Năm 2017: Văn nghệ sĩ và những dự án mới

Thứ Ba, 03/01/2017, 07:44
Chúng tôi bắt đầu năm mới bằng cuộc trò chuyện với các nghệ sĩ về những dự án, những ước vọng của họ trong năm 2017. Và tôi tin, đó sẽ là một năm của những sự khởi sắc như chính câu nói của NSND Anh Tú: “Chúng ta có quyền tin và hy vọng”.


NSND Anh Tú: Sẽ dựng “Romeo and Juliet”

Sau thành công của “Hamlet” và gần đây là “Chuyện nàng Kiều”, tôi vẫn ấp ủ dựng lại vở bi kịch kinh điển của Shakespeare, “Romeo và Juliet”. Nhà hát Kịch Việt Nam chưa dựng vở này. Đây cũng là một trong những vở kịch trong chuỗi dự án dựng những vở kinh điển của Việt Nam và thế giới của Nhà hát Kịch Việt Nam.

NSND Anh Tú.

Ngoài ra, tôi vẫn có ý định dựng thêm 1, 2 vở liên quan đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội như tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Càng ngày sân khấu càng khan hiếm những kịch bản hay. Đó cũng là một lý do khiến sân khấu buồn tẻ, vắng bóng người xem.

Tôi mong muốn dựng được những vở kịch không chỉ hay với truyền thông, với giới làm nghề, mà quan trọng là phải thu hút được khán giả bỏ tiền ra mua vé, vé mời ít thôi. Đó mới là mong muốn, hơn thế nữa, là khát vọng của những người làm nghề như chúng tôi, để sân khấu thực sự có đời sống.

Một năm lại qua đi, vẫn còn nhiều điều trăn trở, đó là đời sống của các nghệ sĩ quá nghèo, thu nhập thấp. Làm thế nào để cải thiện được đời sống của anh chị em nghệ sĩ, để giữ lửa đam mê cho họ. Đôi lúc tôi cũng lo lắng, thế hệ kế cận ngày càng thưa thớt.

Nhưng cũng như đời sống, sân khấu là một dòng chảy, ta cứ hy vọng vào thế hệ trẻ, hy vọng để có niềm tin mà đi tiếp trên con đường khó khăn này. Nếu có một ước muốn, tôi ước có một nhà hát kịch xứng tầm với tên gọi của Nhà hát Kịch Việt Nam – Anh Cả Đỏ của làng sân khấu, chỉ cần 400 chỗ ngồi tươm tất hơn, đàng hoàng hơn. 

Diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh: Lần đầu thử sức với vai trò đạo diễn

Năm 2017 là một dấu mốc trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Dự án phim “Đảo của dân ngụ cư” sẽ ra mắt công chúng vào đầu năm. Đây là dự án tôi ấp ủ trong 10 năm qua, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Điều ám ảnh tôi là nỗi cô đơn và khát khao vươn tới hạnh phúc của những con người tứ xứ trong một không gian sống chật hẹp, bức bối.

Diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh.

Tôi chọn một góc nhìn khác chứ không làm công việc mô tả lại truyện ngắn. Có thể góc nhìn của tôi cực đoan hơn anh Tiến, hoặc lãng mạn hơn, mơ mộng hơn, nữ tính hơn nhưng dù thế nào, tôi cũng mong mọi người nhìn nó là một tác phẩm độc lập nhưng vẫn giữ được tinh thần tinh túy của truyện ngắn. 

Nhiều người hỏi vì sao tôi theo đuổi dòng phim này, vì sao tôi lại muốn thử sức với vai trò đạo diễn. Tôi không chọn sự an toàn, cuộc sống là những thử thách và trải nghiệm.

Chọn thể loại phim nghệ thuật là một con đường chông gai, nhưng cũng là tạng của mình rồi. Khi thực hiện dự án này, tôi cũng bị áp lực, vì mọi người yêu thương và trông đợi quá nhiều.

Tôi luôn tâm niệm rằng, dù thể loại phim gì, chúng ta cũng phải làm sạch sẽ bởi điện ảnh là nghệ thuật của cái đẹp, dù ta kể một câu chuyện trần trụi, xù xì, bi kịch nhưng cũng vì mục đích giúp con người yêu thương và quý trọng cuộc sống này hơn.

Muốn có điều đó, làm được bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc vào tài năng, khả năng của từng người. Tôi cũng không có gì đặc biệt, xuất chúng, tôi phải chăm chỉ lao động trong nhiều năm.

Không phải sinh ra tôi đã có hoa tay, rồi cứ thế diễn đã hay rồi. Tôi đã đi những bước đầu tiên từ sân khấu, giọng yếu không có hơi, rồi lớn dần qua từng vai diễn. Quan trọng là mình có tinh thần cầu tiến hay không, có nỗ lực cho nghề tốt hơn và khi yêu thực sự thì mình sẽ biết mình cần làm gì.

Với “Đảo của dân ngụ cư”, tôi muốn kể câu chuyện về thời đại mình đang sống. Trong khi điện ảnh mình chưa có điều kiện để làm những bộ phim lớn, tốn tiền, kỹ thuật cao thì hãy kể những câu chuyện đời thường dung dị, xúc động, chạm đến tình cảm của người xem.

