Reheem Sterling và câu chuyện của ngành công nghiệp bóng đá

Thứ Sáu, 29/05/2015, 14:00
Cuối mùa giải, khi mà những chuyến du đấu đầy hấp dẫn chuẩn bị được tiến hành thì làng bóng đá Anh bất ngờ rung động với vụ Liverpool gia hạn hợp đồng với ngôi sao trẻ Raheem Sterling. Đây là câu chuyện rất bình thường, đơn giản chỉ là một bản hợp đồng lao động, nhưng phía sau đó không hề đơn giản như vậy. Thậm chí đây có thể coi là câu chuyện tất yếu của bóng đá Anh đã trở thành ngành công nghiệp.
1. Sau cả tháng trời thương lượng, rốt cuộc người ta đã thấy Sterling chất đồ ra xe. Hình ảnh đó có thể là lời khẳng định cho quyết tâm rời Liverpool của Sterling. Nhưng sự ra đi của ngôi sao mới 20 tuổi này để lại một cảm xúc không hề dễ chịu chút nào. Ban lãnh đạo Liverpool tuyên bố hủy mọi cuộc đàm phán đã được lên lịch, không tiếp xúc với Aidy Ward, người đại diện của Sterling nữa.

Lí do bởi chính ông này đã ra những lời lẽ xúc phạm Liverpool, huyền thoại của CLB này là J.Carragher. Thậm chí, sự cương quyết của Sterling và Ward còn đến từ phát biểu ngạo mạn: "Kể cả Liverpool có trả 900.000 bảng/tuần thì Sterling cũng không ở lại". Đây có thể coi là cách hành xử không thể chấp nhận đối với cầu thủ còn chưa đầy 21 tuổi.

Vậy Sterling là ai mà lại dám "cả gan" từ chối Liverpool như vậy? Đây mới chính là nguồn cơn gây nên sự ức chế từ Liverpool. Cầu thủ này sinh tại Kingston (Jamaica), di cư sang Anh cùng mẹ năm 7 tuổi để tránh môi trường đầy rẫy tội phạm, ma túy hoành hành, và nhanh chóng gia nhập lò đào tạo của CLB Queens Park Rangers (QPR) lúc 10 tuổi.

Sterling, ngôi sao chưa đầy 21 tuổi đã từ chối mức lương 100.000 bảng/tuần.

Có lẽ sự nghiệp của Sterling sẽ chẳng đi đến đâu nếu tiếp tục ở lại QPR, hoặc có chăng cũng chỉ là một cầu thủ hạng trung. Bởi lúc đó, Sterling không được đánh giá cao, ngoại trừ điểm mạnh duy nhất là nhanh nhẹn. Kĩ thuật không tốt, thể hình và thể trạng thậm chí còn bị coi là không đủ để chơi bóng, QPR còn phải có chế độ y tế dành riêng cho Sterling để phát triển thể trạng.

Tuy nhiên, chỉ bằng sự nhanh nhẹn của mình, Sterling đã bất ngờ có được sự thay đổi lớn về môi trường và cơ hội. Đó là năm 2010, khi 16 tuổi, Sterling được Liverpool mua về để tiếp tục đào tạo với giá 600.000 bảng, cộng thêm mức lương được tăng từ… 400 bảng/tuần (ở QPR) lên 2.000 bảng/tuần.

Với gia đình Sterling và cả cá nhân cầu thủ này, đó là một sự phát triển phi thường đến mức không tưởng. Và từ đó, sự nghiệp Sterling nhanh chóng thăng tiến với kĩ năng chơi bóng ngày càng hoàn thiện. 17 tuổi, Sterling đá trận đầu tiên tại giải Ngoại hạng Anh, rồi được coi là thần đồng, rồi được nâng niu, chiều chuộng, lại được thi đấu cho ĐT Anh khi mới 18 tuổi, trở thành trụ cột của Liverpool…

Sterling khi còn thi đấu ở đội trẻ QPR.

Một ngôi sao nổi lên nhanh chóng, lại ở trong môi trường bóng đá Anh đầy mùi kim tiền, với nền báo chí tung hô không tiếc lời, Sterling đứng trên đỉnh cao, bất chấp ai cũng thấy anh thi đấu cá nhân, tham lam và luôn tự đề cao bản thân hơn là phục vụ tập thể.

