Một gia đình danh gia vọng... nhạc

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:00
Dăm năm về trước, ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Trần Tiến trong quán cà phê ở Cung Việt - Xô, trong lần ông trở về Hà Nội, vào mùa thu, khi nhắc đến gia đình nghệ sĩ nổi tiếng của mình, nhạc sĩ có đùa rằng: Gia đình người ta danh gia vọng tộc, chứ gia đình tôi là danh gia vọng... nhạc. Ngầm ý rằng, không có âm nhạc, bất thành những cái tên được đông đảo khán giả mến mộ: Trần Hiếu, Trần Tiến, Trần Thu Hà.
Mùa thu này, ba người nổi tiếng, có cá tính âm nhạc riêng ấy sẽ hội tụ cùng nhau trong một live show mang tên "Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông". Ý tưởng của cô gái họ Trần sinh năm 1977, với mong muốn bố và chú mình, mà trong tinh thần của cô, đều là hai người cha cô rất mực yêu thương, được đứng cùng nhau trên một sân khấu lớn ở Thủ đô - nơi họ được sinh ra, lớn lên, thấm nhuần văn hóa Hà thành, và trở thành những nghệ sĩ. Trong quán bánh tôm Hồ Tây, NSND Trần Hiếu cười hồn hậu.

Ông hồi phục ngoạn mục sau đợt tai biến nằm mê man cả tháng trời, có lúc tưởng chừng không thể gượng dậy. Và được đi hát trở lại là một niềm vui lớn của ông. Ông bảo phải hát chục bài một đêm diễn mới thỏa, chứ vài ba bài vẫn còn "thòm thèm" lắm. Làm gì còn có chút mệt mỏi chứ nói đến hát, sức lực cứ cảm thấy như là rất phi thường. Đời người nghệ sĩ hạnh phúc nhất là những phút giây được đứng trước khán giả mến yêu của mình, khóc cười với họ, hát những nỗi niềm của mình cũng là của họ, trao cho họ những yêu thương và đồng thời nhận lại từ họ, những yêu thương.

Ở tuổi 80, lão nghệ sĩ Trần Hiếu không mong mỏi điều gì đặc biệt ngoài việc còn hát được và được hát. Danh tiếng ư, ông từ lâu đã chẳng còn màng. Tiền bạc ư? "Tôi tuổi già ăn gì, mặc gì được nữa mà quan trọng". Những tràng vỗ tay của khán giả ư? Cũng không hẳn đâu. Đơn giản là niềm đam mê đứng trên sân khấu từ tuổi hai mươi đến giờ vẫn âm ỉ cháy, vẫn luôn rạo rực trong ông, ngay cả lúc sức khỏe không cho phép, chỉ chờ được dịp là bùng cháy lên.

Ba nghệ sĩ trong gia đình họ Trần.

Như con tằm khao khát được nhả tơ làm đẹp cho đời. May mà con gái ông, ca sĩ Hà Trần, rất thấu hiểu cha. Cô đứng ra làm đêm nhạc, tạo một sân khấu đúng chất nhạc Trần Tiến, phù hợp với cá tính âm nhạc của bố Trần Hiếu, và dĩ nhiên, của cô, để tạo một không gian nghệ thuật đặc trưng nhất của gia đình mình. Ở đó, hai người bố có được cảm giác là chính họ nhất. Và cô sẽ cùng hai người cha kể lại câu chuyện cuộc đời của họ với khán giả Thủ đô, qua những ca khúc từ lâu đã vượt thời gian, nằm lòng trong khán giả.

Ở đây không chỉ đơn giản là câu chuyện của ba con người cùng chung huyết thống, mà sâu rộng hơn là chung đam mê, chung một "miền văn hóa" nằm sâu trong tiềm thức, trong cấu tạo gen. Một sự đồng điệu, hiểu biết về nhau một cách tự nhiên, hòa quyện, không cần phải tỏ ra hay tập luyện kỹ càng. Không cần phải tính toán sân khấu làm sao cho bắt mắt, trang phục làm sao cho cầu kỳ, hình thức làm sao cho lóng lánh. Họ, những người đã đi qua mọi phiền phức, rắc rối cuộc đời để đạt tới sự giản dị.

