Từ việc mỗi đội bóng chỉ được đưa vào sân 1 cầu thủ nhập tịch:

Luật lệ hay sự dẫn dắt của các ông bầu?

Thứ Tư, 07/01/2015, 09:00
V.League 2015 (khai mạc vào chiều Chủ nhật tuần rồi) có một chi tiết hết sức đáng chú ý, thậm chí nói không quá là một "chi tiết bước ngoặt", đó là mỗi đội bóng chỉ có thể tung vào sân duy nhất một cầu thủ nhập tịch. Điều này gợi lại cả một lịch sử xuất hiện và sử dụng cầu thủ nhập tịch ở Việt Nam, từ đó kéo theo hàng loạt những biến thiên kỳ lạ - kỳ lạ tới mức không thể tin nổi xung quanh câu chuyện này.

Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận Phan Văn Santos (Đồng Tâm Long An) là một trong những cầu thủ nhập tịch đầu tiên, và ở mùa giải 2008 thì  CLB Đồng Tâm Long An của Santos cũng là CLB đầu tiên sử dụng cầu thủ nhập tịch trong các trận đấu V.League. Nhanh chóng nhận ra lợi ích của các cầu thủ gốc ngoại, có trình độ ngoại nhưng lại không phải chịu những chế tài về số lượng cầu thủ ngoại có mặt trên sân (khi ấy mỗi đội chỉ được sử dụng tối đá 3 cầu thủ ngoại/ một trận đấu) hàng loạt các CLB ồ ạt thực hiện kế hoạch nhập tịch ngoại binh.

Khi phát biểu trước báo giới phần lớn các cầu thủ nhập tịch đều nói những câu giống nhau, đại loại: "Tôi rất yêu Việt Nam và yêu bóng đá Việt Nam" nhưng sau này, khi vỡ ra hàng loạt những câu chuyện tế nhị, khiến mối quan hệ giữa một bộ phận cầu thủ nhập tịch với các CLB chủ động nhập tịch cho mình không còn trong cảnh cơm lành canh ngọt thì đã có những câu hỏi lớn được đặt ra: Phải chăng nhiều cầu thủ được CLB của mình cho tiền để đi tới quyết định nhập tịch? Và phải chăng phía sau hàng loạt những khẩu ngữ mĩ miều kiểu "tôi yêu Việt Nam" thực chất lại là những hành động phục vụ cho lợi ích của các CLB?

Không ai có thể vội vã trả lời những câu hỏi tế nhị, liên quan đến cảm xúc, tình cảm của con người dạng này, nhưng đứng ở góc độ chuyên môn bóng đá ai cũng thấy sự xuất hiện ồ ạt của các cầu thủ nhập tịch đã khiến các cầu thủ nội không còn ''đất sống''. Ngay cả những cầu thủ Việt Nam thuộc hàng sao số như Công Vinh, Việt Thắng cũng thường xuyên phải nhường vị trí sở trường của mình cho các cầu thủ ngoại hoặc cầu thủ nhập tịch. Những cầu thủ trẻ triển vọng thậm chí còn không được tạo điều kiện ra sân. Thực tế ấy khiến chất lượng ĐTQG suy giảm nghiêm trọng, mà biểu hiện rõ ràng nhất là từ sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 mang nặng màu sắc may mắn, ĐTQG và ĐT U.23 QG đã tụt dốc không phanh. 

Bên cạnh đó, có không ít các trận đấu, ví dụ những cuộc đọ sức giữa The Vissai Ninh Bình với Sài Gòn Xuân Thành (cả hai đội bóng đều thuộc sự sở hữu của những ông bầu người Ninh Bình nổi tiếng là "chịu chơi" và "làm bóng đá theo cảm hứng", cũng là những đội bóng đều đã giải thể) luôn có một số lượng kỷ lục những ông Tây "xịn" và những ông Tây "nhập tịch" ở trên sân. Những con người này thường xuyên  giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, và đến cả ông HLV trưởng nhiều lúc cũng phải chỉ đạo, gào thét vào sân bằng tiếng Anh. Nó khiến cho một trận đấu bóng của Việt Nam nhiều lúc không còn chất Việt Nam như lẽ tất nhiên phải thế.

