trong khuôn khổ một giải Grand Slam. Nhờ thành tích này, Wawrinka có được vị trí thứ 3 trên BXH ATP, lần đầu tiên đứng trên người đồng hương huyền thoại Roger Federer.

Kể từ thời điểm đó, Big Four (Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic và Andy Murray) hiểu rằng đã xuất hiện một đối thủ không hề dễ chơi với họ. Điều này được chứng minh trong năm 2015 khi Stan Wawrinka vô địch French Open 2015 sau khi đánh bại Novak Djokovic trong trận chung kết.

Bí quyết thành công là... bỏ vợ

Stan Wawrinka kết hôn với Ilham Vuilloud, MC kiêm cựu người mẫu Thuỵ Sĩ vào ngày 15 tháng 12 năm 2009. Vuilloud sinh hạ con gái đầu lòng Alexia vào ngày 12 tháng 2 năm 2010.

Vào ngày 4 tháng 1 năm 2011, báo chí Thuỵ Sĩ dẫn lời Vuilloud cho hay Wawrinka quyết định ly thân để tập trung vào sự nghiệp cầm vợt.

Không lâu sau đó hai người tái hợp, nhưng đến ngày 19 tháng 4 năm 2015, Wawrinka đăng trên trang Facebook cá nhân thông báo anh đã ly thân vợ. Ilham Vuilloud tố cáo tay vợt Thụy Sỹ đã nhiều lần lừa dối cô.

Ngoài hình xăm trên cẳng tay trái là dòng chữ in nghiêng câu nói của nhà văn Ireland Samuel Beckett bằng tiếng Anh: "Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better", Wawrinka còn xăm tên con gái Alexia trên tay phải.

Wawrinka hiện tại đang hẹn hò với tay vợt nữ người Croatia, Donna Vekic. Donna Veckic sinh năm 1996 (kém Wawrinka 11 tuổi), hiện xếp thứ 102 thế giới với thành tích đáng chú ý là lọt vào vòng 3 Frech Open 2015.

Cũng giống như lần vô địch tại Australian Open 2014, Wawrinka được xếp làm hạt giống số 8, lần lượt đánh bại hạt giống số 1 và số 2 tại tứ kết và chung kết. Đây cũng là Grand Slam đầu tiên anh đánh bại Roger Federer.

Và chức vô địch US Open 2016 mới đây đã chứng tỏ vị thế vững chắc của Stan Wawrinka trong làng quần vợt. So với những tay vợt trong nhóm Big Four, thành tích của tay vợt Thụy Sỹ tại Grand Slam thậm chí còn có phần nhỉnh hơn Andy Murray, người cũng có 3 Grand Slam nhưng 2 lần trong số đó ở Wimbledon và chưa bao giờ vô địch French Open cũng như Australia Open.

Ở tuổi 31, Stan Wawrinka chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu gì về việc suy giảm phong độ. Rất nhiều CĐV đang hy vọng “Stan the Man” sẽ tiếp tục chinh phục World Tour Final 2016 và xa hơn là Wimbledon 2017 để hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu của mình.

Một tay vợt toàn diện

Sở hữu cú trái một tay uy lực nhất trong giới tennis, Wawrinka được đánh giá là người có những cú đánh tấn công sát vạch baseline đáng sợ nhất, có khả năng chơi tốt trên mọi mặt sân, đặc biệt là sân cứng và đất nện.

Anh cũng được biết đến là người sở hữu những cú giao bóng rất mạnh, đạt mức trung bình 232 km/h. Cú thuận tay của anh, được coi là điểm yếu trong giai đoạn đầu sự nghiệp, đã tiến bộ đáng kể và giờ đây trở thành vũ khí hạng nặng trong lối chơi của anh. Trong thời gian gần đây, Wawrinka cũng cho thấy anh là tay vợt có thể thích nghi với nhiều lối chơi tùy theo đối thủ thi đấu. Những tình huống lên lưới xuất hiện nhiều hơn với hiệu quả rất cao. Mặc dù vậy theo đánh giá của giới chuyên môn, Wawrinka là tay vợt dạng “baseliner” – thiên về lối chơi phát triển từ vạch cuối sân.

Đơn Ca
.
.
.