Nhìn từ tấm HCV của bộ môn bắn súng tại Olympic 2016:

Một Huy chương vàng thay đổi hệ tư duy

Thứ Năm, 11/08/2016, 08:04
Tấm HCV mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đạt được tại Olympic 2016 trở thành một kỳ tích trong lịch sử thể thao nước nhà. Kể từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, khi chúng ta hội nhập trở lại và bắt đầu dự Olympic vào năm 1980 đến nay, thành tích HCV của Xuân Vinh là kết quả của cá nhân, nhưng sau kết quả ấy, liệu cả một nền thể thao có khởi sắc hơn nữa?


Đầu tư cơ bản Olympic tiếp tục tới đâu?

Thể thao Việt Nam nói chung đã và đang ngày càng phát triển hơn. Ít nhất là trên số lượng vận động viên (VĐV) đến với Olympic không còn bó hẹp một vài môn mà chúng ta đã sẵn sàng góp mặt từ 10 môn trở lên. Olympic 2016, chúng ta có 23 tuyển thủ tranh tài ở 10 môn thể thao khác nhau (đáng chú ý trong đó xuất hiện nhiều môn rất được thể thao Olympic quan tâm như điền kinh, cử tạ, bơi lội, đấu kiếm...).

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) - ông Nguyễn Hồng Minh đã phân tích: "Chúng ta phải thấy rằng, các em, các cháu ngày càng góp mặt nhiều hơn tại Olympic là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, hành trình tiến lên sân chơi chuyên nghiệp thể thao Olympic của chúng ta vẫn còn gian khó và cần thêm thời gian".

Chúng ta thấy rằng, thành tích Olympic của Xuân Vinh đang được kỳ vọng thay đổi nhận thức trong sự đầu tư của nhà quản lý cho thể thao. Xuân Vinh không phải người đầu tiên giành huy chương cho thể thao nước nhà tại một kỳ Olympic, nhưng một chiếc HCV sẽ là cú hích mạnh mẽ. Ai cũng mong, việc tập trung đầu tư mạnh hơn nữa vào các nhóm môn thể thao Olympic.

Còn nhớ, khi Trần Hiếu Ngân (taekwondo, HCB Olympic 2000) và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, HCB Olympic 2008) đạt thành công huy chương trở về, ngành thể thao thời điểm trên cũng nhẩm định đưa ra nhiều chiến lược đầu tư cụ thể cho các môn Olympic. Thực tế chứng minh ngược lại, không một kế hoạch cụ thể nào được thực hiện dài hơi.

Kết quả, huy chương của Ngân và Tuấn như một phút lóe sáng của nền thể thao chúng ta còn tổng thể cả một chiến lược phát triển lên dần đều liên tục bị đứt đoạn mà không đạt dấu ấn cụ thể nào. Thể thao Việt Nam ở giai đoạn đó vẫn chủ yếu "quanh quẩn" trong hành trình phát triển ở Đông Nam Á với SEA Games. "Giai đoạn SEA Games 2013 rồi Olympic 2012 là thời điểm tôi đánh giá có sự thay đổi vì lãnh đạo Tổng cục TDTT hướng nhiều hơn vào đầu tư các môn Olympic. Một kế hoạch cụ thể cho những môn trọng điểm hình thành rõ rệt hơn", ông Minh chia sẻ thêm.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Olympic 2012, chúng ta có 18 tuyển thủ giành suất trực tiếp tham dự. Khi đó, không một ai đạt được huy chương và những VĐV như Xuân Vinh (bắn súng), Quốc Toàn (cử tạ) chỉ tiệm cận huy chương. Qua 4 năm (từ năm 2012 đến nay), sự đầu tư cho thể thao chuyển biến nhiều hơn, dù vẫn chưa thể đủ cho tất cả vì ngành thể thao chỉ có ngân sách hạn hẹp.

