Man City - Man Utd: Truyền thuyết một trận cầu lịch sử

Thứ Bảy, 22/11/2014, 14:30
Sau trận "huyết chiến" với Chelsea hồi tuần trước, tuần này Man Utd lại đương đầu với một cuộc đấu siêu hạng nữa. Và đây là trận derby đích thực, một trận đấu mang nhiều ý nghĩa, thậm chí xứng đáng được coi là cuộc đại chiến: Man City-Man Utd. Vài năm trở lại đây, Man City đã trở thành đối trọng lớn của Man Utd, với những yếu tố xung đột luôn có ở hai đội bóng cùng thành phố. Thế nhưng, sự kình địch đó bắt đầu từ đâu?

1. Cách đây 5 năm, khi Carlos Tevez chuyển từ Man Utd đến khoác áo Man City, trên tấm pano chào mừng của thành phố Manchester, bức hình cầu thủ này được in lên như một biểu tượng. Thế nhưng, những CĐV Man Utd không chấp nhận được điều này, và họ đã bôi bẩn nó đến mức người ta phải dỡ xuống sau 1 thời gian ngắn. CĐV Man Utd cho rằng, Tevez là kẻ "chẳng ra gì", nhưng trên hết bởi bức hình đó được in trên màu xanh của Man City. Tuy nhiên, chuyện đó chưa đến mức tạo ra scandal như vụ Man Utd kỉ niệm 50 năm xảy ra thảm họa máy bay Munich khiến quá nửa đội hình của thế hệ vàng thập kỉ 1950 thiệt mạng.

Đó là năm 2008, khi mà ngày kỉ niệm 50 năm rơi đúng vào ngày diễn ra trận derby Manchester. Khi đó, BTC Premier League đã đồng ý để Man Utd khoác bộ áo đặc biệt, được thiết kế y hệt trang phục của năm 1958. Theo đó, phía Man City cũng mặc trang phục không có quảng cáo trên ngực áo, các CĐV Man City cũng phải tham gia các tiết mục tưởng niệm trên sân vận động Old Trafford. Thế nhưng, ban đầu CĐV Man City và cả đội bóng Man City đều không đồng ý. Phải mất nhiều thời gian vận động, các bên mới đạt được thỏa thuận để buổi lễ kỉ niệm đầy ý nghĩa này diễn ra suôn sẻ. Trên các ghế ngồi của CĐV Man City hôm đó đều có một chiếc khăn xanh. Thế nhưng, điều đáng buồn là trận đấu đó Man City bất ngờ đánh bại chủ nhà Man Utd với tỷ số 2-1.

Thế nhưng, sự hằm hè giữa hai đội bóng thành phố Manchester không phải bắt nguồn từ những "chuyện vặt" ấy. Suốt một thời gian dài từ thập niên 60 đến tận trước khi Man City thay da đổi thịt, trở thành một đại gia của bóng đá Anh, sự cạnh tranh gần như không diễn ra. Ở đó chỉ có sức nóng từ những pha bóng ác ý, còn lại Man City hoàn toàn lép vế trước Man Utd. Thế nhưng, câu chuyện về Man Utd và Man City không vì thế mà bớt nóng. Thậm chí đó còn là một câu chuyện lịch sử tồn tại và được lưu giữ như một phần không thể thiếu của bóng đá Anh.

2.Trận đấu cuối cùng quyết định danh hiệu vô địch quốc gia Anh mùa giải 1904/1905 giữa Aston Villa và Manchester City bỗng nhiên xảy ra sự kiện vô cùng bất ngờ, xoay quanh cái tên lừng lẫy: Bill Meredith!

Trước trận đấu ấy, Aston Villa không còn hy vọng chạy đua đến chức vô địch khi đã xếp ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, Manchester City vẫn còn cơ hội tự quyết, bởi nếu thắng họ sẽ vô địch. Thế nhưng, trận cầu đã diễn ra theo chiều hướng kì lạ. Dường như Aston Villa không có mục tiêu gì nên lại chơi bóng với tư tưởng cực kì thoải mái, và họ bất ngờ đánh bại Manchester City tới 3-1. Sự việc tưởng đến đó là xong, ai ngờ hóa ra nghiêm trọng khi đội trưởng của Aston Villa là Alec Leake đã tuyên bố rằng, Bill Meredith, đội trưởng của Manchester City đã đề nghị "biếu" ông 10 bảng để giúp Manchester giành thắng.

