Một năm giông bão của bóng đá thế giới

Thứ Tư, 26/08/2020, 12:07
Đại dịch COVID-19 khiến môn thể thao vua từng có thời điểm ngỡ như phải tạm hoãn đến cuối năm. Trái bóng không thể lăn với bầu không khí sôi động như trước vào ngày trở lại, nhưng không phải không có điểm sáng giữa bức tranh xám xịt ấy.


Mùa giải 2019-2020 khép lại theo kịch bản không ai lường trước cả về thời điểm lẫn cách thức trận đấu cuối cùng diễn ra.Đại dịch COVID-19 khiến môn thể thao vua từng có thời điểm ngỡ như phải tạm hoãn đến cuối năm. Trái bóng không thể lăn với bầu không khí sôi động như trước vào ngày trở lại, nhưng không phải không có điểm sáng giữa bức tranh xám xịt ấy.

Man Utd cũng lỗ

Từng là biểu tượng của bóng đá thời đại kim tiền, Man Utd luôn đi đầu trong khả năng tăng nguồn thu. Logo CLB có ở mọi nơi, từ các hãng hàng không lớn đến sản phẩm gia dụng, đồ ăn nhanh, thẻ ngân hàng... qua đó giúp CLB trở thành một phần khác biệt hoàn toàn những đội bóng còn lại. Nhưng khi cơn bão COVID-19 ập tới, ngay cả Man Utd cũng không thể chống đỡ khi mọi trận đấu phải tạm hoãn vô thời hạn.

Theo báo cáo tài chính được công bố vào cuối tháng 5, Man Utd sụt giảm tới 300 triệu bảng tổng doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều nguyên nhân được viện dẫn do thành tích thi đấu yếu kém, không được tham dự Champions League... nhưng chủ yếu vẫn vì CLB không thể chơi một trận nào trong vòng 3 tháng đại dịch hoành hành. Tính ra, Man Utd mất 100 triệu bảng doanh thu trong mỗi tháng không có bóng đá.

Cùng với việc doanh thu suy giảm là các khoản nợ của Man Utd tăng lên chóng mặt, từ 127,4 triệu bảng vào đầu năm ngoái lên 429,1 triệu. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau nhiều năm, CLB còn chứng kiến quý đầu tiên có lợi nhuận âm (lỗ ròng 3,3 triệu bảng). Nhưng giữa tình cảnh khó khăn đó, Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward vẫn tự tin thông báo CLB đủ sức vượt qua đại dịch và trở lại trong thời gian sớm nhất.

Man Utd thiệt hại nặng nề vì COVID-19, nhưng các CLB nhỏ còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Những điều Woodward nói không phải chuyện bông đùa. Trong số các đội bóng lớn ở châu Âu, M.U là CLB hiếm hoi vẫn giữ nguyên lương thưởng của toàn bộ các thành viên đội một. Juventus, Barca đều phải cắt giảm quỹ lương vốn đã quá lớn của những ngôi sao như Messi hay Ronaldo để cân đối tài chính. Với những đại gia như Liverpool hay Tottenham, họ còn chấp nhận mang tiếng "mặt dày" xin Chính phủ Anh trợ cấp.

Nhìn rộng ra toàn châu Âu, các đội bóng thuộc 5 giải đấu hàng đầu mất khoảng 2 tỷ bảng doanh thu do COVID-19. Một nửa trong số đó thuộc về 20 CLB tại Premier League, nhưng đó dường như không phải vấn đề bởi họ có thể lập tức thu hồi vốn. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những cầu thủ, CLB chơi ở giải hạng dưới và bán chuyên. Viễn cảnh họ phải đối mặt khi bóng đá tạm hoãn là nguy cơ phá sản, giải thể CLB bất cứ lúc nào.

Wigan, biểu tượng một thời của Premier League đã trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của COVID-19. CLB anh em với Man Utd bị FA ra án phạt trừ 12 điểm và phải xuống chơi ở giải hạng tư, cộng thêm nguy cơ giải thể bất cứ lúc nào do tình hình tài chính không ổn định. Chỉ có túi tiền không đáy từ ông chủ người Hong Kong tên Au Yeung Wai Kay mới có thể giúp cái tên Wigan không bị xóa sổ vĩnh viễn trên bản đồ bóng đá Anh.

