Lý luận, phê bình âm nhạc thời 4.0:

Người làm phê bình cần biết tận dụng công nghệ

Chủ Nhật, 08/12/2019, 09:44
Cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc Việt Nam, trong đó có lý luận, phê bình âm nhạc. Các thành tựu của cách mạng 4.0 tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà lý luận, phê bình và hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc.


Làm thế nào để phát triển đội ngũ lý luận phê bình đủ sức định hướng hoạt động thực tiễn và sáng tạo âm nhạc cũng là một trong những chủ đề “nóng” tại hội thảo khoa học toàn quốc “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức.

Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc tại hội thảo ngày 5-12.

Theo nhà lý luận phê bình Vũ Thị Thu Hà, nhờ Internet, giờ đây không khó để công chúng tìm kiếm các ca khúc mới, nhạc sĩ mới trên mạng xã hội. Nền tảng công nghệ, sự lăng xê của truyền thông đa phương tiện giúp cho nhiều dự án âm nhạc được triển khai thành công với số lượng kinh phí lớn. Sự nổi tiếng trong âm nhạc được thị trường định vị bằng các danh xưng như diva, ông hoàng, hoàng tử, công chúa nhạc Việt, thần tượng âm nhạc, nữ hoàng Bolero…

Nhiều sản phẩm âm nhạc dễ dàng trở thành “siêu phẩm”, “MV hót nhất mạng xã hội tuần qua”, thậm chí lọt vào top những ca khúc hay, thu hút nhiều người, đặc biệt là công chúng trẻ mà ít cần đến các bài phê bình, phân tích công phu, có chất lượng chuyên môn tốt. Mạng xã hội tràn ngập những tương tác bình luận thể hiện sự yêu thích sản phẩm âm nhạc.

Giá trị của tác phẩm âm nhạc trẻ không đo bằng thước đo thẩm định của các nhà nghiên cứu, phê bình mà bằng sức hút của người nghe, người xem qua những ứng dụng mạng xã hội. Điều này cho thấy, phê bình âm nhạc thiếu vắng những bài viết có chất lượng khoa học về thể loại âm nhạc truyền thống, âm nhạc hàn lâm và tràn ngập những trang phê bình đại chúng – tương tác nhạc trẻ - nhạc thị trường trên diễn đàn xã hội ứng dụng công nghệ.

Âm nhạc hàn lâm, bác học – lĩnh vực ít được quan tâm, chuyển tải rộng rãi đến với đông đảo công chúng.

Tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay, những tác phẩm viết về VHNT chung chung rất nhiều nhưng những tác phẩm viết về lý luận, phê bình lại rất ít. Ngay trong lý luận, phê bình, mảng lý luận bao giờ cũng nhiều hơn mảng phê bình.

Không ít tác phẩm tưởng là lý luận, phê bình nhưng đọc kỹ chỉ là những bài bình luận, thậm chí là nói theo, khen khéo mang tính PR, phê không dám phê, bình thì nịnh nhau là chính. Sự thiếu hụt đội ngũ phê bình là điều rất đáng lo ngại. Không ít người làm công tác phê bình đã bỏ nghề, lui về nghiên cứu, viết lịch sử. Nguyên nhân thì có nhiều, từ nhận thức đến công tác đào tạo, từ truyền thống cho đến loạn chuẩn…

Trong đó, có một nguyên nhân chủ quan là về tâm lý, do không an tâm với nghề vì nhiều thị phi, thu nhập thấp, bị thù ghét cá nhân mà né tránh những vấn đề gay cấn, “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm.

Công việc phê bình lại khó khăn, do văn hóa truyền thống duy tình. Phê bình sẽ động chạm đến quan niệm truyền thống là “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Đời sống của người làm nghề khó khăn vì không có nguồn vốn, nguồn tài trợ, không có nguồn “cầu” trong cơ chế thị trường hiện nay, nhuận bút thấp. Người làm công tác phê bình còn bị gọi là “dân đánh đấm”. Phê bình bị hiểu là “đánh”, ai cũng sợ bị “đánh” và “ngại đánh”.

Phê bình một tác phẩm được trình diễn bởi người nghệ sĩ, trong đó có thể có cả dàn nhạc lại rất phức tạp, rất khó. Thực tế còn cho thấy biểu hiện a dua, “ném đá hội đồng” khi người hâm mộ thần tượng nào đó sử dụng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội đang là rào cản rất lớn để phê bình phát triển.

