Đội tuyển Việt Nam trước vòng bán kết AFF Suzuki Cup 2014:

Lường trước mọi khó khăn

Thứ Bảy, 06/12/2014, 13:55
Khi ĐTVN thắng ấn tượng Philippines 3-1 để đứng đầu bảng A, tránh "ông kẹ" Thái Lan ở bán kết thì rất nhiều người tin chúng ta đủ sức mạnh vượt qua vòng bán kết. Khi đối thủ ở bán kết thậm chí không phải là Singapore, mà chỉ là Malaysia - đội bóng đã thua dễ chúng ta trong trận giao hữu cuối cùng trước thềm AFF Cup thì niềm tin càng được đốt lên mạnh mẽ. Nhưng có ít nhất 5 lý do để thấy rằng: nếu tự tin thái quá, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trả giá đau.

Lý do thứ nhất: Malaysia "giấu bài"

Tất cả những ai đã xem trận thua 1-3 của Malaysia trước Việt Nam ở 90 phút giao hữu trước thềm AFF Cup rồi xem 270 phút đã đấu của người Malaysia ở bảng B AFF Cup năm nay chắc chắn phải thừa nhận có 2 Malaysia rất khác nhau.

Nếu như ở trận giao hữu với Việt Nam là một Malaysia vụng về trong những pha dứt điểm và không thật "hết chân" trong những pha phối hợp tăng tốc thì ở các trận đấu tại AFF Cup lại là một Malaysia khoẻ khoắn đến phát sốc. Chỉ cần 10 cầu thủ, đấu lại 11 cầu thủ Myanmar thế mà các học trò của HLV Dollah Salleh đã khiến đối phương nhiều lần khiếp vía. Ở trận đấu sau đó với Thái Lan, Malaysia thậm chí đã dẫn trước tới 2 lần, và chỉ bị lật ngược ván cờ ở những phút cuối cùng, khi mình vừa thiếu may, vừa phải đối đầu với một đối phương quá hay. Đến trận quyết định cuối cùng với chủ nhà Singapore thì Malaysia lại cho thấy một tinh thần, một ý chí thi đấu quật cường, thể hiện ở 2 bàn thắng liên tiếp vào các phút 90+1, 90+3 để chiến thắng tử thần trong đường tơ kẽ tóc. Cứ nghe HLV Dollah Salleh phát biểu: "Tôi rất tự hào về bản lĩnh của các học trò, và tôi những tưởng có thể vỡ tim mà chết khi thấy họ tạo nên một màn rượt đuổi không tưởng" là đủ hiểu Malaysia có một năng lượng thi đấu dồi dào tới đâu.

Phải phân tích một cách kỹ lưỡng như vậy để thấy: sẽ là rất sai nếu ai đó nhìn vào cái thua 1-3 mang nặng tính thử nghiệm, giấu giếm của Malaysia trước Việt Nam để đánh giá thấp đội bóng này.

Trước Malaysia, cầu thủ Việt Nam phải tập trung cao độ.

Lý do thứ hai: Ở thế "kèo dưới", Malaysia luôn đáng sợ 

Ai cũng biết là AFF Cup 2008 - giải đấu ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch thì chúng ta đã giành chiến thắng 3-2 nghẹt thở trước Malaysia ở vòng đấu bảng. Một trận đấu mà cú vung chân đưa bóng chạm một mô đất, rồi lập bập lăn vào lưới của Vũ Phong khiến cho cả người thắng lẫn người thua đều không tin vào mắt mình. Hình ảnh HLV trưởng Calisto cùng ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn lao xuống sân ôm chầm lấy các cầu thủ mà rưng rưng cảm xúc đủ nói lên độ kịch tính trong trận cầu một sống hai chết ấy.

Và cũng kể từ trận đấu ấy, bóng đá Việt Nam luôn được xếp "trên kèo" so với bóng đá Malaysia trong những cuộc gặp gỡ đôi bên. Nhưng hãy nhớ lại những gì đã xảy ra trong những lần "trên kèo" ấy: chung kết SEA Games năm 2009, cả Đông Nam Á tin rằng U.23 Việt Nam của Calisto sẽ hạ gục U.23 Malaysia của một Rajagobal mà khi ấy vẫn còn là một cái tên đầy xa lạ ở làng cầu khu vực, nhưng rốt cuộc đấy lại là trận đấu chúng ta thua 0-1. Đến bán kết AFF Cup năm 2010 thì HLV Calisto lại  tự tin đến mức quyết định chơi "đôi công" trên đất Mã với lý do: chúng ta đang là đương kim vô địch, và chúng ta phải cho người Mã thấy rõ vị thế của mình. Kết quả: ĐT Việt Nam thua 0-2 trong trận bán kết lượt đi, và "hợp thức hoá" thất bại bằng trận hoà 0-0 trong trận lượt về nhợt nhạt tại Mỹ Đình.