Sạch bóng các giải đấu quốc tế

Lần đầu tiên trong lịch sử, EURO sẽ diễn ra ở một năm lẻ. Đó hoàn toàn không phải chủ đích của những người điều hành UEFA, mà xuất phát từ tình cảnh bất khả kháng khi đại dịch bùng phát. Từ Italia, COVID-19 lan ra toàn châu Âu với tốc độ không thể kiểm soát. Ban đầu UEFA dự tính tổ chức EURO trên sân bóng không khán giả, nhưng cuối cùng họ buộc phải hoãn bởi hàng loạt cầu thủ, HLV được chẩn đoán dương tính với virus.

Lựa chọn tổ chức EURO vào mùa hè 2021 thực chất là điều cực chẳng đã của UEFA, bởi họ cần duy trì doanh thu bằng cách để Champions League, Europa League và các giải vô địch quốc gia kết thúc đến vòng đấu cuối cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những tuyển thủ quốc gia sẽ có một năm vô cùng bận rộn giữa vòng chung kết EURO 2020 và vòng loại World Cup 2022. Với những ngôi sao đã luống tuổi như Cristiano Ronaldo, đây là điều anh không hề mong muốn.

Danh hiệu vô địch EURO 2016 là một niềm vui không trọn vẹn với Ronaldo bởi anh chỉ thi đấu ít phút trước khi buộc phải rời sân vì chấn thương. Dù hò hét khản cổ bên ngoài đường biên, thậm chí thay cả HLV chỉ đạo đồng đội thi đấu trong một vài tình huống, CR7 cũng không thể cảm thấy mãn nguyện vì anh không phải tâm điểm trong một trận cầu lớn. Nhưng liệu Ronaldo có thể trở thành đầu tàu cho ĐTQG vào năm tới hay không, khi anh đã 36 tuổi?

Messi khó có thể gánh vác ĐT Argentina năm tới khi anh đã 34 tuổi.

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở châu Á, khi ĐT Việt Nam phải đợi đến tháng 3 năm sau để đá vòng loại World Cup, cũng như Nam Mỹ nơi diễn ra Copa America. Vốn đã trắng tay trong hơn 15 năm khoác áo đội tuyển Argentina, Lionel Messi sẽ phải chờ thêm 1 năm nữa mới có thêm cơ hội chinh phục danh hiệu cùng các đồng đội. Cờ tưởng như đã đến tay M10 khi anh được thi đấu trên sân nhà, nhưng việc Copa America 2020 trở thành Copa 2021 khiến việc đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Năm tới Messi sẽ bước sang tuổi 34, và anh gần như không thể gánh vác toàn đội bởi phong độ ngày càng tụt dốc. Những người đồng đội sát cánh bên cạnh M10 như Di Maria, Aguero cũng đã quá tuổi băm và không còn thi đấu với khả năng tốt nhất có thể. Dù vậy điều xui với người này lại là vận may của kẻ khác. Đội tuyển Anh trẻ trung của Gareth Southgate sẽ có thêm 1 năm để tích lũy kinh nghiệm trước khi liên tục chinh chiến ở những sân chơi lớn.

"Ao làng" trỗi dậy

"Còn ai nói Ligue 1 là giải đấu ao làng nữa không?". Kylian Mbappe đã nói một cách đầy tự tin như thế khi PSG và Lyon lọt vào bán kết Champions League năm nay. Thời kỳ hậu COVID-19 thực sự là chuỗi thời gian thảm họa với những đội bóng Anh và Tây Ban Nha khi họ lần lượt ngã ngựa rất sớm. Giữa thời điểm Premier League và La Liga có dấu hiệu đi xuống, Bundesliga và Ligue 1 bất ngờ nổi lên. Mỗi giải đấu đều góp mặt 1 đại diện tranh tài ở trận chung kết Champions League.

