Mẫu nude: Nghề của những cạm bẫy?

Thứ Ba, 18/09/2018, 12:04
Dù muốn hay không, thì mẫu nude vẫn được xem là một nghề. Đó là một nghề đặc biệt, nhạy cảm và luôn chứa đựng những nguy hiểm, rủi ro.


Lẽ dĩ nhiên, khi một người mẫu khỏa thân trước mặt một nhiếp ảnh gia hay một họa sĩ, nếu từ hai phía đều trên tinh thần công việc, vì cái đẹp, vì nghệ thuật đích thực thì không có gì để nói. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện tình bạn đẹp giữa người mẫu nude và nhiếp ảnh gia. 

Tuy nhiên, bởi đó là một nghề nhạy cảm hơn các nghề khác, nên cũng có nhiều câu chuyện nhạy cảm phiền phức hơn các nghề khác. Nhiều vụ án liên quan đến xâm hại tình dục, lạm dụng tình dục đã diễn ra, ít nhiều cảnh tỉnh đến những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật nude.

Người mẫu - nhiếp ảnh gia: mối quan hệ… nhạy cảm

Người mẫu Kim Phượng, người đã lên tiếng tố cáo bị nhiếp ảnh gia N. L hiếp dâm.

Mới đây, người mẫu Kim Phượng tiếp tục đệ đơn lên cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh về việc cô bị nhiếp ảnh gia N.L hiếp dâm trong khi cô và anh này đang thực hiện một bức vẽ trên cơ thể tại một khách sạn. 

Trước đó, cơ quan Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo, thư cầu cứu của Kim Phượng xung quanh sự việc này. Cơ quan điều tra đã vào cuộc, và kết luận của cơ quan này cho rằng, dựa trên những chứng cứ tìm thấy không có việc N.L hiếp dâm Kim Phượng. 

Về phía nhiếp ảnh gia N.L, anh cho rằng Kim Phượng đã bịa đặt ra câu chuyện này. N.L chia sẻ: “Sai lầm lớn nhất của tôi là đã làm việc với Kim Phượng. Nhưng tôi không oán trách mà ngược lại còn cho rằng Phượng chính là người đã "dạy" tôi bài học lớn. Chính vào lúc thành công trong công việc thì sự việc đổ ập lên đầu tôi. Bị ảnh hưởng từ vụ việc, tôi cũng bị mất những hợp đồng trị giá tiền tỉ. Trong lúc thông tin lộn xộn, mọi người chưa biết tin ai nên thường thì tâm lý chung là sẽ bảo vệ phụ nữ và cho rằng tôi có làm việc đó. Nhưng tôi chắc chắn 100% là tôi không làm, tôi là nạn nhân của một vụ vu khống trắng trợn…". 

Hiện tại, công chúng vẫn mới chỉ đoán định, không biết thực hư câu chuyện ra sao, khi một bên người mẫu nói có, một bên nghệ sĩ nói không. Và việc tìm chứng cứ cho một vụ hiếp dâm vốn xưa nay bao giờ cũng khó khăn hơn, nhất là khi sự việc đã xảy ra một thời gian. Chúng ta chờ đợi sự vào cuộc tiếp tục của Cơ quan điều tra, để trả lại danh dự cho người bị hại, hoặc người bị vu khống. Ở đây không bàn chuyện đúng sai, nhưng từ vụ án này thêm một lần nữa chúng ta thấy sự nhạy cảm của một nghề. 

Chuyện của người mẫu Kim Phượng dù mất nhiều giấy mực của báo chí, nhưng không phải là chuyện hiếm gặp trong thế giới người mẫu nude. Chỉ có khác một điều là, không phải khi gặp chuyện, người mẫu nude nào cũng đủ dũng cảm để lên tiếng tố cáo. Vì ngại ngần, và vì nhiều lý do tế nhị khác, người mẫu nude thường âm thầm chịu đựng, bỏ qua.

T.T.V, một mẫu nude ở Hà Nội mở lòng về những góc khuất trong nghề của mình: “Tôi từng làm việc với nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh nude, có người rất văn hóa, lịch sự, nhưng có người nhân cách vô cùng tệ. Họ coi người mẫu như trò chơi. Khi tôi trút bỏ trang phục trên người, bắt đầu công việc chụp nude đúng như hợp đồng, thì họ tỏ ra không nghiêm túc. Tôi rất sợ những người như vậy. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu nhận công việc, người mẫu chúng tôi rất khó để nhận diện ai là người nghiêm túc, ai là người không nghiêm túc”. 

V nhớ lại một câu chuyện không vui: “Dạo đó, tôi có hợp đồng với một anh là nhiếp ảnh gia. Tôi sẽ làm mẫu nude cho anh ta một ngày, tại studio riêng của anh ta trên đường N.H. Tôi đến và bắt đầu công việc. Đối với người mẫu nude như chúng tôi, gặp nhiếp ảnh gia, việc trút bỏ xiêm y bình thường lắm, vì đó là công việc. 

Tôi nói, anh định chụp tác phẩm theo tư thế như thế nào thì nhắc em. Anh ta nhìn tôi như muốn nuốt chửng tôi, rồi bảo, anh muốn chúng ta tăng độ thân mật để ảnh chụp có hồn hơn. Rồi anh ta tiến lại gần tôi. Tôi đề nghị anh ta nghiêm túc. Nhưng như một con hổ, anh ta lao vào tôi, ghì chặt tay không cho tôi chống cự. Tôi không thể cựa quậy để chống lại được. Tôi đã bị anh ta hiếp dâm ngay trong studio. 

