Từ án treo giò vĩnh viễn 9 cầu thủ Ninh Bình làm độ:

Lý trí & Cảm xúc

Thứ Ba, 06/01/2015, 07:30
Khi thông tin 9 cầu thủ Ninh Bình làm độ bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) treo giò vĩnh viễn được phát đi thì nó lập tức tạo nên cả một làn sóng tranh cãi, thậm chí là tranh cãi mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng "treo giò vĩnh viễn" trong trường hợp này là quá nặng và quá "ác". Vậy rốt cuộc thì đấy là nặng hay nhẹ, "ác" hay không "ác"?

Cần phải nhắc lại rằng trong trận đấu giữa Ninh Bình và CLB Kelanta vào ngày 18 tháng 3 năm 2014 tại Malaysia, trong khuôn khổ AFC Cup, 9 cầu thủ Ninh Bình do Trần Mạnh Dũng cầm đầu đã tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, dàn xếp tỉ số, trục lợi một khoản tiền lên tới 800 triệu đồng. Sau đó Trần Mạnh Dũng chia cho Lê Quang Hùng, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Nguyễn Văn Hưng mỗi người 85 triệu đồng; Phạm Xuân Phú, Nguyễn Mạnh Dũng và bản thân Trần Mạnh Dũng mỗi người nhận 75 triệu đồng. Sau khi vụ việc vỡ lở, được Toà án nhân dân Ninh Bình đưa ra xét xử thì Trần Mạnh Dũng trong vai trò chủ mưu đã bị tuyên phạt 30 tháng tù giam và 20 triệu đồng. Các cầu thủ còn lại đều bị phạt từ 24 tháng đến 27 tháng, và từ 20 triệu đến 25 triệu đồng, nhưng cho hưởng án treo.

Từ bản án của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình đến bản án của VFF, đứng ở góc độ tình cảm để nhìn nhận, suy xét vấn đề, cá nhân tôi - trong tư cách một nhà báo thể thao có thể khẳng định ngay việc treo giò vĩnh viễn 9 cầu thủ quá nặng. Nên nhớ, cả 9 cầu thủ này mới chỉ lần đầu tiên phạm tội, và trong số những con người ấy đã có những người như Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Gia Từ từng lăn xả đến cháy mình trong màu áo ĐT U.23 QG và ĐTQG. Tôi không thể quên được hình ảnh Trần Mạnh Dũng oà khóc vì cảm động sau những loạt luân lưu 11m trong trận bán kết U.23 Việt Nam với Sinh Viên Hàn Quốc tại BTV Cup 2013, càng không thể quên được hình ảnh Mạnh Dũng ngay sau đó chạy từ SVĐ lên khán đài ôm chầm lấy HLV trưởng Hoàng Văn Phúc - người khi đó đang bị VFF "treo" một cách hết sức tuỳ hứng và vô lý. Trong một bài viết của mình ngay sau trận đấu đó tôi đã cho rằng đấy là một hình ảnh điển hình của tình nghĩa thầy trò trong bóng đá. Và nói không quá lời, ở một làng bóng mà chữ tiền nhiều lúc được đặt cao hơn chữ tình thì những hình ảnh xúc động, giàu ý nghĩa như vậy không phải lúc nào cũng diễn ra. Cái tên Trần Mạnh Dũng còn đưa tôi trở về với trận đấu lịch sử giữa ĐTVN với CLB Arsenal trên sân Mỹ Đình, trận đấu mà Mạnh Dũng đã ghi bàn danh dự cho ĐT Việt Nam, khiến 40.000 con người nổ tung vì  hạnh phúc, và dĩ nhiên Dũng đã  đi vào lịch sử nền bóng đá với tư cách cầu thủ Việt Nam đầu tiên phá lưới một đội bóng danh giá đến từ giải Ngoại hạng Anh.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải): "Phải làm mạnh mới mong phát triển".

