Một góc nhìn về World Cup 2014:

Muôn nẻo đường chia ly...

Thứ Năm, 07/08/2014, 08:54

Có cuộc chia ly màu xám, và cũng có cuộc chia ly màu đỏ. Có những cuộc chia ly khiến người ta tránh khỏi cảm giác bực mình, và cũng có những cuộc chia ly lấy của người ta thật nhiều nước mắt nuối tiếc. World Cup này để lại trong lòng ta rất nhiều suy nghĩ, rất nhiều ám ảnh về những cuộc chia ly.

Chia ly Worl Cup như mấy đội bóng châu Phi, mấy đội bóng "mặc cả" chuyện tiền thưởng với Liên đoàn bóng đá quốc gia, và vì tiền thưởng mã sẵn sàng đình công, sẵn sàng không ra trận thì rõ ràng chia ly càng sớm, World Cup càng may mắn. Cứ nhìn cái cảnh cầu thủ Cameroon chưa đá đã loạn (không chịu lên máy bay đến Brazil cho tới trước khi nhận tiền), vào trận cũng loạn (đánh cùi chỏ vào mặt đối phương rồi lao vào đánh cả đồng đội của mình), rời giải rồi vẫn loạn (bị tình nghi dàn xếp tỷ số trong một số trận) sao mà nhớ, mà tiếc cái biệt hiệu "những chú sư tử bất khuất" mà họ từng có một thời.

Thế hệ cầu thủ Cameroon hôm nay không còn là "sư tử" nữa, thậm chí không còn là cái da sư tử nữa. Họ biến mình thành chuột nhắt cả trong những pha tranh chấp sân cỏ lẫn trong chính tư tưởng của mình. Vẫn biết mỗi một đội bóng, một tập hợp cầu thủ luôn phải đối diện với những hoàn cảnh sống khác nhau, và không thể lấy một tư tưởng - một triết lý của riêng một nền văn hoá bóng đá nào để áp cho tất cả phần còn lại, nhưng rõ ràng là cái cách mà những đội bóng như Cameroon, Ghana hay Nigeria để lại ở World Cup năm nay thật là tệ hại.

Cũng rời World Cup như những đội bóng châu Phi ấy, cũng bị khán giả nước mình trách móc như những đội bóng châu Phi ấy nhưng hai "anh cả" của bóng đá châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản còn để lại ít nhiều ấn tượng. Đấy là ấn tượng về những đội bóng đã chơi với tất cả sức lực của mình ngay cả khi biết chắc mình bại trận. Đấy là ấn tượng về những cầu thủ mà sau khi bại trận đã cúi rạp đầu xin lỗi những khán giả thân yêu. Và đấy còn là ấn tượng về những khán giả Nhật Bản đã cúi người nhặt rác sau một trận đấu - một hình ảnh mà với nó "sức mạnh mềm Nhật Bản" chắc chắn sẽ tăng thêm rất nhiều.

James Rodriguez: ngôi sao mới nổi tại giải chỉ có thể ở lại đến vòng tứ kết.

Không chia tay âu sầu thảm thiết như các đội bóng châu Phi, cũng không chia tay với những bài học về "sức mạnh mềm" như của vài đại gia châu Á, một số ông lớn châu Âu lại tạo cho chúng ta cảm giác về những cuộc chia tay rất nhạt - những cuộc chia tay thiếu muối. ĐKVĐ thế giới Tây Ban Nha đấy, Anh đấy, Italia đấy, họ đều sở hữu những cầu thủ thượng thừa trong đội hình, đều được xếp vào nhóm ƯCV vô địch hàng đầu cho một kỳ hội mà người châu Âu đặt niềm tin phá dớp (chưa đội châu Âu nào vô địch khi bóng lăn ở Nam Mỹ), thế mà ngoại trừ Italia có chút tức tưởi với những quyết định của trọng tài, cả hai đội còn lại đều rời giải mà không để lại trong lòng người xem chút ít ấn tượng nào. Người ta bảo: cầu thủ Tây Ban Nha già nua, cũ kĩ rồi, thứ bóng đá Tiqui - Taca đưa Tây Ban Nha ngự đỉnh đầu thế giới mấy năm qua giờ cũng bị bắt bài rồi, còn người Anh vẫn thế: hào nhoáng, sang trọng nhưng nhốn nháo như một gánh xiếc rong!

Cùng với cuộc chia tay của những đội bóng lớn là những cuộc chia tay của những cầu thủ lớn, ví dụ như Xavi của Tây Ban Nha, Pirlo của Italia - những cầu thủ từng có thời làm mưa làm gió ở tất cả các khu trung tuyến mà mình từng góp mặt. Phải nói, thời gian hằn in lên gương mặt Xavi, Pirlo thật nhiều dấu ấn.  Nhìn hai tượng đài một thời chơi bóng, ta tự hỏi: 4 năm nữa, họ còn đủ sức tham chiến trong một kỳ World Cup được tổ chức ở châu Âu? Ronaldo của Bồ Đào Nha chưa bị thời gian tàn phá.

