Nghịch lý trên TTCN ở Anh:

Mua cũng chết, không mua… cũng chết

Thứ Hai, 12/09/2016, 15:49
1,17 tỷ bảng, một con số khổng lồ phải không? Đổi ra tiền Việt, nó tương đương 34 nghìn tỷ đồng. Nếu cộng tổng giao dịch của Premier League và La Liga mùa trước, chúng ta cũng mới thu về 1,23 tỷ bảng – tức là không cao hơn mức 1,17 tỷ bảng quá nhiều.

Thật đáng sợ, khi trung bình mỗi CLB Anh chi 55 triệu bảng. Sau phiên chợ hè 2016, 12/20 đội bóng đang chinh chiến ở giải đấu được yêu mến nhất hành tinh đã phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình.

Chỉ trong ngày cuối cùng, 170 triệu bảng chảy ra khỏi tài khóa Barclays, chiếm 1/9 tổng sản lượng của cả mùa hè. Tính riêng Man City, đây đã là mùa hè thứ 5 liên tiếp, họ nâng cấp thói quen mua sắm vô tội vạ, với mức chi là 117 triệu bảng.

Bóng đá Anh bây giờ thực sự là cuộc đua của đồng tiền.

Thật kỳ lạ nếu biết rằng, trong trường hợp Premier League không đóng góp bất kỳ đại diện nào ở tứ kết hai sân chơi châu lục (Champions League và Europa League), giải đấu này sẽ đứng trước nguy cơ mất suất thứ 4 dự Champions League vào tay Serie A.

Thêm một nghịch lý về cách tiêu tiền của người Anh.

Tiền không mua được thành công…

10 năm qua, Premier League đã đốt 9,7 tỷ bảng, ngang mức tài sản của một tỷ phú như Abramovich. Có hai đội đã chi nhiều hơn 1 tỷ bảng cho sở thích “shopping” là Chelsea và Man City. Mặt khác, có 4 đội bỏ nhiều hơn 500 triệu bảng để mua sắm.

Cũng trong khoảng thời gian này, lượng tiền mà các CLB ở giải Ngoại hạng ném vào TTCN mùa hè đã tăng gần 20 lần, từ 55 triệu bảng lên 1,17 tỷ bảng. Một thập kỷ trở lại đây, riêng nhóm 6 đội mạnh nhất đã bỏ ra 5,2 tỷ bảng để tân trang đội hình, nghĩa là bằng với giá trị bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa bóng sắp tới. Mức lương trung bình của các tân binh cũng tăng phi mã hơn 7 lần, từ 7.500 bảng lên 60.300 bảng mỗi tuần.

Những con số ấy chứng tỏ, xu hướng đi chợ của các đội bóng “xứ sương mù” đã thay đổi. Họ sẵn sàng bỏ qua yếu tố rủi ro, đặt lên bàn giao dịch những con số khổng lồ và mua người để đổi lấy thành công trong chốc lát.

Lấy một ví dụ điển hình: Arsenal là đội nổi tiếng chi dè xẻn, nhưng đã có năm thứ ba trong 5 mùa gần nhất chấp nhận bỏ hơn 50 triệu bảng vào ngày cuối cùng để mua sắm.

Nhưng phần nhiều những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng trên trời đều sớm chấm dứt chuyến phiêu lưu của mình ở dải đất sương mù, đặc biệt là những người có giá chuyển nhượng trên 25 triệu bảng.

Theo thống kê của BBC Sports Study, đóng góp của những cầu thủ này là rất hạn chế. Chưa một bản hợp đồng nào trong tháng đầu tiên của năm mới ghi quá 15 bàn/mùa hoặc kiến tạo nhiều hơn 10 lần/mùa. Nhóm tân binh này chỉ đóng góp vào 15,4% số điểm mà CLB chủ quản đạt được.

