Mật mã văn hóa và chuyện người Việt yêu bóng đá

Chủ Nhật, 26/03/2017, 21:53
Đầu tháng ba, có một câu chuyện đầy cảm hứng đã lan truyền trên mặt báo và mạng xã hội: Anh Nguyễn Bá Kỳ, một cổ động viên (CĐV) khuyết tật của đội Sông Lam Nghệ An đã nằm xe khách gần 1.500 km từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh để cổ vũ cho đội nhà.


Đấy hẳn là một quãng đường không hề dễ dàng, ngay cả với một người bình thường khỏe mạnh. Và hình ảnh ấy gây ấn tượng rất mạnh mẽ, bởi vì chỉ hai tuần sau, ngay giữa Thủ đô, nơi các quán cà phê vẫn kín khách cuối tuần đến xem giải Ngoại hạng Anh, trận “chung kết ngược” giải hạng Nhất quốc gia giữa câu lạc bộ Viettel và CLB Bóng đá Huế đã diễn ra dưới sự chứng kiến của… 100 khán giả đến sân Hàng Đẫy. Hôm đó, sân mở cửa tự do.

Ranh giới giữa yêu và thích

Vé chuyến đi vất vả của vợ chồng Bá Kỳ thì tốn những 1,3 triệu đồng (phương án xe khách được chọn vì tiết kiệm nhất), số tiền không nhỏ với một người có thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng như Bá Kỳ.

Hãy ngẫm chút để thấy một ẩn dụ mạnh mẽ: Một người khuyết tật chỉ có thể cử động tay trái (và chỉ ba ngón động đậy được thôi), đã bỏ công sức và thời gian cho quãng đường mệt mỏi, tốn kém để được xem đội bóng của anh ta thi đấu.

Khi lứa U.19 của Công Phượng, Văn Toàn mới trình làng, các khán đài luôn đầy ắp các CĐV, trong đó có các fan nữ.

Động lực cho quãng đường ấy hẳn rất mạnh mẽ, vì ở Hàng Đẫy hai tuần sau, dù chẳng mất một xu nào thì những người Hà Nội vẫn thờ ơ với một trận đấu được coi là hay nhất của giải hạng Nhất. Không ai ngạc nhiên: Hàng Đẫy vẫn là một trong những sân có tỉ lệ khán giả thấp nhất ở V-League.

Có thể nếu trận đấu ấy được truyền trực tiếp trên truyền hình, hoặc đơn giản hơn là qua trực tuyến (livestream) trên Facebook, số lượng xem hẳn không đến nỗi tồi: Rất nhiều trang Fanpage đang làm điều đó, và một lần trực tuyến các trận V-League có thể thu hút đến hàng trăm ngàn view (lượt xem).

Bá Kỳ có thể theo dõi Sông Lam Nghệ An theo cách như thế, và anh hoàn toàn có quyền như thế, thay vì đội nắng đội mưa vào TP Hồ Chí Minh. Nhưng bóng đá không thể trở thành một môn thể thao thiêng liêng nếu các CĐV chỉ thích xem nó, mà không muốn cảm nhận và yêu nó, như CĐV khuyết tật ấy.

Đấy là một ranh giới rất rõ ràng: Rất nhiều người Việt đi xem bóng đá, qua tivi, trong quán cà phê, livestream trên Facebook, và đấy là THÍCH; nhưng đến mức phải chịu thiệt thòi, hy sinh bản thân mình để đánh đổi lại những giây phút sống động với bóng đá, thì đó mới là YÊU. Có nhiều người thích xem bóng đá không có nghĩa là người Việt yêu bóng đá.

Và đấy thật sự là một lời khen “chết người” với nền bóng đá. Với một CĐV như Bá Kỳ, đấy thậm chí là một lời khen vô nghĩa, vì những gì anh làm là để thỏa mãn chính anh, không phải để nhận một lời khen, hay đại diện cho cái gọi là “người Việt yêu bóng đá”. Người Việt không cần yêu bóng đá.