Bầu Đức (phải) từng phản ứng kế hoạch siết lại cầu thủ nhập tịch đến cùng.

Trước binh tình đó, những nhà lãnh đạo VFF đã lên kế hoạch siết lại cầu thủ nhập tịch bằng cách chỉ cho mỗi đội đưa ra sân tối đa 1 cầu thủ dạng này. Bộ phận tư pháp VFF sau khi nghiên cữu kỹ luật lệ đã khẳng định rõ ràng điều này không vi phạm gì đến Luật Quốc tịch hay Luật Công dân, vì bóng đá là một phạm trù lao động đặc biệt, và một Liên đoàn bóng đá chỉ phải chịu những luật lệ của FIFA. Thế nhưng kế hoạch này chỉ mới manh nha thì các ông bầu bóng đá đã lên tiếng phản đối rầm rầm. Chỉ cần lên google, đánh một vài cụm từ chìa khoá có liên quan là có thể dễ dàng đọc lại những lời phản đối này, ví dụ:

- Cầu thủ ngoại chỉ được nhập quốc tịch sau khi Chủ tịch nước ký quyết định, khi họ đã hoàn tất đủ mọi thủ tục và đáp ứng các điều kiện nhập tịch. Họ tất nhiên phải được hưởng quyền lợi như một công dân Việt Nam. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không nên tự đưa ra quyết định như thể phân biệt họ là công dân hạng hai, ba... trong xã hội. Tôi cho rằng hạn chế cầu thủ ngoại nhập tịch thi đấu ở V-League là một quyết định của một nhóm người ở VFF. Họ tự động đưa ra luật riêng của mình... Cầu thủ ngoại đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam rất nhiều. Ai cũng nhìn thấy điều đó. Chính sự có mặt của họ làm cho các cầu thủ nội Việt Nam học hỏi và phấn đấu để được ra sân. Bóng đá Việt Nam không bao giờ phát triển tốt nếu không có cầu thủ ngoại. Chứng minh ư. Chúng ta đã biết thắng Thái Lan, vô địch Đông Nam Á, thi đấu tưng bừng ở vòng chung kết Asian Cup 2007 (tổ chức bảng đấu tại Việt Nam), V-League đang là sân chơi hấp dẫn nhất khu vực.. Tôi cho đó là có sự đóng góp của cầu thủ ngoại. Vì vậy, VFF không có lý do gì đi ngược với sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam".

- Nếu Liên đoàn đưa ra quyết định cuối cùng và gửi văn bản tới các đội bóng, thì các cầu thủ ngoại đã nhập tịch, trong đó có Santos của Đồng Tâm cần phải làm công văn gửi lên Chủ tịch nước để đề nghị xem xét lại...Các CLB sẽ đề nghị các bộ ngành cần phải xem lại quyết định đó có đi ngược với quy chế, điều lệ, pháp luật hay không? Bởi theo tôi, một cầu thủ khi xin nhập quốc tịch tất nhiên phải đảm bảo được công việc và mức sống ổn định. Họ đảm bảo phải có hợp đồng lao động chuyên nghiệp do Liên đoàn bóng đá Việt Nam ban hành. Vậy nếu họ không được thi đấu, bị hạn chế thi đấu, rồi thất nghiệp thì có phải là gánh nặng cho xã hội, trong khi chuyên môn của họ chỉ có bóng đá. Việc hạn chế cầu thủ ngoại nhập tịch chưa ổn, nhất là khi mùa giải mới đã cận kề

(Nguồn: Báo điện tử Vnexpress, ngày 21/11/2009)

