Lucien Favre - Bí quyết sau thành công của Nice

Thứ Sáu, 28/10/2016, 13:19
Thất bại của Juventus trước AC Milan trong vòng đấu cuối tuần trước mang một ý nghĩa đặc biệt với Nice, bởi trận thua của “Bà đầm già” đã giúp CLB Pháp trở thành đội bóng xuất sắc nhất trong 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu sau 1/3 mùa giải.


Đó là một thành tích đáng tự hào với một CLB có tiềm lực tài chính chỉ ở dạng trung bình. Thành công của Nice vì thế mang dấu ấn rất lớn của HLV Lucien Favre.

Tự tiếp máu để hồi phục

OGC Nice, có biệt danh Les Aiglons (những chú chim ưng), chưa bao giờ thấy họ bay cao như vậy tại Ligue 1. Chiến thắng 4-2 trước Metz cuối tuần vừa rồi giúp họ tiếp tục đứng đầu BXH với 4 điểm nhiều hơn những đối thủ bám đuổi, trong đó có cả hai gã nhà giàu PSG và Monaco.

Trên bình diện châu Âu, với 8 trận thắng và 2 trận hòa từ đầu mùa, Nice kiếm được trung bình 2,6 điểm/trận; xếp trên những đại gia như Bayern (2,5 điểm/trận), Juventus và Real Madrid (2,33 điểm/trận). Nếu xét đơn thuần về hiệu quả thi đấu, có thể nói họ đang là đội bóng chơi tốt nhất lục địa già.

Lucien Favre đang có chuyến phiêu lưu đẹp nhất sự nghiệp tại Pháp.

Nice thực ra đã chơi hay từ mùa giải trước, nhưng những mất mát trong kỳ chuyển nhượng mùa hè khiến ít người tin rằng họ sẽ tiếp tục duy trì thành công ở mùa giải này. Đầu tiên, họ chia tay Claude Puel.

Chiến lược gia người Pháp chuyển đến Southampton sau 4 năm gắn bó với đội chủ sân Allianz Riviera. Puel đến Nice năm 2012 và giúp đội bóng có được vị trí thứ 4 hai lần ở mùa 2012/13 và 2015/16.

Thành tích ở mùa giải trước của Nice có sự đóng góp công sức lớn từ phong độ cao một cách bất ngờ của các trụ cột. Nổi bật nhất là Ben Arfa, cầu thủ sinh năm 1987 tưởng chừng đã hết thời bỗng hồi sinh một cách ấn tượng. Ben Arfa có 17 lần lập công và 6 đường kiến tạo cả mùa, đồng thời là cầu thủ qua người thành công nhiều nhất châu Âu (152 lần).

Valeri Germain, cầu thủ được mượn từ Monaco, cũng đóng góp tới 14 bàn thắng và 6 đường kiến tạo. Trong khi đó, Nampalys Mendy cho thấy đẳng cấp của một tiền vệ trung tâm hàng đấu với số đường chuyền chính xác đứng thứ 3 châu Âu (2.717 đường chuyền chuẩn xác).

Nhưng đến mùa hè, tất cả những cái tên nói trên đều rời Allianz Riviera. Claude Puel nhận lời đến dẫn dắt Southampton, mang theo hậu vệ cánh phải Jeremy Pied. Ben Arfa được PSG chiêu mộ, trong khi Valeri Germain trở lại Monaco. Nice cũng buộc phải bán Nampalys Mendy cho Leicester để đổi lấy 10 triệu euro.

Mất đi những cầu thủ xuất sắc nhất không phải là điều gì đó mới mẻ với Nice. Mùa hè 2015, họ phải chia tay Jordan Amavi, cầu thủ tốt nhất mùa 2014/15 được bán sang Aston Villa. Họ cũng đồng thời mất đi hai cầu thủ ghi bàn hàng đầu Carlos Eduardo và Eric Bautheac.

Sau hai mùa hè khó khăn, Nice quyết định tái thiết đội hình và lựa chọn Lucien Favre làm người dẫn dắt đội bóng. Đó là một quyết định từng gây ra tranh cãi, bởi cái cách mà Favre rời đội bóng cũ MGladbach không lấy gì làm vinh quang. Ông từ chức ngày 20/9/2015 sau khi MGladbach thua liền 5 trận liên tiếp đầu mùa.

