Mai Nguyễn Hưng và chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Tư, 12/08/2020, 17:01
Khi cua rơ Mai Nguyễn Hưng bất đắc dĩ từ bỏ đam mê để lên đường mưu sinh, Liên đoàn Xe đạp TP HCM và Việt Nam mới tìm mọi cách để thuyết phục anh thi đấu cho màu cờ sắc áo nước nhà.

Bạn chỉ biết một người quan trọng với mình thế nào khi người đó không còn ở bên cạnh bạn nữa. Câu nói tưởng chừng chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết tình yêu lại vận đúng vào bộ môn đua xe đạp của Việt Nam. Phải đến khi cua rơ Mai Nguyễn Hưng bất đắc dĩ từ bỏ đam mê để lên đường mưu sinh, Liên đoàn Xe đạp TP HCM và Việt Nam mới tìm mọi cách để thuyết phục anh thi đấu cho màu cờ sắc áo nước nhà.

Người không gặp thời

So với đồng nghiệp ở đội tuyển đua xe đạp Việt Nam, Mai Nguyễn Hưng nằm trong số những người bén duyên với nghề sớm nhất. Ngay từ lúc mới 13 tuổi, tay đua này đã bắt đầu làm quen với đường đua và sớm giành được thành công bước đầu. Không có gia đình làm điểm tựa tài chính như Nguyễn Tiến Minh hay Lê Quang Liêm, Mai Nguyễn Hưng vẫn chọn đi theo tiếng gọi của đam mê. Nhỏ tuổi, nhưng anh lại sớm chứng tỏ mình là người có tiềm năng nhất trong số các tay đua trẻ. 

Trái ngọt cho những cố gắng không ngừng nghỉ là 4 chức vô địch ở các giải trẻ chuyên nghiệp dành cho cua rơ sinh năm 1988 khi anh mới 16 tuổi. Mai Nguyễn Hưng tiếp tục "càn quét" làng đua xe đạp Việt Nam với những cú nước rút như vũ bão. Thể chất tốt, cộng thêm việc lên chiến thuật hợp lý giúp Mai Nguyễn Hưng được kỳ vọng trở thành một trong số ít cua rơ Việt Nam có khả năng tranh tài tại quốc tế trong tương lai.

Sang Mỹ, Mai Nguyễn Hưng vẫn âm thầm tập luyện mỗi ngày.

Quá khứ oai hùng đó là một thời vàng son mà Mai Nguyễn Hưng đôi lúc nhắc lại với giọng vui buồn lẫn lộn. Anh vui vì mình sớm nổi danh đến mức chẳng thể nhớ nổi bản thân từng giành bao nhiêu chiếc áo vàng, áo xanh ở các giải đua trong nước vì quá nhiều. Nhưng sau chuỗi thành công ở lứa tuổi teen là những ngày chật vật vừa kiếm sống, vừa theo đuổi đam mê trên hai bánh xe. So với các đồng nghiệp nước ngoài, Hưng thiếu thốn mọi thứ trên hành trình của mình.

Khi được hỏi liệu các VĐV Việt Nam đã bao giờ sử dụng doping trong môn đua xe đạp như Lance Amstrong từng làm chưa, Hưng trả lời thẳng thắn: "Chắc chắn không bao giờ có. Sử dụng doping nghe có vẻ dễ nhưng không hề đơn giản. Phải có hiểu biết về y học, dùng đúng liều lượng theo tư vấn của người có chuyên môn, chứ dùng bậy là ảnh hưởng đến tim mạch ngay và dễ 'đi' lắm. Nhưng điều quan trọng nhất là chẳng tay đua Việt Nam nào có đủ… tiền để mua doping cả".

Câu nói cuối cùng từ tay đua gốc Tiền Giang cho thấy một mặt tối khác của những người không gặp thời như anh. Họ có tài năng, đủ để vươn tầm ra sân chơi quốc tế, nhưng lại bị cùm chặt trong vòng quay của kim tiền. Là một trong những cua rơ xuất sắc nhất của xe đạp Việt Nam nhưng trong hơn 10 năm gắn bó với nghề, Hưng chẳng thể tích lũy được đồng nào. Đó là lý do khiến anh quyết định dứt áo ra đi khi tuổi đã ngoài 30.

