NSND Xuân Huyền: "Người gác đền chính kịch" và giấc mơ dang dở…

Chủ Nhật, 26/02/2012, 10:16

Ở tuổi 70, NSND Xuân Huyền giờ không còn đủ sức khỏe để làm việc như thời ông còn khỏe mạnh, sung sức và luôn hết mình trên sân khấu kịch như trong hình dung của những người đã biết về ông: một Xuân Huyền nghiêm túc đến độ cực đoan, gàn đến độ nóng tính, bất cần như bản chất của con người xứ Nghệ.

Tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã diễn ra một "Liveshow" nghệ thuật đặc biệt tôn vinh một đạo diễn sân khấu mang tên "NSND Xuân Huyền - Mùa xuân và Sân khấu kịch Việt Nam", nhằm công diễn 5 vở kịch đặc sắc trong số hơn 300 vở mà ông đã làm đạo diễn với đủ các thể loại trong suốt chặng đường hơn 30 năm làm nghề, bao gồm các vở: "Tiếng chuông chùa" (tác giả Hữu Ước, Nhà hát Tuổi Trẻ), "Nhà có ba chị em" (tác giả Nguyễn Thu Phương, Nhà hát Tuổi Trẻ), "Một cây làm chẳng nên non" (tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nhà hát Kịch Việt Nam), "Cái chết chẳng dễ dàng gì" (tác giả Xuân Đức, Nhà hát Kịch quân đội) và vở "Cát bụi" (tác giả Triệu Huấn, Nhà hát Kịch Hà Nội).

Lần đầu tiên, trong suốt 5 đêm diễn, số lượng người đến xem kịch không trống một chỗ ngồi, đủ biết rằng, sức hút của sân khấu kịch cũng như tên tuổi đạo diễn, NSND Xuân Huyền đã làm lay động trái tim khán giả.

Tầng hai căn hộ chung cư tại khu Mỹ Đình là nơi hiện nay NSND Xuân Huyền đang sống. Sau những tháng ngày chống lại căn bệnh tai biến, dường như ông yếu hơn nhiều so với tuổi 70. Dù trí óc ông vẫn còn minh mẫn, nhưng có đôi lúc, ông không điều khiển được ngôn ngữ của mình như mong muốn. Khi tôi hỏi ông về những vở kịch được công diễn vừa rồi, ánh mắt ông sáng lên như thể tôi đã chạm vào được chính mạch nguồn cảm xúc của một người nghệ sĩ, một đạo diễn sân khấu kỳ cựu và nổi danh vào hạng nhất nhì của sân khấu kịch đương đại.

NSND Ngô Xuân Huyền sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thanh Chương, Nghệ An. Ông ra Hà Nội học khóa đầu tiên Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam từ năm 17 tuổi, tốt nghiệp, ông về nhận công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tuồng Liên khu V rồi được cử đi đào tạo chuyên ngành đạo diễn ở Liên Xô (cũ). Trở về nước năm 1977, ông về làm giảng viên tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Bắt đầu từ vở diễn đầu tay "Gió và bụi" (kịch bản Hoàng Yến - Đoàn Cải lương Đà Nẵng) đoạt Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980 đến nay, trên 30 năm gắn bó với cánh màn sân khấu đạo diễn Xuân Huyền đã dàn dựng khoảng 300 trăm vở diễn cho các đoàn nghệ thuật, với đủ các loại hình sân khấu: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca. Ông là một đạo diễn không bao giờ câu nệ vào hình thức sân khấu, không coi lĩnh vực nào là "sở trường", "sở đoản", chỉ có duy nhất một điều đeo đẳng ông trong mỗi tác phẩm là ông luôn "kiên định" với con đường chính kịch. Bởi thế, khán giả luôn nhớ đến những vở kịch một thời đã khiến người xem "sởn gai ốc" vì tính luận đề của tác phẩm.

Những vở từ những thập niên 80 như vở kịch "Ôtenlô" của Sếch-xpia, vở Chèo "Vòng phấn Kápka" của Béctôn Bơrét, hay vở Cải lương "Tiếng hát tình yêu"… cho đến những vở gần đây như "Vòng đời", "Tiếng chuông chùa", "Bến bờ xa lắc", "Lời thề thứ 9", "Ám ảnh xanh", "Nhà có ba chị em", "Một cây làm chẳng nên non", "Cái chết chẳng dễ dàng gì", "Cát bụi"…

Tôi hỏi NSND Xuân Huyền, trong số hàng trăm vở đã làm, ông chỉ chọn được năm vở kịch để tổng kết một cuộc đời làm nghề, liệu có quá ít so với một tác giả kỳ cựu như ông?

Đạo diễn Xuân Huyền trầm ngâm trong chốc lát rồi chia sẻ: "Đó là những vở tiêu biểu cho phong cách của tôi. Những vở kịch đó cũng đã phản ánh được quan niệm của tôi, những quan niệm về nghề mà tôi đã theo đuổi bấy lâu nay. Tôi chọn vở kịch khai mạc là "Tiếng chuông chùa" (tác giả: nhà văn Hữu Ước) vì đó là một vở diễn nhân văn khi đã nói được sự phức tạp của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, khi trong chiến hào xen lẫn ta và địch và nỗi đau là không phải của riêng ai. Có lẽ phải là một người trong cuộc như tác giả mới viết được thành công về chủ đề như thế. Đây không phải là một vở diễn về luật pháp, mà là về con người, bởi văn học là nhân học, sân khấu cũng là bộ môn nghệ thuật nói về con người. Ở "Tiếng chuông chùa" tác giả đã khai thác những biến động tâm lý, suy nghĩ, tình cảm của những người trong cuộc trước những tình huống xung đột, gay cấn xuất hiện. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ hơn sự cao cả, sự hy sinh ngay cả trong tình cảm của những người Công an chân chính".

Ở tuổi 70, NSND Xuân Huyền giờ không còn đủ sức khỏe để làm việc như thời ông còn khỏe mạnh, sung sức và luôn hết mình trên sân khấu kịch như trong hình dung của những người đã biết về ông: một Xuân Huyền nghiêm túc đến độ cực đoan, gàn đến độ nóng tính, bất cần như bản chất của con người xứ Nghệ. Đối với ông, cuộc đời như là "Cát bụi"- như cách mà ông muốn nói thông qua vở kịch cuối cùng của năm đêm diễn về ông. Mọi thứ xa hoa ở cuộc đời rồi sẽ phù du, cái còn lại sẽ là một tấm lòng, một niềm tin, một lý tưởng…

Và ông vẫn sống cho những lý tưởng cả đời ông theo đuổi, những cái kết mở cho những vở kịch chưa hoàn thành và phải cất vào ngăn kéo, vì giờ đây, bệnh tật đã cướp đi của ông sức khỏe, sự sáng tạo và có thể ông chỉ sống bằng những hoài niệm và ký ức hiện rõ trong những kỷ vật, huân huy chương mà cả một đời làm  nghề ông đã có…

T.H. Thiên Kim
.
.
.