Nếu Trần Mạnh Dũng gắn với nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, giàu cảm xúc trong màu cờ sắc áo quốc gia thì trong số 9 cầu thủ kia lại có những con người điển hình cho việc "nhà nghèo vượt khó". Có thể nhắc đến câu chuyện của hậu vệ Lê Quang Hùng, một người đã sinh ra và lớn lên trong một gia cảnh vô cùng nghèo khó, nhưng hai cha con Hùng lại có một tình yêu bóng đá mãnh liệt. Ông Lê Quang Ba - cha Hùng đã cặm cụi làm vườn hàng chục năm để dành tiền nuôi con theo nghiệp bóng, và sau khi đứa con nhúng chàm thì ông lão 79 tuổi ấy lại còng lưng cày cuốc để đứa con có "đồng ra đồng vào" khi được gửi tập nhờ ở đội trẻ Ninh Bình, chờ ngày trở lại. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Ba vẫn khát khao mãnh liệt được nhìn thấy con mình xỏ giày ra sân, còn Quang Hùng cũng đã chuẩn bị tất cả để thực hiện mong muốn của cha, làm lại cuộc đời. Thế mà...

Có một điểm chung với cả 9 cầu thủ này, đó là phần lớn đều có tuổi đời khá trẻ, mới lần đầu tiên phạm tội. Lại có một căn cứ khác nếu nhìn vào vụ án tày đình ở ĐT U.23 Quốc gia tại SEA Games 23 (2005) của những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh... - hồi ấy, sau một thời gian chịu án, cả 7 "tội đồ" đều đã được tạo cơ hội trở lại sân cỏ, và đã có những người trở nên có ích cho CLB chủ quản và ĐTQG nước nhà, mà quả bóng vàng Huỳnh Quốc Anh là một dẫn chứng điển hình. Rõ ràng, so với những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, nhóm 9 cầu thủ Ninh Bình đã phải hứng chịu một án phạt quá nghiệt.

Tuy nhiên, đấy là những nhìn nhận ở góc độ cảm xúc, trong tư cách của một nhà báo thể thao có những sự gần gũi, chia sẻ nhất định với các cầu thủ. Sau khi cố gạt bỏ cảm xúc để nhìn nhận vấn đề thật lý tính thì cá nhân tôi lại thấy rõ hai điều như sau:

Thứ nhất, nghề bóng đá từ nhiều năm trở lại đây đã là một trong những nghề có mức thu nhập cao so với mặt bằng xã hội. Hãy thử tưởng tượng, trong khi mức lương trên giấy tờ của một vị thứ trưởng chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/tháng thì mức lương trên giấy tờ của nhóm 9 cầu thủ kia cũng lên tới vài chục triệu đồng, nghĩa là ít nhất cũng gấp đôi. Ở đây, chúng ta chỉ có thể lấy mức lương trên giấy tờ làm căn cứ so sánh, vì những khoản thu ngoài giấy tờ (nếu có) là điều không thể kiểm chứng. Còn nếu so sánh với tầng lớp lao động tri thức, chẳng hạn như của một nhà báo thể thao - những người gần gũi với giới cầu thủ nhất thì thu nhập trung bình các cầu thủ cũng phải cao gấp ba, gấp bốn . Dĩ nhiên cầu thủ là một nghề đặc biệt, có tuổi nghề ngắn ngủi, lại mang tính rủi ro cao, nhưng nên nhớ trong xã hội hiện nay cũng có nhiều ngành nghề đặc biệt mà những người tham gia những ngành nghề đó vẫn không được đáp ứng một mức thu nhập tương xứng. Thế nên điều đáng bàn ở đây không hẳn cứ mãi vin vào chuyện nghề đặc biệt hay không đặc biệt, mà là một khi đã làm nghề, lại là cái nghề có mức thu nhập rất cao so với mặt bằng thu nhập nói chung thì người làm nghề cần phải giữ vững đạo đức của  nghề. Một khi đạo đức nghề bị chính những người làm nghề chủ động xé nát, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng không những tới đội bóng của mình, mà của cả một đời sống bóng đá nói chung thì mọi bản án giáng xuống, dù nặng nề đến đâu đều xác đáng.

