Lùm xùm quanh một giải thưởng Nhiếp ảnh

Thứ Bảy, 25/03/2017, 21:50
Mấy ngày vừa qua, dư luận lại “nóng” lên bởi câu chuyện một vị lãnh đạo Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) vừa là Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, vừa là Chủ tịch Hội đồng thẩm định và vừa là “thí sinh” tham gia. Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như vị này không vượt qua hơn 1.700 tác phẩm để giành 1 giải A và 1 giải C tại cuộc thi.

Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNAVN là nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện ồn ào trong vài ngày qua. Hai tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” và “Mặt trời của mẹ” của ông được trao lần lượt giải A và C tại triển lãm “Tổng kết Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới” (1986 - 2016).

Mặc dù giải thưởng không có giá trị cao về tiền mặt; tuy nhiên, lại có giá trị như một vật “bảo đảm” để làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bức ảnh “Nụ cười Việt Nam” của ông Vũ Quốc Khánh gây tranh cãi.

Vì thế nên, một người vừa là Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, vừa là Chủ tịch Hội đồng thẩm định và vừa là “thí sinh” tham gia, lại là người đoạt giải cao làm cho dư luận sôi sục. Có người gọi ông là người “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Có người hoài nghi về tính công bằng của cuộc bình xét này khi ông Khánh tự chấm giải cho mình.

Mặc dù “tự tin” về giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm và xem đó là hai tác phẩm để đời trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình; nhưng cực chẳng đã, trước áp lực từ phía dư luận, ông Khánh phải viết thư ngỏ xin rút giải thưởng cho hai tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” và “Mặt trời của mẹ”.

Trong thư ngỏ, ông Khánh viết: “Là mong muốn tiếp tục củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, tập hợp anh chị em nghệ sĩ trong các hoạt động của Hội, tôi xin tự nguyện rút hai tác phẩm trên ra khỏi hệ thống giải thưởng và treo triển lãm của cuộc tổng kết. Tôi cũng xin nhận phần trách nhiệm của mình về công tác tổ chức, điều hành đợt xét chọn này và coi đây như một bài học để rút kinh nghiệm cho những hoạt động tới đây của Hội”.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Khánh cho biết: “Bản thân tôi, với tư cách là Chủ tịch Hội NSNAVN, tôi phải có trách nhiệm trong công tác quản lý, định hướng hội viên.

Nhưng với tác phẩm của mình, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ với tư cách là một nghệ sĩ sáng tạo. Và một tác phẩm nghệ thuật hay không thể để nằm yên một góc được, mà cần giới thiệu với công chúng, cần nhận được sự vinh danh”.

Mặc dù ông Khánh đã xin rút giải thưởng, tuy nhiên, những đàm tiếu xung quanh câu chuyện này vẫn chưa hạ nhiệt trong giới nhiếp ảnh. Chưa kể, cũng tại triển lãm này, việc tác giả Ngô Thị Thu Ba đoạt giải C ở phần thi sách cũng bị đưa lên bàn cân khi nhiều người cho rằng chưa xứng đáng.

Cuốn sách đoạt giải của tác giả Nguyễn Hữu Thành cũng vấp phải sự phản đối khi bị cho rằng có quá nhiều lỗi, ảnh chụp không phân định được ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những lùm xùm xung quanh một cuộc thi nhiếp ảnh. Năm ngoái, làng ảnh cũng được một phen “cười ra nước mắt” khi bức ảnh chỉnh sửa photoshop “Ấm no ở vùng cao” của tác giả Vũ Chiến đoạt giải Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 - năm 2016. Trước áp lực từ dư luận, tác giả này cũng phải từ chối nhận Huy chương Vàng trước giờ trao giải.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Hỏa Tiễn – Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban sáng tác triển lãm: Một việc làm gây mất niềm tin với các hội viên

Hơn hai mươi năm công tác tại Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, giờ mới xảy ra một vụ việc đáng tiếc như vậy. Buồn, khủng hoảng dư luận và ảnh hưởng đến danh dự của Hội. Bản thân tôi khi đã tham gia lãnh đạo, tôi không bao giờ gửi ảnh dự thi vì sẽ gây ra suy nghĩ không tích cực trong anh em hội viên… Họ sẽ ngần ngại khi bỏ phiếu cho mình và thiếu tính khách quan.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ, việc ông Vũ Quốc Khánh là thí sinh tham gia giải thưởng, lại là Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi là không trái với qui định, điều đáng nói ở đây là ông Khánh tự bỏ phiếu chấm cho mình, một việc làm gần như chưa từng xảy ra ở Hội và các cuộc thi. Điều này gây phản cảm, gây ra những tình cảm xấu đối với tâm tư, tình cảm của anh em, nếu không muốn nói là gây mất niềm tin đối với các hội viên Hội Nhiếp ảnh.

Tôi rất muốn anh em nghệ sĩ cùng nén lòng lại, không vì sai sót của một cá nhân  mà giảm sút uy tín mái nhà của hàng nghìn Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh… Việc rút khỏi giải thưởng là quyết định khó khăn đối với anh Khánh, nhưng cũng là quyết định đúng đắn nhất trong lúc này…

Thời gian tới, hẳn Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ còn phải ngồi lại với nhau để có những chấn chỉnh kịp thời trong công tác hoạt động lãnh đạo của Hội. Và trên hết, để tạo ra một môi trường trong sáng cho các nghệ sĩ có niềm tin sáng tạo và cống hiến đối với cuộc sống, đồng hành cùng công cuộc đổi mới của đất nước.

Cũng tại Liên hoan này, bức ảnh “Vì thành phố xanh - sạch - đẹp” của tác giả Phạm Hoài Nam đoạt Huy chương Bạc cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người khi bị tố là ảnh chắp ghép mà Ban tổ chức vẫn “dũng cảm” trao giải.

