World Cup - Chi nhiều, lãi lớn?

Nặng vốn hạ tầng và an ninh - Kỳ 1

Chủ Nhật, 01/07/2018, 10:47
Chi phí đăng cai FIFA World Cup của các nước chủ nhà liên tục tăng chóng mặt qua các kỳ. Chỉ trong vòng 20 năm, chi phí này đã tăng gấp 10 lần từ khoảng 1,4 tỷ USD tại Pháp năm 1998 lên gần 14 tỷ USD ở Nga năm nay. Chi nhiều, nhưng các nước chủ nhà cũng hy vọng sẽ thu về lợi lớn tương xứng.


Theo tính toán của giới chuyên môn, nước Nga đã chi khoảng 14 tỷ USD, tức 1% GDP cho mùa World Cup 2018 năm nay. Chi phí này gồm việc cải tạo và xây mới các sân vận động, khách sạn, đường sá và quảng bá, chưa tính công tác bảo đảm an ninh

12 sân bóng, 27 khách sạn

Cho đến nay, Nga cho biết đã chi hơn 4 tỷ USD (tương đương 91.200 tỷ VNĐ) cho 12 sân vận động (SVĐ). Thủ đô Moskva có 2 sân, gồm SVĐ quốc gia Luzhniki và sân Otkrytiye Arena của đội bóng đá Spartak Moskva, trong đó sân Luzhniki được nâng cấp lên 81.000 chỗ ngồi, trở thành SVĐ lớn nhất, là nơi diễn ra các trận đấu quan trọng của giải, trong đó có khai mạc và trận chung kết, còn sân Otkrytiye Arena đang được đội bóng Spartak sử dụng với 45.360 chỗ ngồi, chỉ sửa sang lại chút đỉnh. 

SVĐ xây lâu nhất, đắt đỏ nhất và sáng tạo nhất của nước Nga thuộc về Saint Petersburg. Công trình này bắt đầu xây dựng từ năm 2005 đến 2017 với kinh phí hơn 700 triệu USD (khoảng 16 nghìn tỷ VNĐ), được thiết kế như con tàu vũ trụ, mái có thể thu vào tự động với trên 68.000 chỗ ngồi.

Ngoài ra, Moskva còn chi bạo để xây gần 30 khách sạn phục vụ World Cup. Ngày 30-4, Phó Thị trưởng Moskva phụ trách về phát triển đô thị và xây dựng Marat Khusnullin tuyên bố: “Kể từ thời điểm công bố về việc chuẩn bị cho World Cup 2018 vào năm 2014, đến nay Moskva đã xây dựng 27 khách sạn với 5.000 phòng. Trong thành phố đã bổ sung thêm lượng lớn các số phòng khách sạn để đáp ứng nhu cầu cao của khách du lịch mùa World Cup”.

Từ trước đó, Nga đã ngăn chặn việc tăng giá phòng khách sạn mùa World Cup. Các khách sạn, motel không đạt tiêu chuẩn trong việc đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú sẽ bị phạt. 

Theo Hãng thông tấn TASS, Cơ quan Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng của Nga (Rospotrebnadzor) cho biết sau các đợt kiểm tra đồng loạt đã phát hiện tổng cộng 591 trường hợp tăng giá phòng khách sạn, 135 khách sạn không đạt tiêu chuẩn tại các thành phố đăng cai tổ chức các trận đấu World Cup 2018, và phạt những trường hợp vi phạm trên với tổng mức phạt gần 6 triệu rúp (khoảng 97.800USD).

Nâng cấp đường sá

Mặc dù có hệ thống tàu điện ngầm nối các thành phố với nhau và hệ thống sân bay vô cùng hiện đại, nhưng song song với việc xây dựng SVĐ Nga còn không ngừng nâng cấp lại hệ thống giao thông đường bộ nhằm kết nối các điểm thi đấu lại với nhau để người xem khi cần có thể di chuyển dễ dàng hơn. 

Khoảng cách trung bình giữa các thành phố đăng cai World Cup tại Nga năm nay là 400 dặm, trong khi giữa Yekaterinburg và Kaliningrad, các thành phố cực Tây và cực Đông, khoảng cách là 2.000 dặm. Chính quyền Nga và các chuyên gia vận tải nói khoảng cách như vậy đòi hỏi một cách tiếp cận đặc biệt để tổ chức vận chuyển cho giải đấu.

Chính phủ Nga phân bổ khoảng 5 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Do cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong nước, tổng số tiền cuối cùng đã giảm gần gấp 3 lần. Chỉ riêng năm 2016 ngân sách đã bị cắt giảm 2 lần: Trong tháng 6, chi phí khách sạn đã bị cắt giảm 30 triệu rúp (450.000USD), trong khi vào tháng 8 thêm 150 tỷ rúp (1.350.000USD) đã bị cắt giảm từ ngân sách ban đầu. Một trong những việc cắt giảm mạnh nhất là một tháp truyền hình cao 240m được xây dựng ở Samara.

