Lý Hoàng Nam thành công hôm nay, chông gai phía trước

Thứ Ba, 14/07/2015, 17:00
Với việc vừa giành chức vô địch đôi nam giải trẻ Wimbledon 2015, Lý Hoàng Nam đã thực sự lập nên một cột mốc lịch sử mới dành cho quần vợt Việt Nam, cho dù đây chỉ là giải trẻ Grand Slam. Thật ra, không phải đến bây giờ, tay vợt 18 tuổi này mới trở thành niềm hi vọng của làng banh nỉ nước nhà. Trọng trách ấy đã được đặt lên vai Lý Hoàng Nam từ 3 năm trước, khi em vô địch quốc gia ở tuổi 15.
Năm ấy, Nam đã đánh bại đối thủ Trần Đoàn Anh Khoa (hơn mình 7 tuổi) để đoạt giải vô địch quốc gia. Trước đó, ở vòng bán kết, cậu bé này đã hạ đàn anh Đỗ Minh Quân, người từng nhiều năm liền thống trị nội dung đơn nam. Với chiến tích này Hoàng Nam cũng phá kỷ lục của Đỗ Minh Quân (vô địch lúc 18 tuổi, 8 tháng) để trở thành người vô địch trẻ tuổi nhất. Kể từ khi bước ra ánh sáng đến nay, Nam đều đặn lập nên những kì tích cho chính mình cũng như quần vợt Việt Nam.

Năm 2013, Lý Hoàng Nam đã trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên giành HCV tại Asiad trẻ, sau khi đánh bại đối thủ người Philippines, Zosimo Mendoza - nhiều hơn Nam một tuổi và khi ấy đang xếp hạng 89 ITF. Đến tháng 10/2013, Lý Hoàng Nam lại trở thành tay vợt thiếu niên đầu tiên của Việt Nam lọt vào Top 100 của ITF với chức vô địch tại giải U18 ITF Grade 2 Bangkok 2013.

Sang năm 2014, Lý Hoàng Nam lại có vinh dự lần đầu tiên được góp mặt tại một giải trẻ Grand Slam, khi có vé tham dự vòng loại Roland Garros. Trong năm nay, sự nghiệp của Nam vẫn tiếp tục thăng tiến vững chắc. Anh đã có vé chính thức tham dự các giải Grand Slam, đã từng leo lên hạng 12 ITF (hiện tại đang xếp thứ 13).

Hoàng Nam vừa viết lên một trang sử mới cho quần vợt Việt Nam.

Ngoài ra, Nam cũng đang đứng hạng 1276 ATP (thứ hạng tốt nhất của anh là 1250). Tất nhiên, chiến công lớn nhất của Lý Hoàng Nam cho đến lúc này là anh đã cùng với người đồng đội Ấn Độ Nagal vừa đăng quang tại nội dung đôi nam giải trẻ Wimbledon 2015.

Với những thành công ấy, có thể thấy, Lý Hoàng Nam giống như một người mở đường của quần vợt Việt Nam. Một mình Nam chinh phục những sân chơi quốc tế cũng như vượt qua những giới hạn, những thành tích của bản thân mình. Chỉ có điều, sau khi kết thúc mùa giải năm nay, Nam sẽ phải chính thức tham dự các giải đấu chuyên nghiệp, thay vì dự các giải trẻ, và đó sẽ là thử thách không nhỏ với tay vợt Việt Nam.

Tuy Nam đã thu được những kết quả rất khả quan ở cấp độ trẻ, nhưng chặng đường để tay vợt này vươn lên, có được vị thế tương tự ở sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp lại tràn đầy thách thức. Bởi quần vợt Việt Nam nhìn chung vẫn còn khoảng cách quá xa với mặt bằng thế giới và Nam có nguy cơ trở thành cánh chim cô đơn.

Hẳn tất cả vẫn còn nhớ hồi tháng 4 năm ngoái, Lý Hoàng Nam từng dính vào một vụ lùm xùm trong nước. Khi anh bị Ban Thường vụ Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) xử phạt do 2 lần liên tiếp không chấp hành quyết định triệu tập vào đội tuyển quốc gia.

