Mai Tuyết Hoa và niềm đam mê với Xẩm

Chủ Nhật, 07/07/2019, 18:18
Có lẽ, rất nhiều người sẽ ngạc nhiên khi Mai Tuyết Hoa ra một album về xẩm trong thời buổi âm nhạc truyền thống có đời sống khá trầm lặng. Nhưng chị đã lựa chọn con đường của mình, đó không đơn giản chỉ là thỏa mãn niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của người nghệ sĩ để xẩm - một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam không bị ngắt quãng trong đời sống.


NSND Xuân Hoạch, người nhiều năm đồng hành cùng nhóm Xẩm Hà Thành và có nhiều góp ý về chuyên môn với Mai Tuyết Hoa, không giấu nổi niềm vui khi chị ra album về Xẩm. Vậy là xẩm sẽ sống khi có những bạn trẻ kế cận và không bị đứt mạch trong đời sống.

Ông nói: “Có một thời xẩm tưởng như thất truyền, vắng bóng. Nhưng khi có các bạn trẻ kế cận với những sáng tạo mới, xẩm sẽ chảy trong cuộc sống theo một cách riêng của nó. Tôi già rồi, nếu không có các bạn trẻ kế cận thì xẩm sẽ thất truyền”.

Mai tuyết Hoa (bên phải) và nhóm xẩm Hà Thành.

Còn với Mai Tuyết Hoa, xẩm không chỉ đơn giản là một niềm đam mê, đó còn là trách nhiệm của chị đối với các bậc tiền bối, làm thế nào để bộ môn nghệ thuật của ông cha không bị ngắt quãng trong đời sống. Chị theo học đàn Nhị từ năm 8 tuổi. Xẩm đến với chị cũng rất tình cờ khi chị là cán bộ nghiên cứu tại Viện Âm nhạc Việt Nam từ 1996 đến 1998, một trong những công việc của Mai Tuyết Hoa là ngồi nghe lại những băng tư liệu thu âm các nghệ nhân, chị đặc biệt ấn tượng với các bài thu âm các nghệ nhân hát xẩm, đặc biệt là nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Cũng giai đoạn này, chị được các nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty và NS Thao Giang khuyến khích theo học hát xẩm với chia sẻ đầy tâm huyết của họ là nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Bên cạnh học các nghệ nhân qua băng thu âm, Mai Tuyết Hoa dành nhiều thời gian về Ninh Bình học hát xẩm với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Chị từng được GS.TS. Trần Văn Khê trao tặng một suất học bổng nhằm ghi nhận tài năng và khuyến khích chị gắn bó với việc gìn giữ phát huy hát xẩm trong tương lai.

Cùng với các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ: GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, Thao Giang, Hạnh Nhân, Văn Ty, Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Nguyễn Quang Long… Mai Tuyết Hoa tham gia phục hồi hát xẩm và ghi dấu ấn với CD “Xẩm Hà Nội” do Nhà xuất bản Âm nhạc Việt Nam – Dihavina sản xuất và phát hành tháng 1-2006, như một dấu mốc cho sự hồi sinh của thể loại ca hát dân gian này. Trong CD, Mai Tuyết Hoa thể hiện bài “Giăng sáng vườn chè” theo điệu Tàu điện.

Từ năm 2009, cùng với các nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Mai Tuyết Hoa thành lập Nhóm Xẩm Hà Thành. Trong nỗ lực của mình nhóm đã ngày càng lớn mạnh với nhiều thành viên nòng cốt như Phạm Đình Dũng, Xuân Hải, Phạm Trang, Trần Hậu, Phương Thanh… và tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng công chúng với nhiều bài xẩm mới đầy sức sáng tạo nối tiếp truyền thống dân tộc như: “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tứ vị Hà Thành”… Bên cạnh đó, một số bài xẩm do Mai Tuyết Hoa thể hiện đã trở nên quen thuộc với công chúng như: “Quê choa”, “Tương tư”, “Anh đừng yêu em”…

Hơn 20 năm bền bỉ học tập gìn giữ những câu hát xẩm, từ những ngày đầu nghe và tập những bài xẩm cổ truyền của các nghệ nhân xẩm hàng đầu khắp các tỉnh thành phía Bắc từ kho băng tư liệu của Viện Âm nhạc Việt Nam, cho đến những lần bén duyên với nghệ nhân Hà Thị Cầu rồi trở thành học trò ruột của nghệ nhân được ví như hàng di sản sống của hát xẩm, của ca hát dân gian Việt Nam thế kỷ 20, cho tới tận hôm nay, Mai Tuyết Hoa mới chính thức phát hành album đầu tiên của mình.

Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Xẩm đến với tôi cũng như một nhân duyên, đặc biệt từ cuộc gặp gỡ với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Căn nhà chật chội, cuộc sống bộn bề vất vả của bà Cầu đã ám ảnh tôi. Đặc biệt khi bà cất tiếng hát, thì những bồn bề, vất vả của cuộc đời tan biến đi hết, chỉ còn lại tiếng hát, chỉ còn lại ở đó tình yêu và tâm hồn đẹp của một nghệ sĩ”.

Chia sẻ của Hoa làm tôi nhớ đến tâm sự của NSND Xuân Hoạch khi ông nói về những nghệ sĩ xẩm xưa, về sự đối lập giữa hình thức bề ngoài và tâm hồn của những nghệ sĩ xẩm. “Họ nghèo khổ, thậm chí rách rưới, không bao giờ có một bộ quần áo lành lặn, nhưng chỉ khi họ cất lên tiếng hát, ta mới hiểu được tâm hồn họ đẹp như thế nào. Đó chínhlà sự đối lập giữa hình thức và tâm hồn của những nghệ nhân hát xẩm”.

