Mùa cát vọng- Góc nhìn của người trẻ về hậu chiến

Thứ Tư, 10/10/2018, 15:01
Phạm Thu Hằng dành 4 năm để làm bộ phim tài liệu về đề tài hậu chiến “Mùa cát vọng” và chuẩn bị ra mắt khán giả. “Mùa cát vọng” là góc nhìn khá độc đáo và mới mẻ của chị về đề tài hậu chiến. Tuy nhiên, phim đến được với khán giả vẫn là con đường gian nan.


Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong một ngôi làng nghèo thuộc khu phố An Hưng, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, vùng đất chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Bao quanh bởi khung cảnh huyền ảo của những bãi bom ở Quảng Trị, trong một ngôi làng nằm ven con đường thông Lào, nơi từng là chiến địa ác liệt, bốn người đàn ông lặp lại những nhịp điệu nhàm tẻ của đời sống thường ngày bằng những buổi tụ họp trong một ngôi nhà không có cửa. 

Họ đến, uống, hút, chơi đàn và hát những bài ca về tình yêu và cuộc chiến tranh đã qua. Sự hằn học, cay nghiệt đan xen với những giây phút thăng hoa của tâm hồn lấp lún trong sự chết của không gian và trôi nổi của thời gian. Tất cả bọn họ chờ đợi cho một điều không thể biết. Và một ngày, điều không thể biết đó bỗng dưng gõ cửa, có một người trong bốn con người đó đã dừng cuộc rong chơi mệt nhoài, bỏ những người còn lại miệt mài tồn tại trong khung cảnh huyền ảo của những hố bom chưa khi nào khô cạn. 

Cái chết của chú Lộc, người đàn ông có tâm hồn nghệ sĩ khiến người xem ám ảnh đặt ra nhiều câu hỏi về sự tồn tại của con người. Họ, bốn gương mặt ấy đang tồn tại hàng ngày trong ngôi làng nhỏ. Họ không trực tiếp tham gia chiến tranh, chưa một ngày cầm súng. Nhưng người xem có thể cảm nhận được những hậu quả nặng nề của chiến tranh. 

Ở đó, thời gian và không gian gần như không vận động. Bốn người đàn ông tồn tại qua ngày. Họ tồn tại chứ không phải đang sống. Hằng khiến người xem ám ảnh bởi từng khuôn hình, từng ánh mắt buồn bã, vô vọng của họ. Hậu quả của chiến tranh ở đây ta không nhìn thấy bằng mắt mà chỉ bằng cảm nhận bằng sự chết mòn của cuộc sống của những người dân nơi đây. 

Nhưng điều đáng nói là trong cuộc sống mòn ấy, người xem vẫn cảm nhận được những tia sáng ấm áp. Đó là khi họ hát. Âm nhạc cứu rỗi tâm hồn họ. Âm nhạc như một chốn nương thân cho đời sống bế tắc của họ. Trong tâm hồn những con người tưởng như khô cằn ấy vẫn ẩn chứa một trái tim yêu đời, yêu cuộc sống. Đó chính là cách nhìn tươi sáng của đạo diễn Phạm Thu Hằng về đời sống.

Phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là phim hiếm hoi thành công về mặt phát hành.

Phạm Thu Hằng theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập khi chị nhận ra phim tài liệu là phương tiện hữu hiệu nhất để chị chia sẻ những cảm xúc của mình về đời sống. Chị biết đó là một hành trình khó khăn. Nhưng ở Việt Nam, thời  gian gần đây, dòng phim này đã có những dấu hiệu khởi sắc khi có nhiều người trẻ dấn thân. 

Không những thế, nhiều phim tài liệu độc lập đã ra rạp, tiếp cận với khán giả, giúp họ có cái nhìn khác về dòng phim vốn bị định kiến là khô cứng này. Đầu tiên có thể kể đến là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã tạo nên một “cơn sốt” phòng vé về phim tài liệu. 

Sau đó là “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang và một series phim khác của anh, rồi bộ phim tài liệu về ban nhạc Bức Tường “Chuyện ngày hôm qua”. Hiện tại, đạo diễn Hồng Ánh cũng đang phát hành phim tài liệu “Đi tìm Phong” của đạo diễn Phương Thảo.

Với “Mùa cát vọng”, câu chuyện phát hành chắc không dễ dàng khi Hằng chọn đề tài hậu chiến. Phim khá nặng nề, lại kéo dài hơn 90 phút. Khó khăn không chỉ là câu chuyện phát hành mà trước đó, để có kinh phí làm phim, chị phải đi “đường  vòng”, mang  dự án “Mùa cát vọng” thuyết trình ở nhiều diễn đàn về phim tài liệu ở nước ngoài. 

Sau nhiều chuyến đi, cuối cùng chị được 3 quỹ điện ảnh của Hàn Quốc tài trợ kinh phí làm phim. (chứ không phải là bất kỳ quỹ nào trong nước). Phạm Thu Hằng chia sẻ: “Dòng phim tài liệu độc lập này mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2009, từ khi có trung tâm Doclab, đơn vị tiên phong mang phim tài liệu sáng tạo đến Việt Nam.  Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải tự bươn chải đi tìm kinh phí sản xuất, nhưng nếu bạn đam mê và quyết liệt, bạn sẽ thành công”.

Một bộ phim mất 4 năm để hoàn thành và nó chạm đến câu chuyện về sự tồn tại của con người sau chiến tranh. Một câu chuyện thực sự ám ảnh. Nhưng khi tôi hỏi đạo diễn về kế hoạch phát hành phim, chị vẫn chưa hình dung ra con đường làm thế nào để đến với khán giả. 