Bạn thử đoán xem, tác giả của 2 ý kiến phản đối điển hình trên là ai? Xin được thưa ngay, ý kiến đầu tiên là của ông Đoàn Nguyên Đức - ông chủ của CLB Hoàng Anh Gia Lai, còn ý kiến thứ hai là của ông Phạm Phú Hoà - GĐĐH CLB Đồng Tâm Long An. Câu hỏi đặt ra: Tại sao bây giờ, khi VFF siết lại việc sử dụng cầu thủ nhập tịch thì những người như ông Đức, ông Hoà lại tuyệt đối không có những ý kiến phản ứng tương tự? Tại vì sau vài năm nhìn nhận, nghiền ngẫm, những người như các ông đã thực sự thay đổi nhân sinh quan của mình về vấn đề này? Tại vì bây giờ cả hai đều không đơn thuần đại diện cho CLB của mình nữa, mà một người đã tham gia bộ máy lãnh đạo VFF (ông Đức), còn một người đang tham gia bộ máy điều hành VPF (ông Hoà). Hay tại vì kinh tế suy thoái, các ông bầu chuyển hướng đầu tư cho một thế hệ cầu thủ trẻ mà không còn thiết tha với các chiến dịch "săn" cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch như cách đây vài năm?

Có những lúc V.League tràn ngập cầu thủ nhập tịch như thế này. Ảnh trong bài H.M.

Ở đây cũng phải mở ngoặc nói thêm rằng, 5 năm trước, khi VFF mới chỉ manh nha ý tưởng siết lại quy định sử dụng cầu thủ nhập tịch thì một bộ phận không nhỏ các cơ quan truyền thông cũng không ngừng đăng tải ý kiến phản đối của các ông bầu, thậm chí của cả các luật sư để "đánh" VFF tơi tả, nhưng đến lúc này thì gần như tất cả đều im lặng.

Tại sao vậy? Câu trả lời xin để mỗi bạn đọc tự suy ngẫm. Và nếu đã suy ngẫm rồi hẳn mỗi người sẽ có một câu trả lời cho câu hỏi: Ở cái đời sống bóng đá này, luật lệ được đưa ra để phục vụ sự phát triển nói chung hay để phục vụ lợi ích và xu thế đầu tư của một hoặc một nhóm người nào đó?

Ai làm hư trọng tài?

Kết thúc V.League 2011, khi hàng loạt ông bầu tố cáo sự xuống cấp của các trọng tài thì ông Lê Hùng Dũng - người khi ấy đang đảm đương nhiệm vụ PCT tài chính VFF (giờ là chủ tịch VFF khoá 7) đã đặt ngược vấn đề: Ai làm hư trọng tài? Ai cho tiền trọng tài? VFF ư? Đương nhiên là không rồi! Và đến hết lượt đi mùa giải 2012 thì những vấn đề ông Dũng đặt ra đã được chứng thực sau một kế hoạch điều tra âm thầm của Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên, cuộc điều tra mà sau đó ông Kiên đã không ngại chỉ mặt một loạt ông bầu và nói: "Tôi đề nghị các anh không cho tiền làm hư các trọng tài nữa. Những gì từ nay về trước thì chúng tôi cho qua. Nhưng từ nay về sau, nếu vẫn phát hiện các ông bầu cho tiền trọng tài thì chúng tôi không thể không xử lý".

Trước thềm V.League 2015, lại nghe nói VFF và VPF sẽ siết lại công việc của các trọng tài khi đề nghị các "vua" phải điều khiển trận đấu một cách công tâm, mạnh mẽ hơn hẳn những mùa giải trước. Một chuyên gia bóng đá khi nghe những tuyên bố hoa mĩ này đã nhận định với chúng tôi: "Nhiều lúc có cảm giác trọng tài chỉ là ngọn. Muốn siết lại trọng tài có lẽ phải siết lại từ cái gốc, liên quan tới suy nghĩ và hành động thực sự của các ông bầu (?)".

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.