Phần lớn cầu thủ trong đội hình của Nice là các cầu thủ trẻ.

BLĐ Nice không quan tâm đến điều đó. Họ có lẽ đã nhìn vào cách ông vực dậy MGladbach từ một đội bóng yếu ở Bundesliga khi Favre nhận chức năm 2011 trở thành một CLB đáng gờm ở Bundesliga.

Trong 4 mùa ông dẫn dắt MGladbach cả mùa giải, đội bóng lần lượt cán đích ở vị trí thứ 4, thứ 8, thứ 6 và thứ 3. Lucien Favre không mất nhiều thời gian để chứng tỏ mình là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Chiến lược gia của những chuyến phiêu lưu

Favre là một người theo “chủ nghĩa dịch chuyển” và sự nghiệp cầm quân của ông được ví như một tay đua xe đạp leo núi cố gắng vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác.

Bắt đầu huấn luyện tại quê nhà Thụy Sỹ, Favre đã trải qua những nấc thang từ thấp đến cao một cách đáng khâm phục. Ông đưa Echallens, đội bóng đầu tiên mình dẫn dắt, thăng lên giải hạng nhì Thụy Sỹ, thành tích tốt nhất lịch sử CLB. Ở đội bóng tiếp theo là Yverdon-Sport, ông cũng giúp CLB lên hạng nhất.

Những thành tích đó giúp Favre lọt vào tầm ngắm của các CLB lớn hơn. Ông đến Servette rồi FC Zurich. Tại FC Zurich, ông giành 2 chức VĐQG, đồng thời có 2 năm được bầu là HLV xuất sắc nhất Thụy Sỹ. Khi đã chinh phục đỉnh cao trong nước, Lucien Favre bắt đầu những chuyến phiêu lưu mới. Ông lựa chọn Hertha Berlin là điểm đến tiếp theo.

Lucien Favre nhanh chóng để lại dấu ấn. Ông giúp Hertha Berlin cán đích ở vị trí thứ 4 mùa 2008/09 với ngân sách eo hẹp chỉ đứng thứ 13 ở Bundesliga. Đó là lý do vì sao nhà cầm quân Thụy Sỹ nhận được giải thưởng “HLV của năm”.

Favre đã có 2 năm nghỉ ngơi sau khi rời Hertha Berlin trước khi trở lại dẫn dắt MGladbach năm 2011. Ông có 3 lần  giành giải HLV xuất sắc nhất mùa vào năm 2011, 2012 và 2015.

Nice đang bay cao tại Ligue 1 với phong độ ấn tượng.

Trong bảy năm làm việc ở Đức, Lucien Favre có  ba lần được bầu là HLV tốt nhất mùa giải và một lần trở thành HLV của năm, một thành tích đáng nể khi trước những đồng nghiệp được đánh giá rất cao như Jupp Heynckes, Juergen Klopp và Pep Guardiola.

Chấp nhận dẫn dắt Nice, Favre có thêm cho mình một chuyến phiêu lưu kỳ thú. Trái với phong cách thường thấy là lựa chọn các đội bóng ở lưng chừng BXH rồi giúp họ tiến bộ để cạnh tranh suất dự Cúp châu Âu, Favre đón nhận thử thách nhiều hơn khi Nice cán đích thứ 4 mùa trước.

Ông phải giúp đội bóng ít nhất là duy trì được thành tích đó, với một lực lượng sứt mẻ như đã phân tích.

Nhưng Favre đã chứng tỏ được khả năng bằng một con mắt nhìn người tinh tế. Ông hồi sinh Mario Balotelli, chân sút tưởng chừng đã vứt đi cả sự nghiệp tươi sáng vì tính cách dị thường của mình. Tại Nice, Balotelli lấy lại hình ảnh “Super Mario” ngày nào với một phong độ ghi bàn ấn tượng.

Người đam mê tốc độ

Ngoài bóng đá, Lucien Favre là một người đam mê tốc độ. Ông thường so sánh chiến thuật của mình với một người đang lái xe kỳ cựu, biết lúc nào cần nhanh, lúc nào cần chậm.