Như thế, trong hai lần làm "kèo trên" điển hình trước Malaysia, bóng đá Việt Nam đều "khóc hận". Và bây giờ, trước thềm bán kết AFF Cup 2014, thì cả Đông Nam Á lại đặt Việt Nam ở thế "kèo trên".

Lý do thứ ba: Áp lực và sự kỳ vọng đang xuất hiện dồn dập

Tại sao ĐT Việt Nam có 2/3 trận đấu tưng bừng ở vòng đấu bảng? Trong những nguyên nhân chính được chỉ ra, chắc chắn có một nguyên nhân quan trọng: tại vì chúng ta bước vào giải đấu này mà không phải chịu bất cứ sức ép, áp lực nào.

Một ĐT Việt Nam được làm mới từ ông HLV trưởng cho đến các cầu thủ đã không phải nhận dù chỉ là một mục tiêu khiêm tốn từ VFF. Đấy cũng là một ĐT Việt Nam không được chính những người hâm mộ bóng đá nước nhà quan tâm - những người mà thời điểm ấy đang thực sự "nặng lòng" với một thế hệ U.19 mới trình làng. Chính nhờ đặc điểm đó mà chúng ta đã vào trận với một tâm thế hết sức nhẹ nhõm, và chính bởi tâm thế nhẹ nhõm đó mà chúng ta đã thực sự lái được cuộc chơi theo ý mình.

Nhưng lúc này, ngay cả khi thầy trò ĐT có cố xác định một tâm thế nhẹ nhõm thì người hâm mộ và giới truyền thông cũng không nhìn họ bằng sự nhẹ nhõm như vậy nữa. Với một ĐT Việt Nam đứng đầu bảng A, một ĐT Việt Nam đánh bại Philippines - một trong những đội bóng mạnh nhất ĐNA lúc này bằng cả thảy 3 bàn thắng, người ta lại đòi hỏi ĐT ít nhất cũng phải vượt qua vòng bán kết. Những đòi hỏi ấy có thể sẽ tạo những áp lực nhất định lên cả đôi chân và cái đầu cầu thủ. Và ở một nền bóng đá mà khả năng đối diện, vượt qua áp lực chưa bao giờ là điểm mạnh của các cầu thủ thì nó có thể dẫn tới những sai số không ai lường trước.

Lý do thứ tư: Phương pháp Miura đã được nghiên cứu kỹ

Các trận đấu đã qua, HLV Miura đã xới tung đội hình, và kết quả mà ĐT Việt Nam nhận được đến lúc này cho thấy đó là một cách dụng binh tích cực. Kiểu "xới tung" ấy một mặt tạo ra tính cạnh tranh cao trong lòng ĐT - khiến cho ai cũng phải cố gắng, thể hiện hết khả năng của mình, mặt khác sẽ khiến các đối thủ ít nhiều bị bất ngờ. Nhưng bây giờ, ngay cả khi ông Miura có tiếp tục xới đội hình thì nó cũng không còn là một bất ngờ lớn với Malaysia nữa. Bởi xét cho cùng thì việc xới đội hình ấy cũng chỉ được thực hiện bởi cái nền 1-4-15 cầu thủ, và từng người trong số ấy chắc chắn đã được phía Malaysia nghiên cứu kỹ.

Đã đến lúc ông Miura tung thêm "đòn" mới? (Ảnh trong bài của H.M).

Ở phương diện chiến thuật, nếu ở trận ra quân với Indonesia, ĐT Việt Nam chủ yếu đá công biên - tạt bổng thì ở trận cuối vòng bảng với Philippines, chúng ta lại đánh "nách", vỗ trung lộ dày đặc. Có nghĩa, những bài vở chuẩn bị trong suốt thời gian qua đều đã được thi triển. Và đòi hỏi ông Miura tiếp tục tung ra những chiêu mới ở thời điểm này chắc chắn là một đòi hỏi không dễ dàng.

