Lời nhắc nhở cho người đang sống

Thứ Ba, 10/07/2018, 17:19
Những câu chuyện xúc động về cái chết, về căn bệnh ung thư lần đầu tiên được chuyển tải thành những vở kịch ngắn xúc động. Sau thành công ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, “Memento Mori” đã có ba đêm diễn ở Hà Nội với thông điệp: Biết trân trọng sự sống và chấp nhận cái chết.


Hãy nhớ, ta đang sống

Tiểu phẩm “Memento Mori” (Hãy nhớ, ta đang sống) được chuyển thể từ cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang như một món quà dành tặng những người cận tử và người thân của họ. Những câu chuyện xúc động và đời thường lần đầu tiên được đưa lên sân khấu đã chạm tới trái tim người xem.  

“Tôi muốn đưa thông điệp quan trọng của cuốn sách đến với càng nhiều người càng tốt. Và nghệ thuật có thể giúp khán giả tiếp nhận một cách trực tiếp và hiệu quả” – đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ nói về lý do dự án nghệ thuật cộng đồng “Memento Mori” ra đời.

Đó là câu chuyện của Vân - một phụ nữ nông thôn nhưng có những tư tưởng rất hiện đại về cái chết của mình cũng như việc hiến tạng. Hay nhân vật Liên - một cô gái trong trẻo, lạc quan đi qua mọi vấn đề của cuộc sống ngắn ngủi nhưng lại không thể tha thứ cho người đàn ông đã làm trái tim cô tổn thương. Và Hà - một người mẹ dũng cảm và có trái tim yêu thương đã vật vã với hành trình đi đến cái chết của cậu con trai thế nào…”. 

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cho biết: “Tôi bị ấn tượng ngay khi đọc cuốn sách của anh Đặng Hoàng Giang, thậm chí phải ngưng đọc nhiều lần vì xúc động. Cuốn sách quá đặc biệt và là nguồn cảm hứng cần lan tỏa đến với mọi người”.

Tác giả “Điểm đến cuộc đời” Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Cường Vũ.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ muốn truyền đạt thông điệp của mình đến nhiều khán giả hơn và anh đã bắt tay ngay vào việc viết kịch bản, chọn diễn viên.

Trước khi ra Hà Nội công diễn 3 đêm tại trung tâm Young Hit Young Beat, vở kịch ngắn đã ra mắt ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 4-2018, trong khuôn khổ chương trình “Khơi nguồn cảm hứng” nhằm lan truyền những thông điệp giá trị cho cộng đồng. 

Và ngày 20-5, trong không gian yên ắng tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, tác phẩm đã làm cho hàng trăm bệnh nhân ung thư cũng như người nhà vỡ òa khi bắt gặp hình ảnh của chính họ và người thân qua sự thể hiện chân thật của diễn viên.

“Memento Mori” đã có những hiệu ứng tích cực và mạnh mẽ đến cộng đồng những người bị ung thư và cả những người đang sống khỏe mạnh. Và nó được phát triển thành một dự án cộng đồng để đến với người xem trên mọi miền đất nước, nhất là các bệnh viện, trường học, nhà thờ… 

“Việc chiêm nghiệm về cái chết để nhìn lại cách sống của mình là tinh thần chính của cuốn sách. Tôi muốn mang tinh thần này đến với mọi người để chúng ta biết trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc quý giá, đặc biệt là trong nhịp sống hiện đại diễn ra quá nhanh như hiện nay”, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chia sẻ.

Đan Phương trong vai Liên.

Sự lan tỏa của những điều tử tế

Những câu chuyện xúc động của tiểu phẩm “Memento Mori” và sức lan tỏa của nó trong cộng đồng đã giúp cho việc gây quỹ dự án khá suôn sẻ. Chỉ trong 2 tuần kêu gọi, dự án đã đạt được hơn 150 triệu đồng. Việc gây quỹ vẫn đang tiếp tục để có thể mang tác phẩm cùng thông điệp “Memento Mori” đến với khán giả miễn phí trên cả nước.

Những câu chuyện giản dị, xúc động lần đầu tiên được sân khấu hóa đã chạm tới cảm xúc của người xem. Họ, những bệnh nhân ung thư, hay người nhà của bệnh nhân và cả những người khỏe mạnh đều tìm thấy một thông điệp tích cực từ câu chuyện. Vì thế, dự án đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng và sự hỗ trợ nhiệt thành từ các nhà hảo tâm. 

Nhiều người không cần lưu tên khi tham gia đóng góp, vì họ chỉ cần biết mình đang góp sức vào một dự án ý nghĩa. Ca sĩ Mỹ Linh sẵn lòng tài trợ không gian tại trường dạy nhạc của mình để ekip luyện tập và biểu diễn. Các diễn viên, nhạc công thì nhận lời ngay khi được đề nghị tham gia dự án.

“Memento Mori” xúc động vì nhiều diễn viên đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Họ đã diễn câu chuyện của đời mình một cách chân thực, sinh động nhất. Chính đạo diễn đã không giấu được nước mắt, trước sự thể hiện quá chân thật của họ.

Mẹ con chị Hà.

Dĩ nhiên “Memento Mori” không thể thay đổi số phận những bệnh nhân ung thư, nhưng tiểu phẩm kịch cùng với những chia sẻ từ tác giả Đặng Hoàng Giang có thể tạo nên những tác động lớn đến xã hội để mọi người có cái nhìn, thái độ đúng đắn hơn với bệnh nhân ung thư. 