Ngoài ca sĩ Hà Trần, đương nhiên là đang dính líu ít nhiều tới showbiz, còn lại hai người lớn tuổi, hai nghệ sĩ đặc biệt của nền âm nhạc Việt Nam từ lâu đã không còn liên quan đến showbiz. Nhạc sĩ Trần Tiến có lần chia sẻ, ông sợ những phép tính toán thị trường, ông là con người của thời làm âm nhạc không nhiều tính bán mua kiểu bây giờ. Và ông ở ẩn. NSND Trần Hiếu thì càng hồn nhiên hơn. Ông tự thấy mình không có chút liên quan gì đến những thứ hào nhoáng, thật giả lẫn lộn trong đời sống âm nhạc thời kinh tế thị trường.

Trần Hiếu và Trần Tiến - hai người nghệ sĩ mà giờ đây, tài sản của họ là ký ức hơn là tương lai, là cái đã qua hơn cái hiện hữu. Họ bước lên sân khấu thực ra để nói với hôm nay về quá khứ, và kể những câu chuyện của quá khứ. Và như chúng ta vẫn ngầm hiểu, quá khứ được xem như một thực phẩm của tâm hồn, nuôi dưỡng yêu thương khát vọng của con người. Quá khứ chỉ đường cho con người trong hiện tại. Một cuộc đời còn lại gì, nếu mất đi quá khứ?

Vậy quá khứ của hai nghệ sĩ Trần Hiếu và Trần Tiến là gì? Là những năm tuổi thơ đất nước đầy biến động, chiến tranh, loạn lạc đau thương. Là con phố nghèo nơi hai anh em chơi những trò chơi tuổi nhỏ. Là ga tàu buồn đầy rẫy tệ nạn xã hội, nơi Trần Tiến phải làm thuê kiếm sống. Là những ngày lang thang triền sông Hồng, trú ngụ với lau sậy và nỗi buồn của những đứa trẻ sớm mất cha.

Là hình ảnh người mẹ bận bịu sớm chiều bán bưng để nuôi các con ăn học. Là bà nội lưng còng mang trong mình cả một nền văn hóa đặc trưng xứ Đoài. Là những mùa đông lạnh lẽo, mưa sa gió thổi, cơm không ấm bụng, áo không ấm thân. Là những quán nước chè hai anh em ngồi ủ tay với cốc trà nóng. Và bao nhiêu những vẻ đẹp không lời khác, của một Hà Nội dấu yêu mà hôm nay chúng ta ngồi đây nhìn lại, đã mất dần đi ít nhiều.

Nhưng may thay, còn có nghệ thuật, mà âm nhạc của Trần Tiến là một ví dụ. Ông đã giữ lại một bảo tàng về Hà Nội xưa cũ trong những nốt nhạc, những ca từ. Ông viết về mùi lá mục trên phố nghèo, về chú bé đánh giày, về người bán hàng rong, về ga tàu điện đã mất, về gánh hàng hoa, về thiếu phụ quàng khăn trên phố mùa đông, về bao nhiêu sinh hoạt thường nhật của Hà Nội xưa đã bị thay bằng những thứ gọi là "đổi mới, tiên tiến, văn minh" của hôm nay, khi văn hóa phương Tây du nhập đầy khắp đô thị Hà Nội.

Và buồn làm sao khi nghe lại những ca khúc thủ thỉ của ông, những ca khúc giản dị, bụi bặm như cuộc đời, lòng lại dấy lên một niềm tiếc nuối không nguôi, về những giá trị văn hóa đẹp đẽ của Hà Nội đã không còn nữa. Niềm tiếc nuối ấy nhân lên gấp nhiều lần khi ông viết về những đổi thay trong lòng người, trong tình người...

Cùng nhau kể chuyện Phố bên sông.