Trần Mạnh Dũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến lúc này ghi bàn vào lưới CLB Arsenal. Ảnh: H.M.

Tới đây, sẽ có người phản biện: các cầu thủ Việt Nam những năm qua luôn phải sống và thở trong môi trường làm nghề cực kỳ độc hại, và thực sự là nhiều cầu thủ "chết" vì chính môi trường độc hại ấy. Vậy thì xin được chia sẻ lời tâm sự của một cầu thủ ngôi sao với người viết trong một cuộc trao đổi mang tính cá nhân ngay sau trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup năm nay: "Nếu cứ đổ tại cho môi trường thì vô cùng lắm anh ạ. Vả lại, tại sao không chịu thấy cùng trong một môi trường bẩn, nhưng vẫn có những người không bẩn?".

Giờ bàn đến khía cạnh thứ hai, đã có lúc chúng ta tin rằng những bản án bóng đá liên tiếp giáng xuống các cầu thủ, các trọng tài sẽ là lời răn đe hữu hiệu cho bất cứ ai mang tư tưởng nhúng chàm. Nhưng hoá ra không phải thế, hoá ra sau nhóm nhùng chàm này lại có nhóm nhúng chàm kia, nên sau bản án này lại tiếp tục có những bản án khác. Bao giờ câu chuyện này mới chấm dứt? Có lẽ, nó chỉ chấm dứt nếu chúng ta dám một lần dũng cảm vượt lên trên những phạm trù thuộc về cảm xúc, cảm tính vốn là tính cách truyền thống của con người Á Đông để đưa ra một bản án thật mạnh, thậm chí thật khắc nghiệt. Trong vấn đề này, có lẽ lời phát biểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ nhận được sự đồng tình của số đông: "Bóng đá Việt Nam chưa thể phát triển được mạnh mẽ là do vấn nạn cá độ, dàn xếp tỷ số. Nếu chúng ta không có liều thuốc mạnh cắt cơn đau này thì sẽ rất khó để phát triển".

Như đã nói đi nói lại, đứng ở góc độ cảm xúc, tôi thấy việc 9 cầu thủ mới lần đầu phạm tội mà đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn là nghiệt ngã. Nhưng bỏ qua cảm xúc để nhìn nhận vấn đề một cách lý tính, tôi lại thấy sự nghiệt ngã đó là cần thiết đối với một nền bóng đá cứ sống dở chết dở quá lâu rồi.

Vấn đề của tôi: phải làm gì để thứ cảm xúc kia thực sự nằm im, không động đậy!?

Bóng đá Việt và Tam Quốc Chí

"Sau khi đọc các ý kiến kêu gọi nhẹ tay với các cầu thủ Ninh Bình, tôi chợt nhớ một câu chuyện trong Tam Quốc Chí. Ngay sau khi Lưu Bị chiếm được đất Ba Thục, tạo nên một thế chân vạc với Tào Tháo và Tôn Quyền, ông đã bảo Khổng Minh soạn ngay một bộ luật để cai trị dân chúng. Khổng Minh, con người được xem là thông thái bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, đã trình cho Lưu Bị một bộ luật mà ngay sau khi xem xong, tân vương đã giật mình hỏi vì sao nó hà khắc quá, ngược với chủ trương nhân ái của họ Lưu.

Khổng Minh trả lời đại ý rằng, trước đây dân Ba Thục sống với Lưu Chương nhu nhược nên họ quá ư phóng túng, xem thường luật pháp. Vì vậy, cần phải hà khắc để đưa vào khuôn phép. Nếu như trước đây, dân Ba Thục phải chịu đựng sự hà khắc, thì bây giờ mới cần lấy sự khoan dung để thu phục lòng người. Nhớ câu chuyện nhỏ trong Tam Quốc Chí, nghĩ vận vào cách ứng xử với nạn tiêu cực bóng đá ở Việt Nam hiện nay là một chuyện nên làm..."

(Trích bài viết của tác giả Nhất Huy - Công an TP HCM)

Phan Đăng
.
.
.