Một cách dịch hoang mang?

Thứ Năm, 09/05/2013, 14:34

Báo chí ì xèo quanh bản dịch tác phẩm "Những thứ họ mang" của nhà văn người Mỹ Tim O'Brien viết về chiến tranh Việt Nam của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Người dịch cho rằng ông đã trung thành với bản gốc, nhưng nhiều nhà chuyên môn và phần lớn độc giả không chấp nhận cách dịch như vậy. Nó vừa ẩu vừa sai nguyên tắc, lại không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nó là cách dịch làm hoang mang độc giả.

Với những cuốn sách có nhiều từ nhạy cảm, mà khi chuyển ngữ nếu người dịch chỉ dịch thô thành những chữ rất tục, khó chấp nhận trong văn hóa đọc của người Việt, thì yêu cầu với dịch giả là họ phải đủ tinh tế để chuyển tải văn bản sao cho đúng nghĩa mà vẫn phù hợp với văn hóa Việt. Dịch văn học chưa khi nào đơn thuần chỉ là đổi chữ sang chữ. Mà nó là quá trình đưa một nền văn hóa này đến với một nền văn hóa khác. Vì sao bạn đọc lại phản ứng gay gắt dịch giả khi đọc cuốn sách "Những thứ họ mang"? Vì họ cảm thấy dịch giả đã "phạm quy" vào câu chuyện văn hóa trong chuyển ngữ, khi đưa những từ như l... như đ... vào bản dịch của mình.

Ở ta, những năm gần đây, văn học dịch được ví như "thảm họa". Nhiều cuốn sách dịch chất lượng kém đến mức không thể kém hơn. Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này không phải người dịch bất tài, dốt ngoại ngữ. Mà là người ta không dành đủ thời gian, tâm huyết, tình yêu cho mỗi cuốn sách. Bởi thù lao cho việc dịch một cuốn sách quá bèo, quá rẻ mạt, không đủ tạo ra một "cú hích" khiến cho người dịch sách và người biên tập sách nán lại lâu hơn bên bàn viết của mình và suy ngẫm về câu chuyện văn hóa.

Từ lâu, các dịch giả cũng đã quên mất việc chú thích dưới những điển tích, những từ ngữ dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau để độc giả có thêm cứ liệu tham khảo. Người làm sách thì chỉ đầu tư vào công việc PR cho cuốn sách bán chạy để tăng lợi nhuận, chứ ít khi đầu tư vào việc thẩm định chất lượng bản dịch. Nên, không ít tác phẩm văn học hay của thế giới, khi "qua tay" các dịch giả Việt Nam đã biến thành món lẩu câu chữ, mà độc giả bói cũng không tìm đâu ra cái hay trong bản tiếng Việt.

Lại có chuyện người ta chia một cuốn sách văn học ra làm n đoạn, mỗi đoạn thuê một người dịch, như dịch một văn bản phục vụ hội thảo quốc tế vậy. Rồi họ chập vào nhau thành tác phẩm văn học dịch và cứ thế in ra, bán cho người đọc. Cơ chế làm sách ở ta hiện nay đang tạo điều kiện cho những kẻ làm sách, dịch sách vô trách nhiệm hoành hành.

Nhà xuất bản bán giấy phép cho tư nhân lấy tiền, rồi mặc họ muốn nhào nặn cuốn sách thế nào thì tùy. Tiền thù  lao thấp, những người vừa giỏi ngoại ngữ, vừa giỏi tiếng Việt họ quay lưng đi làm việc khác, không ngó ngàng tới chuyện dịch sách văn học "vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền". Còn lại những người đang mặn mà với công việc dịch văn học là những người giỏi chuyên môn nhưng lao động vì đam mê là chính (số này rất ít) và rất nhiều người kiến thức bập bõm, chưa từng được sống trong môi trường ngoại ngữ mình học, không hiểu về văn hóa bản địa, và văn hóa dân tộc mình cũng không hiểu nốt.

Ngay với một dịch giả kỳ cựu như Trần Tiễn Cao Đăng, trong cuốn sách đang gây tranh luận "Những thứ họ mang" cũng để lộ nhiều yếu tố hoặc là do khả năng hiểu biết hạn chế hiểu biết, hoặc là do anh coi thường độc giả. Dịch sai dịch dở đang là vấn nạn nhức nhối ở ta, đặc biệt đối với sách văn học và sách giáo khoa.

Nên chăng cần phải có một Hội đồng thẩm định tác phẩm văn học dịch trước khi cho phép chúng được in ra, đến với bạn đọc? Nhưng ai sẽ làm việc này? Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam thì gần như đứng ngoài câu chuyện. Các nhà xuất bản, nơi chịu trách nhiệm về cuốn sách thì hoặc là bỏ qua hoặc là quan tâm nhưng lại thiếu người đủ giỏi để làm công việc thẩm định này. Các đơn vị làm sách thì đuổi theo một mục tiêu duy nhất là lợi nhuận, để độc giả "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi"...

Xem ra câu trả lời cho hiện tượng thảm họa trong dịch văn học vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa có lời giải đáp. Một khi cơ quan có trách nhiệm cao nhất như Cục xuất bản chưa vào cuộc, với những chế tài ràng buộc chặt chẽ trước khi cấp phép xuất bản sách văn học dịch, thì độc giả chắc chắn vẫn còn bị làm phiền dài dài bởi những cuốn sách vừa cẩu thả về mặt chữ nghĩa, mà nội dung thì không phù hợp với văn hóa Việt chút nào...

PV
.
.
.