Tôi hỏi Mai Tuyết Hoa điều gì ở xẩm khiến chị bị mê đắm đến thế, và liệu xẩm có mang lại cho chị cuộc sống kinh tế. Hoa cười, từ xưa, chúng ta luôn có định kiến với xẩm là phận nhà nghèo, người hát xẩm là kẻ đầu đường xó chợ. Xẩm có thân phận của xẩm. Nhưng nếu ai đã nghe, sẽ hiểu, xẩm rất gần với đời sống. Và dù hình ảnh những người hát xẩm không thuộc hàng sang trọng, đẹp đẽ, thậm chí từng bị coi là người ăn xin, nhưng tâm hồn họ rất đẹp.

Và chị muốn lưu giữ lại những vẻ đẹp đó. Còn nhớ, những ngày đầu tiên, chị cùng nhóm Xẩm Hà Thành lập một nhóm hát ở chợ Đồng Xuân. Gần 10 năm trôi qua, nghĩ lại những ngày tháng sơ khởi đó, chị không khỏi ngậm ngùi. Mai Tuyết Hoa và những bạn bè gắn bó với chị, với xẩm đều phải mưu sinh bằng các công việc khác để lấy tiền nuôi tình yêu của mình. Mà với chị, đó không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm gìn giữ, lưu truyền để xẩm sống trong đời sống.

Từ chợ Đồng Xuân, sau nhiều vất vả, có lúc tưởng như không trụ lại với xẩm, bây giờ thì xẩm đã có một không gian riêng ở phố đi bộ vào các tối cuối tuần. Khán giả đã biết đến xẩm nhiều hơn, có những khán giả rất trẻ hàng tuần vẫn đến nghe xẩm.

Cũng từ xẩm, Mai Tuyết Hoa được đi ra thế giới, tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế và những người Việt sống ở nước ngoài về một loại hình âm nhạc độc đáo của Việt Nam. Chị từng sang Pháp, đến cả những trường đại học danh tiếng của Mỹ để trình diễn xẩm và giới thiệu cặn kẽ với mọi người vẻ đẹp của xẩm. Chị hạnh phúc khi nhận được sự sẻ chia, đồng cảm, thích thú của khán giả nước ngoài và cả những người Việt xa quê. Nhiều người chia sẻ, nghe xẩm, họ thấy gần gụi như gặp lại quê hương của mình vậy.

Còn tiền bạc ư, xẩm xưa gắn với những người ăn xin. Còn bây giời chị cũng phải bươn chải đủ nghề để nuôi dưỡng tình yêu của mình. Không ai có thể sống bằng xẩm. Nhưng vì tình yêu, vì trách nhiệm của một nghệ sĩ, chị đã vượt qua những khó khăn đời thường đó, làm đủ việc để nuôi sống xẩm.

Sau nhiều khó khăn, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng, giấc mơ của chị với xẩm cũng thành hiện thực khi chị ra được một album xẩm. Chỉ có 8 bài xẩm từ cổ truyền đến hiện đại cho thấy một nguồn mạch tiếp nối của xẩm trong đời sống đương đại. Đó là một hành trình đam mê và cống hiến không mệt mỏi của Mai Tuyết Hoa và những đồng nghiệp tâm huyết của mình. Giữ câu xẩm được truyền dạy từ người thầy lớn, nghệ nhân Hà Thị Cầu, trong album tất nhiên không thể thiếu “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.

NSND Xuân Hoạch (thứ hai từ trái qua) là một người bạn lớn của Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành.

Đây cũng là một trong số những bài xẩm tạo nên tên tuổi của Mai Tuyết Hoa. Đến những câu xẩm được Mai Tuyết Hoa cùng những người thầy của mình, PGS.TS.NGND Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch… sưu tầm và đưa nó trở nên phổ biến như ngày hôm nay như “Đón dâu về làng”; hay đến những sáng tác mới của Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành ngập tràn hơi thở thời đại nối dài sức sống của nghệ thuật hát xẩm trong giai đoạn hiện nay trong câu xẩm “Bốn mùa hoa Hà Nội”; và còn cả những sáng tạo do chính Mai Tuyết Hoa trực tiếp lồng điệu như “Chồng say” (Dặn chồng chớ uống rượu say), hay chuyển soạn sang xẩm bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” vốn đã được các nghệ nhân hát văn lồng điệu rất thành công…

Nếu ai đã từng nghe xẩm, chắc hẳn sẽ bị ám ảnh và say mê, bởi xẩm gần như đời sống vậy. Mai Tuyết Hoa có thể nói là “truyền nhân” của nghệ nhân Hà Thị Cầu khi chị mang được cái chất đời đó vào trong những làn điệu chị thể hiện.

NSND Xuân Hoạch thừa nhận: “Chúng ta không thể bắt những người trẻ hôm nay nghe những bản xẩm nguyên gốc khô cứng và xa lạ với họ. Vì thế, chúng ta rất trân trọng những sáng tạo mới của các nghệ sĩ trẻ trên hành trình đưa xẩm đến với đời sống. Dù những sáng tạo đó còn chưa thực sự hoàn hảo, nhưng đó là nỗ lực đáng được ghi nhận để xẩm có đời sống. Nghệ thuật truyền thống, nhất là xẩm chỉ thực sự tồn tại khi nó có đời sống trong lòng công chúng”.

Ái Vân
.
.
.