“Câu chuyện phim có phát hành được hay không, tôi biết là rất gian nan, nếu không có đơn vị nào nhận phát hành rộng rãi thì tôi sẽ chiếu trong những không gian nhỏ cho những ai quan tâm, có thể cách đó không mang lại tiền bạc nhưng có thể tiếp cận khán giả. Như vậy cũng là một sự an ủi rồi”, Hằng nói.

Đạo diễn Phạm Thu Hằng: Tôi luôn nhìn thấy vẻ đẹp trong sự đau khổ, tuyệt vọng

- Vì sao một người trẻ như chị lại chọn đề tài hậu chiến khá nặng nề và chắc chắn sẽ kén người xem như vậy?

+ Khi tôi đi học ở nước ngoài thì câu hỏi về bản sắc, về văn hóa trở thành một nhu cầu thiết yếu. Tôi sống trong một cộng đồng có nhiều người đến từ nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa khác nhau. Mình phải  có gì đó để dựa vào. Đó chính là văn hóa, lịch sử của đất nước mình. 

Trong bối cảnh đó, tôi đọc được bài báo về hai em bé Quảng Bình chơi bom bị chết. Tôi rất ám ảnh và nhận ra mình đã không quan tâm gì đến lịch sử đất nước dù nó chưa hề xa. Tôi chỉ biết về chiến tranh Việt Nam rất sơ sài, bàng quan. Tôi đến Quảng Trị, một trong những tỉnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. 

Tôi muốn tìm những con người kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu từ bom mìn. Khi về đó, những người dân ở đây đã bỏ nghề thu gom phế liệu vì nó quá nguy hiểm. Còn một số người làm thì họ không hợp tác. Và tôi gặp họ, những người đàn ông trong làng. 

Khi tôi đến nhà chú Thanh nhạc sĩ, tôi biết ngay đây là nhân vật của mình, là địa điểm mình sẽ quay phim rồi. Rồi tôi gặp những người bạn của chú Thanh. Tôi nảy ra ý định làm phim về những người này, những người chưa từng ra chiến trường nhưng đời sống của họ, cả tuổi trẻ của họ đã bị hủy hoại. 

Cách đó hợp với suy nghĩ của tôi hơn. Tôi làm về hậu chiến bằng một cách khác, không đao to búa lớn, không có tiếng súng. Dấu vết cuộc chiến sẽ nặng nề hơn khi mình cảm nhận được chứ không nhìn thấy được.

Đạo diễn Phạm Thu Hằng.

- Tôi rất ấn tượng với cách tiếp cận đề tài của chị, một góc nhìn hoàn toàn khác về hậu chiến, ở đó không có tiếng súng, không có máu chảy, không có những hậu quả nhìn thấy bằng mắt nhưng lại rất ám ảnh?

+ “Mùa vọng cát” hoàn toàn không phải là câu chuyện về chiến tranh. Tôi muốn chia sẻ nhiều hơn với khán giả về cuộc sống hiện tại của những người dân. Khi tôi ở đó chia sẻ không gian và thời gian với họ, câu hỏi về chiến tranh lùi xa và câu hỏi về sự tồn tại trở thành một ý tưởng mạnh mẽ, rõ nét hơn. Tôi muốn nói nhiều hơn về sự tồn tại của con người trong một không gian mà tôi biết lịch sử của nó. 

Chiến tranh chỉ là cái cớ để tất cả nhân vật của tôi trình bày đời sống của họ. Họ là những vật thể bị đóng băng trong thời gian và không gian đó. Đã có nhiều phim nói về hậu quả chiến tranh nhưng đó là những hậu quả có thể nhìn thấy, còn những hậu quả mà mình chỉ có thể cảm nhận, có khi nó cũng đau đớn và mất mát không kém.

- Một bộ phim khá nặng nề về đời sống của những con người đang tồn tại trong một ngôi làng nhỏ. Nhưng tôi nhìn thấy, trong sự tuyệt vọng ấy vẫn le lói những tia sáng ấm áp?

+ Thời gian và không gian trong bộ phim gần như không chuyển động, tôi muốn nhấn mạnh vào sự tẻ nhạt của đời sống. Những người đàn ông đó chỉ tồn tại chứ không phải sống. Nhưng họ tồn tại đến bây giờ do sức sống bên trong họ rất mạnh và có gì đó cứ tiếp tục níu kéo họ để sống. 

Với tôi đó là âm nhạc. Chỉ những lúc họ uống say và hát, họ mới thực sự là mình. Đó là sợi chỉ mỏng manh họ bám vào để lần mò sống. Tôi cũng đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống nhưng tôi luôn muốn nhìn đời sống một cách tươi sáng, một cách có hy vọng. Vì thế, với tôi đây là một bộ phim đẹp, vẻ đẹp trong sự đau khổ, tuyệt vọng.

Phim “Mùa vọng cát”.

- Theo đuổi con đường làm phim tài liệu độc lập ở Việt Nam rất khó khăn. Vì sao chị lựa chọn nó?

+ Chúng ta sẽ thấy khó khi không có cảm hứng làm việc. Còn nếu trái tim vẫn còn đầy cảm hứng và tình yêu sẽ vượt qua được những khó khăn. Tương lai của phim tài liệu độc lập sẽ có những khởi sắc và thay đổi. Chúng ta đang có một cộng đồng khán giả nhỏ và một lực lượng làm phim trẻ. 

Đáng để hy vọng chứ. Tôi không biết làm gì khác ngoài làm phim. Tôi đã mất nhiều năm loay hoay để tìm ra con đường của mình. Chừng nào tôi còn chia sẻ được những cảm xúc và sáng tạo của mình bằng phim tài liệu, chừng đó tôi vẫn theo đuổi con đường này, dù chị thấy đấy, nó sẽ chẳng mang lại tiền bạc.

- Cảm ơn chị! 
=
V. Hà
.
.
.