Có một trùng hợp là cả ba người nghệ sĩ của Trần gia: Trần Hiếu, Trần Tiến, Trần Thu Hà đều sống xa Hà Nội. Trần Hiếu vào TP Hồ Chí Minh theo đuổi nghiệp ca hát. Trần Tiến cũng sống với TP Hồ Chí Minh suốt những năm tuổi trẻ. Ông làm âm nhạc, viết những ca khúc đầy ắp "mùi" Hà Nội từ xứ sở nhiệt đới ấy. Mấy năm nay ông cũng rời về Vũng Tàu làm một "ngư ông", vui với biển và tìm bình yên từ biển, không mấy khi để mắt nhìn đời sống âm nhạc với quá nhiều chiêu trò vô cùng khác lạ với thời của ông.

Ca sĩ Trần Thu Hà thì đến Mỹ, theo tình yêu lớn mà chị gặp với một Việt kiều, rồi nên vợ nên chồng, rồi sinh con và làm nghệ thuật xa xứ. Hà Nội, mảnh đất nuôi dưỡng 3 nghệ sĩ âm nhạc từ thời thơ bé ấy chỉ còn là một nỗi nhớ, một hoài niệm, một ký ức lâu lâu mới tìm về.

Ca sĩ Trần Thu Hà.

Nhưng thực ra, trong trái tim mỗi người trong gia đình họ Trần đều ăm ắp nỗi niềm về Hà Nội. Họ hiểu rằng trái tim họ thuộc về mảnh đất này, dù cho những đổi thay của nó có nhiều điều không còn phù hợp với tâm thế của họ trong hiện tại nữa. Hạnh phúc lớn nhất với họ là được gặp Hà Nội trong âm nhạc, trong những sản phẩm âm nhạc hướng về Hà Nội.

Ở Việt Nam chúng ta, những gia đình có truyền thống âm nhạc nổi tiếng như gia đình NSND Trần Hiếu - Trần Tiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những cống hiến của từng thành viên danh tiếng trong gia đình đều để lại một dấu ấn đậm sâu trong lòng công chúng. Mỗi người trong gia đình đều có ảnh hưởng nhất định đến nhau, nhưng phải nói rằng họ đều mang cái Tôi nghệ sĩ mạnh mẽ, riêng biệt đến nỗi, không ai có thể lẫn vào ai, không ai có thể phủ bóng lên cuộc sống của ai.

Trần Tiến làm công việc sáng tác đã đành, nhưng Trần Thu Hà, cô gần như không chịu ảnh hưởng của cha, dù cô coi cha mình như một người thầy. Đơn giản cô tiếp nhận văn hóa âm nhạc của thời đại mình, sống tận cùng với âm nhạc và thời cuộc, không nệ quá khứ hay sùng bái hiện tại quá mức. Cô là một gạch nối thân yêu, cần thiết để gắn kết các thành viên trong gia đình nổi tiếng của mình.

Sẵn sàng hát lại những ca khúc của "bố" Trần Tiến từ nửa thế kỷ trước và đã được nhiều ca sĩ thế hệ trước thể hiện thành công, nhưng luôn luôn Hà Trần thổi vào đó sắc thái riêng của cá tính âm nhạc riêng cô, cũng như hơi thở thời đại cô đang sống.

Những con người có bề dày tri thức về văn hóa và âm nhạc ấy, họ hiểu hơn ai hết, rằng muốn để lại một chút gì trong nghệ thuật, hãy tự đào sâu vào chính mình, và là chính mình. Nền tảng hay truyền thống gia đình vô cùng quý giá, nhưng nó chỉ là phép cộng, là động lực, không phải là yếu tố để dựa dẫm.

Khi viết những dòng cuối cùng của bài viết này, tôi chợt bật cười khi nhớ đến một bài báo mà ở đó tác giả gọi ca sĩ Hà Trần là một "dị nhân" trong âm nhạc. Một cách ví von hóm hỉnh, thực ra rất đúng với cô gái tuổi Đinh Tỵ này. Hà Trần chính là một cái tên tiếp nối xứng đáng những cái tên đi trước như Trần Hiếu, Trần Tiến. Cô đóng vai trò người giữ lửa cho gia đình, tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ trong Trần gia "danh gia vọng... nhạc", mà tôi biết là có các thành viên nhỏ tuổi hơn rất tiềm năng còn đang được phát triển một cách bí mật, chờ thời điểm hợp lý để xuất hiện...

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.