Mourinho và chuyện Chelsea: Có một Mourinho phiên bản 2.0

Thứ Năm, 02/10/2014, 08:00

Từ ngày Jose Mourinho quay trở lại nước Anh, Premier League bỗng dưng sôi nổi hẳn lên. Thiên hạ có thêm nhiều điều để bàn tán, nhiều chuyện để mổ xẻ, khi mà Mourinho chẳng bao giờ hết chuyện để mà nói. Năm thứ hai ở "nhiệm kì" thứ 2 dẫn dắt Chelsea, Mourinho vẫn rất đặc biệt, nhưng lần này ông đặc biệt theo cách khác. Ở đó, Mourinho nâng vị trí của mình lên tầm cao mới.

1. Ai cũng biết Jose Mourinho là một HLV có thiên hướng nổi loạn, với triết lí cách mạng điển hình, có nhiều sự điên rồ, có thừa sự quyết liệt với cá tính quân phiệt đến lạnh lùng. Tính cách ấy khiến ông bị ghét nhưng cũng có nhiều người yêu, bởi nó rất riêng, rất khác người, thậm chí là kì dị. Còn nhớ hồi ở Real Madrid, Mourinho đã tuyên bố trước ngày nhậm chức rằng, ông biết ở CLB mới rất phức tạp, nhưng tất cả chẳng có ai "đặc biệt" như ông cả. Và thế rồi, chỉ một thời gian ngắn, ông "tống cổ" hàng loạt… nhân viên.

Bác sĩ chính, đầu bếp chính lần lượt bị Mourinho sa thải. Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp HLV, Mourinho đích thân xử lí những chuyện được coi là "việc hậu cung", một thứ việc mà chẳng có HLV nào thèm dính tay vào làm gì cho mất thời gian. Ai cũng biết rằng, Mourinho sa thải đầu bếp chính là vì chất lượng, khẩu vị bữa ăn, nhưng Mourinho tuyệt nhiên không thèm đưa ra lí do chính thức. Một quyết định bằng mồm, và gần chục con người trở thành thất nghiệp.

Mãi về sau này, người ta mới lờ mờ hiểu rằng đó là cách Mourinho lên tiếng ở một nơi cực kì đáng sợ như Real Madrid, đội bóng nổi tiếng với những "quyền lực ngầm" luôn tìm cách thống trị phòng thay đồ. Trong vòng 1 thập kỉ trước khi Mourinho đến Bernabeu, cả chục HLV đã đến và khốn khổ ra đi. Đó là hệ quả của những thất bại về thành tích, và sâu hơn nữa là tác động của một nhóm cầu thủ nắm quyền lực, từ Raul Gonzalez đến Iker Casillas. Phía trên, ở cấp lãnh đạo, ngoài Chủ tịch, bộ sậu Real cũng là những người có máu mặt, trong đó nổi bật là GĐĐH J.Valdano.

Thời gian đầu, Mourinho còn kiêng dè Valdano, nhưng chẳng bao lâu sau, vị GĐ này phải từ chức, một màn từ chức có một không hai khi nó đến rất bất ngờ sau một tuyên bố của Chủ tịch F.Perez vào tháng 5/2011. Tiếp đó, huyền thoại Z.Zidane được chính Mourinho đề xuất đưa về làm cố vấn cho mình, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Zidane cũng lặng lẽ ra đi đúng theo cách mà Valdano từng trải qua. Thậm chí, thông tin Zidane từ chức chỉ chính thức được công bố… 2 tháng sau khi mọi chuyện đã an bài.

"Thanh trừng" dường như là việc đầu tiên mà Mourinho làm ở mọi đội bóng ông đến. Năm 2004, khi lần đầu dẫn dắt Chelsea, Mourinho loại hàng loạt công thần để xây dựng lại một đội bóng mới. Những người phải đi có những tên tuổi như Crespo, Desailly, Zenden… Khi tới Inter Milan, ông lập tức xóa sổ Maxwell và hơn 10 cầu thủ khác, trong đó đáng kể nhất là tiền đạo Z.Ibrahimovic. Tổng số tiền ông mang về cho Inter năm 2009 là 96 triệu bảng, trong đó riêng tiền bán Ibrahimovic đã mang về cho Inter tới 61 triệu bảng.

Yêu cầu mua Diego Costa của Mourinho được đáp ứng nhanh chóng.