Năm 1996, mùa giải thứ ba của J1 League (giải VĐQG chuyên nghiệp Nhật Bản) chứng kiến số khán giả trung bình thấp nhất trong lịch sử (10.131). 2 năm sau, họ dự World Cup lần đầu tiên, và đến giờ, lượng khán giả trung bình đến sân xem một trận J1 League tăng gần gấp đôi (xấp xỉ 18.000).

Người Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đặt mục tiêu phát triển môn bóng đá (soccer) ở Mỹ, bởi vì ở đây, bóng chày, bóng rổ và bóng bầu dục mới là những môn thể thao “vua”. Mùa giải 2000, trung bình MLS (giải VĐQG Mỹ) chỉ có 13.756 khán giả đến sân/trận. 15 năm sau, con số đó đã là gần 22.000.

Khi Tây Đức vô địch thế giới năm 1990, thật kỳ lạ là số khán giả đến sân xem Bundesliga trong cùng mùa bóng đó lại chạm đáy (trung bình 21.235 khán giả/trận) trong vòng gần 3 thập kỷ. Con số đó vào mùa bóng 2015-2016 đã tăng gấp đôi, lên đến 43.300 khán giả/trận.

Có rất nhiều ví dụ như thế, và những nền bóng đá đã kích hoạt được công tắc từ “thích” sang “yêu” để kéo được khán giả đến sân đơn giản là luôn bắt đầu mọi thứ với một tư duy đúng: Người Đức/Mỹ/Nhật không cần/phải yêu bóng đá. Chính các nhà tổ chức, các câu lạc bộ và các cầu thủ phải đánh thức tình yêu đó một cách tự nhiên.

Nền bóng đá của chúng ta thì đang vận hành ngược lại với quy tắc đó, với sự tự huyễn hoặc rằng “người Việt yêu bóng đá”. Vì huyễn hoặc như thế, bóng đá không còn đặt khán giả vào trung tâm: Các câu lạc bộ và cầu thủ không chơi bóng vì khán giả, nếu họ nghiễm nhiên cho rằng khán giả “có trách nhiệm” phải yêu đội bóng của mình.

Mật mã văn hóa và những ngộ nhận tình yêu

Mỗi dân tộc đều có một “mật mã văn hóa” riêng và bóng đá cũng chịu sự chi phối của mật mã ấy. Các nền bóng đá đã đánh thức được tình yêu của các CĐV đơn giản là vì đã biết lắng nghe và hành động một cách “thuận mã”.

Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của bóng đá Nhật Bản trong thời kỳ chuyển giao là phản ứng của Zico sau khi đội Kashima Antlers của ông bị thổi một quả phạt đền đầy tranh cãi trong trận chung kết giải với Verdy Kawasaki mùa 1993: “Pele” trắng nhổ bọt lên quả bóng, nhận thẻ vàng thứ hai và bị đuổi khỏi sân. Như một… người hùng.

Sự quyết liệt ấy nằm trong một chuỗi những hành động khiến Zico tạo được ảnh hưởng to lớn với bóng đá Nhật Bản: Ông thường xuyên giận dữ khi các đồng đội thi đấu thiếu quyết tâm, thậm chí va chạm với HLV trưởng nếu cần, chỉ để chứng minh rằng bóng đá chuyên nghiệp nghiêm túc và khốc liệt như thế nào.

Zico là người có những phẩm chất khớp với “mật mã” của người Nhật: Kỷ luật, quyết liệt và cảm tử. Các CLB Nhật thời điểm ấy đã chọn lựa những ngôi sao như ông để không chỉ kéo khán giả đến sân, mà còn để họ nhìn thấy chính mình trong đó và ở lại với đội bóng hàng tuần.

Người Đức cũng đã lắng nghe và tìm thấy được CĐV của họ. Thứ bóng đá buồn tẻ đã từng mang đến nhiều thành công cho ĐTQG Đức những năm 1970-1990 lại không phải điều các khán giả cần. “Mật mã” của các khán giả Đức là sự giải tỏa: Họ cần những trận đấu hấp dẫn, phong cách tấn công, và sân vận động là nơi để tiệc tùng, hò hét, xả stress.

