Mourinho-Wenger: Cuộc chiến không hồi kết

Chủ Nhật, 26/10/2014, 19:30
Cuối tuần này, một lần nữa họ gặp nhau trong trận đấu đã kéo dài đúng 1 thập kỉ. Hai con người, hai triết lí, hai kì phùng địch thủ và cũng có thể, đó là hai kẻ lắm mồm, nhưng đó lại là yếu tố không thể thiếu ở một giải đấu lớn, một trận cầu lớn giữa Chelsea và Arsenal.

1. Chung kết Carling Cup 2007 giữa Chelsea và Arsenal, đó là một sự kiện gây bão tố trong làng bóng đá Anh. Người ta nhớ đến nó như một màn đấu bóng đầy bạo lực và kết thúc bằng màn ẩu đả lớn giữa cầu thủ hai đội. Kết quả cuối cùng của trận đấu như sau: Chelsea giành thắng lợi, và hai đội nhận 3 chiếc thẻ đỏ (2 dành cho Arsenal và 1 dành cho Chelsea). Nhưng vấn đề quan trọng hơn, đó có lẽ là bước ngoặt lớn trong lịch sử đối đầu đầy duyên nợ và cả sự xung đột vốn có của một trận derby (London).

Tuy nhiên, sự xung đột đó không chỉ nằm ở tính chất trận đấu mà còn nằm ở chính hai HLV, Arsene Wenger (Arsenal) và Mourinho (Chelsea). Kể từ khi bước chân đến Premier League năm 2004, Mourinho đã tạo ra những "trận chiến" kinh điển với Sir Alex Ferguson, với Wenger. Những cuộc đấu khẩu thú vị, khiến báo chí và dư luận dậy sóng, những màn cãi vã về triết lí bóng đá khiến giới chuyên môn phải chiêm nghiệm. Và trong một sân chơi mang tính "showbiz", đó là những điều cần phải có để tạo ra sự hấp dẫn.

Khi rời Chelsea năm 2008, Mourinho đến Inter Milan, ở Serie A ông không có đối thủ nào để cãi vã hay "gây hấn". Hai năm sau, Mourinho tìm tới Real Madrid, tại La Liga, ông lập tức có đối thủ, đó là Pep Guardiola. Rồi khi Pep rời khỏi Barca, Mourinho cô độc và ông chọn con đường trở lại Premier League (hè 2013).

Nhưng đúng lúc đó, đối thủ mà Mourinho cho rằng "vĩ đại nhất trong sự nghiệp của mình" là Alex Ferguson đã nghỉ hưu, ông tìm lại cuộc chiến với Wenger, và tạo ra sự kình địch mới với Pellegrini (HLV Man City). Đó là cá tính của Mourinho. Bởi chính các đối thủ như Ferguson, Pep hay Wenger mới là những người tạo nên Mourinho cá tính đến mức đanh đá.

Sự thừa nhận của Mourinho hoàn toàn đúng, bởi khi khẩu chiến với những người đồng nhiệm là lúc ông thể hiện tính cách, sự sắc sảo trong ngôn từ, và nó tạo ra những câu chuyện thú vị. Với Wenger, mối quan hệ được Mourinho coi là tạo ra hai mặt: người để ông ngưỡng mộ với thành tựu 18 năm ở Arsenal, và cũng là người mà ông chưa bao giờ có thể coi là bạn.

Mourinho và Wenger luôn là những "võ sĩ" đấu võ mồm với nhau.

Những cuộc đấu khẩu giữa họ kéo dài từ năm 2004 đến nay thậm chí được tờ Mirror của Anh coi là một trong những điểm nhấn lớn nhất trong lịch sử Premier League. Nó không chỉ tạo ra những tranh luận giữa hai cá nhân kiệt xuất, tiêu biểu cho hai trường phái huấn luyện, mà còn là cuộc chiến của hai triết lí bóng đá có lẽ sẽ không thể phân định kẻ thắng, người bại.

2. Ngay ngày đầu đến Chelsea vào mùa hè năm 2004, Mourinho tuyên bố rằng ông đã có những nghiên cứu để xác định đối thủ: Đó là Ferguson và Wenger. Ông có tất cả hồ sơ thành tích, những nét cá tính và cả thói quen của họ như một cẩm nang để đối phó. Ở đó, điều được Mourinho quan tâm nhất là "khẩu khí" khi tranh luận. Mourinho "chọn" Wenger là người đầu tiên để tấn công, khi ông nói bóng gió đại ý rằng Arsenal là đội bóng cổ lỗ sĩ, "chậm tiến hóa".