Mai Nguyễn Hưng thành danh khi rất trẻ.

Chật vật với bánh xe

Năm 2012, Mai Nguyễn Hưng trở thành tay đua Việt Nam đầu tiên thắng một chặng trong hệ thống các giải thuộc Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI). Ở tuổi 24, lẽ ra anh còn có thể giành chiếc Áo vàng chung cuộc ở giải đấu năm đó nếu không có sai lầm từ các trọng tài. Tuy nhiên nếu đạt Áo vàng, phần thưởng quy ra tiền cũng chỉ vỏn vẹn 5-6 triệu đồng cho mỗi tay đua. Với khoản tiền này, Hưng thường dùng để… mua thuốc bổ uống trong khoảng một tháng.

Cơ sở vật chất hỗ trợ các VĐV cũng là một vấn đề nan giải với những tay đua thành tích cao như Mai Nguyễn Hưng. Thông thường, một tay đua chuyên nghiệp sẽ chỉ sử dụng một chiếc xe đạp chuyên dụng để đua trong vài ba chặng rồi bỏ, nhưng điều đó là giấc mơ quá xa xỉ với những ai theo đuổi đam mê ở Việt Nam. Trong những buổi tập diễn ra hàng ngày, họ còn phải mạo hiểm bản thân (tốc độ nước rút của một cua rơ có thể lên tới 60-70km/h) mà không hề được bảo vệ.

"Chúng tôi thiệt thòi hơn so với những VĐV ở một số môn thể thao khác, nhưng cũng phải chấp nhận vì đây là tình trạng khó khăn chung thôi", Mai Nguyễn Hưng tâm sự. Chẳng biết trông cậy vào ai, anh phải tự học và mày mò mọi thứ trong quá trình tập luyện cùng các đồng đội. Ngã xe vì nổ lốp trên đường đã trở thành điều thường nhật, tới mức Hưng nói đùa nếu sau này bỏ nghề tay đua chuyên nghiệp, anh có thể trở thành... thợ vá xe chuyên nghiệp.

Tự tập, tự vá xe, Hưng còn tự túc luôn cả khoản ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Nếu không có đam mê, tiền của gia đình và lịch sinh hoạt điều độ, tay đua này đã không thể duy trì sự nghiệp đỉnh cao của mình đến hơn 10 năm (trung bình một cua rơ Việt Nam chỉ thi đấu khoảng 6-7 năm). Kiêm nhiệm mọi việc của cả chuyên gia dinh dưỡng lẫn bác sĩ, Hưng còn tự trích tiền lương của mình mua thuốc bổ khi không có tiền thưởng thắng giải nên cuối cùng anh chẳng giữ được đồng nào cho bản thân.

Từ chỗ là đối thủ, Hưng và Alex trở thành bạn ở cùng một CLB.

Ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại

Cuối năm 2018, đầu năm 2019, Mai Nguyễn Hưng khiến tất cả mọi người bất ngờ với thông tin anh sẽ chuyển sang Mỹ định cư. Tay đua này cũng thẳng thắn nói lý do bởi anh không còn giữ được phong độ đỉnh cao, lại có thu nhập thấp nên không thể trở thành chỗ dựa kinh tế cho gia đình. Thay vì tiếp tục duy trì đam mê ở Việt Nam, Hưng phải tìm hướng đi tốt hơn trong tương lai nhằm hỗ trợ vợ con như cách mà những VĐV như Nguyễn Minh Châu, Vũ Thị Hương từng làm trước kia.