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 (được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010) đã chỉ ra một số điểm "Trong phát triển thể thao đỉnh cao, các quốc gia có xu hướng điều chỉnh thu hẹp số môn thể thao chủ đạo, số lượng VĐV thể thao có tiềm năng giành huy chương để đầu tư có trọng điểm nhằm mục tiêu giành huy chương vàng Olympic và ưu tiên môn thể thao nhiều lần giành huy chương vàng Olympic; có sự thay đổi quan niệm trong huấn luyện thể thao truyền thống như tối ưu hóa phương thức huấn luyện, nâng cao trình độ thi đấu của vận động viên trong thời gian ngắn.

Với Việt Nam, thể dục, thể thao cơ bản đã hòa nhập với xu thế chung của phong trào thể thao thế giới, thể hiện ở các hoạt động: cải tiến hệ thống thi đấu quốc gia phù hợp với hệ thống giải thể thao quốc tế; bước đầu có sự kết hợp của Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục, thể thao trong quản lý, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao; hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục, thể thao đã được cải thiện nhiều cả về số lượng và chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, công nghệ và y học thể thao có bước chuyển biến đột phá...".

Sau khi giành HCV, Hoàng Xuân Vinh đã chia sẻ: "Đây là kết quả của quá trình tập luyện, thi đấu bền bỉ lâu dài của chúng tôi và các đồng đội". Điều ấy đúng. Nếu Xuân Vinh không được sự đầu tư dài hơi một quá trình, khó có ngay kết quả Olympic. Một VĐV phải bước sang tuổi 42 như Hoàng Xuân Vinh mới lần đầu giành được HCV Olympic, đấy cũng là một sự suy ngẫm.

Để định hướng cho Olympic và một số đấu trường quan trọng trong châu lục, từ năm 2014 đến nay, Tổng cục TDTT bỏ tiền đầu tư chuyên biệt, lập danh sách nhóm VĐV trọng điểm khoảng 50 tuyển thủ trong nhiều môn. Số tiền đầu tư chỉ là một vấn đề. Vấn đề trọng yếu là ngành thể thao hướng trọng tâm trong bao nhiêu môn Olympic và dài hơi đến lúc nào để chắc chắn ra thi đấu là có huy chương chứ không chỉ hồi hộp lo lắng...

Thay đổi cách nhìn từ Ánh Viên, Xuân Vinh

Từ hiện tượng Nguyễn Thị Ánh Viên (đạt 8 HCV cá nhân môn bơi tại SEA Games 2015) đến Hoàng Xuân Vinh (đạt HCV cá nhân môn bắn súng tại Olympic 2016), nhà quản lý có thể thấy, sức hút của thể thao thành tích cao với người hâm mộ vẫn hiện hữu. Hai hiện tượng ấy, nói đúng hơn họ đã trở thành thần tượng, đã nâng tầm ảnh hưởng của thể thao Việt Nam chỉ tính riêng tại Việt Nam.

Với nhiều người, kể cả những nhà quản lý thượng tầng, thể thao chỉ là một lĩnh vực thứ yếu. Nhưng từ thành tích tốt của Viên hay Vinh, cảm xúc dâng trào được tạo ra và nhất loạt thông tin hình ảnh của mọi người dân đều chú ý về họ theo một ý thức hệ chủ động chứ không bị động. Đây là điều một nền thể thao rất cần.

Một sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn để có nên lựa chọn thể thao làm sự nghiệp, thông qua những VĐV nổi danh, liệu có hiệu quả? Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc là sân chơi không chuyên dành cho VĐV là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Từ những kỳ giải đấu này tổ chức, nhiều VĐV nhí không chuyên sau đó tiếp tục theo sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp và thành người nổi tiếng (Ánh Viên từng như thế).

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

Nhưng lúc này, gần như số đông các em nhỏ đang thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc rất ít mặn mà muốn gắn tương lai với sự nghiệp thể thao lâu dài. Trẻ nhỏ chưa thể quyết định gật đầu hay không mà tất cả từ định hướng của gia đình. Không ít bậc cha, mẹ song hành cùng con mình tại giải đấu như thế nhưng khi họ thấy một sự nghiệp không ổn định rồi những cuộc tranh tài còn thiếu công bằng nên tất cả không thể ấn tượng về thể thao. Nhiều em nhỏ được gia đình cho đi học bơi sau sự thành công vang dội của Ánh Viên. Nhưng, bậc cha mẹ coi đó là chỉ việc cho con em đi bơi nhằm phổ cập chống đuối nước. Ít ai mong muốn con mình là một VĐV bơi lội tiếp bước Ánh Viên.