Chẳng sao cả, Sterling vẫn nâng mức lương của mình từ 2.000 bảng/tuần lên 35.000 bảng/tuần chỉ trong vòng hơn 1 năm thi đấu trong đội hình chính của Liverpool. Và cũng chỉ hơn 1 năm sau, mức lương của Sterling được Liverpool đề nghị tăng lên đến 100.000 bảng/tuần (mức lương hiện tại) và trở thành cầu thủ trẻ nhất nhận mức lương cao như vậy. Nhưng câu trả lời của Sterling là "không".

Cổ động viên (CĐV) Liverpool nói rằng Sterling còn quá trẻ để đưa ra yêu sách, chưa thực sự có thành tích gì, chưa đóng góp được quá nhiều cho Liverpool, nhưng đã quay lưng lại với đội bóng. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó. Và nếu Liverpool đã chấp nhận tham gia cuộc chơi kim tiền với bóng đá Anh, họ cũng phải chấp nhận những "nỗi đau" kiểu như vậy.

2. Trường hợp của Sterling chỉ là biểu trưng cho một môi trường bóng đá mà tiền bạc được đặt lên hàng đầu. Chính các CLB cũng cố gắng để "moi" được càng nhiều tiền từ các ông chủ tỷ phú càng tốt. Thậm chí, họ còn sẵn sàng rút tiền từ ví các CĐV để làm giàu bằng cách tăng giá vé lên gấp đôi trong vòng chưa đầy 7 năm.

Giá vé trung bình của các CLB Anh, trong đó dĩ nhiên có Liverpool cao gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần so với giá vé đồng hạng của một CLB Đức. Giá vé quá cao đến mức các CĐV ở Anh đã nhiều lần biểu tình phản đối, họ giăng biểu ngữ trên các SVĐ gây sức ép đòi CLB giảm giá nhưng bất thành.

Chính vì môi trường như vậy nên các cầu thủ được coi là ngôi sao luôn gây sức ép về tiền lương với CLB của mình. Wayne Rooney, ngôi sao của Man Utd đã từng 3 lần tuyên bố rời đội bóng hòng thay đổi số tiền lương trong hợp đồng. Đồng nghĩa, Rooney đã có 3 lần được tăng lương, và trong vòng 10 năm qua mức lương của Rooney ở Man Utd tăng từ 50.000 bảng/tuần bây giờ lên tới 300.000 bảng/tuần.

Sterling (phải) thất bại toàn diện trước Nanetti tại đội trẻ QPR.

Trong tất cả những lần dọa bỏ đội để tăng lương, Rooney đối đầu trực tiếp với HLV Alex Ferguson. Và cách thỏa hiệp của Sir Alex cũng rất khác so với tính cách của ông: thương lượng, nhún nhường và cuối cùng là chấp nhận. Tuy nhiên, có điều là Rooney đương nhiên là ngôi sao lớn. Còn Sterling chỉ mới hơn 20 tuổi, và đó là lí do tại sao Liverpool cương quyết không đàm phán và sẵn sàng để Sterling ra đi nếu không đồng ý kí hợp đồng có mức lương 100.000 bảng/tuần.

Hàng loạt trường hợp gây áp lực đòi tăng lương mà có thể kể ra không hết, nhưng có điều là, báo chí Anh đã thống kê rằng, trong số 200 bản hợp đồng được tăng lương trước thời hạn có sự đòi hỏi từ phía cầu thủ thì có tới 176 bản hợp đồng được CLB chấp nhận. Điều đó có nghĩa cầu thủ yêu cầu thế nào, CLB lập tức sẽ đáp ứng với tiêu chí: tiền không quan trọng.

Có rất hiếm trường hợp khúc mắc khiến cầu thủ phải bỏ CLB. Chỉ có một vài ví dụ và nó nằm phần lớn ở Arsenal, đội bóng được coi là "keo kiệt" nhất ở Anh. Có thể kể đến vụ Nasri bỏ Arsenal để chạy theo mức lương cao gấp rưỡi ở Man City, hay việc tiền đạo Adebayor công khai chê bai Arsenal, sang Man City hưởng mức lương 150.000 bảng/tuần (cao gần gấp đôi), sau khi yêu cầu tăng lương bất thành.

Không chỉ ở Anh, mà tại bất kì nền bóng đá giàu có nào, chuyện kiểu như của Sterling đều không hiếm. Thậm chí nó phổ biến như một trào lưu mà ở đó các CLB dường như cần ngôi sao hơn là ngôi sao cần CLB. Điều đó hoàn toàn logic nếu nhìn vào sự phát triển đầy ảo giác của bóng đá châu Âu. Sự ganh đua của các CLB rất lớn, tạo ra sự bùng nổ về phí chuyển nhượng và bùng phát tiền lương.