Sau khi đưa Inter vô địch Champions League (2010), ông đến Real và lần lượt đánh đổ "2 thế hệ quyền lực đen" ở đây. Đầu tiên là "hạ" Raul Gonzalez, với hợp đồng bán huyền thoại của Real sang Schalke, tiếp đó là vùi dập Casillas trên băng ghế dự bị suốt hơn 1 năm trời. Cùng với đó, Mourinho "đuổi cổ" hàng loạt ngôi sao: Guti, van der Vaard, Metzelder… Và mùa giải năm ngoái, khi vừa mới trở lại Chelsea, Mourinho đã gạch tên Mata, trụ cột ở mùa giải năm ngoái, đưa một trong "tứ trụ" của đội là thủ thành Cech ra ghế dự bị, quyết bán Lukaku thu về khoản lợi nhuận 17 triệu bảng….

2. Tất cả những cuộc thanh trừng của Mourinho đều ít nhiều tạo ra dấu ấn. Và đương nhiên, khi Mourinho thanh lọc đội ngũ ở Chelsea lần này cũng mang đến những hi vọng mới. Khi đó, Mourinho dù vẫn là con người cũ, nhưng bây giờ ông đã khác xưa rất nhiều. Giống như một chương mới của lịch sử, khi Mourinho bước chân trở lại quá khứ, bắt đầu lại từ Chelsea, giống như cách đây đúng 10 năm.

Ngày trở lại Chelsea, Mourinho liên tục thay đổi và nếu soi chiếu theo những dấu ấn sự nghệp của ông với những danh hiệu đến ở năm thứ 2 dẫn dắt CLB, thì đây sẽ là năm Chelsea thành công. Và để chuẩn bị cho "điều tất yếu đó", Mourinho đã tự biến đổi chính bản thân mình ở 3 yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất, Mourinho khác trong ứng xử. Mourinho mùa giải năm ngoái kín tiếng, ít nói về thành công của Chelsea. Thậm chí ông còn khiến thiên hạ "nổi đóa", cho rằng đang "diễn kịch" khi tuyên bố thẳng rằng: Chelsea chưa "đủ tuổi" để cạnh tranh chức vô địch Premier League. Nhưng cuối cùng thì Chelsea đuối trong giai đoạn cuối thật. Nhưng năm nay, ngay trong mùa hè, khi thị trường chuyển nhượng chưa đóng cửa, Mourinho đã tuyên bố không cần mua sắm gì khi đã có Courtois, Fabregas và Diego Costa, đồng thời lên tiếng: "Chelsea đã sẵn sàng thống trị nước Anh một thời gian dài".

Mourinho không chỉ trở lại để "lộng ngôn" mà còn "dại ngôn", khi bị phát hiện nói xấu từ Samuel Eto'o đến Fernando Torres và cả Eden Hazard. Thậm chí một tờ báo lớn còn lén ghi âm Mourinho nói Eto'o rằng: "Cậu ấy không hẳn là tiền đạo đẳng cấp. Với lại, anh ta đã 32 tuổi, có thể là 35, 37 tuổi rồi. Ai mà biết được". Câu nói này đến đúng lúc thế giới đang rộ lên tin đồn Eto'o gian lận tuổi. Người ta tưởng rằng, pha ăn mừng bàn thắng theo kiểu còng lưng lọm khọm của Eto'o hồi tháng 3 là đả kích thông tin này, nhưng hóa ra lại là nhắm vào câu nói của… Mourinho. Nhưng rồi, kết cục là Eto'o và Torres cùng phải rời Chelsea.

Thứ hai, Mourinho khác trong quan hệ. Ai cũng nghĩ, khi ông chấp nhận trở lại dưới trướng của tỷ phú Abramovich, vị trí của ông sẽ khác khi đã một lần bị ông chủ người Nga sa thải. Nhưng không. Lần trở lại này, Abramovich chỉ đứng phía sau, âm thầm và im lặng chấp nhận mọi yêu cầu của Mourinho.

Trước khi kết thúc mùa giải năm ngoái, Mourinho bí mật lên một "bản yêu sách" gửi tới Abramovich với 4 nội dung chính: Cam kết đưa Terry, Cahill và Hazard tiếp tục trở thành ngôi sao lớn; đề nghị bán Torres, David Luiz, đồng thời không quên khẳng định việc Abramovich mua Torres với giá 50 triệu  bảng là... nguy xuẩn; yêu cầu mang về thủ thành Courtois, Diego Costa và cuối cùng là yêu cầu cung cấp tiền mua sắm, đòi mượn du thuyền của Abramovich và cũng khẳng định sẽ đánh bại các đối thủ lớn để có ít nhất 1 danh hiệu cao quý với phong cách cống hiến, loại bỏ chiến thuật dựng xe bus trước khung thành.

