World Cúp và nỗi lo dàn xếp tỷ số:

Lời cảnh báo từ Nam Phi

Thứ Sáu, 06/06/2014, 13:58

Chỉ còn một tuần nữa, World Cup 2014 sẽ chính thức khai mạc. Nhưng ngay trước thềm giải đấu lớn nhất hành tinh này, đã có những chuyện khiến FIFA phải điều tra, chuẩn bị. Vẫn là câu chuyện dàn xếp tỷ số. Nhưng nếu nó xuất hiện ở World Cup thì không còn là "câu chuyện" nữa, mà là vấn đề lớn.

Cách đây vài ngày, FIFA đã đưa ra thông báo gây sốc rằng, họ đang điều tra và có cơ sở để khẳng định, có ít nhất 5 trận đấu giao hữu trước World Cup đã được dàn xếp (có thể lên tới 15 trận). Mặc dù đây chỉ là những trận đấu chuẩn bị cho giải, nhưng nó cũng lại làm dấy lên những cảnh báo về vấn nạn dàn xếp tỷ số các trận đấu tại World Cup 2014. Tuy nhiên, cuộc chiến với hệ thống cá độ tại World Cup 2014 sẽ được nhắc đến sau, còn ngay trước mắt FIFA, cuộc điều tra sẽ được bắt đầu. Bởi lẽ, nó có thể dẫn đến một câu hỏi bi kịch: Liệu có trận đấu nào ở World Cup 2010 bị dàn xếp? Và World Cup 2014 có bị ảnh hưởng?

1. Một trận đấu tại World Cup cũng giống như những trận đấu ở các giải khác. Có nghĩa nó cũng được tổ chức bởi một hệ thống, được điểu chỉnh bởi những luật và quy tắc. Và tất cả những rào cản để vận hành một trận đấu đều có thể bị tội phạm khoan thủng. Trong lịch sử World Cup cũng đã từng có rất nhiều trận đấu bị nghi ngờ dàn xếp. Dĩ nhiên mỗi thời kì, trận đấu được coi là bị "dàn xếp" theo những cách thức khác nhau, hình thái khác nhau, thậm chí là có những sự "dàn xếp" mà không ai có quyền điều tra.

Nhưng trong bóng đá hiện đại, chuyện dàn xếp chỉ đơn giản là mánh khóe, quyền lực của những nhóm tội phạm. Chính vì thế, một trận đấu ở Champions League, một trận đấu ở một giải VĐQG, một trận đấu của ĐTQG, một trận giao hữu, hay một trận đấu tại World Cup, trên lí thuyết đều có thể bị dàn xếp như nhau. Bởi vậy mà khi tuyên bố có ít nhất 5 trận đấu tiền World Cup 2010 bị dàn xếp, FIFA quyết định sẽ điều tra đến tận gốc rễ, mở rộng phạm vi nghi vấn, để chắc chắn rằng nó không liên quan và không thâm nhập vào kì World Cup cách đây 4 năm.

Ngay sau khi có tin từ FIFA, tờ The New York Times đã tiến hành điều tra trước. Và hai nhà báo tham gia nghi án này là Jere Longman và đặc biệt là Declan Hill, tác giả của cuốn sách gây chấn động thế giới: "Dàn xếp tỷ số, bóng đá và tội phạm có tổ chức", một cuốn sách điều tra công phu đến mức không tưởng về thế giới tội phạm bán độ bóng đá.

Họ lập tức đã đưa ra những kết luận ban đầu về vụ việc, với những chi tiết nhỏ nhất được phanh phui. "Câu chuyện điều tra" của Declan Hill bắt đầu với một vị trọng tài có tên Ibrahim Chaibou. Bốn năm trước, ông đến một thành phố nhỏ ở Nam Phi, mang theo một chiếc túi chứa cả trăm ngàn USD, với những cọc tiền mệnh giá 100 USD. Toàn bộ số tền này được gửi vào ngân hàng. Nó nhiều đến mức, nhân viên ngân hàng còn tặng Chaibou một món quà kỉ niệm là đồng tiền xu quý hiếm mang chân dung của Nelson Mandela.

Hồ sơ điều tra vụ dàn xếp tiền World Cup 2010.