Dĩ nhiên, cũng có thể lật ngược vấn đề để thấy rằng: hiểu chúng ta là một chuyện nhưng có bắt bài và hoá giải được ta hay không lại là chuyện khác. Song ít nhất cũng có thể dự đoán Malaysia sẽ không bị Việt Nam làm cho bất ngờ đến mức trở tay không kịp như những gì mà Indonesia và Philippines từng trải qua. 

Lý do thứ năm: Bukit Jalil là nơi "đi dễ khó về"

Bán kết lượt đi AFF Cup 2010, thủ thành Bùi Tấn Trường của ĐT Việt Nam đã bị các khán giả trên SVĐ Bukit Jalil chiếu đèn lazer vào mắt, và theo lời Tấn Trường thì chính điều đó đã khiến anh để vuột bóng tới 2 lần, khiến ĐT Việt Nam bại trận 0-2. Đến chung kết lượt đi AFF Cup năm ấy, lại đến lượt các cầu thủ Indonesia của HLV Alfred Riedl bị chiếu đèn lazer, khiến nhà cầm quân người Áo phải ngừng trận đấu, phản ứng quyết liệt. Và rốt cuộc thì những ức chế tâm lý cũng khiến Indonesia không thể chơi bóng như ý mình.

Đừng bất ngờ nếu trong trận bán kết lượt đi trên sân Bukit Jalil tới đây các cầu thủ Việt Nam lại bị "ăn" lazer hay những chiêu mánh không ai tưởng tượng được khác. Và nếu chúng ta nóng nảy phản ứng lại những chiêu mánh này thì rất có thể sẽ lại sa vào bẫy tâm lý của đối phương, từ đó đánh mất mình trên sân đấu.

Ngoài ra cũng phải nhắc lại rằng trong quyết đấu ở bảng B AFF Cup năm nay với chủ nhà Singapore, Malaysia đã giành chiến thắng bằng những quyết định gây tranh cãi của trọng tài. Tình huống dẫn tới quả phạt đền ở phút 90+1, cầu thủ Malaysia đã ngã xuống sau một va chạm rất bình thường trong vòng cấm đối phương, và cảm giác như chỉ đợi có thế, trọng tài thổi phạt (?). Đến phút 90 +3 trước khi Malaysia phản công ghi bàn thứ 3 thì cầu thủ Singapore cũng ầm ầm phản ứng lỗi để tay chạm bóng trong vòng cấm của cầu thủ Malaysia, nhưng trọng tài cũng phớt lờ tất cả.

Thời ông Calisto còn làm HLV trưởng ĐT Việt Nam ông từng nhiều lần thắc mắc: Tôi không hiểu sao trọng tài và BTC các giải đấu thường xuyên đưa ra những quyết định có lợi cho Malaysia? Và với những diễn biến gần đây nhất thì vấn đề trọng tài, sân bãi trong các trận đấu với Malaysia cũng là điều mà ĐT Việt Nam phải lường đến trước. 

Không dễ cho Kiatisak

Trận bán kết đầu tiên giữa Thái Lan - Philippines, nhiều người đánh giá Thái Lan nhỉnh hơn. Không chỉ vì Thái Lan là đội duy nhất thắng cả 3/3 trận sau vòng bảng, mà còn vì trong trận giao hữu kiểm nghiệm đội hình trước giải đấu, các học trò của Kiatisak đã thắng dễ Philippines 3 bàn không gỡ.

Tuy nhiên với dàn cầu thủ nhập tịch có thể hình cao to, thể lực dồi dào, lối chơi tấn công biên - tạt bổng đầy hiệu quả, Philippines cho thấy mình thực sự là một trong những ƯCV vô địch lớn ở giải đấu năm nay. Và dĩ nhiên, sau một lần "tạm thua" người Thái, ý chí quyết thắng, phục hận của thầy trò Philippines sẽ được đốt cháy hơn bao giờ hết. Do vậy, nếu chủ quan, và không có được những tính toán thật chuẩn xác trong hai trận bán kết, khả năng Kiatisak phải trả giá là không nhỏ.

Trận bán kết lượt đi giữa Thái Lan và Philippines sẽ diễn ra ở Philippines vào ngày 6 tháng 12. Trận lượt về sẽ diễn ra tại Thái Lan vào ngày 10/12. Trận bán kết còn lại giữa Việt Nam và Malaysia sẽ lần lượt diễn ra vào các ngày 7 và 11/12.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.