Lỗ đen FIFA, lỗ đen SEA Games

Thứ Năm, 04/06/2015, 18:00
Bảy quan chức FIFA bị FBI sờ gáy vì những cáo buộc liên quan tới tham nhũng, rửa tiền trong suốt 20 năm qua. Đương kim chủ tịch FIFA Sepp Blatter đắc cử với hàng loạt đồn đoán về việc khó có thể đi tới nơi về tới chốn trong suốt nhiệm kỳ này. Hoá ra, từ đỉnh cao chót vót đến vực sâu tồi tàn, ở đâu cũng tồn tại những lỗ đen của nó.

Thông tin 7 quan chức FIFA bị "tóm" có khiến người ta bất ngờ không? Câu trả lời là không, vì năm 2012, một thành viên hội đồng điều hành FIFA, cựu Chủ tịch AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) Bin Hamman cũng từng bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá suốt đời vì dính đến việc đưa và nhận hối lộ.

Cần phải nói thêm, Bin Hamman chính là một trong những nhân vật chủ chốt trong việc đưa Vòng chung kết (VCK) World Cup 2022 về Qatar, và trong số các quan chức FIFA vừa bị bắt lần này có 2 thành viên của hội đồng điều hành FIFA năm 2010 là Jack Wanrner và Nicolas Leoz đều đã bỏ phiếu cho Qatar. Nhiều tờ báo phương Tây dẫn những nguồn tin đáng tin cậy cho hay để đổi lại những lá phiếu này, Jack Wanner và Nicolas Loez lần lượt đã nhận từ 1,2 triệu USD đến 2 triệu USD một cách mờ ám.

Tới đây, nếu sự mờ ám được chứng thực thì không riêng gì hai cá nhân này, có thể ngay cả quyền chủ nhà World Cup 2022 của Qatar cũng sẽ bị xem xét lại. Đấy chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ liên quan đến những nghi án của các quan chức FIFA. Vậy còn người đứng đầu FIFA, người vừa đắc cử vị trí Chủ tịch FIFA thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Sepp Blatter thì sao?

Trước vụ việc cấp dưới của mình bị FBI sờ gáy, Sepp Blatter tung ra một câu nói gây tranh cãi, giống như rất nhiều câu nói gây tranh cãi của ông trước đây: "Không ai có thể kiểm soát cấp dưới của mình cả ngày được". Thực ra Blatter nói đúng, không ai có thể kiểm soát thuộc cấp của mình 24/24 giờ, nhưng những hành vi mờ ám, những dấu hỏi bị dư luận liên tiếp đặt ra của các quan chức FIFA thì chẳng nhẽ ông tuyệt đối không hay biết gì?

Trưởng đoàn U.23 Việt Nam Dương Vũ Lâm (phải) tin tưởng cầu thủ U.23 Việt Nam tại SEA Games này không dính líu đến tiêu cực. Ảnh: H.M.

Có một chi tiết đáng chú ý liên quan đến chính Sepp Blatter, đó là báo chí Mỹ đã từng nhiều lần đề cập tới việc trong nghi án giúp Qatar trở thành chủ nhà của VCK World Cup 2022, ông bị nghi ngờ về việc đã nhận hối lộ sau các chuyến du lịch tới Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010. Và thật trùng hợp, từ đó đến nay, người đứng đầu FIFA tuyệt nhiên không đặt chân lại Mỹ ä(?).

Lại nữa, VCK World Cup 2010, FIFA đã bất ngờ chỉ định Công ty Infront Sports & Media độc quyền phát hành vé, và thật sốc khi điều tra của các tờ báo sau này cho hay tổng giám đốc của công ty này chính là Phipippe Blatter - cháu ruột của Sepp Blatter. Cách đây một năm thì tờ Bild của Đức còn cáo buộc Blatter có liên quan đến một tổ chức Mafia Nga thông qua một bức ảnh mà ông tươi cười bên cạnh một nhân vật vốn đang bị truy nã quốc tế...

