Không có gì mà ầm ĩ cả

Việt Nam "giành thêm" một tấm... huy chương vàng Olympic!?

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:24
Từ lâu lẩu lầu lâu thì mỗi khi lên bục nhận huy chương vàng, các vận động viên đều nhăn răng cắn vào nó. Người ta tin rằng vận động viên muốn thử vàng thật hay giả. Ô hay! huy chương vàng tại các kỳ Thế vận hội từ năm 1912 được làm ra chủ yếu từ bạc với tỷ lệ lên tới 92,5% và chỉ có một lớp vàng mỏng bao phủ bên ngoài hợp chất bạc.



Có người bảo cắn để khẳng định sở hữu. Có người bảo vì... đói. Có người bảo cắn để thấy vị ngọt ngào nhưng với một số người để cảm nhận cả mặt trái của tấm huy chương.

Sau khi Hoàng Xuân Vinh đoạt vàng và bạc thì trên mạng đã lưu truyền chuyện hài rằng Vinh là tấm gương lớn cho tất cả các vận động viên noi theo. Vinh tập bắn không cần đạn thì kình ngư có thể bơi sải trong bể không có nước. Bóng đá, bóng chuyền cứ đập và sút nhưng không cần bóng, bơi thuyền cứ dô ta mà không cần mái chèo. Bóng bàn, tennis thả sức tiu cắt không cần vợt… Điều này thế giới phải nghiêng mình kính phục nhé.

Cắn một nhát ra một vị. Không ít môn xứ ta đi thi chỉ có vận động viên, không cần huấn luyện viên luôn.

Minh họa: Lê Tâm.

Danh thủ cầu lông Nguyễn Tiến Minh đi Olympic kiểu đơn đao phó hội. Chẳng có huấn luyện viên nào lo cho. May có người yêu đi cùng cũng đỡ cô đơn.

Vận động viên Judo Ngọc Tú cũng độc cô cầu bại tại xứ người. HLV của cô được ở nhà hóng kết quả của học trò. Trên cử một cán bộ quản lý đi cùng chỉ đạo cô cho yên tâm. Không có HLV cũng đáng lo vì thiếu người “gà bài” sáng suốt kiểu cờ ngoài bài trong thì cũng tội nghiệp các vận động viên. Họ phải tự lo nghiên cứu đối thủ và tính đấu pháp, không có bất kỳ bộ óc nào để có thể xin ý kiến. Chưa đi đấu đã gặp bất lợi. Mà bất lợi đó không từ đối thủ mang lại mà ngay chính nội bộ thân tặng. Không sợ đối thủ mạnh như hổ mà chỉ sợ đồng đội thông minh như bò.

Đấy là chưa kể, bác sĩ của vận động viên cũng ở nhà, để dành suất cho lãnh đạo đi thế vận hội. Bác sĩ nghỉ khỏe thì có sao đâu. Chẳng lẽ Ban tổ chức không có bác sĩ à. Vậy nhờ họ luôn cho đỡ tốn mới là tiết kiệm cho nhà nước chứ. Tuy không vào sâu nhưng Ngọc Tú đã có một chiến thắng. Đấy nhé. Không HLV mà cũng thắng thì mang HLV sang làm gì cho tốn kém. Lãnh đạo chỉ đạo hóa ra tốt chán. Từ xửa xưa ta đã tay không bắt giặc thì bây giờ cũng tay không đoạt huy chương. Tại sao không?

Đã đến lúc chuyển HLV sang công việc khác để tăng cường phát triển nền lãnh đạo kiêm nhiệm tài ba. Nói theo ngôn ngữ của Bộ Giáo dục – Đào tạo là thế hệ lãnh đạo tích hợp. Tích hợp tất. Soi đường chỉ lối cũng vào đây, Đấu pháp cũng vào đây, y tế thì cũng vào đây…

Thiên hạ cho rằng ngoài hai huy chương vàng bạc chính thức, thế nào xứ ta cũng được thêm một huy chương vàng nữa. Đó là huy chương vàng dành cho đoàn thể thao có nhiều lãnh đạo nhất thế giới.

Lần đầu tiên xứ ta đoạt vàng cũng là lần có nhiều lãnh đạo cầm lái. Vậy phải có điều gì liên quan đến nhau chứ. Nếu ta tiếp tục thêm huy chương thì chưa biết chừng vai trò của các HLV các nước khác cũng bị thất sủng nghiêm trọng.

Còn bạn, bạn thích làm vận động viên đỉnh cao hay lãnh đạo?

Lê Tâm
.
.
.