Lời khiêu khích khôn ngoan của Mourinho khiến Wenger "giương nòng pháo" tấn công, và Wenger mắc bẫy. Liên tục từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2005, Wenger công kích Chelsea về cách chơi phòng ngự cứng nhắc, tấn công Mourinho như một kẻ kiêu ngạo và không biết mình đang ở đâu. Khi ấy, Mourinho cứ im lặng như một kẻ giả câm giả điếc.

Mãi đến khi ai cũng nghĩ rằng Wenger ở thế thượng phong, thì đó là lúc Mourinho đưa ra một nhận xét còn đanh đá hơn cả mụ đàn bà: "Tôi nghĩ gã (Wenger) là một kẻ thích khiêu dâm. Ông ta thích soi mói người khác, thích soi kính thiên văn vào phòng ngủ người ta để xem họ làm gì". Với lời bình luận ấy, Wenger tức điên, và cho rằng mình bị xúc phạm. Thậm chí HLV Arsenal đã gặp luật sư để kiện Mourinho vì tội xâm phạm danh dự người khác.

Khi cuộc chiến pháp lí của Wenger bắt đầu khởi động, Mourinho đưa ra một lí lẽ khiến Wenger phải dẹp ngay ý định: "Tại Stamford Bridge, chúng tôi có một tập hồ sơ về những phát biểu của "ngài" Wenger về Chelsea trong vòng 12 tháng qua. Nó không chỉ có vài trang mà tôi xin nói, nó dày 120 trang. Có lẽ, tôi đã sẵn sàng".

Mourinho nhấn mạnh từ "Ngài" để chọc Wenger với biệt danh "giáo sư". Hóa ra, quãng thời gian hơn 1 năm đầu đến Chelsea, Mourinho đã xác định đối thủ Wenger, quãng thời gian ông im lặng sau cú "chọc sườn" ban đầu chỉ là chiêu bài quỷ quái: ngồi yên để âm thầm thu thập những điểm yếu của đối thủ để sau này tung những cú đấm vỗ mặt tàn nhẫn.

Trận derby London giữa Arsenal và Chelsea sẽ hay hơn nhờ họ.

Sau hàng loạt những lời lẽ công kích nhau về chuyển nhượng, cách huấn luyện, Mourinho còn tung ra một thống kê đầy sức nặng giáng vào Wenger. Năm 2008, sau khi nhận chỉ trích từ Wenger về cách chuyển nhượng vô tội vạ của Chelsea để mua thành tích, Mourinho đưa ra một thống kê mà ông đặt hàng riêng từ Opta: "Người Anh thích thống kê lắm. Có lẽ họ nên biết rằng, Wenger chỉ thắng 50% số trận trong giải đấu tại Anh". Wenger một lần nữa thất thế.

Đến khi Mourinho rời khỏi Premier League, họ vẫn không thể thôi tung ra những lời lẽ nhắm vào nhau. Năm 2010, khi dẫn dắt Real Madrid, Mourinho được coi là có dính líu đến kế hoạch tẩy thẻ ở Champions League của Sergio Ramos và Xabi Alonso, Wenger lập tức bắn phá. "Thẳng thắn thì đó là chuyện ghê tởm. Xấu hổ cho một CLB lớn như họ". Mourinho chỉ chờ có thế.

Ông tuyên bố: "Thay vì mất công bình luận về Real, ông ta nên nghĩ và giải thích tại sao Arsenal lại thua Braga (0-2). Ông ta cứ ra rả nói rằng đội hình Arsenal là những đứa trẻ tài năng. Nhưng những Sagna, Clichy, Walcott, Fabregas, van Persie… đều là những cầu thủ hàng đầu thế giới. Ông ấy nên để chất xám mà nuôi họ lớn".

Và cuộc chiến khiến nhiều người thích thú nhất diễn ra cách đây 8 tháng, khi ấy Arsenal vẫn đang tay trắng, không có danh hiệu nào sau 8 năm trời. Wenger chào đón Mourinho trở lại Chelsea bằng tuyên bố: "Mourinho là gã sợ hãi thất bại". Nó nhắm đến lối chơi phòng ngự mà Mourinho áp dụng. Và HLV Chelsea đưa ra một lời phản pháo sắc lẹm chết người: "Có lẽ ông ấy đúng, tôi không thể thất bại. Còn ông ta là chuyên gia thất bại. Tám năm không danh hiệu, rõ ràng ông ta là kẻ thất bại".