Chaibou, người gốc Niger, đến Nam Phi để điều khiển trận đấu giao hữu giữa chủ nhà và Guatemala nhằm chuẩn bị cho VCK World Cup 2010. Trong trận đấu này, Chaibou đã có những quyết định đáng ngờ. Sau trận đấu rất tệ này, nhiều người mới phát hiện ra rằng, Chaibou đã được chọn điều khiển trận đấu bởi một công ty có quyền hạn tổ chức bóng đá, có trụ sở tại Singapore, điểm nóng của nạn dàn xếp tỷ số.

Bản báo cáo điều tra của của vụ việc này được công bố dày 44 trang, trong đó có ghi lại chi tiết hành trình và hoạt động ngân hàng của trọng tài Chaibou. Thậm chí, có trận đấu bị điều tra còn phát hiện được những bức thư nặc danh, đe dọa tính mạng dành cho các quan chức tổ chức trận đấu nếu họ dám ngăn cản kế hoạch dàn xếp. Hàng chục người là các quan chức, trọng tài, con bạc được thẩm vấn ở 5 nước có liên quan, gồm: Nam Phi, Anh, Phần Lan, Malaysia, Singapore. Tất cả các cuộc thẩm vấn này đều được ghi lại và khẳng định rằng có ít nhất 5 trận đã bị dàn xếp, trong số đó có thể có cả trận đấu giữa Mỹ và Australia.

Tại mỗi kì World Cup, doanh thu của FIFA có thể lên tới trên 4 tỷ USD từ bản quyền truyền hình, tài trợ, bán vé… Chính vì thế mà những ngóc ngách của giải đấu này cũng sẽ dược các tổ chức tội phạm khai thác triệt để. Mọi mối quan hệ đều được tận dụng với những "hợp đồng" đắt giá.

Và kết luận điều tra ban đầu của FIFA nêu ra 3 điểm: 1. Những kẻ tội phạm dàn xếp đã nhận được sự hỗ trợ từ các quan chức bóng đá Nam Phi. Thế nhưng, FIFA không buộc tội bất cứ ai trong các trận đấu này. 2. Các cuộc điều tra về vụ dàn xếp tại Nam Phi tiếp tục, nhưng các bên liên quan được giấu kín và không được tiếp xúc báo chí. Các quan chức FIFA cũng không được để lộ thông tin. 3. Các vụ án bán độ tiền World Cup 2010 có thể mở rộng tại VCK và cần ngăn chặn, nhưng sự việc tương tự có thể xảy ra ở Brazil trong thời gian này.

Những kết luận này khá chung chung và ở tầm vĩ mô, giáo điều. Vì thế, nhiều người đánh giá rằng, chẳng hiểu FIFA có thật sự làm quyết liệt vụ này hay không!

2. Ralf Mutschke , người đứng đầu bộ phận an ninh của FIFA nói thẳng rằng: "Tội phạm dàn xếp tỷ số luôn cố gắng lùng sục mọi nơi để tạo ra một khối lượng cá cược lớn. Trong đó World Cup hoàn toàn có thể là mục tiêu. Và ở đó cũng sẽ có những rủi ro nhất định".

Các trận đấu giao hữu tiền World Cup ở Nam Phi cũng không phải là mối nghi ngờ duy nhất. Europol, cơ quan cảnh sát Liên minh châu Âu nói rằng, họ đã nắm trong tay hồ sơ của 680 trận đấu có nghi vấn trên toàn cầu trong quãng thời gian 3 năm từ 2008 đến 2011. Và điều gây sốc là trong danh sách đó có cả một số trận đấu tại vòng loại World Cup và các giải đấu uy tín khác.

Cách đây không lâu, một người đàn ông có tên Mohammad đã đến cơ quan an ninh liên bang tại Johannesburg mang theo một bức thư đề ngày 29/04/2010, đề nghị được hợp tác điều tra với chứng cớ về giấy tờ đi lại, ăn ở dành cho trọng tài trong một số trận đấu. Và những bằng chứng đó có bút tích của Perumal, một tên trùm dàn xếp cá cược. 3 quả phạt đền trong trận đấu giữa Guatemala và đội chủ nhà Nam Phi hồi tháng 5/2010 được "tặng" bởi trọng tài Ibrahim Chaibou giúp Nam Phi thắng 5-0 cũng là một phần của "thỏa thuận ngầm".

Trọng tài Chaibou điều khiển trận Argentina-Nigeria tại World Cup 2010.