Vì nhiều khi, cái mà người bệnh và người nhà của họ cần không phải là những lời khuyên, thậm chí không phải hỗ trợ tài chính, mà là sự thấu cảm, và cảm giác được chia sẻ nỗi đau và sự nhọc nhằn, vất vả, như lời của tác giả Đặng Hoàng Giang. 

Dự án như lời nhắc nhở rằng trên hành trình đi đến cửa tử, người bệnh ung thư sẽ luôn được sự đồng hành của cả cộng đồng, xã hội, và đó hẳn nhiên là một xã hội những người tử tế. 

“Cái chết bây giờ gần như quá vô thường với em. Mỗi ngày, em có thể nghe rất nhiều cái chết của bệnh nhân ung thư. Trước kia em có thể khóc cả ngày vì một người không quen biết nhưng bây giờ em nghĩ khác. Với bệnh nhân ung thư, đó là giải thoát” - Huế, diễn viên của “Memento Mori”, đồng thời cũng là bệnh nhân ung thư cho biết.

Còn Vân, chị gửi gắm những lời dặn dò, nhắn nhủ cuối cùng cho hai con gái qua những đoạn ghi âm ngắt quãng bởi sức khoẻ của chị càng về cuối càng không cho phép. Nhân vật Vân trong thực tế đã dùng những ngày cuối của cuộc đời mình thuyết phục gia đình chấp nhận cho chị hiến giác mạc, làm một điều có ích cho đời trước khi chị ra đi.

Và Hà, đối mặt với việc căn bệnh ung thư xương đến với đứa con trai 10 tuổi của chị - bé Nam. Sự hồn nhiên, vô tư và cách sử dụng ngôn từ đặc biệt của em, có thể càng xoáy sâu vào lòng người xem sự thương cảm và day dứt khôn nguôi làm thế nào vượt qua nỗi đau, mất mát và tiếp tục sống khi người thân yêu nhất của mình mãi mãi ra đi. 

Liên, cô gái trẻ với nhiều hoài bão ước mơ bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, 15 năm ăn học, 3 năm đi làm. Cuộc chiến cam go nhất của cô, có lẽ không phải với những liệu trình trị xạ, mà với chính bản thân cô: “Làm sao để bỏ đi những sân si, tìm được cho mình ý nghĩa của cuộc sống để cuối cùng đến với cái chết một cách thanh thản”?

Phạm Diệu Hương, một diễn viên của “Memento Mori” chia sẻ: “Chính các bệnh nhân ung thư, thông qua vở diễn này, đánh động tâm trí của chúng ta, những người đang nương náu trong sự yên ổn, buộc chúng ta phải đối diện và chìm vào suy tư về nỗi đau và cái chết của kẻ khác”.

Những mảnh ghép trong tiểu phẩm cùng chung một đích đến là cái chết, nhưng những con đường thì khác nhau. “Memento Mori” là một hành trình mang tính biểu tượng, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống. 

Hành trình biểu tượng ấy là những trải nghiệm chân thật và tự nhiên về từng lát cắt hơi thở thông qua dòng chảy cuộc đời những con người đang sống chung với ung thư. Ở “Memento Mori” có tột đỉnh của sự chân thật trước bản thân và sự khiêm nhường trước tạo hoá.

Nhóm diễn viên tham gia tiểu phẩm ở Tp Hồ Chí Minh.

Tác giả Đặng Hoàng Giang cho rằng: "Rất nhiều khi, cái mà người bệnh và người nhà của họ cần không phải là những lời khuyên, thậm chí không phải hỗ trợ tài chính, mà là sự thấu cảm, và cảm giác được chia sẻ nỗi đau và sự nhọc nhằn, vất vả”.

Với những người thực hiện, “Memento Mori” là một món quà dành tặng những bệnh nhân ung thư và người thân của họ. Về mặt nghệ thuật, câu chuyện còn có những khập khễnh, chưa nuột nà nhưng hiệu ứng xã hội từ hiện thực khốc liệt đó  đã khiến khán giả rơi nước mắt. 

“Memento Mori” giúp ta nhận ra hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc ngay cạnh chúng ta khi được hít chung một bầu không khí, tận hưởng hạnh phúc từ những việc đơn giản nhất, trong từng hơi thở. Và hạnh phúc, đôi khi, đơn giản chỉ là chúng ta đang được khỏe mạnh.

* Chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng “Điểm đến của cuộc đời” của TS Đặng Hoàng Giang, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ đã dành nhiều tâm huyết cho tiểu phẩm kịch ngắn “Memento Mori - Hãy nhớ, ta đang sống” trong dự án thiện nguyện “Memento Mori”.  

Tiểu phẩm được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật của các bệnh nhân ung thư và người nhà, mà tác giả Đặng Hoàng Giang tiếp xúc và đồng hành trong hành trình cận tử của họ.

Chỉ trong 20 ngày, dự án “Memento Mori” đã kêu gọi cộng đồng quyên góp được 150 triệu đồng để tổ chức ba đêm diễn tại Hà Nội. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Mỹ Linh, đạo diễn của “Đập cánh giữa không trung” Nguyễn Hoàng Điệp đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và cả hỗ trợ vật chất cho dự án này bởi tính nhân văn đẹp đẽ mà những người thực hiện muốn mang lại cho khán giả.     

Lan Tường
.
.
.