Tranh luận từ nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc sinh thời về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhận xét của ca sĩ Thanh Lam về một số ca sĩ hiện nay, tranh luận về những bài hát theo điệu bolero thời gian qua là những điển hình. Chưa kể, một thực tế khác là nhiều khi, việc khen chê một tác phẩm hay một tiết mục âm nhạc, vấn đề chuyên môn ít được quan tâm mà phụ thuộc vào đối tượng phê bình là “gà nòi” của ai, đến từ đâu, được ai gửi gắm.

Cũng theo ông Phan Đình Tân, công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ phê bình chưa được chú ý thích đáng, còn bất cập, yếu kém, chương trình, giáo trình cũ, lạc hậu, không cập nhật thông tin mới, các xu hướng, trào lưu và lý thuyết mới. Nhiều khoa lý luận, phê bình không tuyển được sinh viên. Nếu có sinh viên tốt nghiệp thì lại không có khả năng làm lý luận, phê bình. Nguy cơ thiếu hụt lực lượng phê bình chuyên nghiệp đang ở mức báo động.

Thông tin về nghệ sĩ biểu diễn nhạc trẻ, hát ca khúc chiếm phần lớn các bài viết về âm nhạc hiện nay.

PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng, lý luận phê bình âm nhạc đang tồn tại nhiều nghịch lý. Trong khi các nhà lý luận chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo đã trở thành lực lượng chính “gác gôn” đời sống âm nhạc.

Từ đây dẫn đến những hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, PR, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết scandal, đời tư của một vài nhân vật mà tài năng chưa xứng với những lời khen ngợi. Vì thiếu thụt kiến thức chuyên môn âm nhạc nên họ thường tránh những lĩnh vực hàn lâm, bác học như bình luận các chương trình âm nhạc, nghệ sĩ độc đấu nhạc cụ, tác phẩm khí nhạc…

Khi phải sử dụng đến “cái roi” phê bình thì thường các nhà chuyên môn, nhà báo nặng về phê phán, nhẹ về bình. Đối tượng được phê bình trong âm nhạc chủ yếu nhằm vào các thể loại ca khúc vì có lời nên dễ bám vào nội dung khen – chê và chủ yếu là khen.

Ít bài viết đi sâu, phân tích giai điệu, phối khí, cấu trúc tác phẩm hoặc ít so sánh phát hiện ra những nét nhạc cụ, phong cách “bắt chước” vì người viết chưa đủ trình độ đi sâu vào những vấn đề chuyên môn. Kết quả là đời sống âm nhạc của đất nước không được phản ánh toàn diện, đầy đủ, thậm chí thiên lệch, làm thị hiếu khán thính giả cũng mất chuẩn.

Công chúng chỉ biết đến nhạc trẻ, nhạc Pop, tên các ngôi sao mà không không hề biết tới những lĩnh vực khác của đời sống âm nhạc… Khắc phục tình trạng này, không có cách nào khác là xây dựng đội ngũ phê bình âm nhạc đích thưc, những người có chuyên môn cao về nghệ thuật và tư duy, kỹ năng cần thiết của một nhà báo.

Theo nhà lý luận, phê bình Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhờ có Internet, người làm lý luận phê bình âm nhạc vốn đang thiếu diễn đàn và chỉ có số lượng bạn đọc quá hạn hẹp, bây giờ có thể chủ động và thường xuyên đưa tới đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ những bài viết hấp dẫn hơn nhờ kèm dẫn chứng âm thanh hoặc video. Trang mạng không chỉ là nơi chia sẻ mà còn kết nối, tương tác giữa những người hoạt động âm nhạc với nhau hay giữa giới làm nhạc với giới yêu nhạc.

Thế giới âm nhạc sẽ còn tiếp tục thay đổi ngoài sức tưởng tượng trước thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Âm nhạc là nghệ thuật kết nối. Nhà lý luận phê bình là người kết nối giữa tác giả - nghệ sĩ – công chúng. Khoa học công nghệ là phương tiện kết nối. Các nhà lý luận phê bình không thể từ chối những gì công nghệ tiên tiến đem lại cho đời sống âm nhạc hôm nay và tương lai…

Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng là một tổ chức kết nối. Hội đồng nên tận dụng hiệu quả một trang web, trang facebook để liên kết, tương tác với những người làm lý luận, phê bình.

Hà Hải
.
.
.