Bundesliga bây giờ đã là giải đấu thu hút khán giả số một châu Âu, nhờ những khán đài có nhiều chỗ đứng, quầy bia cố định và xe bia di động phục vụ cả xúc xích.

Cuộc cách mạng bóng đá tấn công được khởi xướng từ World Cup 2002, một thay đổi trọng yếu trong cuộc chuyển mình của bóng đá Đức gần 2 thập kỷ qua, không hẳn xuất phát từ áp lực thành tích, mà đến từ chính mục tiêu phục vụ khán giả.

Hầu như không có đội bóng Việt Nam nào cố gắng giải mã khán giả một cách có hệ thống như thế, và tình yêu với những đội bóng có lượng CĐV mạnh ở V League thường xuất phát từ tinh thần cục bộ: Người Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa... có tính cộng đồng cao, thói quen hành động và sự tự tôn nổi bật, những động lực tự thân lôi kéo họ đến sân một cách tự nhiên.

Nhưng vì không được lắng nghe một cách đầy đủ khi đến sân, đa số họ thể hiện tình yêu tự phát và bồng bột. Họ cũng rơi vào ngộ nhận, khi nhầm tưởng rằng bất kỳ hành động quyết liệt nào vì đội bóng của mình (chửi bới trọng tài, gây loạn trên khán đài) là những biểu hiện của lòng nhiệt tình và chân thành.

Mùa đầu tiên lứa U.19 HA.GL đá V.League, họ đi tới sân nào sân ấy kín chỗ, nhưng sau này thì không.

Đấy không hẳn là những hành vi cố ý để chứng tỏ tình yêu, nhưng là những phản ứng dường như đã thành “tập quán” sau khi nhân danh tình yêu.

Xã hội chúng ta vốn có nhiều sự nhân danh như thế: Bố mẹ áp đặt con cái, thậm chí dùng đòn roi với con cái, vì nghĩ rằng mình đang làm điều tốt nhất cho con; hay một cậu trai mới lớn sát hại người tình vì “quá yêu”… Khi các mối quan hệ đều quy về bổn phận thay vì thấu hiểu, thì sự nhân danh tình yêu ngày một nặng nề hơn.

Và hệ quả là các CĐV không còn yêu đội bóng đúng với ý nghĩa thực sự của nó, mà có thói quen thỏa mãn những nhu cầu bản thân không được lắng nghe khi đến sân bằng cách nhân danh tình yêu đội bóng. Họ không làm bóng đá và đội bóng của mình tốt lên, mà thậm chí còn gây phương hại.

Lê Công Vinh có lẽ là Chủ tịch CLB duy nhất ở V League đang cố giải “mật mã văn hóa” của CĐV, bằng cách đưa ra nhiều thử nghiệm nhỏ, từ xây lại nhà vệ sinh, trực tiếp bán vé cho khán giả, mời các ngôi sao đến sân biểu diễn giữa giờ… Nhưng để thực sự biến “người Việt yêu bóng đá” trở thành hiện thực thì những động thái như thế không thể chỉ gói gọn trong nỗ lực đơn lẻ của một Chủ tịch CLB.

Và quan trọng nhất, tất cả những nỗ lực thay đổi phải bắt đầu bằng tư duy rằng người Việt chẳng có nghĩa vụ phải yêu bóng đá Việt Nam. Các CĐV là phần quan trọng của nền bóng đá, nhưng quả bóng hiện nằm trong chân các nhà tổ chức, CLB, các cầu thủ.

Làm nảy nở tình yêu ấy, hay tạo ra thêm nhiều những ngộ nhận và nhân danh khác, tùy thuộc vào họ. Tình yêu của CĐV, cũng như tình yêu đôi lứa, thật ra không khó để chinh phục. Nếu đã có một Nguyễn Bá Kỳ, hẳn sẽ có nhiều Nguyễn Bá Kỳ, miễn họ đừng bị quay lưng.

Phạm An
.
.
.