Một năm của mẫu Việt trên sàn thời trang thế giới

Thứ Ba, 31/01/2017, 18:17
Trong năm 2016, các chân dài lần lượt đổ bộ ra "biển lớn". Cũng là năm, vài vụ lùm xùm không đáng có của mẫu Việt, bị mất điểm trên sàn diễn ngoại.


Chân dài sải bước trên sàn diễn quốc tế

Với việc liên tục đưa các quán quân cuộc thi Vietnam's Next Top Model ra thị trường thời trang quốc tế trong mấy năm qua, BeU Models được xem là lò đào tạo người mẫu lớn nhất hiện nay. Có thể kể ra những chân dài bước từ đây ra những sàn diễn thời trang lớn của quốc tế trong năm vừa qua như Quán quân mùa 4 Mâu Thủy, Quán quân mùa 5 Nguyễn Oanh, Quán quân mùa 6 Hương Ly…

Hay trước đó là những gương mặt: Quán quân mùa đầu tiên Trang Khiếu, Á quân mùa đầu tiên Tuyết Lan, Quán quân mùa 2 Hoàng Thùy, Á quân mùa 3 Kha Mỹ Vân, Á quân mùa 4 Chà Mi…

Nguyễn Oanh.

Trong lần "xuất ngoại" này, Mỹ - sàn diễn thời trang lớn nhất thế giới và Singapore - một trong những thị trường thời trang sôi động hàng đầu châu Á trở thành hai miền đất hứa mà những người mẫu mong muốn đặt chân đến và thực hiện giấc mộng của mình.

Giữa năm nay, Mâu Thủy đầu quân cho Wilhelmina Models - một trong những công ty người mẫu hàng đầu quốc tế ở Mỹ và liên tiếp "bỏ túi" cho mình nhiều hợp đồng lớn. Các nhãn hàng mà Mâu Thuỷ làm việc cũng đều là những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm lớn trên thế giới.

Thế hệ đàn em của Mâu Thủy như Nguyễn Oanh và Hương Ly cũng được đưa sang tập dượt tại thị trường Singapore và thu được những thành công bước đầu. Trong khi đó, Quán quân mùa 5 Quang Hùng đang đi theo lộ trình từng bước một để ra "biển lớn".

Thời trang Việt có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng.

Những chân dài đi trước như Hoàng Thùy, Lê Thúy, Tuyết Lan, Trang Khiếu, Đỗ Hà… vẫn bám trụ ở những thị trường mang tính cạnh tranh khốc liệt này. Khi thị trường nước ngoài không mấy "thiện cảm" với những gương mặt châu Á thì mẫu Việt vẫn được lựa chọn.

Có người xuất hiện ở nhiều show thời trang của những nhà thiết kế danh tiếng thế giới, có những người "trúng sô" ở các tuần lễ thời trang quan trọng, có người được chọn vị trí mở màn, có người trở thành gương mặt trang bìa của những tạp chí thời trang nổi tiếng…

Những gương mặt ấy được xem là những nhân tố vàng của làng mẫu Việt. Thành công bước đầu của họ là những tín hiệu tốt trong câu chuyện nhập cuộc cùng dòng chảy quốc tế này.

Những lùm xùm không đáng có

Tuy nhiên, nói gì thì nói, Việt Nam chỉ là một vệt khiêm tốn trên sàn thời trang lớn của thế giới. Việc người mẫu của chúng ta đi ra ngoài và giành được các hợp đồng trình diễn lớn được xem là béo bở (với trong nước) thì thực ra, cũng chỉ là bình thường với thế giới - nơi mà các sân khấu sáng đèn liên tục mà thôi.

Thế nhưng, năm qua, có không ít vụ lùm xùm liên quan đến đạo đức làm nghề của các chân dài, làm giảm uy tín của mẫu Việt trên sàn quốc tế. Đầu tiên phải kể đến trường hợp chân dài Kha Mỹ Vân khi cô tố cáo mình bị công ty chủ quản BeU Models "ăn chặn tiền", mình ra sàn diễn thế giới nhưng "có tiếng mà không có miếng".

Kha Mỹ Vân.
Chà Mi.

Để rồi từ đây mới lộ ra việc Á quân mùa 3 này làm việc thiếu chuyên nghiệp tại thị trường nước ngoài khi nhiều lần tự ý hủy công việc, không làm việc theo kế hoạch của công ty quản lý hình ảnh. Ngoài ra, chân dài này còn tự ý gửi email liên lạc với các công ty quản lý khác tại Milan và Italy trong thời gian cô vẫn đang trực thuộc quyền quản lý độc quyền của công ty ICE Models - đối tác của BeU Models.

Sau Kha Mỹ Vân, lại dấy lên lùm xùm giữa người mẫu Mâu Thủy với người đứng đầu công ty chủ quản BeU Models. Sự việc sau đó được làm sáng tỏ, Mâu Thủy đã giải thích và có lời xin lỗi khi để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, uy tín của chân dài này cũng giảm sút ít nhiều.

Trong khi đó, ở trong nước, liên tiếp nhiều vụ "đấu tố" nhau diễn ra. "Con gà tức nhau tiếng gáy", "người cũ quay lưng", "gà cưng tố cáo"… với những tranh cãi chưa có hồi kết. Điều này làm cho sàn diễn thời trang đã bé lại càng bé.

Không theo kịp thì bị đào thải

Sàn diễn quốc tế là sân chơi mà hầu hết người mẫu mong chờ được một lần sải bước trên đó. Cũng là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những nhân tố nổi bật đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Là nơi mà người ngoài nhìn vào thì thèm thuồng, người trong cuộc chán chường, mệt mỏi nhưng không nỡ bỏ.

Có không ít chân dài sau cuộc "xuất ngoại" trở về kể rằng, người mẫu Việt bị phân biệt chủng tộc. Họ thường xuyên bị thiếu ngủ hay cô đơn phát khóc ở xứ người. Chưa kể, vốn ngoại ngữ có phần hạn chế, bản tính ít thể hiện của người châu Á, khác biệt văn hóa… làm cho mẫu Việt gặp khó khăn khi phải hòa nhập với các đồng nghiệp quốc tế.

Không như ở các show diễn Việt Nam - các mẫu Việt, nhất là đã có chút tên tuổi được lựa chọn trước và ít phải qua casting - thì khi ra quốc tế, họ buộc phải "chọi" nhau chan chát. Tỷ lệ cạnh tranh được đẩy lên mức khốc liệt, một sống một còn. Cường độ làm việc liên tục, stress gần như là trạng thái thường trực.

Khác với ''ao làng'', ra biển lớn tất nhiên đòi hỏi, yêu cầu cao hơn, khắc nghiệt hơn. Không chỉ mẫu Việt, tất cả người mẫu ở bất cứ quốc gia nào muốn chinh phục sàn diễn lớn của cuộc đời mình đều phải thay đổi, không ngừng học hỏi, cố gắng. Không theo kịp thì bị rớt lại, bị đào thải. Âu cũng là lẽ thường tình.

Để nhập cuộc và không bị lép vế, rớt lại trong dòng chảy mạnh mẽ ấy, những chân dài Việt "mang chuông đi đánh xứ người" có lẽ chỉ còn một cách duy nhất đó là không ngừng học hỏi. Làm sao bám trụ - đã khó. Để tỏa sáng - khó bội phần. 

Đậu Dung
.
.
.