Tuy nhiên, ngân sách dành cho giao thông ít bị cắt giảm. Số tiền này sẽ được dành cho việc tái thiết và xây dựng hơn 100 địa điểm và phương tiện giao thông, với cơ sở hạ tầng sân bay và mạng lưới đường bộ là những ưu tiên hàng đầu. 

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga Nikolai Asaul, chính quyền liên bang và địa phương đã phát triển các giải pháp hậu cần dựa trên ước tính lưu lượng hành khách. Sân bay Pulkovo ở St. Petersburg đã được xây dựng lại và một nhà ga mới đã được thêm vào Sân bay Quốc tế Kurumoch của Samara. Việc xây dựng lại sân bay của St. Petersburg mất 3 năm. 

Ban đầu có kế hoạch kết nối sân bay Pulkovo với trung tâm thành phố bằng một đường xe điện đường sắt nhẹ, nhưng do cuộc khủng hoảng kinh tế, chính quyền địa phương đã từ bỏ ý tưởng này. Người hâm mộ sẽ được chuyển đến thành phố bằng xe buýt với các tuyến đường đặc biệt.

Trong khi đó, chính quyền khu vực đã xây dựng đường cho World Cup để cải thiện kết nối giữa các khu vực thành phố. Theo Thống đốc Yevgeny Kuibashev của Yekaterinburg, Moskva đã phân bổ 1,5 tỷ rúp (22,5 triệu USD) để hoàn thành một đường vành đai ở Yekaterinburg đã được bắt đầu cách đây hơn 20 năm, vào năm 1994.

Tận dụng giao thông công cộng

Theo Konstantin Trofimenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Giao thông đô thị Trường cao đẳng Kinh tế Moskva, người hâm mộ sẽ được đưa đến các thành phố chủ nhà bằng phương tiện công cộng và xe buýt đưa đón. 

"Trong các thành phố lớn có tàu điện ngầm, như Moskva, St. Petersburg và Kazan, người hâm mộ (50.000-80.000 người) sẽ thống nhất với dòng hành khách, trong khi ở các thành phố khác họ sẽ sử dụng xe buýt", Trofimenko nói.

Tuy nhiên, việc vận chuyển người hâm mộ từ thành phố này sang thành phố khác sẽ yêu cầu các giải pháp gốc từ Nga, do lịch thi đấu dày đặc và khoảng cách dài giữa các điểm. "Trong 18 giờ cách biệt giữa các trận đấu, việc vận chuyển người hâm mộ sẽ được miễn phí", ông Trofimenko nói. 

Tuy nhiên, rõ ràng là giao thông giữa các thành phố sẽ được cung cấp bằng phương tiện xe buýt, xe lửa và máy bay. Ở đây, Nga có thể áp dụng kinh nghiệm của Brazil, trong đó người hâm mộ đi lại giữa các thành phố miễn phí.

Tại World Cup 2018, người khuyết tật sẽ được cung cấp thiết bị điện tử để có thể “nghe được tường thuật chi tiết cầu thủ nào dùng chân trái hay phải để sút bóng". Ngoài ra, rất nhiều tình nguyện viên hỗ trợ người khuyết tật được đào tạo với mục tiêu “ai cũng có thể đến xem bóng đá”.

Lo ngại an ninh

Ước tính chi phí cho World Cup vào khoảng 14 tỷ USD, nhưng theo Forbes, con số thực tế có thể gấp đôi, lý do là  Moskva sẽ phải chi mạnh cho an ninh, nhưng con số chi phí này không được tính hết. Kể từ khi Nga tham gia cuộc chiến ở Syria, nước này đã trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố như IS, Al-Qaeda ở Syria, Arhar al Sham và quân đội Hồi giáo, hay bị đe dọa từ các phần tử ly khai Chechen và những người Takfiri (những người theo đạo Hồi cuồng tín) có hộ chiếu Nga.

Khoảng 2.400 người Nga - chủ yếu đến từ các vùng Chechnya và Dagestan, khu vực Hồi giáo chủ yếu của Nga - đang chiến đấu cho IS ở Syria, theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). Việc những người này trở về Nga là một mối đe dọa lớn cho Điện Kremlin. Và World Cup sẽ là một mục tiêu chính cho những kẻ khủng bố. Sự căng thẳng chính trị của Nga với khối các nước phương Tây và Mỹ khiến nguy cơ này trở nên lớn hơn.

Ngoài ra, World Cup tại Nga còn đối mặt với nguy cơ cổ động viên quá khích (hooligan). Trên thực tế, hooligan là một trong những mối quan tâm chính của vòng chung kết World Cup đang diễn ra. Vì vậy, tất cả khán giả đến sân đều phải nộp đơn đăng ký “FAN ID” theo yêu cầu của Chính phủ Nga. Thủ tục này nhằm đảm bảo những người có liên quan đến các nhóm khán giả thường xuyên có các hành động bạo lực, côn đồ, phá hoại xung quanh các trận đấu bóng đá sẽ không thể vào các sân.

(Còn tiếp)

Văn Cường
.
.
.