Malaysia và những 'món nợ' trong quá khứ

Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:00
Ngày 27 tháng 3 tới, ĐT U.23 Việt Nam sẽ gặp U.23 Malaysia trong trận đấu đầu tiên tại vòng loại bảng I giải U.23 châu Á 2016. Trận ra quân gặp Mã gợi lại ký ức những lần ra quân đấu lại chính đối thủ này trong quá khứ.

Malaysia từng bóp vỡ giấc mơ Miura

Năm ngoái, khi lần đầu tiên cầm quân ở ĐT Việt Nam, ông Miura không ngại cho biết mục tiêu của mình là giúp ĐT vô địch AFF Suzuki Cup 2014. Và thực tế thì đội bóng của ông đã đá 3 trận vòng loại cùng trận bán kết lượt đi với Malaysia ngay trên đất Malaysia một cách cực kỳ ấn tượng. Trận đấu mà ĐTVN đã giành chiến thắng 2-1, tràn đầy cơ hội lọt vào chung kết.

Thế mà 90 phút lượt về ở sân Mỹ Đình, các học trò của Miura lại vỡ nhanh, vỡ nặng 4 bàn để rồi tạo ra cả một cơn sóng dư luận ngay sau đó. Sóng với lời thừa nhận tội nghiệp của Miura: "Là HLV trưởng, tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm", và sóng với phát biểu của chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: "Ở trận thua này, nội bộ đội tuyển có vấn đề gì không?".

Trước ông Miura, một trong những thầy ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam là Henrique Calisto cũng từng ôm hận trước Malaysia theo kịch bản tương tự. Chung kết SEA Games 25 năm 2009 trên đất Lào, U.23 Việt Nam của Calisto tiến vào trận chung kết gặp U.23 Mã trong bối cảnh cả Đông Nam Á chờ sẵn Việt Nam lên ngôi. Bởi xét ở tất cả các khía cạnh như thiên thời, địa lợi, nhân hoà thì U.23 Việt Nam đều vượt trội đối thủ, và trong cuộc gặp nhau ở vòng đấu bảng, U.23 Việt Nam cũng từng thắng dễ 3-1. Vậy mà trận đấu ấy chúng ta lại thua sốc 0-1 sau một pha đá phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp và một tình huống hớ hênh đến khó tin của thủ thành Bùi Tấn Trường.

Rõ ràng, Malaysia là một đối thủ đầy ân oán và khó chịu với các đời thầy ngoại của bóng đá Việt Nam. (Tuấn Thành)

SEA Games 19 năm 1997 tại Indonesia, Đội tuyển Việt Nam (khi ấy SEA Games vẫn dành cho ĐTQG, chứ chưa phải U.23 QG như bây giờ) gặp Malaysia trong một trận đấu mà chúng ta được đánh giá cao hơn. Thực tế 90 phút bóng lăn cũng là 90 phút mà đoàn quân của ông thầy người Anh Colin Murphy áp đảo Malaysia toàn diện.

Rất nhiều cơ hội được tạo ra, nhưng bóng hết tìm đến xà ngang, cột dọc lại bị những Hồng Sơn, Công Vinh (Nguyễn Công Vinh của Đường sắt Việt Nam, chứ không phải Lê Công Vinh sau này) bỏ lỡ một cách khó tin. Và bi kịch lên đến đỉnh điểm ở những phút cuối trận, khi Malaysia tổ chức phản công đơn giản rồi ghi bàn thắng duy nhất trong sự sững sờ của tất thảy BHL Việt Nam.

BHL ĐT U.23 Việt Nam phải tính đối sách đặc biệt "trị" Mã.

Trận ra quân thua Mã khiến ĐT Việt Nam đứng trước nguy cơ bị loại khỏi bán kết SEA Games, và thực tế là chúng ta chỉ thoát hiểm khi ở lượt đấu cuối cùng, Malaysia đã bất ngờ thua ĐT Lào 0-1. Nhìn cái cách thầy trò nhà Colin giành vé vào vòng trong nhờ Malaysia thua Lào sau 90 phút cực kỳ bí ẩn, một nhà báo thể thao gạo cội thời ấy từng giật cái title: "Con bò chui qua lỗ kim", và cũng vì cái title ấy mà nhà báo này gặp nạn. Cũng cần nói thêm sau khi vào bán kết ĐT Việt Nam thua Thái Lan 1-2 và chỉ giành được Huy chương Đồng chung cuộc.

Đúng 10 năm sau, trong trận đấu đầu tiên ở SEA Games 27 tại đất Korat (Thái Lan), U.23 Việt Nam lại ra quân gặp Mã. Lần này thì chúng ta thắng dễ 3-1 nhưng thắng rồi mà HLV trưởng Alfred Riedl vẫn nhìn thấy rất nhiều cái để lo. Lo từ một trận đấu mà có vẻ đối phương tự thua nhiều hơn là chúng ta giành chiến thắng, và lo từ cả một tập hợp phải đá bóng trong cảnh vừa nặng đôi chân, vừa nặng cái đầu.

