Sam Allardyce mất ghế HLV trưởng ĐT Anh vì 400.000 bảng

Lòng tham và áp lực từ giới truyền thông

Thứ Ba, 04/10/2016, 09:09
Chỉ 67 ngày ngồi vào chiếc ghế mơ ước suốt hơn một thập kỷ, Sam Allardyce đã phải cay đắng rời vị trí sau scandal bị Telegraph công bố.


Đằng sau sự ra đi của Big Sam liệu chỉ là câu chuyện của lòng tham con người hay còn những uẩn khúc khác về cuộc chiến chưa bao giờ chấm dứt giữa giới truyền thông thích gây chuyện của nước Anh và những người nổi tiếng ở “xứ sở sương mu”?

Chẳng ai nói không với tiền

Yoko Ono, vợ của danh ca huyền thoại John Lennon, có một phát ngôn nổi tiếng: “Khi bạn có càng nhiều, bạn càng khao khát có thêm”. Trong trường hợp của Sam Allardyce, cần phải khẳng định rằng hậu quả mà ông phải nhận trước tiên xuất phát từ lòng tham vô đáy của chiến lược gia 67 tuổi.

Ngồi vào chiếc ghế HLV ĐT Anh, Sam Allardyce không chỉ thỏa mãn ước mơ từng được nhiều lần khẳng định của bản thân, mà còn nhận một chế độ đãi ngộ đáng mơ ước so với các đồng nghiệp. Nói như Telegraph, ông được FA trả tới 3 triệu bảng/năm để làm một công việc dạng part-time (bán thời gian).

Sam Allardyce mất chức vì một món lợi quá nhỏ so với thu nhập.

So với các HLV khác tại Premier League phải làm việc với cường độ cao khi lịch thi đấu hàng tuần luôn dày đặc, mỗi năm các ĐTQG chỉ tập trung vài đợt và nhiều lắm thì Sam Allardyce chỉ dẫn dắt ĐT Anh khoảng 8-10 trận/năm.

Dĩ nhiên đó là một công việc áp lực, nhưng cũng không thể phủ nhận mức thu nhập hấp dẫn ấy đủ để Sam Allardyce toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, Big Sam được chọn vào vị trí HLV trưởng “Tam sư” trong một thời điểm nhạy cảm khi ĐT Anh đang trải qua một giai đoạn tụt dốc thảm hại. Họ bị loại từ vòng bảng World Cup 2014 và sau đó bị Iceland, ĐT của quốc gia chỉ có vỏn vẹn 330.000 dân, đá văng khỏi vòng 1/8 EURO 2016.

Ở hoàn cảnh ấy, Big Sam cần chứng tỏ ông là một người tận tụy và xứng đáng để các CĐV đặt niềm tin vào một cuộc phục hưng trong tương lai gần.

Nhưng không. Ở cái tuổi gần 70, Big Sam vẫn “dại dột” và dễ dàng mắc bẫy trước một món lợi nhỏ nhoi. 400.000 bảng để “tư vấn về cách lách luật chuyển nhượng tại Premier League” là một cái giá hời, song vẫn là quá rẻ so với chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh.

Trước khi trách các phóng viên Telegraph đặt bẫy mình, Sam Allardyce nên trách bản thân mình khi bị mờ mắt bởi lợi ích mà vì nó, ông phải đánh đổi cả một sự nghiệp.

Điều đáng buồn hơn cho bóng đá Anh là việc Telegraph tiết lộ Sam Allardyce chỉ là cái tên đầu tiên trong đường dây những HLV sẵn sàng nhận tiền để “điều chỉnh” giá chuyển nhượng của cầu thủ nhằm kiếm chác thêm ngoài khoản lương được nhận từ CLB.

Theo điều tra, nhiều chiến lược gia đáng kính thậm chí sẵn sàng trở thành đại diện cho một “công ty ma” (đóng vai trò như bên sở hữu thứ 3 của các cầu thủ) để lách luật chuyển nhượng FIFA và thu lợi cá nhân.