Không có Hưng, bộ môn đua xe đạp Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng mất một ngôi sao chuyên thi đấu lấy thành tích cao. Ngay cả khi không còn thường xuyên giành Áo vàng, Áo xanh nữa, tay đua sinh năm 1988 vẫn thường làm mồi nhử để những người đàn em giành chiến thắng. Vì thế ngay sau khi biết tin Mai Nguyễn Hưng bỏ xe đạp, Liên đoàn Xe đạp TP HCM và Việt Nam mới nháo nhác tìm cách thuyết phục ở lại vì trong nước chẳng còn tay đua nào đủ sức cáng đáng một tập thể như anh cả.

Sau nhiều lần nói chuyện với lãnh đạo bộ môn đua xe đạp TP HCM, cuối cùng Mai Nguyễn Hưng quyết định nghe theo tiếng gọi trái tim. Anh vẫn ở Mỹ định cư cùng gia đình, kiếm tiền nuôi bản thân; nhưng vẫn cố dành thêm thời gian để một năm về Việt Nam 1-2 lần tham gia các giải trong nước. Lựa chọn vẹn cả đôi đường đó khiến Hưng phải trả giá bằng việc gần như không có thời gian kiếm kế sinh nhai ở nơi đất khách quê người.

Trong khi những đồng hương ra nước ngoài kiếm tiền hỗ trợ gia đình, Mai Nguyễn Hưng lại hàng ngày... đạp xe trên đường cao tốc để tập luyện. Nhọc công, mạo hiểm cả tính mạng sau mỗi lần nổ lốp xe, Hưng vẫn miệt mài gắng sức vì "người ta đã nhờ vả, sao mình nỡ phụ lòng tin". Chẳng ai ngờ trong lần đầu tiên về nước lấy thành tích cho đội đua và giành chiếc áo bạc chung cuộc, Hưng lại bị một quan chức ngành xe đạp chê bai đến mức tự ái và quyết định không bao giờ trở lại nữa. Khép lại một chương trong cuộc đời với môn xe đạp, Hưng còn vấn vương nhưng vẫn phải dứt áo ra đi vì không còn ai xem trọng mình.

"Dụ dỗ" đối thủ thành đồng đội

Năm 2013, Mai Nguyễn Hưng thi đấu rất xuất sắc ở SEA Games nhưng chỉ giành được Huy chương Bạc. Người vượt mặt anh để về nhất là một cua rơ vô danh người Lào có tên Alex Ariya Phounsavath. Họ từng tranh tài ở Tour ADC Vietnam 2012, giải đấu Hưng giành ngôi Á quân, còn Alex không có thành tích quá nổi trội, nên Hưng rất bất ngờ khi thấy đối thủ năm xưa bỗng trưởng thành thần tốc trong thời gian ngắn như thế.

Ngay lập tức, Hưng nảy ra ý muốn thuyết phục đối thủ trở về đầu quân cùng với mình ở CLB VUS TP HCM. Thay vì gặm nhấm nỗi buồn quá lâu vì không giành được HCV SEA Games, Hưng muốn sát cánh cùng tay đua Lào gốc Pháp kia để học hỏi thêm nhiều điều. Nhưng mời một cua rơ nước ngoài đến Việt Nam thi đấu không phải chuyện dễ dàng nên Hưng đành phải sử dụng uy tín cá nhân của mình để giúp đỡ đội đua.

Sau nhiều năm thi đấu ở các giải quốc tế, Hưng có mối quan hệ rất rộng với những tay đua ở Đông Nam Á. Một trong số họ là Zoiy Royal, cựu tuyển thủ đội tuyển xe đạp Lào. Biết Royal chơi rất thân với Alex, Hưng liền hỏi Royal xem liệu tay đua này có muốn đến Việt Nam thi đấu hay không. Chẳng mất nhiều thời gian, Alex gật đầu ngay lập tức vì muốn bản thân trải nghiệm ở một môi trường mới với những con người mới. Bên có lợi nhất trong thương vụ này là đội VUS TP HCM, bởi họ không mất phí chuyển nhượng mà vẫn có một tay đua đẳng cấp.

Sát cánh bên nhau ở đội VUS TP HCM, Hưng và Alex trở thành một cặp bài trùng đắc ý giành chiến thắng hết chặng đua này đến chặng đua khác.

Đơn Ca
.
.
.