FIFA cũng báo cáo rằng, ông Chaibou, người điều khiển trận đó đã nhận 100.000 USD. Đến đây, lỗ hổng của FIFA xuất hiện khi họ cho phép các liên đoàn chỉ địnhh trọng tài trong các trận giao hữu. Đến đây lại có sự liên hệ nữa giữa trùm dàn xếp tỷ số Perumal với các công ty tổ chức trận đấu và những khoản tiền mua chuộc trọng tài. Nó hoàn toàn phù hợp với những thông tin mà Perumal tiết lộ hồi cuối tháng 4 vừa qua về những khoản tiền từ 60.000 đến 75.000 USD mà ông đã gửi cho chính trọng tài Chaibou và các cộng sự để điều khiển có lợi cho họ ở những trận đấu giao hữu.

Đêm trước trận đấu giao hữu với Đan Mạch, một số quan chức của Nam Phi đã tham gia một cuộc thương lượng về trọng tài chính đến từ Tanzania. Nhưng đến buổi sáng hôm sau, vị trọng tài chính đã rút lui với lí do đau dạ dày. Và một người khác được chọn thay thế, nhưng họ đưa ra 3 phương án và người cuối cùng bước ra sân thực ra là người đã được "chấm" từ trước. Và người đứng đằng sau chính là Perumal.

Tại World Cup 2010, Perumal còn có kế hoạch tiếp cận một số trọng tài để đề nghị dàn xếp một trận đấu tại với giá lên đến 400.000 USD, nhưng trọng tài đó đã từ chối, vì cho rằng Perumal sẽ "không đủ khả năng" để thực hiện hợp đồng lớn như vậy! Ba tháng sau World Cup, Perumal tổ chức một trận đấu tại Bahrain, trong đó đối thủ của chủ nhà là ĐTQG Togo giả. Và trọng tài điều khiển trận đó chính là Chaibou.

3. Những dữ liệu về những trận đấu bị dàn xếp trước kì World Cup 2010 đã tạo ra rất nhiều nghi ngờ rằng: Liệu có trận đấu nào tại giải đấu này bị dàn xếp? Câu trả lời chưa có. Bởi chính FIFA dường như cũng đang rụt rè trong việc điều tra. Thực tế là đội ngũ điều tra viên của FIFA bao gồm cả thành viên Interpol đều không phỏng vấn, thẩm vấn bất cứ quan chức nào trong thời gian diễn ra World Cup tại Nam Phi. Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi, Zacob Zuma tuyên bố sẽ không thành lập ủy ban để xem xét, điều tra các trận đấu bị dàn xếp mà "nhường" lại cho FIFA.

Chưa thể biết World Cup 2010 có bị "đào xới" lên không, nhưng nó đang tạo ra một hiệu ứng đáng ngại cho FIFA ngay trước thềm World Cup 2014. Và cũng chính vì những thông tin trên, cơ quan an ninh, điều tra của FIFA sẽ phải hoạt động. Và kế hoạch này đã được lên để ngăn chặn những hoạt động nhằm tác động xấu tới World Cup 2014…

Quan chức bóng đá Nam Phi bị dọa giết!

Trong kế hoạch tìm trọng tài cho trận đấu giao hữu giữa Nam Phi và Đan Mạch trước World Cup 2010 (Nam Phi thắng 1-0), việc trọng tài chính được chỉ định xin rút lui dường như đã nằm trong kế hoạch của ông trùm Perumal. Người thay thế cũng là trọng tài rất quen thuộc, ông Chaibou. Để ngăn chặn những ảnh hưởng từ Perumal, một quan chức của bóng đá Nam Phi đã bị khóa trái trong phòng thay đồ của trọng tài. Người đó được coi là ông Steve Goddard, người đứng đầu công tác trọng tài của Liên đoàn bóng đá Nam Phi, cũng là người từ chối nhận hối lộ từ các tổ chức tội phạm để bố trí trọng tài. Trong hồi kí của mình, Perumal cũng nhắc đến Goddard như một "rắc rối lớn" không thể giải quyết.

Ngay sau trận đấu với Đan Mạch, Goddard nhận được điện thoại của chính Perumal. Sau đó, đã có tin cho rằng, Goddard bị dọa giết từ tổ chức của Perumal. Nhưng trong hồi kí, Perumal chỉ thừa nhận rằng chỉ dọa kiện Goddard vì "vi phạm hợp đồng" trong tổ chức trận đấu chứ không hề dọa giết!

Lê Giang
.
.
.