Kỷ lục đáng quên của Big Sam

Sam Allardyce là vị HLV thứ 9 của ĐT Anh tính từ năm 1990 tới nay. Trước Big Sam, những người ngồi vào chiếc ghế nóng của “Tam sư” gồm có Graham Taylor (1990-93), Terry Venables (1993-96), Glenn Hoddle (1996-99), Kevin Keegan (1999-2000), Sven Goran Eriksson (2000-2006), Steve McClaren (2006-2008), Fabio Capello (2008-2012), Roy Hodgson (2012-2016). Thành tích tốt nhất của ĐT Anh trong giai đoạn này là lọt vào bán kết World Cup 1990 và EURO 1996.

Trong cùng khoảng thời gian trên, ĐT Đức chỉ có 5 HLV là Berti Vogts (1990-1998), Erich Ribbeck (1998-2000), Rudi Voeller (2000-2004), Juergen Klinsmann (2004-2006) và Joachim Loew (2006-nay). Họ vô địch thế giới năm 2014 và châu Âu năm 1996, ngoài ra có 3 lần làm á quân tại các EURO 1992, World Cup 2002 và EURO 2008.

Nếu không tính các HLV tạm quyền, Sam Allardyce là HLV có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử ĐT Anh. Kỷ lục trước đó thuộc về Kevin Keegan và Steve McClaren với cùng 18 trận.

Premier League nổi tiếng là một giải đấu hái ra tiền, nhưng càng kiếm được nhiều tiền thì lòng tham của những người trực tiếp tham dự càng lớn. Họ có thể nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để ních đầy túi những đồng tiền với sức lao động bỏ ra ít nhất.

Trong vòng xoáy kim tiền này, những trường hợp như Sam Allardyce sẽ còn xuất hiện rất nhiều và rõ ràng, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Giá cầu thủ bị thổi phồng so với thực tế, các nhân vật VIP sẵn sàng tận dụng vị thế để tận thu, niềm tin của các CĐV bị xói mòn nghiêm trọng khi tư cách của những chiến lược gia đạo mạo lần lượt bị phơi bày trên mặt báo…

Quan trọng nhất, ĐT Anh thì vẫn lẹt đẹt ở các giải đấu lớn khi những người dẫn dắt họ chỉ coi chuyên môn là chuyện nhỏ.

Sức mạnh của truyền thông

Nếu nhìn vào scandal của Sam Allardyce ở khía cạnh ông là nạn nhân, có thể Big Sam sẽ nhận được một vài lời cảm thông từ những người đồng nghiệp. Chiếc ghế HLV ở ĐT Anh luôn có độ “nóng” vào loại nhất thế giới khi áp lực không chỉ đến từ những thành tích trên sân cỏ mà còn từ giới truyền thông luôn cần những sự kiện bom tấn để thu hút người đọc.

Sam Allardyce không phải là trường hợp đầu tiên dính bẫy trước những nhà báo nhập vai quá đạt. Trước ông, HLV người Thụy Điển Sven Goran Eriksson cũng từng bị hai nhà báo trong vai “đại gia Ả Rập” cài đến mức tiết lộ tất cả những bí mật đời tư.

Kết quả là đời sống phóng túng của chiến lược gia này bị tung lên mặt báo và áp lực từ dư luận đủ để Eriksson phải ngậm ngùi chia tay vị trí HLV trưởng ĐT Anh.

Tất cả những người dẫn dắt “Tam sư” đều phải hiểu rằng họ cần thận trọng với từng lời nói, việc làm khi tiếp xúc với báo giới và cố gắng “giấu mình” triệt để nhất. Terry Venables từng phải nhận chỉ trích khi báo chí cho rằng ông quan tâm đến việc kinh doanh riêng hơn là nhiệm vụ dẫn dắt ĐT Anh.