Ngay lập tức Meredith bị kết tội vi phạm luật chơi và bị treo giò 1 năm. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chính thức, nhưng có thể coi đây là vụ hối lộ, âm mưu dàn xếp tỷ số đầu tiên trong lịch sử bóng đá hiện đại. Không chỉ có án phạt của FA, Ban lãnh đạo Manchester City cũng theo đó kết tội Meredith và… "quỵt" luôn tiền lương của cầu thủ này. Câu chuyện chưa thấy liên quan gì đến Man Utd, như nó là mầm mống cho một sự nổi loạn, và sau đó Man Utd mới xuất hiện.

Những trận derby Manchester luôn cực kì căng thẳng.

Tức khí vì vừa bị treo giò lại vừa mất tiền lương, Meredith quyết định công khai mọi bí mật ở CLB, trong đó chi tiết gây chú ý nhất là lời giải thích nguyên nhân tại sao Manchester City thành công đến thế. Theo tố cáo của Meredith, Manchester City thành công bởi họ có những hành vi "hối lộ" tiền cho các cầu thủ đối phương. Nhận được tiền đút lót là điều bất kỳ cầu thủ nào cũng muốn làm, bởi lương cầu thủ lúc đó tối đa chỉ là 4 bảng/tuần (do quy luật lương trần mà FA đưa ra). Kết cục là Giám đốc của Manchester City, ông Tom Maley bị cấm tham gia hoạt động bóng đá, còn câu lạc bộ Manchester City bị phạt 250 bảng. FA tuyên án treo giò 17 cầu thủ của Manchester City đến tháng 1/1907. Từ một đội bóng lớn, Man City trở thành một tập thể bị cô lập, nghèo kiết xác và đối diện nguy cơ phá sản. Kết cục bi thảm của vụ dàn xếp tỷ số bằng "tiền thưởng" buộc họ phải bán nhiều cầu thủ của mình trong một phiên đấu giá tại khách sạn Queen tại Manchester (năm 1906). Ngay lập tức, Giám đốc của câu lạc bộ cùng thành phố là Manchester Utd, ông Ernest Mangnall đã nhanh chóng ký hợp đồng với "tội đồ" Meredith với giá 500 bảng, cùng một số cầu thủ nổi tiếng khác như Herbert Burgess, Sandy Turnbull và Jimmy Bannister. Đây được coi là bước đi quyết định, bởi chính những người này đã góp phần làm thay đổi Manchester Utd sau khi hết hạn treo giò. Mùa giải 1907/1908, Manchester Utd vô địch quốc gia với 4 trụ cột đều được mua từ Man City trong cuộc đấu giá năm 1906.

Sau khi thôn tín Man City, Man Utd bắt đầu mạnh lên. Nhưng dường như vẫn còn uất ức với quyết định khiến đội bóng suy sụp năm nào, Man City bắt đầu vực dậy và "đòn thù" không tự dưng lại nhắm vào chính Man Utd. Tháng 8 năm 1912, Giám đốc Ernest Mangnall tuyên bố rời Manchester Utd để về quản lý cho… Manchester City. Người làm nên vận mệnh của đội bóng đã ra đi và Manchester Utd rơi vào khoảng thời gian tồi tệ. Nhưng đây không phải là cú sốc tài chính mà là bê bối tiền bạc, thậm chí có giả thuyết đưa ra rằng, đã có một âm mưu trả thù từ Man City. Thay thế cho Ernest Mangnall là John J. Bentley, cựu Chủ tịch FA. Khi đến Manchester Utd, John J. Bentley đã khiến các cổ động viên thất vọng khi bán Charlie Roberts cho Oldham Athletic để đổi lấy 1.750 bảng vào năm 1913, một kỷ lục mới trong chuyển nhượng. Mùa 1913/1914, Manchester Utd đứng thứ 14, còn Oldham Athletic với Charlie Roberts là Á quân (xếp sau Everton). Ngay lập tức, John J. Bentley bị khép tội "mưu sát" Manchester Utd, với thông tin là "người rất thân Man City". Đó là mùa giải bắt đầu cho scandal bán độ của Man Utd và Liverpool. Mùa giải tiếp theo (1914/1915), Man Utd cũng chỉ đứng thứ 18, chỉ xếp trên đội phải xuống hạng là Chelsea. Thoát cảnh xuống hạng, nhưng thực tế Manchester Utd đã tránh được thảm họa này nhờ một scandal diễn ra ở vòng cuối, khi âm mưu dàn xếp tỷ số đã được phanh phui giữa Man Utd và Liverpool. Khi đó, hai đội đã dàn xếp tỷ số để Man Utd thắng 2-0 và trụ hạng.

