World Cup 2014 với chức vô địch của ĐT Đức:

Một triết lý, một tư tưởng, một con đường

Thứ Năm, 17/07/2014, 09:33

Một  đường chuyền chính xác của Schurrle, một pha đỡ ngực rồi tung chân sút gọn gàng của Gotze - pha bóng định mệnh ở phút thứ 113 ấy ấn định một kết cục thật sự công bằng trong không chỉ một trận đấu - một trận chung kết, mà của toàn giải đấu nói chung. Công bằng vì đội bóng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, chơi đều đặn, ấn tượng nhất cuối cùng đã đăng quang. Và công bằng còn vì, một cuộc cách mạng, một tư tưởng, một triết lược rồi cũng đến ngày hái "quả ngọt" sau cùng.

Từ một trận đấu...

Chấn thương sát sạt giờ bóng lăn của Khedira buộc HLV Joachim Loew phải sử dụng Kramer ở vị trí tiền vệ phòng ngự, và cứ nhìn gương mặt trầm tư, căng thẳng của Loew trong suốt thời gian Kramer có mặt trên sân là đủ hiểu ông đang lo lắng với những sự thay thế bất đắc dĩ như thế nào. Nhưng rồi cũng chỉ sau 32 phút, "người đóng thế" Kramer phải ra sân vì chấn thương - có nghĩa, ở một trong những vị trí then chốt nhất, sống còn nhất, ĐT Đức phải chịu liên tiếp những thiệt đơn thiệt kép.

Khó về lực lượng, lại khó trong việc triển khai lối chơi khi Argentina chủ động đá phòng ngự đầy cạm bẫy nhưng Đức vẫn đá đúng lối đá của mình: ban chuyền bóng chắc chắn trên phần sân nhà rồi bất ngờ bứt tốc trong những quả chuyền ban cuối cùng trên sân đối thủ. Có người ví von rằng đấy là một đá ban chuyền mang màu sắc Tiqui - Taca, nhưng khác với cái tiết tấu đều đều của Tiqui - Taca nhãn hiệu Tây Ban Nha, Tiqui - Taca của Đức khôn lường hơn về mặt tiết tấu và khó đoán định hơn trong ý tưởng áp đặt đối phương. Thực ra thì Tiqui - Taca chỉ là một tên gọi, một danh xưng, điều quan trọng nằm ở chỗ trong suốt thời gian 90 phút thi đấu chính thức, và kể cả 30 phút hiệp phụ Đức thực sự nhỉnh hơn Argentina cả về mặt lối chơi lẫn số lượng các cơ hội được tạo ra trước khung thành.

Và khi trận đấu càng về cuối thì Đức còn nhỉnh hơn trông thấy ở một phương diện quan trọng khác: thể lực. Chính sự vững vàng về mặt thể lực đã giúp cầu thủ Đức cầm bóng, xử lý bóng một cách chuẩn xác, khác hẳn với phần lớn những cú dứt điểm càng lúc càng đuối của những Higuain, Aguero hay kể cả Messi. Và pha phối hợp giữa Schurrle với Gotze - hai cầu thủ vào sân thay người, dẫn đến bàn thắng duy nhất của trận đấu cũng thể hiện rất rõ sự ưu việt về thể lực của người Đức.

Thể lực tốt hơn, tổ chức một lối chơi áp đảo với số lượng cầm bóng và số lượng các cú dứt điểm nhiều hơn, Đức giành chiến thắng là hoàn toàn xứng đáng. Tất nhiên, đấy là một sự xứng đáng trong gian khổ, vì Argentina đã thể hiện một sự chống cự quật cường. Nhưng bóng đá cũng giống như cuộc sống: càng khó khăn gian khổ thì chiến công ghi được càng có ý nghĩa hơn.

... Đến một giải đấu

Có hai nốt lặng trong cả một hành trình thi đấu của Đức ở kỳ World Cup năm nay, đó là trận đấu ở vòng bảng với Ghana và trận đấu ở vòng 1/8 với Algeria. Ở trận đấu thứ nhất, Đức đã bất ngờ bị dẫn 2-1, và ít nhiều thể hiện sự hoang mang trong thời điểm mà các "ngôi sao châu Phi" đang tột cùng hưng phấn. Còn ở trận đấu thứ hai, Đức bất lực trông thấy trước một Algeria chủ trương phòng thủ chiều sâu, phòng thủ triệt để. Nhưng rốt cuộc thì cầu thủ Đức đều vượt qua 2 trận đấu, 2 hoàn cảnh gian khó này bằng những cách thức khác nhau. Và nếu phải chỉ thêm một hoàn cảnh gian khó nữa thì đó chính là trận chung kết - trận đấu mà Đức mất cầu thủ đá chính (Khedira) ngay sát sạt giờ bóng lăn, và phải căng mình đối diện với một Argentina đầy mưu mẹo.