Trung bình, cứ 8 bàn thắng mà các đội ghi được thì mới xuất hiện dấu giày của một cái tên mới chuyển đến. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện một trường hợp cá biệt của Martial mùa trước, song Man Utd lại… trắng tay.

....Nhưng không thành công, vẫn phải mua

Hiện tại, ở Anh có khoảng 15 tờ báo xuất bản phụ trương thể thao hàng ngày. Số lượng chuyên gia bóng đá tại đây cũng là rất lớn, khoảng 528 người (do FA công nhận). Nghĩa là, dư luận có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống bóng đá nơi đây. Tuy nhiên, chính vì sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng mà nhiều khi, các CLB vẫn phải lao vào TTCN dù không có ý định.

Những tân binh đắt giá trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2016 Premier League.

Một ví dụ tiêu biểu: Sau trận hòa 2-2 giữa Liverpool và Arsenal mùa 20144-2015, cựu danh thủ Gary Neville ngay lập tức chỉ ra những lỗ hổng nơi hàng phòng ngự của hai đội. Hai ngày sau, tin đồn Arsenal theo đuổi Matt Hummels xuất hiện tràn lên trên mặt báo.

Chủ tịch Sir Chips Keswick gọi điện thoại yêu cầu HLV Wenger xác minh mọi chuyện và yêu cầu giáo sư người Pháp (dù muốn hay không) cũng phải vào cuộc để làm lắng xuống vụ việc.

Nếu Arsenal không thích Hummels, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng ngược lại, mọi chuyện sẽ rắc rối hơn rất nhiều bởi vô tình, HLV Wenger lại nghĩ tới trung vệ người Đức nhờ… đọc báo.

Thực ra, còn một lý do quan trọng khác khiến các CLB ở Anh đua nhau săn người trong phiên chợ kéo dài 90 ngày. Ở Anh, tiền là thứ được quan tâm nhất. Thế mới có chuyện Arsene Wenger vẫn tại vị bất chấp những kết quả yếu kém trên sân cỏ. Nếu một thương vụ chuyển nhượng được kích hoạt, có ít nhất 4 bên liên quan được hưởng lợi.

Bản thân các cầu thủ được phép sử dụng luật “tự do thương lượng” để cùng một lúc ngồi vào bàn đàm phán với các CLB khác nhau nhằm tìm được hợp đồng béo bở nhất. Tiếp tục, nếu cầu thủ tìm được bến đỗ mới thì những tay cò, người đại diện lại được hưởng 10% tiền hoa hồng.

Trong trường hợp này, bộ phận tuyển trạch viên đột nhiên được “tiếng thơm” vì có công tìm ra gương mặt mà đội ưng ý. Cuối cùng, các HLV trưởng mới là người vui mừng nhất bởi có thêm cầu thủ mới trong đội, họ sẽ tạo ra những ngụy biện hoàn hảo để nói với chủ tịch CLB về một kế hoạch tươi sáng, đồng nghĩa với chiếc ghế của họ được đảm bảo.

Tất nhiên, việc tham gia TTCN vẫn đem tới chỉ số an toàn nhất định với các CLB và HLV bởi dù sao đi nữa, họ quan tâm tới túi tiền, số phận của mình hơn là kết quả trên sân hoặc phong độ của các cầu thủ.

Có cầu thủ mới trong đội, những hiệu ứng về mặt kinh tế từ việc bán áo đấu, vé vào sân (trường hợp của Pogba, Ibramovic mới đây chẳng hạn) đủ sức khỏa lấp mọi rủi ro chuyên môn thuần túy.

Năm 2007, trong buổi ghi hình trực tiếp với kênh ESPN 3, Sir Alex từng phàn nàn về vấn đề này. Ông yêu cầu các cơ quan thông tấn ở Anh thay đổi cách làm việc và hướng tiếp cận đề tài. Năm đó, vì bài bình luận của tờ Guardian mà Sir Alex bị nhà Glazer yêu cầu “soi giò” một số tiền đạo trẻ ở Nam Mỹ.