Cần phải nhắc lại rằng ĐT U.23 Việt Nam tham dự SEA Games ấy với rất nhiều chỉ trích dành cho tư tưởng cầm quân theo kiểu "vắt kiệt sức lực học trò" của ông thầy Áo. Và thực tế là sau trận mở màn thắng U.23 Malaysia chúng ta lết vào bán kết để rồi ở đó đã thua thảm chiếu dưới Myanmar trên chấm phạt đền.

Như thế từ 1997 đến 2007, từ ĐT Việt Nam đến U.23 Việt Nam, từ Colin Murphy đến Alfred Riedl, chúng ta đều ra quân gặp Mã, và bất luận tỷ số thắng thua thì sau đó đều dừng cuộc chơi ở vòng bán kết.

Rất nhiều người đang đặt kỳ vọng vào Công Phượng (giữa).

Ngày 27 tháng 3 tới đây lại là một trận ra quân gặp Mã, trận đấu mà người Mã có đầy đủ các ưu thế về sân bãi, khán giả, thời tiết và cũng đừng sốc nếu có cả luôn trọng tài (vì thực tế các giải đấu khu vực và châu lục cho thấy Mã rất hay được hưởng lợi từ các quyết định của "vua"), trong khi chúng ta thì thất thế đủ đường.

Ai cũng biết, trước khi hành quân sang Mã, thuyền trưởng U.23 Việt Nam Toshiya Miura đã phải đau đầu với nạn chấn thương, và trong số 23 cầu thủ cuối cùng được ông chọn lựa lên đường vẫn có những người đang phải đánh đu với chấn thương cùng khả năng ra trận.

Người ta cũng biết sau một tháng trời tập luyện U.23 Việt Nam vẫn chưa cho thấy một lối chơi có đường nét với những pha phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, và có lẽ đấy là lý do mà trong những buổi tập cuối cùng trước khi sang Mã, ông Miura đã phải luyện đi luyện lại những tình huống đá phạt hòng tìm kiếm cơ hội ghi bàn từ... bóng chết (?)

Nếu người Mã bước vào trận đấu này với một lộ trình chuẩn bị dài hơi, hiệu quả mà đỉnh cao là chức vô địch Gold Cup, và nếu Ban huấn luyện của Mã đã cử người sang Việt Nam cẩn thận trinh thám hàng loạt các cuộc đấu trận của U.23 Việt Nam thì chúng ta lại gặp Mã trong cảnh vừa mỏng về lực vừa mù mờ về phong độ đối phương.

Mong là trong một trận ra quân khó đủ đường như thế, trận ra quân mà ông Miura đã xác định là các cầu thủ phải gồng lên chơi với hơn 100% sức lực của mình để ít nhất cũng có một kết quả không thua thì các cầu thủ có thể vào trận và thể hiện nhiều hơn những vốn liếng mình đang có.

Cũng mong là ở trên đất Mã, dưới sự "tra tấn" của đông đảo khán giả Mã, tuổi U.23 Việt Nam sẽ giữ được tinh thần, trận địa, thay vì cứ bị cuốn theo cách đá và cách đấu của một đội bóng có tiếng là nhiều tiểu xảo. 

Quyết tâm giành ngôi nhì bảng

Mục tiêu của HLV Miura là vị trí thứ 2 ở bảng I, sau U.23 Nhật Bản và đứng trên U.23 Malaysia, Macau, từ đó hy vọng trở thành một trong những đội có vị trí thứ 2 tốt nhất ở vòng đấu loại, giành quyền tham dự vòng chung kết U.23 châu Á vào năm sau. Ông Miura có lúc còn bảo: "Ước mơ của tôi là chiến thắng U.23 Nhật Bản, và nếu các cầu thủ làm được điều đó thì có lẽ tôi sẽ không còn đường về quê".

Thực tế thì trong các buổi tập, ông Miura thường xuyên lấy hình ảnh "U.23 Nhật Bản" ra kích tướng, hối thúc các học trò. Chẳng hạn như khi các thủ môn phát bóng chậm chạp ông bảo: "Các anh mà phát bóng thế thì cầu thủ Nhật sẽ hoá giải dễ dàng", rồi khi các cầu thủ thể hiện sự bị động trong va chạm, tranh chấp, ông lại bảo: "Các anh tranh chấp như thế thì không thể đá với Nhật Bản  được đâu".

