NSND Xuân Huyền: "Người gác đền chính kịch" của sân khấu Việt Nam

Thứ Tư, 02/12/2020, 07:07
NSND Xuân Huyền - một trong ba đạo diễn nổi tiếng nhất của sân khấu phía Bắc thời kỳ vàng son, vừa qua đời vì bệnh nặng tại Bệnh viện Bạch Mai trưa 27-11, hưởng thọ 79 tuổi.


Là một trong những đạo diễn tiêu biểu của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, ông cùng với đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng làm nên môt thời kỳ vàng của sân khấu Việt Nam thập niên 80-90 của thế kỷ 20.

1.Xuân Huyền sinh năm 1942 tại Thanh Chương (Nghệ An). 17 tuổi, Xuân Huyền đã ra Hà Nội, theo học khóa đầu tiên Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (1959-1963), nay là Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông về Đoàn tuồng Liên khu V. Những năm 60 của thế kỷ trước, ông thường sắm những nhân vật phản diện, nhất là hay đóng vai Tây, thực dân bởi vóc dáng cao lớn, da trắng và chất giọng vang khỏe. Sau đó, NSND Xuân Huyền sang Liên Xô học đạo diễn, bắt đầu một ngã rẽ mới trong cuộc đời và làm nên những thành tựu rực rỡ.

Bắt đầu từ vở diễn đầu tay "Gió và bụi" đoạt Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980, đến nay, đạo diễn Xuân Huyền đã dàn dựng khoảng 300 vở diễn cho các đoàn nghệ thuật, với đủ loại hình tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca. Trong mỗi tác phẩm do Xuân Huyền dàn dựng, tính chính kịch, khúc chiết và chiều sâu của thông điệp luôn nổi bật, vì vậy ông được mệnh danh là "Người gác đền chính kịch", với những vở diễn mẫu mực: "Othello", "Lời thề thứ chín", "Tiếng hát tình yêu", "Nhà có ba chị em gái", "Một cây làm chẳng nên non",... Và đó cũng là những vở kịch đã làm nên thời hoàng kim của sân khấu phía Bắc. Những vở kịch chính luận thể hiện một dấu ấn cá nhân rõ nét của NSND Xuân Huyền. Thể loại kịch chính luận đã được ông tôn thờ, kiên định theo đuổi đến cùng. Chất chính luận như ngấm vào máu ông. Đến ngay cả một vở hài kịch, khi dựng, ông vẫn "cài cắm" vào đó vào đó chất chính luận. Và cũng vì thế, mà tiếng cười ông mang đến cho khán giả ý nghĩa hơn, chiêm nghiệm hơn, cười mà ngẫm, mà nhớ.

NSND Xuân Huyền.

Nghệ sĩ Xuân Huyền không bao giờ ngại dựng những kịch bản gai góc. Mỗi vở diễn của ông đều ngồn ngộn chất hiện thực, nóng hổi tính thời đại và sâu lắng những triết lý cuộc đời. Từng hình tượng, chi tiết kịch đều được ông lựa chọn cẩn trọng, tinh tế. Với cách thể hiện sáng tạo, bứt phá vấn đề của ông đặt ra luôn lay thức người xem, tạo nên sự chú ý của dư luận.

2. NSND Lê Huy Quang kể: "Năm 1980, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp được tổ chức. Đây là lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, một Hội diễn lớn với quy mô toàn quốc đã được triển khai, đúng vào thời điểm sân khấu đang trong thời kỳ hoàng kim, với sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng nhất của cả hai miền Nam-Bắc. Vừa tốt nghiệp về nước, Xuân Huyền đã trình làng giới sân khấu cả nước bằng vở diễn đầu tay "Gió và bụi" (tác giả Hoàng Yến) của Đoàn Cải lương Sông Hàn- Đà Nẵng, một trong những đơn vị nghệ thuật rất nổi tiếng từ trước ngày giải phóng. Đó là một vở diễn hoành tráng với sân khấu ước lệ, tượng trưng, rực rỡ và cuốn hút bằng một thủ pháp đạo diễn sáng tạo, mới mẻ, độc đáo và nồng nhiệt, đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả cả trong và ngoài giới sân khấu".

NSND Lê Huy Quang đánh giá: "Với tư cách là một họa sĩ đã cộng tác làm việc với anh suốt 30 năm qua, tôi có thêm một nhận xét này: Trong công việc sáng tạo, Xuân Huyền không bao giờ áp đặt ý đồ cho họa sĩ; ngược lại, anh tận dụng và sử dụng triệt để trang trí một cách sáng tạo và hiệu quả nhất. Với Xuân Huyền, trang trí không tĩnh mà phải động; trang trí không chỉ làm đẹp sân khấu mà quan trọng hơn, là phải tham gia vào vở diễn, tác động trực tiếp, hiệu quả vào diễn xuất của diễn viên. Xuân Huyền là một trong số không nhiều đạo diễn, nắm vững các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng, tự sự trữ tình của nghệ thuật truyền thống; nên không gian sân khấu của anh được mở rộng thoáng đãng, giản dị mà vẫn bề thế, lộng lẫy; không nệ vào tả thực mà vẫn vừa đủ để nói lên một cách rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc và gợi cảm chủ đề của vở diễn…Đó cũng chính là phong cách đạo diễn độc đáo của Xuân Huyền, để anh bao giờ cũng tạo ra một dấu ấn rất riêng, một diện mạo riêng, không bao giờ bị trộn lẫn vào vở diễn của người khác".