Paul Pogba - cầu thủ đắt giá nhất hành tinh.

Đầu mùa trước, lúc Leicester vẫn chưa nổi lên như một hiện tượng, Arsene Wenger vô tình tiết lộ với báo giới ông từng ngắm tiền vệ Kante hồi anh này 10 tuổi. Thế là, các tờ báo ở Anh “nhảy dựng lên”.

Trước khi tin đồn này lan ra, Leicester tậu Kante từ Caen (Pháp) với giá 5 triệu bảng. Sau khi tin tức ấy xuất hiện trên mặt báo, giá thị trường của Kante lập tức nhích lên mức 10 triệu bảng.

Leicester khi ấy cũng chỉ gài điều khoản phá vỡ hợp đồng giá 11 triệu bảng, vội vàng nâng lên thành 25 triệu – bằng đúng số tiền Chelsea phải bỏ ra để sở hữu chữ ký của tiền vệ người Pháp hè này. Một hiệu ứng domino tốn kém bậc nhất hành tinh. Nước Anh vẫn là trung tâm của mọi bàn tán khi các phiên chợ mở cửa.

Như thường lệ, họ luôn luôn là “kẻ tiên phong” trong công cuộc “ném tiền qua cửa sổ”. Đấy không còn là sự thật, mà đã được nâng tầm lên thành “chân lý”.

Nếu Premier League không tiêu tiền, đấy không phải là Premier League.

Bong bóng kinh tế

Mức lạm phát không tưởng trên sàn giao dịch ở Premier League có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. The Economist đưa ra phép ẩn dụ “Richard Scudmore – GĐĐH Premier League có thể chi số tiền vô lý kia giúp giải quyết vấn đề nợ công ở một tỉnh phía Bắc của Italia”.

Bóng đá là bóng đá, không liên quan gì tới kinh tế - chính trị. Nói một cách công bằng, không thể áp đặt một câu chuyện xa xôi vốn thuộc phạm trù quản lý của chính phủ vào trường hợp của Premier League. Nhưng lời nhắc nhở đó của tờ tạp chí chuyên sâu về kinh tế kia cho biết, chính Premier League và cách tiêu tiền của mình đã góp phần thổi phồng nền kinh tế đang vượt qua tầm kiểm soát của các nhân vật có trách nhiệm.

Bài học về cách tiêu tiền phung phí trong bóng đá không hề hiếm. Ai đó nói rằng “Vui thôi, đừng vui quá”. Nhưng Leeds United dường như không thể kiểm soát tâm trạng của mình, rốt cuộc tự nhận lấy hậu quả do chính họ gây ra.

Cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Leeds nổi lên như hiện tượng mới của làng bóng Anh. Họ từng vào tới bán kết Champions League và Europa League (tiền thân của UEFA Cup) hai năm liên tiếp.

Vào năm 2000, UEFA thông qua gói bản quyền truyền hình trị giá hàng trăm triệu bảng với những nhà đài lớn. Peter Ridsdale, chủ tịch của Leeds coi ấy là miếng mồi ngon, liền vội vã thế chấp toàn bộ cổ phiếu của Leeds để vay ngân hàng. Hơn 100 triệu bảng, một con số khổng lồ ngày ấy được Ridsdale mang về với hy vọng Leeds tiếp tục chơi hay, giành vé đi C1 và nhận lại khoản chia bản quyền kếch xù.

Nhưng Ridsdale chẳng thể ngờ, Leeds lại sa sút từ ấy. Hai năm liền không thể giành vé đi châu Âu, CLB buộc phải đáo nợ trước khi rơi vào cảnh phá sản. Leeds từ đỉnh cao bỗng biến mất, bốc hơi vào không trung và chưa hẹn ngày trở lại môi trường đỉnh cao.

Đơn Ca
.
.
.