Chính vì tất cả những điều này nên hôm 30/5 vừa qua, khi Sepp Blatter đắc cử chức Chủ tịch FIFA thêm một nhiệm kỳ nữa (cho dù năm nay ông đã 79 tuổi) thì hàng loạt tờ báo châu Âu đặt câu hỏi: Có phải thông qua những sự "chống lưng" đặc biệt nào đó ông đã tìm cách mua phiếu bầu hay không? Nói như tờ USA Today thì Blatter đã chiến thắng nhờ "chủ nghĩa thân hữu".

Điều đáng nói là trong cuộc bầu cử mà Blatter thắng áp đảo hoàng tử Vương quốc Jordan  là Ali Ban Al Husein (133 so với 73 phiếu ở vòng 1, đến vòng 2 vị hoàng tử Jordan chủ động rút lui vì biết không thể lật ngược ván cờ) hoá ra hai anh cả của bóng đá châu Âu là Pháp và Tây Ban Nha vẫn bỏ phiếu cho Blatter.

Ai cũng biết, Pháp là quê hương của Chủ tịch UEFA Platini, và chính Platini là người đã hơn một lần kêu gọi Blatter từ chức. Cũng chính Platini là người đã kêu gọi cộng đồng bóng đá châu Âu tẩy chay World Cup trong trường hợp Blatter đắc cử. Thế mà...

Ông Sepp Blatter tái đắc cử Chủ tịch FIFA, tạo nên những tranh cãi lớn.

Theo giải thích của một số tờ báo thì lý do có thể nằm ở chỗ cả Pháp và Tây Ban Nha trong nhiều năm qua đã nhận được những khoản đầu tư khổng lồ từ Qatar - nước ủng hộ Blatter tuyệt đối. Ồ, hoá ra lại vẫn là... vấn đề Qatar.

Ngoài Pháp, Tây Ban Nha, rất nhiều các nước thành viên thuộc châu Á, châu Phi, châu Úc cũng đổ dồn phiếu bầu cho Blatter, vì theo giải thích của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá quần đảo Cook, ông Lee Harmon thì: "Trước khi Sepp Blatter làm chủ tịch FIFA, các liên đoàn bóng đá nhỏ như chúng tôi không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết. Nhưng kể từ thời của ông ấy, mỗi năm chúng tôi đều được chia môt khoản lên tới hàng trăm ngàn USD từ lợi nhuận World Cup. Và vì thế, chúng tôi phải bỏ phiếu cho Blatter".

Vậy là đã rõ, Blatter chiến thắng vì rất biết chia sẻ lợi ích với các LĐBĐ nhỏ bé (nhưng lại có vị thế bầu bán ngang bằng với các LĐBĐ lớn) và cũng rất biết cách tạo sự ảnh hưởng (thông qua những kênh tài trợ, đầu tư đặc biệt) với những LĐBĐ có trọng lượng ở châu Âu. Và cứ với đà này, bất chấp việc FIFA luôn bị đặt nhiều dấu hỏi về các hoạt động mờ ám, các dấu hiệu tham ô, tham nhũng thì cái ý tưởng phế truất người đứng đầu FIFA cũng là không thể (?!).

Thật trùng hợp khi trong khoảng thời gian diễn ra những vụ việc "đen ngòm" của FIFA, ở cái vùng trũng Đông Nam Á cũng lại diễn ra những việc có tính chất đen ngòm tương tự. Trưởng đoàn bóng đá Đông Timor đã bị cảnh sát Singapore bắt giữ vì nhận 15.000 USD để làm thay đổi kết quả trận đấu U.23 Đông Timor - U.23 Malaysia trong khuôn khổ bảng B môn bóng đá nam SEA Games 28. Với người Singapore nói riêng và các fan hâm mộ bóng đá Đông Nam Á nói chung đây có phải là thông tin gây sốc?