Dù thế, những kết quả đáng trân trọng của Ánh Viên và Xuân Vinh vẫn tạo động lực cho người làm thể thao bởi chúng ta thấy, sự đầu tư mang lại hiệu quả chứ không thất bại. Một ý mà ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ cũng đáng suy ngẫm đó là: "Tôi cũng mong, trong sự tiếp nhận của người dân và phương tiện truyền thông thì các môn thể thao khác cần được coi trọn hơn chứ không thể mãi nhắc nhiều về bóng đá. Đành rằng bóng đá là môn thể thao Vua được hâm một bậc nhất nhưng những môn thể thao cơ bản thuộc Olympic vẫn có tính hấp dẫn và ở đó chúng ta thấy được VĐV trưởng thành qua gian khó như thế nào".

Đi tìm chỗ đứng

Năm 2007 đánh dấu sự thay đổi quan trọng cho ngành TDTT. Từ chỗ là một Ủy ban TDTT (cơ quan tương đương cấp Bộ) thì TDTT cùng lĩnh vực văn hóa, du lịch được sáp nhập chung cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT-DL. Người làm thể thao cũng mong mỏi, trong sự sáp nhập ấy sẽ có nhiều sự đầu tư và vị thế của mình được nâng cao hơn.

Tiếc rằng, tổng thể chung, ngành TDTT vẫn chỉ là đơn vị được sự quan tâm phía sau lĩnh vực văn hóa, du lịch. TDTT mang đặc thù riêng về thể chất nên người làm nghề luôn mong mỏi có những chuyên gia đầu ngành, những người xuất phát điểm là dân thể thao cùng tham gia vai trò quản lý. Người biết nghề sẽ hiểu được cần đầu tư phát triển và thúc đẩy thế mạnh của thể thao ra sao.

Tấm HCV để đời của Hoàng Xuân Vinh là cột mốc mà ngành thể thao nước nhà đạt được qua một quá trình phát triển lâu dài. Tấm huy chương ấy liệu đã đủ để ngành thể thao được ghi nhận là một mũi nhọn cần được đầu tư hơn và có vị thế hơn tại Việt Nam? Câu hỏi ấy sẽ chờ trong sự quản lý từ những nhà lãnh đạo của Bộ VH-TT-DL nhiệm kỳ mới này.

PV: Ông đánh giá chiếc HCV của Hoàng Xuân Vinh mang ý nghĩa mạnh mẽ ra sao cho những người làm thể thao nước nhà?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Ý nghĩa thì vô cùng to lớn. Nó thể hiện ở 3 mặt. Đầu tiên là thay đổi nhận thức. Thể thao Việt Nam đã có VĐV giành được thành tích cao trên đấu trường thế giới thì người ta phải dám tin các VĐV chúng ta có khả năng sánh vai với đối thủ trong một số nội dung trên thế giới. Tuy nhiên trước đó, nhiều nhà quản lý đã không tin.

Thứ hai, thành tích của Xuân Vinh làm thay đổi nhận thức và khi thay đổi thì tôi tin sẽ được đầu tư. Sau sự kiện này, không riêng bắn súng, nhiều môn thể thao khác thuộc Olympic sẽ được đầu tư xuất sắc hơn. Những VĐV đến Olympic đều là VĐV giỏi và kết quả Hoàng Xuân Vinh nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng các cấp, các ngành quản lý cấp cao sẽ quan tâm hơn về thể thao. Mặt cuối là chúng ta đều vinh dự, tham gia phong trào Olympic với nhiều VĐV. Lần đầu lá cờ và quốc ca đã được cử vang tại Olympic. Điều này thể hiện sự ưu việt của con người Việt Nam và chúng ta nâng tầm giá trị của mình trước các quốc gia trên thế giới. Tôi đánh giá đây là ý nghĩa hết sức quan trọng.

Diệu Phương
.
.
.