Người kế nhiệm ông là Glenn Hoddle thì dính scandal với phát ngôn về người tàn tật trên The Times. Ngay cả một HLV đầy bản lĩnh như Fabio Capello cũng điêu đứng khi bảo vệ John Terry trong vụ phân biệt chủng tộc với Anton Ferdinand.

Điểm chung giữa họ là việc không thể chịu nổi áp lực quá lớn từ dư luận trước những phân tích có phần cay nghiệt và hiếu chiến của giới báo chí.

Sự can thiệp của truyền thông Anh vào bóng đá không phải là điều mới được bàn tới. Không có một giải đấu nào mà các cầu thủ bị “soi” kỹ như Premier League khi mọi biểu hiện trên sân cỏ của họ đều bị hàng trăm ống kính theo sát từng ly từng tý.

Thierry Henry sau khi rời Arsenal để đến với Barcelona đã phải thốt lên: “Tôi như một người vừa ngộp thở dưới nước được kéo lên bờ.

Người dân Catalunya cũng yêu bóng đá một cách cuồng nhiệt nhưng tôi có thể thoải mái ra đường mà không phải nơm nớp lo sợ dính phốt như ở nước Anh”.

Sven Goran Eriksson cũng từng phải ra đi vì mắc bẫy truyền thông.

Tất nhiên, các HLV cũng không phải là ngoại lệ. Giống như cầu thủ, họ cũng phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Ngay cả một người nổi tiếng hoạt ngôn và biết cách lợi dụng truyền thông như Mourinho cũng đôi lần thừa nhận ông mệt mỏi khi phải đối phó với báo giới.

Sir Alex Ferguson thì chọn cách cấm cửa một vài tờ báo mà ông ghét, nhưng ở vào vị thế như chiến lược gia người Scotland thì có lẽ bóng đá Anh chỉ có một.

Kỷ lục đáng quên Ai thay Allardyce?

Người tạm thời tiếp quản vị trí của Sam Allardyce tại ĐT Anh lúc này là Gareth Southgate, HLV của U21 Anh. Cựu cầu thủ của Middlesbrough và Aston Villa cũng là người được đánh giá có khả năng được bổ nhiệm chính thức lớn nhất trong số các ứng cử viên.

Những chiến lược gia người Anh hiện có tên trong danh sách tiềm năng của FA hiện tại ngoài Southgate bao gồm Steve Bruce, Glenn Hoddle, Eddie Howe và Alan Pardew. Bên cạnh đó là những cái tên nổi tiếng như Juergen Klinsmann, Roberto Mancini và Manuel Pellegrini.

ĐT Anh sẽ có trận đấu đầu tiên sau khi Sam Allardyce rời vị trí vào ngày 4/10 tới. Đối thủ của “Tam sư” sẽ là đội bóng nhược tiểu Malta và có lẽ Gareth Southgate sẽ không gặp nhiều khó khăn. Theo dự đoán của giới truyền thông, FA sẽ công bố tân HLV trưởng của ĐT Anh trước thời điểm ngày 11/11, khi “Tam sư” có trận tiếp đón Scotland trên sân nhà Wembley trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018.

Sam Allardyce đã tỏ ra quá non tay trước những nhà báo lão luyện của Telegraph. Đó quả thật là đòn đau với một chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm như ông. Nhưng ít ra thì Big Sam cũng đã để lại một “bài học” kinh nghiệm cho bất cứ ai sẽ tiếp quản vị trí của ông về cách hành xử với truyền thông và việc tự giữ mình trước những cám dỗ.

Nhưng đó chỉ là khía cạnh chủ quan. Với một nền truyền thông lắm chiêu trò như ở nước Anh, bạn không thể biết đích xác bao giờ mình sẽ là đối tượng được nêu tên trên mặt báo với những cái tít đầy giật gân.

“Chỉ có vài người mà báo chí Anh không động đến. Đó là Chúa và các vị Thánh” – Arsene Wenger.

Đơn Ca
.
.
.