Ngoài ra, Nam còn bị cấm không cho thi đấu các giải đấu trong nước do VTF tổ chức trong năm 2014, cũng như không được triệu tập vào đội tuyển quốc gia cho đến hết năm 2014. Trước đó, cũng vì vụ việc không lên tuyển tập trung này mà Lý Hoàng Nam cũng đã bị tước danh hiệu vận động viên tiêu biểu của năm. Sở dĩ có câu chuyện này là do định hướng khác nhau giữa đơn vị chủ quản của Nam là Becamex và Liên đoàn quần vợt Việt Nam.

Trong khi, Becamex muốn hướng Nam tham dự các giải đấu quốc tế để tích lũy điểm số cũng như chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu, thì VTF lại muốn chàng trai trẻ này phải làm nghĩa vụ tại các giải  đấu mà Liên đoàn quần vợt Việt Nam tham dự như Davis Cup.

Chính việc chéo ngoe này đã biến Hoàng Nam thành nạn nhân và đẩy tay vợt này vào thế bí. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng cơ chế vận hành của môn quần vợt khác với hầu hết các môn thể thao khác. Các giải đấu của ĐTQG như Davis Cup (dành cho nam) và Fed Cup (dành cho nữ) là do Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) tổ chức.

Trong khi các giải đấu cá nhân danh giá nhất như Grand Slam, Master 1000... thì lại thuộc hệ thống của Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp - một tổ chức hoàn toàn độc lập với Liên đoàn quần vợt thế giới. Thế nên, về cơ bản trên thế giới các tay vợt có quyền lựa chọn phát triển cá nhân và việc tham dự các giải đấu như Davis Cup hay Fed Cup là hoàn toàn tự nguyện.

Bản thân những tay vợt hàng đầu thế giới như Roger Federer cũng đã nhiều lần từ chối tham dự Davis Cup. Chẳng đâu xa, năm nay Tàu tốc hành đã quyết định không cùng các đồng đội bảo vệ danh hiệu vô địch Davis Cup để tập trung vào việc cày ải cá nhân. Tất nhiên, sẽ chẳng có ai kỉ luật Federer như với Hoàng Nam.

Vì thế, để Hoàng Nam có thể vươn đến đẳng cấp quốc tế thì trước hết Liên đoàn quần vợt Việt Nam cũng cần hành xử với tay vợt này theo chuẩn mực quốc tế. Bằng không rất có thể VTF lại là chướng ngại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Hoàng Nam. Chính  Li Na, tay vợt châu Á thành công nhất trong lịch sử cũng từng khẳng định trong cuốn tự truyện của bản thân rằng: sự nghiệp của cô chỉ bắt đầu thăng hoa khi cô quyết định tách mình ra khỏi các hoạt động của Liên đoàn quần vợt Trung Quốc.

Hoàng Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều khi chính thức bước sang thi đấu chuyên nghiệp.
VTF sẽ cần phải tạo điều kiện tối đa để Nam phát huy hết tiềm năng. Bởi xét cho cùng ngay cả khi Nam chỉ gặt hái các thành công cá nhân đi chăng nữa thì đó vẫn là một niềm tự hào đối với quần vợt Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Việc mới đây, VTF đã đặc cách để Nam không phải tham dự SEA Games 2015 mà dồn sức cho các giải Grand Slam trẻ là một động thái rất đáng hoan nghênh. Nhưng Nam vẫn cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa, cả về vật chất lẫn tinh thần. Ai cũng biết những người tiên phong như Nam thường gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như Tiến Minh ở môn cầu lông. Cây vợt này một mình bứt phá vươn tới đẳng cấp hàng đầu thế giới. Để rồi, Tiến Minh càng trở nên đơn độc và đáng thương.

Trong khi, các đối thủ của Tiến Minh khi tham gia các giải quốc tế luôn có 1 ê kíp hỗ trợ hùng hậu, thì ngôi sao của cầu lông Việt Nam gần như một mình một ngựa tham chiến. Cho đến lúc này, đấy vẫn là thứ khiến Tiến Minh day dứt nhất. Anh tin rằng nếu được hỗ trợ, đầu tư tốt hơn thì anh hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa.