Tại Liên hoan Ảnh khu vực TP Hồ Chí Minh năm 2016 diễn ra ít tháng sau đó, một lần nữa, giới nhiếp ảnh lại trở thành trò cười cho thiên hạ khi tác phẩm “Ném đĩa” của Nguyễn Sinh Long bị “tố” dàn dựng, chắp ghép vẫn được giải Nhì. Bức ảnh “Họa sĩ Phan Kế An” của Nguyễn Đắc Như - lẽ ra đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh khu vực Hà Nội năm 2016 - bị hủy giải thưởng do dư luận tố là “chắp ghép thô thiển”.

Trong mỗi cuộc đánh giá, khen – chê là chuyện bình thường. Nhất là trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, công việc đánh giá lại mang tính chủ quan của mỗi người. Người này cho rằng tác phẩm này hay nhưng có khi, người kia lại khẳng định dở. Thiết nghĩ, hay hay dở cũng chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, có những thứ tuyệt đối, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, bản thân mỗi người nghệ sỹ khi tham gia đã phải tự ý thức được. Có như thế, thì mới không có những những “hạt sạn” đáng tiếc như đã nói ở trên.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Trực tiếp bỏ phiếu cho tác phẩm của mình khiến các nghệ sĩ không phục

Câu chuyện lùm xùm về giải thưởng vừa qua có hai vấn đề, thứ nhất, quy chế của Hội là tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia, không phân biệt là anh có ở trong ban tổ chức hay không, vì thế ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh và nhiều người trong Ban tổ chức đều gửi tác phẩm. Lúc đó, chúng tôi nghĩ đơn giản là một cuộc tổng kết nên ai cũng có thể tham gia. Khác với thời của tôi phụ trách, đã ở trong Ban chấp hành là không tham gia giải thưởng, nên hy sinh vì anh em. Giờ tôi nghĩ sự hy sinh đó không đúng vì nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm nên bình đẳng như nhau, vì cũng là nghệ sĩ cả. Duy có một điều không kín kẽ ở đây là, ông Khánh là Trưởng Ban tổ chức vừa là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, trực tiếp bỏ phiếu cho tác phẩm của mình khiến anh em nghệ sĩ không phục. Hơn nữa, tác phẩm được giải của ông Khánh cũng không đặc sắc. Điều đó nên rút kinh nghiệm. 

Thứ 2, việc ông Khánh đã xin rút khỏi giải thưởng là việc cá nhân, bởi sức ép của dư luận muốn mọi chuyện được êm thấm. Ông Khánh hơi chủ quan khi nghĩ rằng, không có vấn đề gì đáng bàn cãi. Thực tế, không chỉ tác phẩm của ông Khánh mà triển lãm lần này chưa có tác phẩm nào thực sự xuất sắc để đáp ứng được tiêu chí 30 năm đổi mới. Có một số tác phẩm đẹp lại không phù hợp với chủ đề đổi mới của đất nước. Họ thiên về những sáng tác về phụ nữ, trẻ em, hay phong cảnh… đề tài đổi mới chưa được khai thác sâu, các nghệ sĩ chưa có dịp đi vào những mũi nhọn của cuộc sống mà mới chỉ nhìn bề ngoài.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Na Sơn: Một cách hành xử không nghiêm túc

Tôi cho rằng vụ lùm xùm giải thưởng của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh là cách hành xử không nghiêm túc và nhất là hoàn toàn không giống như cái tên của họ - một hội nghệ sĩ. Và tôi cũng chưa từng nghe thấy ở bất cứ cuộc thi nào mà Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật giữ vai trò giám khảo lại chấm giải cho chính mình trong tư cách thí sinh cả.

Đơn thuần nhìn vào bản thân những tấm ảnh thì tôi thấy chúng không có gì xuất sắc, đặc biệt. Tấm chân dung cô gái khá hơn chút nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ đèm đẹp, còn tấm "Mặt trời của mẹ" thì thường quá, thậm chí nhiều lỗi.

Tình cờ là tôi cũng có 1 tấm chụp 2 mẹ con người Mông cũng để tên "Mặt trời của mẹ" (theo lời câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng”). Mô típ mẹ địu con ấy cũ nhưng phải chụp cho ra chất, cho sâu sắc mới đẹp được. Chứ chụp như anh Khánh thì ai chả chụp được.

Tôi là dân chụp ảnh chuyên nghiệp nên tôi không quan tâm đến các giải nghiệp dư không kể đấy là trong nước hay quốc tế. Thực tế, không phải bây giờ mà khá nhiều giải thưởng của nhiếp ảnh, cả giải quốc tế đều có vấn đề khi ý tưởng bị lặp lại, na ná giống nhau, chất lượng chưa cao.

Vì nghệ sĩ lười biếng, vì kém tài nhưng lại bị cái danh xưng nghệ sĩ lấp lánh nó quyến rũ. Và để thỏa mãn ước mong ấy thì cũng có những tổ chức, cuộc thi đẻ ra cho các vị muốn - làm - nghệ - sĩ ấy.

Nhưng kỳ thực, nghệ sĩ với tôi phải là người sáng tạo được những tác phẩm có sức lay động người xem, đánh thức cảm xúc về Chân Thiện Mỹ chứ danh xưng nghệ sĩ không được tạo bởi giải thưởng. Nhất là những thứ giải thưởng dễ dãi, “tự sướng”. Trở thành nghệ sĩ và làm nghệ thuật thực thụ khó khăn và gian nan lắm.

Hà – Dung
.
.
.