Một mảng đen tối của lịch sử Olympic

Thứ Hai, 02/11/2020, 14:21
Cơ quan Liêm chính Điền kinh thế giới (Athletics Integrity Unit, AIU) hôm thứ Ba vừa rồi đã đưa ra  phán quyết VĐV chạy nước rút người Mỹ Christian Coleman không đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Tokyo vào mùa hè tới do án treo giò hai năm mà anh này phải nhận vì vi phạm nguyên tắc kiểm tra doping.


Nhà vô địch… hay quên

Nhà vô địch thế giới 100 mét nam Christian Coleman đã nhận lệnh cấm thi đấu hai năm vào ngày 27-10 và mất cơ hội kế vị Usain Bolt trở thành người đàn ông nhanh nhất hành tinh tại Olympic.

AIU cho biết họ đã đưa ra lệnh cấm thi đấu với Coleman có thời hạn đến ngày 13-5-2022, do anh này đã ba lần vi phạm các quy tắc kiểm soát doping. Coleman đã hai lần bỏ qua các cuộc gặp với người thu thập mẫu xét nghiệm và không thể cung cấp mẫu thử vào một dịp khác, tất cả đều vào năm 2019, năm anh giành được danh hiệu thế giới đầu tiên. Các VĐV điền kinh phải đối mặt với lệnh cấm hai năm nếu họ có ba lần vi phạm trong thời gian 12 tháng. Coleman, năm nay 24 tuổi, đã tạm thời bị đình chỉ thi đấu kể từ tháng 5-2020.

Christian Coleman không thể dự Olympic Tokyo vì vi phạm nguyên tắc thử doping.

Ngày 28-9-2019, Coleman cán đích đầu tiên trong cuộc đua 100m nam với thành tích 9,76 giây ở giải vô địch thế giới tại Doha, Qatar, vượt qua Justin Gatlin, nhà vô địch thế giới năm 2017 về thứ nhì với thành tích 9,89 giây. Màn trình diễn ấn tượng đó giúp Coleman trở thành một trong những niềm hy vọng sẽ kế tục thành tích của "Tia chớp" Usain Bolt, người thống trị nội dung 100m và 200m nam ở 3 kỳ Olympic gần đây.

Theo World Athletics, chỉ có hai VĐV khác từng giành Huy chương Vàng ở giải vô địch thế giới nhận lệnh cấm thi đấu và tước huy chương là Jerome Young của Mỹ và Anastasiya Kapachinskaya của Nga.

Năm 2003, Young giành chiến thắng nội dung 400m nam tại giải vô dịch thế giới ở Paris và sau đó bị Cơ quan chống doping Mỹ cấm thi đấu vào tháng 11-2004 sau lần thử nghiệm dương tính thứ hai với một loại thuốc cấm. Anh bị tước huy chương vàng thế giới vào tháng 2-2009.

Kapachinskaya cũng vô địch thế giới năm 2003 ở nội dung 200m nữ và sau đó bị truất quyền thi đấu vào năm 2004, bao gồm cả Olympic Athens, do dính đến doping.

Vào tháng 8-2016, cô bị tước Huy chương Bạc tiếp sức 4x400m  cùng với các đồng đội của mình giành được từ Olympic Bắc Kinh 2008 do có kết quả xét nghiệm dương tính với steroid trong một cuộc phân tích lại mẫu doping.

Coleman trước đó đã viết trên blog cá nhân của mình rằng lần "trốn" thứ ba và mang tính quyết định đến án kỷ luật diễn  vào ngày 9-12-2019 xảy ra khi những người thu thập mẫu xét nghiệm đến nơi ở của anh khi anh đang đi mua sắm Giáng sinh. Cần lưu ý rằng các VĐV luôn được yêu cầu điền vào một tờ đơn đăng ký để cơ quan chống doping có thể tiến hành kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào bên ngoài khu vực thi đấu. Vi phạm xảy ra khi một VĐV hoặc không điền vào các biểu mẫu thông báo cho cơ quan chống doping nơi họ có thể được tìm thấy, hoặc họ không ở nơi họ đã nói khi người thu thập mẫu đến.

Bóng đen doping

Vụ việc của Coleman làm dày thêm những sự việc đáng tiếc liên quan đến doping đã kéo dài trong nhiều năm với lịch sử thể thao thế giới, mà cụ thể ở đây là những vụ scandal trực tiếp liên quan đến Olympic và nội dung điền kinh.

Tyson Gay - Người bị tước danh hiệu vì dương tính doping.

Tại Olympic Seoul 1988, VĐV người Canada Ben Johnson đã phá kỷ lục thế giới ở cự ly 100 mét với thành tích 9,79 giây. Tuy nhiên ngay sau đó, kết quả kiểm tra doping của Ben Johnson cho thấy phản ứng dương tính với chất stanozolol (một chất phát triển cơ bắp và tăng hormone sinh dục nam) và bị tước huy chương. Sau đó, VĐV này lý giải rằng "một ai đó" đã cho stanozolol vào đồ uống của mình. Tất nhiên cách giải thích này là không thể chấp nhận được. Đáng chú ý có tới 6 trong tổng số 8 VĐV trên đường chạy cùng Ben Johnson cũng có phản ứng dương tính với chất kích thích, tạo nên một scandal ồn ào bậc nhất trong lịch sử Olympic hiện đại.