Về cơ bản, Lucien Favre theo đuổi lối chơi cống hiến, ưa thích kiểm soát bóng với một hàng tiền vệ giàu kỹ thuật và sẵn sàng pressing khi mất quyền kiểm soát. Các đội bóng của ông thường có những giai đoạn tăng tốc đột ngột trong một khoảng thời gian nhất định, ồ ạt tấn công bất chấp việc có thể dẫn đến mất cân bằng đội hình.

Nghe thì có vẻ liều lĩnh nhưng Lucien Favre luôn tính toán rất chu đáo và cẩn trọng trước mỗi trận đấu để tìm ra khoảng thời gian phù hợp nhất để “tăng tốc”.

Khác với đa số các đồng nghiệp, ông không có một hệ thống chiến thuật sở trường nào mà thường xoay chuyển dựa theo thông tin từ đối thủ. Tại Nice, Favre thường sử dụng sơ đồ 3-5-2 hoặc 4-3-3 tùy hoàn cảnh. Ông từng tuyên bố trước báo giới rằng, “Hệ thống chiến thuật là cái khung cứng nhắc với các cầu thủ, họ cần có sự thích ứng với mọi diễn biến của trận đấu và sẵn sàng thay đổi”.

Nhưng không chỉ có Balotelli, Favre còn xây dựng được một lực lượng trẻ trung và đầy tài năng. Trong khung thành là Yoan Cardane, 22 tuổi.

Anh được bảo vệ bởi bộ ba hậu vệ gồm đội trưởng Paul Baysse, tân binh Dante và tài năng trẻ mới 18 tuổi Malang Saar. Tuyến tiền vệ gồm Vicent Koziello, Ricardo Pereira, Walen Cyprien, Jean Seri và Younes Belhanda; những cầu thủ có tuổi đời trẻ nhưng thể hiện được tiềm năng rất lớn.

Trên hàng công, không phải Balotelli, mà chân sút Alassane Plea mới đang là người dẫn đầu danh sách ghi bàn sau cú hat-trick vào lưới Metz.

Phát hiện, bồi dưỡng và tin tưởng cầu thủ trẻ là một hằng số trong triết lý của Favre. Năm 2006, đội hình vô địch Thụy Sỹ của FC Zurich chỉ có độ tuổi trung bình là 22.

Tại MGladbach, ông từng giúp cho Marco Reus và Granit Xhaka tiến bộ vượt bậc trước khi chuyển đến những đội bóng lớn hơn. Bên cạnh đó, ông cũng biết cách đánh thức khả năng của những cầu thủ giỏi nhưng chưa phát huy được hết trình độ như Juan Arango hay Raffael.

Đó chính là những gì đang diễn ra với Balotelli, tiền đạo người Italia từng khiến rất nhiều người phải thất vọng vì chưa bao giờ chơi đúng với đẳng cấp vốn có.

Với tài năng của mình, Lucien Favre đang chắp cánh cho đàn chim ưng bay cao và rất nhiều người đang tin rằng, Nice sẽ tạo ra một câu chuyện cổ tích tại Ligue 1 giống như những gì mà Leicester đã làm được ở Premier League mùa giải trước.

Thời hoàng kim của "chim ưng"

Thập kỷ 50 thế kỷ trước là giai đoạn hoàng kim của Nice khi họ vô địch Pháp 4 lần vào các mùa giải 1951, 1952, 1956 và 1959. Sau 4 chức vô địch Ligue 1 này, “những chú chim ưng” chưa bao giờ trở lại đỉnh cao của bóng đá Pháp. Danh hiệu gần nhất của họ là Cúp quốc gia năm 1997.

Mùa 2001/02, dù giành quyền thăng hạng sau 5 mùa chơi ở Ligue 2, Nice đã suýt tụt xuống giải hạng 3 của Pháp sau khi không đáp ứng đủ yêu cầu về tài chính của DNCG, tổ chức chịu trách nhiệm theo dõi và giám sát tài chính các CLB chuyên nghiệp tại Pháp. Họ phải bán rất nhiều cầu thủ để đáp ứng số tiền tối thiểu đủ tham dự Ligue 1.

Nice hiện tại đang thuộc sở hữu của các ông chủ gốc Trung Quốc, những người có 80% cổ phần của CLB. Chủ tịch Jean Pierre Rivere nắm giữ 20% cổ phần còn lại.

Đơn Ca
.
.
.