Cảnh trong vở “Lời thề thứ 9” - một trong những vở diễn do NSND Xuân Huyền dàn dựng.

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: "Là đạo diễn xuất thân từ sân khấu truyền thống nên NSND Xuân Huyền đã có nhiều xử lý ước lệ, rất đắt khi dàn dựng cho sân khấu kịch. Và ngược lại, sau khi đi học đạo diễn ở nước ngoài về, ông lại mang hơi thở, tiết tấu của sân khấu kịch hiện đại để làm giàu cho sân khấu truyền thống. Xuân Huyền đã tạo niềm khát khao sáng tạo cho người diễn viên và thổi bùng lên ngọn lựa nhiệt tình, đam mê của họ.

Giới sân khấu đặt cho NSND Xuân Huyền nhiều biệt danh: Người gác đền cuối cùng của sân khấu chính kịch; Người khó tính, cực đoan nhất trong số những người tài; Ông thày đồ "cực gàn"… Những biệt danh đó nhằm làm nổi bật phong cách riêng của một đạo diễn tài năng như ông".

3. Không chỉ là một đạo diễn tài danh, Xuân Huyền còn là người thầy đánh kính của thế hệ làm sân khấu. Thời gian giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, ông đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc như: NSND Hoàng Dũng,  NSND Lê Khanh,  NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Quốc Trượng, NSND Thu Quế, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, NSND Hương Thơm, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Phạm Cường, NSƯT Đức Hải, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Phùng Tiến Minh...

Trong mắt các diễn viên, NSND Xuân Huyền nổi tiếng là người nghiêm khắc và thẳng thắn, kỷ luật. Ông quan niệm: Người nghệ sĩ tuân thủ kỷ luật còn hơn trong quân đội, làm nghệ thuật không phải để ra oai mà phải bằng cái tâm và cái tài. Vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Xuân Huyền đã rèn luyện cho các sinh viên tính kỷ luật khắt khe. Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương - một học trò của NSND Xuân Huyền tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vẫn nhớ mãi một lần 2 thầy trò gặp nhau trên sân trường vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng khi bước vào lớp, thầy Huyền yêu cầu anh ra ngoài lớp. Bởi thầy đã vào lớp là không sinh viên nào được đến sau thầy. Đây có lẽ cũng là điều hiếm gặp tại nơi đào tạo các nghệ sĩ tương lai, những người vẫn được biết đến với sự phóng khoáng, tự do.

Cảnh trong vở “Bến bờ xa lắc” do NSND Xuân Huyền dàn dựng.

Có một điều đặc biệt nữa ở NSND Xuân Huyền, ông có tài biến hóa các tác phẩm trên sân khấu. Qua tài "phù thủy" của ông, nữ tác giả Thu Hạnh lập tức nổi tiếng với tác phẩm đầu tay trên sân khấu kịch "Bến bờ xa lắc". Hay một gương mặt nữ phía Nam, tác giả Thu Phương cũng tạo được thiện cảm với công chúng nhờ kịch bản "Nhà có ba chị em gái" do NSND Xuân Huyền dàn dựng. Với những tác phẩm lớn đã đóng đinh trong lòng công chúng như "Lời thề thứ 9" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn, NSND Xuân Huyền vẫn có cách khai thác riêng, đầy dấu ấn của một đạo diễn tài hoa.

Tài hoa là vậy, nhưng tính cách khảng khái của dân xứ Nghệ đã khiến cuộc đời ông có nhiều thua thiệt. Thế nhưng, NSND Xuân Huyền không hối tiếc. Ông luôn được sống là mình, say mê cống hiến và để lại những dấu ấn lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Từ lâu, ông vắng bóng trong đời sống nghệ thuật nước nhà do sức khỏe yếu. Đó cũng là điều đáng tiếc cho nền sân khấu hiện nay, trong khi các lão tướng NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng vẫn còn xông xáo trên lãnh địa của mình.

Năm 2012, NSND Ngô Xuân Huyền trở lại với chương trình NSND Ngô Xuân Huyền-Mùa xuân và Sân khấu kịch Việt Nam, trình diễn lại một số vở diễn nổi tiếng do ông dàn dựng. Vì thế, sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống lớn cho sân khấu Việt Nam.
Khởi đầu với vở "Gió và bụi" đoạt huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980, đến nay, đạo diễn Xuân Huyền đã dàn dựng khoảng 300 vở diễn cho các đoàn nghệ thuật, với đủ các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1993) và NSND (năm 2006).
Linh Vân
.
.
.