Sau những thời khắc khó khăn của đội nhà HLV trưởng Joachim Loew từng chia sẻ: "Những sự cố ngoài kịch bản luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vấn đề là bạn phải sẵn sàng tư tưởng và các phương án để vượt qua nó". Rõ ràng, Đức cho thấy mình có một lực lượng dồi dào và một tư tưởng thi đấu dồi dào để vượt qua những thách thức cam go nhất - và điều ấy chính là một trong những phẩm chất cần phải có của một nhà vô địch.

Ngoại trừ những thời khắc gian đó ấy, Đức đã thể hiện một bộ mặt ấn tượng đến nỗi chính các CĐV Đức cũng phải bất ngờ: thắng dễ Bồ Đào Nha 4-0 trong trận ra quân, thắng nhẹ Mỹ 1-0 trong trận đấu cuối cùng vòng bảng, thắng nhẹ Pháp 1-0 ở vòng tứ kết, và đỉnh cao là thắng Brazil 7-1 ở vòng bán kết. Trong tất cả những chiến thắng này, người Đức đều thể hiện rõ tư tưởng áp đặt đối phương, và cảm giác như đối phương cũng biết rõ những mảng miếng của họ, nhưng biết mà vẫn không ngăn cản được.

Goetze ăn mừng pha lập công duy nhất của trận chung kết.

Và như thế, Đức chính là đội bóng ấn tượng nhất ở World Cup 2014. Nếu căn cứ vào những bàn thắng được ghi, những kỷ lục được phá vỡ có thể nói rằng nó trước hết là sự ấn tượng của từng cá nhân, điển hình như việc lão tướng Klose đã ghi được bàn thắng thứ 16, vượt qua "người ngoài hành tinh" Ronaldo để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử tham dự các kỳ World Cup. Nhưng thực ra với người Đức, dấu ấn cá nhân không lớn, không đậm bằng dấu ấn cá nhân ở nhiều đội bóng, như "dấu ấn Messi" ở Argentina chẳng hạn. Ấn tượng lớn nhất mà người Đức tạo ra chính là dấu ấn tập thể - một tập thể thật sự gắn kết, nơi mà mỗi cá nhân, mỗi vị trí dường như đều thầm lặng hy sinh cho phần còn lại. Như có lần một nhà báo hỏi Toni Kroos - cầu thủ đóng vai trò cầu nối giữa hệ thống phòng ngự với hệ thống tấn công của người Đức: "Anh nghĩ sao khi không ghi bàn, mà chỉ có thể thực hiện một đường chuyền cho đồng đội ghi bàn?" thì cầu thủ này điềm đạm nói: "Nhìn đồng đội hạnh phúc ăn mừng bàn thắng, tôi cũng hạnh phúc y như họ vậy".

Một đội bóng với sức mạnh tập thể, và với sức mạnh tập thể ấy đã liên tiếp đá bại nhiều ông lớn như Bồ Đào Nha, Pháp, Brazil, Argentia rõ ràng, xứng đáng trở thành nhà vô địch của năm 2014.

Và một chiến lược

Nếu tận mắt xem trận chung kết World Cup năm nay, bạn có quyền suy nghĩ: chỉ cần tận dụng được một trong khoảng 3,4 cơ hội ngon ăn, hẳn cầu thủ Argentina đã có bàn thắng, và khi ấy giống như trong tất cả các trận đấu đã dẫn bàn ở World Cup lần này, Argentina sẽ biết phải làm gì để bảo toàn chiến thắng. Đúng là thầy trò Sabella đã có những cơ hội không thể thuận lợi hơn, nhưng pha đối mặt của Higuain ở đầu trận hay một vài tình huống đột phá của Messi ở cuối hiệp 2, và đúng là với những tình huống ấy, Argentina đã có cơ hội chiến thắng - cơ hội trở thành nhà vô địch. Trong một trận đấu cụ thể, chỉ một tích tắc thôi, mọi thứ có thể đã thay đổi.