Sự kiện nữa đánh dấu một trang sử mới trong cuộc chiến giữa Man Utd và Man City chính là cú đánh gót ghi bàn của Dennis Law năm 1974. Khi ấy, Law mới chuyển từ Man Utd sang Man City sau 19 năm cực kỳ thành công với "nửa đỏ". Trận đấu đó, nếu thua, Man Utd sẽ phải xuống hạng. Và phút thứ 81, Law nhận bóng trong tư thế quay mặt tại khung thành Man Utd. Một cú đánh gót điệu nghệ và một bàn thắng. Bi kịch đã xảy ra với Man Utd. Sau bàn thắng, mặc cho đồng đội ăn mừng, Law lặng lẽ bước khỏi sân, không nhìn lên khán đài, chẳng bắt tay hay biểu lộ bất kì cảm xúc gì. Sau trận đấu, ông nói: "Tôi chưa bao giờ ghi bàn thắng mà khổ sở đến thế. Tôi đã ước rằng bàn thắng ấy không bao giờ xảy ra". Sau trận đấu định mệnh ấy, Law giã từ bóng đá luôn, không thi đấu cho Man City trận nào nữa. Vì thái độ và những hành động ấy nên cho đến nay Dennis Law vẫn được CĐV coi là huyền thoại của Man Utd, và ông là một trong 3 cầu thủ được dựng tượng bên ngoài SVĐ Old Trafford (cùng G.Best và B.Charlton).

Trận derby Manchester năm 2008 diễn ra đúng dịp kỉ niệm 50 năm thảm họa Munich.

3.Câu chuyện về mối hiềm khích giữa Man Utd và Man City chỉ lên đến đỉnh điểm và thực sự kình địch ở mọi mặt trận với đầy đủ ý nghĩa khi Man City được đầu tư cực kì mạnh mẽ từ tập đoàn đầu tư tài chính đến từ Abu Dhabi. Hàng loạt ngôi sao được mang về, số tiền đầu tư không giới hạn, Man City mạnh dần và trở thành một trong những đối trọng lớn của Man Utd tại giải Ngoại hạng Anh. Và điều tất yếu đã đến khi mà năm 2012, Man Utd đã lần đầu vô địch nước Anh sau 44 năm, với màn chạy đua ngoạn mục nhất trong lịch sử với chính Man Utd. Nửa xanh thành Manchester chỉ vô địch nhờ hơn Man Utd hiệu số bàn thắng bại, điều chưa từng có ở Premier League.

Và mùa giải năm ngoái đánh dấu sự thống trị của Man City khi họ tiếp tục truất ngôi Man Utd để đăng quang lần thứ 2 trong vòng 3 năm. Và đến bây giờ, câu chuyện kình địch giữa hai đội bóng thành phố Manchester đã ở một trang sử mới. Không phải vì vài bảng như cách đây hơn 1 thế kỉ, mà là câu chuyện của hàng trăm triệu bảng, của hai gã đại gia giàu có hàng đầu thế giới.

Những màn ẩu đả nổi tiếng

Trong các trận derby Manchester, "nóng" ở mọi phương diện là yếu tố luôn có. Và chính vì "nóng", quá "thừa lửa" nên trận đấu giữa Man City và Man Utd cũng đầy rẫy bạo lực. Trong đó, hai sự kiện nổi tiếng nhất diễn ra vào năm 1970 và 2001. Nó không chỉ dừng lại ở mức độ bạo lực, mà còn biến thành scandal đáng nhớ trong lịch sử Premier League. Ngày 12/12/1970, Quỷ đỏ thua tan nát với tỷ số 1-4 trước Man xanh. Trong trận đấu này, tiền đạo huyền thoại George Best bên phía Man Utd đã tỏ ra ức chế và tung cú đạp thô bạo vào đối thủ Glyn Pardoe.

Cú đạp này ác nghiệt đến mức khiến xương ống chân của cầu thủ Man City bị gẫy lìa. Chấn thương này buộc Pardoe phải chấm dứt sự nghiệp ngay sau đó. Scandal thứ hai là cuộc gặp gỡ vào tháng 4/2001. Khi ấy, một cầu thủ nổi tiếng khác là Roy Keane đã tung cú đạp thẳng vào đầu gối Haaland bên phía Man City. Kết quả là Haaland gẫy đôi chân và cũng phải giải nghệ. Điều đáng nói là trong cuốn tự truyện được xuất bản sau đó của mình, Roy Keane còn tiết lộ rằng, cú đạp đó là do anh chủ đích dành cho Haaland để trả thù ở trận đấu trước đó cầu thủ này đã phạm lỗi với anh. Trước sự "ngông nghênh" này, Roy Keane bị tăng án treo giò từ 5 lên 10 trận và bổ sung thêm khoản tiền phạt đạt mức kỉ lục: 150.000 bảng.

Lê Giang
.
.
.