Lại phải trả lời là không, vì từ lâu Singapore, Malaysia và Macau (Trung Quốc) đã được đánh giá là những "thiên đường cá cược". Trong vụ trưởng đoàn bóng đá Đông Timor bị bắt, người giật dây chính là một công dân Singapore, và đấy là người cũng từng có thời gian ngồi tù vì những hành vi tương tự.

Cuối năm 2013, cảnh sát Singapore từng bắt giữ 14 người trong một đường dây bán độ do một ông trùm co tên Dan Tan cầm đầu. Cũng trong năm 2013, cảnh sát châu Âu đã tìm thấy bằng chứng các đường dây bán độ ở Singapore đã tham gia dàn xếp, làm thay đổi kết quả nhiều trận đấu, đạt mức lợi nhuận lên tới trên 10 triệu USD, và để đạt mức ấy, số tiền hối lộ rơi vào khoảng 3 triệu USD dành cho các quan chức, cầu thủ, trọng tài. 

Rõ ràng, Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung là một khu vực bóng đá cực kỳ nhạy cảm. Chính vì tính chất nhạy cảm, khôn lường ấy mà trong lịch sử các kỳ SEA Games, Tiger Cup, AFF Suzuki Cup luôn diễn ra những kết quả khiến người ta phải sốc nặng, điển hình như việc Malaysia bất ngờ thua Lào 0-1 ở SEA Games năm 1997 hay các cầu thủ U.23 Việt Nam chỉ thắng U.23 Myanmar cách biệt 1 bàn với suy nghĩ "tụi em bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu..." ở SEA Games năm 2005. Lần này, nếu cảnh sát Singapore không kịp bí mật phối hợp với các cầu thủ Đông Timor thì rất có thể một vết đen nữa lại xảy ra.

Bóng đá, bản chất của nó là sự đẹp đẽ và mã thượng. Đã có những lúc người ta định xếp bóng đá thành một môn nghệ thuật là vì thế. Nhưng rõ ràng là với hàng loạt những dấu hỏi liên quan đến tổ chức bóng đá số 1 thế giới (FIFA) và với hàng loạt biểu hiện đen tối đã, đang và có thể là sẽ tiếp tục xảy ra ở khu vực bóng đá Đông Nam Á, những người yêu bóng đá ở cái khu vực bóng đá yếu kém thuộc loại nhất nhì thế giới này sẽ còn phải thấp thỏm sống chung với rất nhiều lỗ đen.

Mong sao, những lỗ đen vẫn không làm cho cảm xúc và tình yêu thui chột!

Tin tưởng cầu thủ U.23 Việt Nam không dính líu tiêu cực

Trưởng đoàn bóng đá U.23 Việt Nam tại SEA Games 28 Dương Vũ Lâm cho biết cá nhân ông đã theo dõi sát sao và thông báo kịp thời đến các cầu thủ U.23 Việt Nam về diễn biến vụ việc  quan chức bóng đá Đông Timor bị bắt vì nghi vấn nhận tiền, làm thay đổi kết quả các trận đấu của đội này tại SEA Games.

Từ đó, ông Dương Vũ Lâm nhắc nhở các cầu thủ Việt Nam phải đề phòng cảnh giác, tuyệt đối không được gặp người lạ để tránh mọi trường hợp bị lợi dụng đáng tiếc. Ông Lâm đánh giá rằng trong tay HLV trưởng Toshiya Miura là một thế hệ cầu thủ trẻ trung, ngoan ngoãn, biết nghe lời, và với thế hệ cầu thủ này, người hâm mộ bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng gửi gắm niềm hy vọng, sự tin yêu của mình.

Chung quan điểm với ông Dương Vũ Lâm, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 Trần Đức Phấn cũng tin tưởng tuyệt đối vào việc các cầu thủ U.23 Việt Nam không liên quan gì đến vụ tiêu cực bóng đá SEA Games mà cảnh sát Singapore đang điều tra, mở rộng.

Phan Đăng
.
.
.