Đến lúc này, Mourinho đã làm được tất cả (trừ danh hiệu còn phải đợi). Và đương nhiên, Abramovich cứ theo đó mà thực hiện những yêu cầu một cách "ngoan ngoãn" chưa từng thấy.

Thứ ba, Mourinho khác về triết lí. Năm nay, bỗng dưng Mourinho trở thành nhà "hiền triết" khi đưa ra 7 nguyên tắc cơ bản để chiến thắng và bắt các học trò quán triệt. Trong số đó có mấy điều đáng nói như: Không được mắc sai lầm bởi đội thắng là người mắc ít sai lầm hơn. Đúng. Khi đá sân khách, đừng mong hay hơn đối thủ mà tốt nhất là khiến họ mắc lỗi thật nhiều mà thua. Đúng và hơi trào phúng. Càng giữ bóng nhiều càng dễ mắc lỗi. Đến đây thì thực sự trào phúng.

Ông thêm, giữ bóng càng ít càng giảm thiểu sai lầm và ít sợ hãi hơn. Nếu không có bóng làm sao mà đá bóng? Có lẽ thấy mình hớ, Mourinho chữa lại rằng, đó là yêu cầu học trò khi thi đấu chạm bóng ít hơn. Nhưng đó hoàn toàn không phải phong cách Mourinho. Nếu Chelsea của ông có thể đá ít chạm, nhanh, uyển chuyển, hiệu quả như vậy, họ đã là Barca hay Bayern Munich mất rồi.

Mourinho từng "nói xấu" Eto'o và sau đó cầu thủ này phải ra đi.

3. Nói chung, ngày Mourinho trở lại Stamford Bridge, câu chuyện của ông đã khác cách đây 10 năm rất nhiều. Ông khác từ vị thế đến tiếng nói, cách thể hiện và cả một chút sự già nua. Ngày xưa ông bảo vệ cầu thủ của mình, sẵn sàng hứng chịu búa rìu thay cho học trò, nhận tội thay đội bóng, nhưng giờ ông lại sẵn sàng "nói xấu" cầu thủ, không ngại thẳng toẹt với ông chủ. Một lần nữa, cá tính đặc biệt của Mourinho lại phát tiết mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí, nó còn bạo liệt hơn cả chính bản tính của ông. Những thất bại đã qua, cái án sa thải cách đây 7 năm đã khiến Mourinho càng "điên rồ" hơn trong ngày trở lại.

Thế nhưng, đó mới lại là thứ Chelsea cần. Sự ngang tàng, độc đoán và quyết liệt của Mourinho mới là điều Abramovich đã cảm nhận rằng không thể thiếu được kể từ khi sa thải Mourinho. Vấn đề chỉ là cách thể hiện hơi khác thường. Nhưng xét cho cùng, đó mới là Mourinho. Thôi thì, cứ điên đi, cứ thay đổi đi và cứ cuồng ngôn đến… dại dột đi, Mourinho càng đặc biệt, Chelsea càng có lợi.

Mourinho tiếp tục"gây hấn"

Khi trở lại Premier League, Mourinho tiếp tục gây ra những cuộc "ẩu đả bằng miệng" bên ngoài sân cỏ. Sau khi có những lời bóng gió về Wenger, chọc ghẹo HLV này về chuyện mua Alexis Sanchez, Mourinho còn lấy thương vụ Fabregas, cựu đội trưởng của Arsenal, để gièm pha đối thủ. Ông nói: "Fabregas trở lại Premier League, bởi ở Chelsea cậu ấy cảm thấy thoải mái và có cảm hứng". Mourinho đã gián tiếp chỉ trích, chọc ghẹo việc Fabregas dứt khoát rời Arsenal cách đây 3 năm sau quãng thời gian gần 1 thập kỉ gắn bó với CLB này.

Chưa hết, mới đây Mourinho "tái khởi động" lại cuộc chiến với "đại kình địch" Pep Guardiola trong cuộc họp thượng đỉnh của UEFA hồi đầu tháng 9. Khi Pep cho rằng độ dài của cỏ nên rút còn 1,5cm thay vì 3cm như hiện nay và cần tưới nước trước trận đấu, thì Mourinho lên tiếng: "Mỗi người đều có phong cách, những điều cơ bản cần được tôn trọng". Pep cũng chẳng vừa, đáp lại: "Bóng đá hay dở phụ thuộc vào HLV. Với tôi, dường như ông Mourinho đang muốn biểu diễn". Cuộc tranh cãi chỉ được chấm dứt khi đại diện UEFA cắt ngang "câu chuyện" giữa họ.

Lê Giang
.
.
.