Tôi đã chửi bới anh ta rất nhiều sau đó, nhưng không đủ can đảm để làm đơn tố cáo, dù trong lòng rất uất hận. Bởi vì tôi rất sợ mọi người biết việc mình làm mẫu nude. Tôi thấy mọi người xung quanh vẫn còn nhiều định kiến về công việc này. Bố mẹ tôi vốn không ủng hộ tôi làm việc này, nếu ông bà biết thông tin tôi bị hiếp dâm, ông bà còn đau khổ hơn nữa”.

Một bức tranh vẽ trên cơ thể người mẫu nude.

Sau lần ấy, mẫu nude T.T.V vẫn tiếp tục làm nghề. Nhưng cô đã biết cách bảo vệ mình hơn. “Khi bắt đầu, tôi làm hợp đồng rất chặt chẽ với nhiếp ảnh gia. Các điều khoản trong hợp đồng ghi rất cụ thể, về việc người chụp ảnh không được xâm phạm thân thể người mẫu. Tôi cũng nói chuyện rất kỹ với nhiếp ảnh gia để tỏ rõ quan điểm của tôi trong công việc. Tôi cũng tìm hiểu tư cách nhiếp ảnh gia nhiều hơn trước khi nhận một show chụp hình nude”.

Thái độ và khoảng cách

Nghề mẫu nude rõ ràng là nhiều rủi ro, nhưng đó cũng đồng thời là một công việc hấp dẫn. Một số người mẫu chia sẻ, họ có một cơ thể đẹp và rất thích để lại vẻ đẹp hình thể của mình trong những tác phẩm nghệ thuật. Đối với họ, đó còn là một niềm tự hào cá nhân. 

Mặt khác, đây vẫn là nghề dễ kiếm sống. Nếu như làm ảnh mẫu thời trang cát-xê bọt bèo, thì nghề mẫu nude thường được trả hậu hĩnh hơn. Đấy là lý do mà vẫn luôn có nhiều cô gái trẻ đẹp lựa chọn công việc này. 

Người mẫu Kim Phượng, nhân vật được nhắc đến trên báo chí thời gian vừa qua chia sẻ: “Dù xã hội còn định kiến, nhưng tôi vẫn đam mê công việc này. Tôi thấy đây cũng là một công việc lành mạnh như bao công việc khác trên đời. Nó là công việc mang đến cái đẹp, chứ không phải những thứ xấu xí như người ta nghĩ”. 

Tất nhiên, trong giới mẫu nude cũng có nhiều vấn đề. Chuyện mua dâm, bán dâm, hay nhân danh nhiếp ảnh gia để “chăn gái” cũng có. Chuyện nhân danh người mẫu để bán dâm cũng có. Nhưng ở góc độ chúng ta đang bàn, là nghệ thuật đích thực của nhiếp ảnh, thì công việc của người chụp ảnh nude và người mẫu nude là rất đáng trân trọng. Nó cũng sẽ không có gì là rủi ro, nếu cả hai phía đều đến với công việc theo tinh thần chuyên nghiệp, trách nhiệm, phụng sự cái đẹp.

Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, người có rất nhiều tác phẩm nude được yêu thích từng chia sẻ: “Khi tiến hành sáng tác, tôi đều có hợp đồng rõ ràng. Hợp đồng cũng ghi rõ tôi đã tìm hiểu về nhân thân và tôi hoàn toàn không trả tiền cho họ, đó là sự tự nguyện của người mẫu". 

Anh cũng cho rằng việc chụp nude hay body painting không hề nhạy cảm, phàm tục mà ngược lại còn cần sự chỉnh chu, rõ ràng ngay cả trong tâm thức của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ và những người từng làm mẫu vẫn luôn là bạn bè của nhau. 

Vấn đề thường hay xảy ra khi một trong hai người trong mối quan hệ này có ý đồ không nghiêm túc. Chẳng hạn nhiếp ảnh gia tìm cách quấy rối người mẫu, hay tấn công tình dục người mẫu. Khi đó, họ đã quên mất khoảng cách cần thiết của mình với người mẫu trong công việc. Thái độ đó cần được lên án.

Trong một cuộc hội thảo về nhiếp ảnh, khi đề cập đến vấn đề ảnh nude và những vấn đề nhạy cảm khác, một nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu chia sẻ, người cầm máy cần phải hiểu được khoảng cách của mình với người mẫu là cần thiết. Nếu bình thường trong cuộc sống, khi gặp nhau, nhiếp ảnh gia và người mẫu có thể ôm nhau, vịn tay, ôm lưng, ôm hông, thậm chí má nhau, thì trong không gian chụp ảnh nude, những hành động đó lại được xem là thiếu văn minh, lịch sự, thiếu chuyên nghiệp, dễ tạo ra tâm lý lo lắng, bất an cho người mẫu.

Vâng, có lẽ cuối cùng chỉ ngắn gọn vậy thôi. Với đặc thù công việc, nhiếp ảnh gia đang thực hiện tác phẩm với sự đồng hành của người mẫu nude, thì việc tiết chế cảm xúc và giữ khoảng cách cần thiết, thái độ văn minh với người mẫu phải được đặt lên hàng đầu. Trên nguyên tắc công việc đó, chắc chắn chúng ta sẽ ít phải chứng kiến những câu chuyện phiền phức, nhạy cảm liên quan đến nhiếp ảnh gia và mẫu nude, như câu chuyện của Kim Phượng và nhiếp ảnh gia N.L vừa rồi.

Thu Dương
.
.
.