Nhưng hãy nhìn vào kết cấu một đội bóng để thấy rằng, Argentina ở những mức độ khác nhau vẫn luôn lấy Messi làm trụ cột. Và Messi vốn là một cầu thủ có phẩm chất thiên tài, lại được nuôi dưỡng ở lò đào tạo La Masia bên trời Âu, chứ không phải là một sản phẩm đào tạo của bản thân mảnh đất bóng đá này. Nó khác và khác trông thấy so với việc có tới 8 cầu thủ trong đội hình ĐT Đức hiện nay từng đăng quang chức vô địch U.21 châu Âu năm 2009 - nghĩa là những cầu thủ thực sự là sản phẩm, là kết quả của một quá trình đào tạo căn cơ, bài bản mà một nền bóng đá đã vạch ra.

Nhìn ở góc độ tư tưởng chơi bóng người ta cũng nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa yếu tố "tự phát" của Argentina với yếu tố "tự phát" của người Đức. Từ World Cup 2006 đến 2010 rồi 2014, đội bóng quê hương của huyền thoại Maradona giống như "con tắc kè hoa" thể hiện rất nhiều bộ mặt khác nhau: lúc nghiêng hẳn về tấn công, áp đặt, lúc nghiêng hẳn về phòng ngự, phá lối chơi. Trong khi đó từ năm 2006, dưới một cuộc cách mạng mang tên Jurgen Klismann, người Đức đã đi theo chỉ một triết lý: bóng đá cống hiến. Dĩ nhiên từ Leow đến Klismann, từ 2006 đến 2010 rồi 2014 mức độ tấn công, mức độ cống hiến của người Đức có khác nhau. Chẳng hạn, màu sắc tấn công của 2014 không còn quá phiêu lưu,  mãnh liệt như 2006, mà được bổ sung, nâng cấp bởi yếu tố vững vàng, chắc chắc vốn là những yếu tố điển hình của ĐT Đức ngày xưa. Nhưng về cơ bản thì triết lý ấy, tư tưởng ấy, cách vận động đội hình ấy thì không thay đổi. Một nền bóng đá, một đội tuyển đã vạch ra một con đường, trung trinh với con đường ấy và đã liên tiếp đứng ở vị trí thứ 3 từ World Cup 2006 đến 2010 xứng đáng được một lần lên đỉnh, một lần tôn vinh.

Trong cuộc đời, dĩ nhiên cũng có những thứ giá trị thuộc về khoảnh khắc, mang nặng dấu ấn cá nhân cần phải được tôn vinh, như chiến thắng của Argentina, dưới sự lèo lái của "thánh" Maradona ở World Cup 1986 chẳng hạn. Nhưng khi một cuộc "cách mạng" tích cực, được chuẩn bị và thực hiện một cách tích cực rốt cuộc đã giành chiến thắng sau cùng thì nó - chiến thắng ấy thường tạo ra những ý nghĩa lớn lao hơn.

Rạng sáng ngày 14/7, xem Đức đá chung kết và trở thành đội bóng châu Âu đầu tiên vô địch World Cup trên đất Nam Mĩ, cả thế giới đều hiểu nó không phải là chiến thắng trong một trận đấu hay một giải đấu đơn thuần. Quan trọng và ý nghĩa hơn: nó là chiến thắng của cả một chiến lược - một cuộc cách mạng bắt đầu ít nhất từ 8 năm qua.  

Một tập thể quan trọng hơn một cá nhân

Trong khi rất nhiều đội bóng dự World Cup năm nay thực hiện chế độ ở 2 người/phòng, thậm chí những cầu thủ hàng sao số còn thực hiện chế độ 1 người/phòng thì riêng người Đức lại có tới 4,5 cầu thủ ở chung một phòng. 4,5 người ấy thậm chí đến từ những CLB thù địch nhau như Bayern hay Dortmund. Tại sao? Tại vì nói như một lãnh đạo đội bóng thì: "Chúng tôi muốn các cầu thủ đề cao tính tập thể. Cần hiểu rằng khi đã vào ĐT thì tất cả là một, và "một tập thể" luôn quan trọng hơn "một cá nhân".

Phan Đăng
.
.
.