Wenger đúng. Nhưng Mourinho còn đúng hơn. Và nó tạo ra hai trường phái: Arsenal luôn chơi đẹp, suốt 16 năm chưa bao giờ vắng mặt ở Champions League, luôn nằm trong top 4 Premier League, buôn bán cầu thủ luôn có lãi lớn, bù lại là họ không có chiếc cúp nào suốt 8 năm trời. Còn Chelsea của "kẻ sợ thất bại" Mourinho thì có những danh hiệu, từng 2 lần vô địch Premier League dưới triều đại Mourinho, nhưng ông chủ Abramovich đã phải bỏ ra tới cả tỷ bảng để đầu tư. Thứ nào có giá trị hơn? Câu hỏi đó vẫn đang được tranh luận mà không thể phân định ai thắng, ai thua.

3. Màn đấu khẩu triết lí về thành bại của Mourinho và Wenger mang lại những hiệu ứng tức thì. Khi mà giới chuyên môn còn cãi nhau xem ai đúng, ai sai thì cả Mourinho và Wenger đều thay đổi. Tờ Dailymail bình luận vui rằng, dường như lời khích bác của Mourinho khiến Wenger tự ái khủng khiếp. Họ bảo rằng, Wenger đã rất tức giận, và thề sẽ làm đối thủ mở mắt. Ngay lập tức, chỉ vài tháng sau ông đưa Arsenal có danh hiện đầu tiên sau 9 năm chờ đợi, đó là chiếc cúp FA mùa giải 2013/2014.

Mourinho và Wenger như nước với lửa.

Và cũng chẳng bao lâu sau danh hiệu của Arsenal, chấm dứt chuỗi ngày dài bị coi là "kẻ thua cuộc", Chelsea và Mourinho cũng thay đổi. Mourinho đưa ra một bản yêu sách bí mật với ông chủ Abramovich, ở đó nổi bật đề mục: sẽ chơi tấn công đẹp mắt. Và thực tế là mùa giải năm nay Chelsea đang chơi cống hiến một cách… khác thường, hoàn toàn khác xa so với lối chơi mà Wenger nói rằng đó là chiến thuật của kẻ "sợ thất bại".

Hóa ra, những cuộc đấu khẩu thông thường cũng có rất nhiều ý nghĩa và giá trị. Đó không chỉ là sự kình địch, là chất xúc tác cho một trận đấu derby đặc biệt mà còn là những sự khích bác có thể làm ảnh hưởng đến cả hai đội bóng. Và vì những lí do đó, nên có thể nói rằng Premier League thực sự có một thứ "tài sản" độc đáo mà không ở đâu có được. Đó là cuộc chiến của hai HLV mang trong mình hai trường phái bóng đá đối lập ở hai môi trường khác biệt: Wenger và Mourinho.

Mourinho và Wenger, ai hơn ai?

Mourinho nói rằng, Wenger là kẻ thất bại có lí nhưng cũng chưa hẳn đúng, bởi từ khi dẫn dắt Arsenal năm 1996, ông đã xây dựng được một Arsenal chơi đẹp mắt, cống hiến với 3 chức vô địch Premier League, 4 chiếc cúp FA, 4 Siêu cúp Anh, bất bại trong toàn mùa giải 2003/2004, một lần vào chung kết Champions League. Tuy nhiên, Mourinho đúng ở chỗ, từ khi ông đến dẫn dắt Chelsea năm 2004, Arsenal không giành được danh hiệu nào thật.

Còn Wenger không hẳn đúng khi nói Mourinho "sợ thất bại" bởi HLV này đã mang về cho Chelsea 2 chức vô địch Premier League, 1 cúp  FA, 2 cúp Liên đoàn, 1 Siêu cúp Anh chỉ trong 3 năm đầu (từ 2004 đến 2007). Mourinho cũng đã có 14 danh hiệu khác cùng Porto, Inter và Real Madrid, trong đó có 2 chức vô địch Champions League, danh hiệu duy nhất Wenger thua kém so với Mourinho.

Tuy nhiên, Mourinho cũng phải ngưỡng mộ Wenger, bởi từ năm 1996, khi Wenger bắt đầu dẫn dắt Arsenal, Mourinho còn là một phiên dịch, sau đó chuyển tới 8 CLB: trợ lí ngôn ngữ, trợ lí HLV ở Barca rồi làm HLV ở Benfica, Uniao de Leiria, Porto, Chelsea, Inter, Real và giờ trở lại Chelsea. Thậm chí, 18 năm kỉ nguyên Wenger ở Arsenal tương ứng với 14 đời HLV trong quãng thời gian đó ở Chelsea. Chính bản thân Mourinho cũng đã 1 lần bị chính Chelsea sa thải năm 2007. Sau kỉ nguyên thứ nhất của Mourinho (2004 đến 2007), Chelsea cũng đã có tới 8 đời HLV cho tới trước khi Mourinho trở lại hồi năm ngoái. Điều này, Mourinho không thể phủ nhận.

Lê Trung Thành
.
.
.