Sự nguy hiểm đó đến ở các đội bóng danh tiếng, khiến họ lao đao về tiền. Các CLB Anh nhìn có vẻ hào nhoáng, nhưng thực tế họ nhận nguồn tiền từ túi các tỷ phú đỡ đầu. Chỉ tính riêng chi phí tiền lương cầu thủ trung bình ở giải Ngoại hạng Anh đã chiếm trên 80% tổng số doanh thu của CLB, lên hàng tỷ bảng mỗi năm.

Đó được coi là con số khủng khiếp có thể giết chết bất kì đội bóng nào. Đó cũng là lí do giải thích khoảng cách quá lớn của bóng Anh và cả châu Âu đang tồn tại nhức nhối, khiến UEFA phải đưa ra luật "công bằng tài chính" để ngăn ngừa mua ngôi sao vô tội vạ bằng tiền và chi phí trả lương.

3. Mà cũng chẳng phải chỉ có bóng đá Anh mới xảy ra những chuyện đòi hỏi tiền bạc kiểu như Sterling. Có chăng ở Anh, các cầu thủ đòi hỏi công khai hơn, trắng trợn hơn và thẳng thắn hơn mà thôi. Trường hợp Mario Goetze rời Dortmund để sang Bayern Munich hồi năm 2013 cũng được coi là "vì tiền". Các CĐV đã công kích Goetze tơi tả, chỉ trong vòng 5 phút sau khi thông tin được công bố, đã có gần 10.000 lượt CĐV tấn công Goetze trên trang cá nhân của cầu thủ này.

Ngay đến C.Ronaldo hay Messi cũng đều có những động thái, cách ứng xử để "đánh động" đòi tăng lương và đều được thỏa mãn. Vậy thì chuyện một ngôi sao nào đó "làm trò" để tăng thu nhập thì cũng nên được coi là chuyện bình thường. Chỉ có điều Sterling còn quá trẻ và chưa có quá nhiều thành tích, dấu ấn để gây scandal như thế. Tuy nhiên, ở làng bóng đá Anh thì đó lại là cơ hội để những đội bóng lắm tiền nhiều của tăng cường lực lượng, bất chấp rủi ro.

Bất kì ai cũng biết những trường hợp thất bại nặng nề vì trả lương cao cho một cầu thủ ngôi sao mà không biết họ có đáp ứng được không, như vụ Adebayor ở Man City hay chính Liverpool mua A.Carroll (mất tổng cộng gần 50 triệu bảng cả phí chuyển nhượng lẫn lương), hay vụ mua Balotelli đình đám mà Liverpool thực hiện với giá lên đến 19 triệu bảng (cả phí chuyển nhượng và lương) để rồi cả mùa giải anh này chỉ có 1 bàn tại Premier League.

Như vậy, hãy coi chuyện Sterling "làm nũng" đòi đi với tuyên bố "900.000 bảng/tuần cũng không kí" là tất yếu trong một giải đấu kim tiền. Hoặc nếu phải buộc tội thì hãy coi Sterling là kẻ quay lưng lại với đội bóng trong giai đoạn khó khăn, để tìm một nơi mới có nhiều vinh quang hơn.

Sự thật về Sterling

Trong cuốn tự truyện của Michael Calvin, "The Men Nowhere", Sterling đã từng thể hiện kĩ năng trên sân cỏ ở vườn sau của ngôi nhà của Tim Sherwood (sau này là HLV Tottenham và giờ là HLV của Aston Villa). Khi Sterling đã thất bại hoàn toàn và không được Tottenham nhận.

Thậm chí lúc đó QPR đã chấp nhận bán Sterling với giá 200.000 bảng nhưng Tottenham từ chối vì không thấy tiềm năng ở cầu thủ này. Rồi CLB Fulham cũng định mua Sterling nhưng sau một thời gian, họ cũng từ chối nốt trước khi Liverpool vào cuộc. Sau đó, Chris Nanetti, một đồng đội tại đội trẻ QPR đã thắng Sterling trong một cuộc thi ở trung tâm đào tạo Harlington của CLB QPR.

Điều đáng nói là mặc dù Nanetti được đánh giá rất cao, hơn hẳn Sterling nhưng rốt cuộc thì cầu thủ này bây giờ phải thi đấu cho CLB nghiệp dư Dover Athletic và công việc chính là bồi bàn.

Lê Giang
.
.
.