Neymar của Brazil càng như thế, và James Rodriguez của Colombia - ngôi sao mới nổi ở giải đấu này càng như thế. Vậy nhưng tất cả cũng đã buồn tủi chia tay World Cup, bằng cách này hay cách khác. Đầu giải, một gã pháp sư quái quỉ nào đó người Ghana bỗng nhiên đăng đàn bảo gã đã "yểm bùa" Ronaldo, và với công hiệu của lá bùa, cầu thủ có thu nhập số 1 thế giới hiện nay kiểu gì cũng chết. Và Ronaldo chết thật - chết một cách thảm sầu cùng ĐT Bồ Đào Nha, dù cho đã kịp ghi bàn thắng đầu tiên trong lịch sử các lần tham dự World Cup từ xưa tới giờ. Nhưng Ronaldo chết vì bùa, vì chấn thương, hay đơn giản là vì đội bóng của anh chưa bao giờ cho người ta cảm giác yên tâm cả? Với Neymar, với Rodriguez, chẳng có lá bùa nào cả.

Neymar lại chia tay World Cup không thể đau đớn hơn.

Neymar mất World Cup vì một chấn thương quái ác vào đúng thời điểm trận đấu chỉ còn vài ba phút, còn Rodriguez mất World Cup đơn giản vì đội bóng của anh bị loại sau vòng tứ kết. Chắc chắn sẽ bị ám ảnh với khoảnh khắc ấy, hình ảnh ấy, khi đầu gối của một cầu thủ Colombia thúc vào cột sống Neymar, và Neymar ngã ra, bất động trên sân, bất động trên cáng, rồi cứ thế rơi nước mắt trong quãng đường từ SVĐ tới bệnh viện. Đấy chắc chắn sẽ là một trong những hình ảnh tồi tệ nhất của kỳ World Cup năm nay - một hình ảnh tố cáo đầy đủ và trọn vẹn tư tưởng bạo lực trong không ít các trận đấu của kỳ World Cup này.  Rodriguez cũng chính là một trong những "địa chỉ đỏ" mà những đôi chân hung thần Brazil nhắm tới trong trận cầu hôm ấy. Rodriguez đã uất ức tranh cãi với trọng tài trong rất nhiều pha bóng mà cầu thủ Brazil "chém" mình nhưng được trọng tài bỏ qua. Và sau trận đấu thì Rodriguez đã khóc  - khóc nức nở như một đứa trẻ bị người ta trắng trợn đánh cắp một món đồ.

Chúng ta đồng cảm và chia sẻ với những cuộc chia tay như của Rodriguez và ĐT Colombia - những con người thực sự đã tạo quá nhiều ấn tượng trong một kỳ World Cup ngột ngạt bởi những toan tính trên sân và những cuộc biểu tình ngoài sân. Và chúng ta cũng tiếc nuối với những cuộc chia tay của những chiến binh quả cảm đến từ những đội bóng thấp cổ bé họng như Mexico hay Costa Rica. Thật trùng hợp là cả hai chiến binh quả cảm này đều phải chia tay World Cup vì... Hà Lan.

Ở vòng 1/8, Mexico đã thực sự thắng Hà Lan về thế trận và về tỷ số thì cho đến những giây phút cuối cùng họ lại không thắng được một cú ngã kệch cỡm của chuyên gia ăn vạ Robben. Và từ cú ngã ấy, từ quả phạt đền oan khiên ấy, người hùng Ochoa (một trong những thủ thành xuất sắc nhất kỳ World Cup này) và đồng đội đã phải về nước trong đau đớn. Đến vòng tứ kết thì các cầu thủ Costa Rica lại đã gồng mình quyết chiến, để xuất sắc cầm hoà Hà Lan trong suốt 120 phút bóng lăn. Thế nhưng trên chấm luân lưu 11m (ôi, lại là 11m), họ lại không thắng được định mệnh đau đớn của những đội bóng nhỏ trước những đội bóng lớn trong những giờ phút quyết định cuối cùng.

Chia tay giải theo kiểu của Mexico hay Costa Rica là đáng khen, đáng trân trọng lắm. Nói theo ngôn ngữ của thi sĩ Nguyễn Mỹ thì chia ly kiểu ấy xứng đáng là "cuộc chia ly màu đỏ".

Và ơn trời, may mà World Cup vẫn còn những "cuộc chia ly màu đỏ" để chúng ta có quyền hy vọng cho những kỳ hội tiếp theo!

Phan Đăng (Số đặc biệt)
.
.
.