Tyson Gay, nhà vô địch 100m thế giới năm 2007 cũng dính vào ồn ào doping. Ngày 14-7-2013, trước giải vô địch thế giới tại Nga, một thông báo đưa ra cho biết Tyson Gay có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm vào tháng 5-2013. Gay thừa nhận mình đã sử dụng doping và ngay lập tức nhà tài trợ Adidas đình chỉ hợp đồng với VĐV này.

Trong khi chờ phán quyết cuối cùng, Tyson Gay tự nguyện rút lui khỏi mọi cuộc thi, bao gồm cả Giải vô địch thế giới 2013. Ngày 2-5-2014, Cơ quan chống Doping Mỹ thông báo rằng Gay bị cấm thi đấu cho đến ngày 23-6-2014 và tất cả kết quả thi đấu của Tyson Gay từ ngày 15-7-2012 cho đến thời điểm bị đình chỉ bị tước, bao gồm cả tấm Huy chương Bạc nội dung tiếp sức 4x100m tại Olympic London 2012.

Marion Jones - "Nữ hoàng tốc độ" đầy tai tiếng.

VĐV người Anh gốc Jamaica Linford Christie, HCV cự ly 100m nam tại Olympic Barcelona 1992, từng bị phát hiện dùng chất cấm vào tại Olympic Seoul 1988 khi tham dự nội dung 200m (dương tính với chất pseudoephedrine). Đến năm 1999 khi tham dự một giải đấu tại Dortmund, VĐV thêm một lần nữa bị phát hiện dương tính với chất kích thích khi có hàm lượng chất cấm nadrolone cao gấp 100 lần mức cho phép, hậu quả là án phạt cấm thi đấu 2 năm

Maurice Green, HCV nội dung 100m tại Olympic Sidney 2000, cũng vướng vào rắc rối với cáo buộc mua bán chất kích thích. Vào tháng 4-2008, tờ New York Times đưa tin Greene đã trả 10.000 USD cho VĐV ném đĩa người Mexico Angel Guillermo Heredia để thanh toán cho các loại thuốc "tăng cường sức mạnh". Greene thừa nhận đã gặp Heredia và thực hiện việc thanh toán, nhưng tuyên bố rằng anh chưa bao giờ sử dụng các chất cấm trong thi đấu mà chỉ để "vui vẻ" với các thành viên trong ê kíp huấn luyện.

Với các VĐV nữ, vụ scandal lớn nhất nhất chính là việc "nữ hoàng tốc độ" Marion Jones bị tước 3 tấm Huy chương Vàng tại Olympc Sydney 2000. Trong phần lớn sự nghiệp thể thao của mình, bao gồm cả hai kỳ Olympic và một số giải vô địch, Jones đã bị buộc tội về việc sử dụng các loại thuốc tăng cường thành tích. Những lời buộc tội này bắt đầu từ khi cô bắt đầu sự nghiệp ở trường trung học vào đầu những năm 1990, thời điểm Marion Jones bỏ lỡ một cuộc kiểm tra chất kích thích ngẫu nhiên và do đó bị cấm thi điền kinh trong 4 năm.

Tháng 6-2013, Uỷ ban Phòng chống Doping Mỹ nhận được nhiều cuộc gọi nặc danh tố cáo một số VĐV hàng đầu nước Mỹ sử dụng loại doping mới do phòng thí nghiệm có tên BALCO cung cấp. Tháng 12-2004, ông trùm Victor Conte đứng đầu phòng thí nghiệm này đã lên truyền hình công khai về loại doping tổng hợp mới. Trong cuộc phỏng vấn, Conte nói với khán giả cả nước rằng ông đã đích thân cho Marion Jones uống bốn loại thuốc bất hợp pháp khác nhau trước, trong và sau Olympic Sydney 2000. Ngay lập tức USADA vào cuộc điều tra và Marion Jones bị tước toàn bộ 3 Huy chương Vàng tại Olympic Sydney 2000, đồng thời phải nhận án tù 6 tháng.

Một lịch sử gian lận lâu dài

Theo tờ Guardian, lịch sử Olympic ghi nhận những trường hợp gian lận từ… trước công nguyên. Trường hợp gian lận đầu tiên trong lịch sử Olympic được ghi nhận xảy ra năm 388 trước Công nguyên, khi một võ sĩ đấm bốc tên Eupholus mua chuộc đối thủ để có thể thắng cuộc. Sau khi bị phát hiện gian lận, võ sĩ Eupholus đã phải nộp phạt một bức tượng thần Zeus bằng vàng.

Xuyên suốt lịch sử Olympic hiện đại, những nghi án về việc các VĐV gian lận hầu như luôn xuất hiện ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Cá biệt có những trường hợp sự gian lận không xuất phát từ những cá nhân đơn lẻ mà là "chiến lược" của cả một nền thể thao.

Những cuộc điều tra cho thấy từ năm 1970 đến 1989, Đông Đức đã tiến hành chiến dịch "State Plan 14.25" đầy tai tiếng, với hơn 10.000 VĐV bị ép buộc sử dụng chất cấm từ khi bắt đầu theo nghiệp thể thao. Chất cấm đó là Anabolic Steroid, thúc đẩy phân chia tế bào, tăng trưởng cơ bắp và cơ xương. Nhờ đó, Đông Đức vươn lên trở thành cường quốc thể thao nhưng hậu quả để lại với các VĐV vô cùng nghiêm trọng do lạm dụng chất cấm dẫn đến tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng. Tháng 10-2007, Ủy ban Olympic Đức thông báo bồi thường cho 157 VĐV trước đây của Đông Đức tổng số tiền 2,9 triệu euro.

Đơn Ca
.
.
.