Trong khi U.23 Nhật Bản tham dự giải đấu này với đầy đủ binh hùng tướng mạnh, và vừa có trận giao hữu huỷ diệt U.23 Myanmar tới 9-0 thì U.23 Malaysia cũng có hàng loạt trận giao hữu thành công. Không biết có phải vì những lý do này hay không mà trong giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị, ông Miura đã bất ngờ xây dựng lối chơi 4-5-1 nghiêng về phòng ngự cho các học trò, thay vì chỉ chơi kiểu 4-4-2 nghiêng nhiều về tấn công, áp đặt. Ở bảng đấu này, xem ra chỉ có U.23 Macau là các học trò của Miura chắc thắng. (Ngọc Anh )

"Nội soi" Công Phượng

Khi ĐT U.23 Việt Nam sang Bangkok (Thái Lan) đá trận tập huấn cuối cùng với U.23 chủ nhà rồi lại sang Malaysia, chính thức bước vào cuộc chơi thì cả báo giới Thái lẫn Mã đều đặt rất nhiều câu hỏi về tiền đạo Công Phượng. Phần lớn đều biết Phượng là một cầu thủ nổi danh trong ĐT U.19 Việt Nam tham gia các giải đấu khu vực và châu lục hồi năm ngoái, thậm chí nếu không gặp phải những cái lắc đầu từ BHL Việt Nam, một đài truyền hình Thái đã thực hiện cả một phóng sự về Công Phượng.

Trong suốt quá trình tập huấn của ĐT vừa qua, Công Phượng chưa thể hiện được nhiều giá trị. Mặc dù HLV Miura liên tục bảo vệ Công Phượng bằng những phát biểu như: "Không thể nói cậu ấy không phù hợp với chiến thuật của tôi" hay "hôm nay cậu ấy chơi tốt" thì vẫn không khó thấy trong các buổi tập nội bộ, ông liên tục "nắn" Phượng phải đá bóng một cách đơn giản và mang tính tập thể nhiều hơn. Một kiểu đá khác hẳn với lối trình diễn kĩ thuật mà Phượng vẫn thể hiện trong màu áo ĐT U.19 Việt Nam và CLB Hoàng Anh Gia Lai thời gian vừa rồi.

Một trong những nhiệm vụ mà ông Miura giao cho Công Phượng là phải luôn sẵn sàng thực hiện những quả đá phạt góc hoặc phạt trực tiếp với độ xoáy cao, vì ông hy vọng những đường bóng cố định xuất phát từ chân Công Phương sẽ giúp ĐT tạo ra nhiều đột biến. Chờ xem khi đang trở thành trung tâm điểm của cả "ta" và "người", Công Phượng rồi có để lại dấu ấn nào không? 

(Lệ Đài )

Malaysia từng bóp vỡ giấc mơ Miura

Năm ngoái, khi lần đầu tiên cầm quân ở ĐT Việt Nam, ông Miura không ngại cho biết mục tiêu của mình là giúp ĐT vô địch AFF Suzuki Cup 2014. Và thực tế thì đội bóng của ông đã đá 3 trận vòng loại cùng trận bán kết lượt đi với Malaysia ngay trên đất Malaysia một cách cực kỳ ấn tượng. Trận đấu mà ĐTVN đã giành chiến thắng 2-1, tràn đầy cơ hội lọt vào chung kết.

Thế mà 90 phút lượt về ở sân Mỹ Đình, các học trò của Miura lại vỡ nhanh, vỡ nặng 4 bàn để rồi tạo ra cả một cơn sóng dư luận ngay sau đó. Sóng với lời thừa nhận tội nghiệp của Miura: "Là HLV trưởng, tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm", và sóng với phát biểu của chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: "Ở trận thua này, nội bộ đội tuyển có vấn đề gì không?".

Trước ông Miura, một trong những thầy ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam là Henrique Calisto cũng từng ôm hận trước Malaysia theo kịch bản tương tự. 

Chung kết SEA Games 25 năm 2009 trên đất Lào, U.23 Việt Nam của Calisto tiến vào trận chung kết gặp U.23 Mã trong bối cảnh cả Đông Nam Á chờ sẵn Việt Nam lên ngôi. 

Bởi xét ở tất cả các khía cạnh như thiên thời, địa lợi, nhân hoà thì U.23 Việt Nam đều vượt trội đối thủ, và trong cuộc gặp nhau ở vòng đấu bảng, U.23 Việt Nam cũng từng thắng dễ 3-1. Vậy mà trận đấu ấy chúng ta lại thua sốc 0-1 sau một pha đá phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp và một tình huống hớ hênh đến khó tin của thủ thành Bùi Tấn Trường.

Rõ ràng, Malaysia là một đối thủ đầy ân oán và khó chịu với các đời thầy ngoại của bóng đá Việt Nam. 

(Tuấn Thành)

Phan Đăng
.
.
.