Sự thiệt thòi ấy của Tiến Minh không được phép tiếp tục lặp lại với Hoàng Nam. VTF cần có phương hướng huy động sự tham gia của các Mạnh Thường Quân để có được sự đầu tư trọng điểm dành cho Hoàng Nam, thay vì chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của riêng gia đình Nam và đơn vị tài trợ Becamex. Nhất là khi để một tay vợt có thể sống khỏe bằng tiền kiếm được từ quần vợt thì chẳng dễ dàng gì.

Hoàng Nam đã một mình lập kì tích cho quần vợt Việt Nam. Nhưng hi vọng rằng Nam sẽ không phải đơn thương độc mã trên hành trình chuyên nghiệp đầy gian nan phía trước!n

Lý Hoàng Nam đã giành được bao nhiêu tiền thưởng trong sự nghiệp?

Tuy vừa xuất sắc giành được chức vô địch nội dung đôi nam giải trẻ Wimbledon 2015, nhưng Lý Hoàng Nam cùng tay vợt đánh cặp là Sumit Nagal lại không có được 1 đồng giải thưởng nào. Sở dĩ như vậy là do theo quy định của BTC các giải Grand Slam thì các giải Grand Slam trẻ lại không hề có tiền thưởng, mà chỉ có điểm thưởng.

Lợi ích vật chất trực tiếp duy nhất khi 1 tay vợt vô địch giải Wimbledon trẻ đó là theo thông lệ anh này, sẽ được trao vé đặc cách tham dự giải Wimbledon chính thức vào năm tiếp theo. Nhờ đó tay vợt này có thể kiếm được số tiền thưởng kha khá ngay cả khi có bị loại ngay từ vòng 1. Nhìn chung số tiền thưởng ở các giải trẻ là rất "hẻo", nên số tiền mà Lý Hoàng Nam kiếm được trực tiếp từ quần vợt cho đến lúc này là không mấy đáng kể.

Cụ thể theo thống kê chính thức của BTC Wimbledon thì tổng tiền thưởng mà Hoàng Nam giành được trong sự nghiệp hiện chỉ là 2.448 USD. Trong đó, riêng trong năm nay thì tiền thưởng đánh đơn mà Nam có được là 584 USD và ở nội dung đánh đôi là 36 USD.

Khó sống khỏe với quần vợt

Với số tiền thưởng ít ỏi mà Nam có được khi tham dự các giải đấu thì rõ ràng không có sự chống lưng của gia đình và các Mạnh Thường Quân thì rất khó để tay vợt này có thể theo đuổi giấc mơ của mình. Trên thực tế, khi Nam chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp thì mọi thứ lại càng trở nên khắc nghiệt đối với anh.

Ngoại trừ các giải Grand Slam danh giá hay các giải thuộc hệ thống Master Series dành cho các tay vợt đẳng cấp cao, thì các giải đấu đẳng cấp thấp hơn như Challenger tiền thưởng là rất hạn chế. Thậm chí, chưa chắc đã bù đắp được chi phí đã bỏ ra. Thêm vào đó, tiền thưởng cho người vô địch và tay vợt bị loại sớm là rất khác nhau.

Ví dụ một tay vợt vô địch giải Indian Wells có thể kiếm gấp 150 lần người bị loại ở vòng 1 giải này. Do đó, để có thể kiếm tiền các tay vợt buộc phải có thành tích tốt, cũng như có đẳng cấp cao để tham dự những sân chơi danh giá. Đấy dĩ nhiên là thứ mà Hoàng Nam không dễ đạt được trong một sớm, một chiều khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp.

Bởi vậy, chắc chắn Nam sẽ cần sự chung tay, giúp sức của các nhà tài trợ, để có thể vững bước trên hành trình viết nên một giấc mơ cho quần vợt Việt Nam.

Tất Đức
.
.
.