Ca sĩ Mỹ Linh: “Chát với Mozart 2”

 Chúng tôi đang thu âm những bài hát cuối cùng của album “Chát với Mozart 2”, đó là một dự án lớn nên không làm nhanh được. Năm nay tôi tham gia viết lời chứ không chỉ có nhạc sĩ Dương Thụ nên album có sự ấm áp của người phụ nữ. “Chát với Mozart 2” không quá cổ điển mà có thiên hướng về nhạc nhẹ, blue-jazz mang tinh thần “chát” hơn.

Ca sĩ Mỹ Linh.

Album này không khác phần 1 nhiều, vẫn là những giai điệu đẹp nhạc sĩ Anh chọn những bài viết cho violon, cây đàn gần với tiếng người nhất. Anh hòa âm lại với tinh thần đương đại để các nghệ sĩ đều có thể thổi dấu ấn cá nhấn của mình vào đó, như kèn của Hồng Kiên, trống của Quốc Bình…

Đó là trí tuệ tập thể. Tôi mong rằng album ra đời sẽ đáp ứng được sự mong chờ của những fan hâm mộ từng nghe phần 1.

Tôi là một người yêu nhạc, hơn nữa, yêu tất cả những gì thuộc về nghệ thuật làm cho con người ta cân bằng lại. Bây giờ, con người ta không được chăm sóc về phần hồn, bị thả nổi và lúng túng.

Khép lại một năm 2016 nhiều biến động và bắt đầu một năm mới, tôi luôn mong cuộc sống an hòa. Và âm nhạc sẽ góp phần quan trọng để giữ được sự an hòa đó trong tâm hồn mỗi con người.

“Đọc sách thật phong cách” với 100 người nổi tiếng

Chiến dịch truyền thông “Đọc sách thật phong cách” được khởi động từ năm 2016 và chính thức ra mắt trong năm 2017. Chiến dịch do nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình khởi xướng.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu.

Đây là chiến dịch đầu tiên ở Việt Nam tập hợp những bức ảnh của 100 nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội cùng thông điệp từ chính họ về ý nghĩa của sách. Mục tiêu của chiến dịch là mang đến một hình ảnh hiện đại và thân thiện của sách, lan tỏa tình yêu đọc sách trong đông đảo công chúng.

Hiện nay, chiến dịch này đã vận động được 40 người nổi tiếng tham gia. Trong đó, đại diện giới trí thức bao gồm nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình, nhà văn Di Li, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nhà văn Phan Ý Yên... Đại diện giới văn hóa giải trí có: diễn viên Diễm My 9x, Á hậu Hoàng My, ca nương Kiều Anh, MC Trác Thúy Miêu, MC Đặng Châu Anh...

Chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” được lấy cảm hứng từ chiến dịch rầm rộ mang tên READ của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) – được thực hiện từ năm 1985 với hơn 200 diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà khoa học và các biểu tượng văn hóa đại chúng của Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác.

Chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” thuộc dự án Cùng đọc sách – chương trình phát triển văn hóa đọc của Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC).

Nhà văn Đinh Phương trên “Chuyến tàu nhật thực”

Sau cuốn tiểu thuyết nặng kí “Nhụy khúc” và tập truyện ngắn “Đợi đến lượt” trong năm qua, trong năm 2017 này, nhà văn trẻ Đinh Phương tiếp tục trình làng cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình - “Chuyến tàu nhật thực”.

Tác phẩm kể về việc theo dõi, truy tìm, mất dấu, xuất hiện, ký ức, giết người, biến mất... của những người trẻ, không cá tính, không niềm tin. Cái mà họ tưởng đã quên là các ký ức thì một lúc nào đó nó lại đột ngột xuất hiện, không báo trước, không cảnh báo.

Lúc ấy, chỉ có hai cách lựa chọn. Một là truy đuổi tận cùng các ký ức đó, dù điều đó đồng nghĩa với việc mở ra nhiều lớp ký ức được bọc kĩ lưỡng hơn, đau đớn hơn.

Hai là từ bỏ, bỏ tất cả hiện tại, bỏ tất cả quá khứ mà trốn chạy, nhưng việc này cũng đầy rủi ro vì không biết chắc lúc nào các ký ức kia lại tràn về, giày vò, lại yêu cầu tìm kiếm, truy bức. Lúc đó, lại mở ra hai lựa chọn: truy đuổi và từ bỏ.

“Chuyến tàu nhật thực” của Đinh Phương giống như một ẩn dụ về cuộc đời. Cuộc sống này vốn là một mê cung của ngẫu nhiên và bất trắc. Trong cuốn tiểu thuyết này, các nhân vật đã lựa chọn tất cả các khả năng.

Nhưng rồi người mắc kẹt trong giấc mơ, người mất hút trong ngõ nhỏ, người bị giết vì được đấng vô hình lựa chọn, người tiếp tục sống với sự nhàm chán thường ngày, người chết đi để linh hồn trở lại thị trấn năm xưa... Tất cả đều chán chường và thèm lắm một giấc mơ cũ phủ bụi xưa.

Hà- Dung
.
.
.