Các CLB lấp khán đài trống bằng việc dán ảnh cầu thủ và lấy gấu bông làm khán giả.

Cái cách mà các đại diện bóng đá Đức và Pháp lên ngôi ở Champions League năm nay cũng khiến mọi người đều phải thán phục. PSG kiên trì tấn công rồi lội ngược dòng trước Atalanta chỉ trong vài phút bù giờ cuối hiệp 2. Lyon thi đấu chắc chắn, khoa học để đánh bại Man City của Pep Guardiola. Leipzig chơi ăn miếng trả miếng và đánh bại Atletico khi trận đấu dần đến hồi kết thúc. Bayern khẳng định sức mạnh tuyệt đối với 8 bàn thắng vào lưới Barca.

Đâu là nguyên nhân cốt lõi đằng sau thành công đó? Sự đầu tư vào chiều sâu đội hình, chất lượng của các cầu thủ... đều góp phần làm nên chiến tích của các đội bóng Pháp và Đức, nhưng lý do xác đáng nhất lại vô cùng đơn giản: Thể lực. Trước khi bước vào giai đoạn "đá cho xong" ở Champions League, các đội bóng Anh và Tây Ban Nha đã phải căng sức ở đấu trường quốc nội. Họ chỉ có 2 tuần để chuẩn bị, trong khi những đối thủ ở Bundesliga có đến 6 tuần. Ligue 1 còn nhàn nhã hơn vì giải VĐQG đã kết thúc sớm vì dịch bệnh.

Muôn vàn cách cổ động bóng đá thời COVID-19

Sân bóng không khán giả là cảnh tượng diễn ra ở mọi giải đấu khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Mỗi trận bóng đều phải giới hạn tối đa số nhân viên an ninh, y tế... nhằm đảm bảo bóng lăn yên ổn suốt 90 phút nhưng vẫn đảm bảo các quy định về giãn cách xã hội. 

Quang cảnh đìu hiu đó khiến những nhà điều hành bóng đá phải nghĩ ra ngàn lẻ một cách tạo không khí sống động cho thể thao thời hậu COVID-19, và công nghệ đã hỗ trợ đắc lực cho việc đó.

Nếu không thể giúp khán giả đến sân, hãy giúp họ có mặt trên sân. Man Utd và nhiều đội bóng đã hiện thực hóa câu nói ấy theo đúng nghĩa đen. 

Họ tri ân những CĐV đã mua vé mùa bằng cách hoàn trả phần tiền của những trận đấu phải tổ chức trên sân không khán giả, cũng như dán ảnh họ lên vị trí lẽ ra họ được ngồi xem đội bóng thân yêu thi đấu. 

Từ màn ảnh nhỏ, người xem cũng cảm thấy phần nào không khí náo nhiệt nhờ hiệu ứng âm thanh cổ động được phát đi bằng loa phóng thanh tại sân vận động.

Khởi động sau bóng đá châu Âu, nhưng những nhà tổ chức giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) lại áp dụng công nghệ tiên tiến hơn trong việc tạo cảm giác giả tạo trong thi đấu. 

Họ ghép hình khán đài có khán giả khi phát trực tiếp, và mọi người chỉ biết mình bị lừa mỗi lần thấy khán đài trống qua hình quay chậm. Phương án này đang được các CLB bóng đá châu Âu cân nhắc và áp dụng trong trường hợp lệnh cách ly xã hội tiếp tục kéo dài.

Phương án tình thế đó rõ ràng không thể khiến người hâm mộ cảm thấy nhớ những trận cầu chật kín khán giả đến sân. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, các cầu thủ lại cảm thấy sức ép ít đè nặng lên họ hơn, qua đó thi đấu thanh thoát hơn nhiều. 

Man Utd là ví dụ rõ ràng nhất khi họ bất bại ở Premier League thời hậu COVID-19, qua đó leo lên vị trí thứ 3 với hiệu suất ghi bàn trung bình 3,5 lần/trận, gấp đôi phần trước đó của mùa giải.

Đơn Ca
.
.
.