Nền bóng đá bị "quỷ ám"

Thứ Năm, 14/08/2014, 14:30

Gần 20 năm nay, đôi chân của nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam như bị "quỷ ám". Đã có lúc bóng đá Việt Nam tưởng như đoạn tuyệt được hoàn toàn với tiêu cực để rũ bùn đứng dậy nhưng rồi vẫn có những "con quỷ" ngủ yên, nằm chờ ngay trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam và chỉ đợi thời cơ để thức giấc. Cho đến khi nào những bí mật khủng khiếp của quá khứ chưa được giải mã và chưa có một hành lang pháp lý cho hoạt động cá cược thể thao thì nền bóng đá này còn bị quỷ ám.

Những bộ mặt quỷ trong hình hài lương thiện

Hai vụ tiêu cực gần đây nhất khi bị vỡ lở đều khiến dư luận ngỡ ngàng, không phải bởi mức độ và tính chất của nó mà vì những người chủ trò. Đó đều là những cầu thủ mẫu mực trên sân bóng lẫn trong cuộc sống. Họ được người hâm mộ tin yêu, còn gia đình và người thân thì tự hào.

Không ai nghĩ một Trần Mạnh Dũng lại có thể là người rủ rê các đồng đội chủ động làm độ. Một tuyển thủ quốc gia, một cầu thủ ghi bàn vào lưới Arsenal hơn một năm trước giờ đây sắp đứng trước vành móng ngựa và gần như không còn cơ hội nào để quay trở lại sân cỏ. Cũng không ai ngờ một Phạm Hữu Phát, người đội trưởng gương mẫu của đội Đồng Nai, một cầu thủ cần mẫn và hiền lành lại cũng là chủ mưu trong vụ bán độ vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) phanh phui.

Có lẽ chúng ta vẫn biết quá ít về đời sống phía sau sân cỏ của các cầu thủ, những mảng tối mãi nằm trong vòng bí mật ấy được các cầu thủ giấu kín tới mức nếu không có một quá trình theo dõi lâu dài của cơ quan công an thì khó mà phát hiện được. Nhưng dư luận vẫn buộc phải đặt ra câu hỏi: "Tại sao những bộ mặt quỷ vẫn nương náu bên trong những đôi chân tử tế?". Nếu nhìn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ có thể thấy một nghịch lý chung - cầu thủ càng "ngoan" lại càng dễ sa ngã.

Văn Quyến cho đến trước khi dính vào vụ bán độ ở SEA Games 23 cũng được gọi là "Cậu bé vàng" của bóng đá Việt Nam, một cậu bé chơi bóng chân chất, đầy đam mê và hiếu thảo với mẹ. Quốc Vượng từ vai trò của một nhạc trưởng dẫn dắt lối chơi trên sân đã trở thành một tội đồ kết liễu tương lai xán lạn của chính mình, của một thế hệ tài năng và niềm tin, niềm hy vọng của nền bóng đá. Thế nên cũng không cần phải quá bất ngờ về những cầu thủ đang từng ngày từng giờ huỷ hoại giấc mơ trở thành một nền bóng đá nhà nghề bởi thực ra mà nói chúng ta đang không biết cầu thủ nghĩ gì và cũng không có cơ chế để giám sát xem họ làm gì.

Ám ảnh từ 16 năm trước

Vết nhơ từ vụ bán độ ở tuyển U23 Quốc gia tại SEA Games 23 năm 2005 là khoảnh khắc đen tối của bóng đá Việt Nam. Ở đó, lòng tự trọng của người Việt Nam bị tổn thương khi những người khoác trên mình màu cờ sắc áo quốc gia sẵn sàng bán rẻ danh dự Tổ quốc. Nhưng dù sao thì những cầu thủ nhúng chàm cũng đã bị trừng trị đích đáng, bản án năm nào vẫn cứ đeo đẳng họ đến hiện tại. Quốc Vượng là một ví dụ. Bây giờ, Vượng làm một công việc bình thường của anh công nhân bốc xếp cho một hãng xe ở Vinh. Đó là công việc giúp Vượng học được bài học về sức lao động và đồng tiền.

Phạm Hữu Phát, cầu thủ được coi là "thánh thiện" cho đến trước khi bị phát hiện dính đến tiêu cực, dàn xếp tỉ số.

Những phiên toà bóng đá khiến người ta đau xót nhưng rồi nỗi đau cũng qua, ngay cả với người trong cuộc lẫn người hâm mộ. Nếu như Quốc Vượng không thể trở lại được với sân cỏ dù được tạo điều kiện thì vẫn có những cầu thủ như Quốc Anh, nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 7 năm sau khi đứng trước vành móng ngựa của một phiên toà bóng đá.

Điều ám ảnh sợ hãi hơn là những "bản án" không bao giờ được tuyên, những bí mật kinh hoàng được đào sâu chôn chặt vẫn cứ đeo đẳng nền bóng đá này như một nghiệp chướng. Khi nói về những vụ tiêu cực, dàn xếp tỉ số chấn động xảy ra gần đây, ông Phạm Ngọc Viễn, người đã trải qua rất nhiều cương vị quản lý bóng đá từ Tổng thư kí đến Phó chủ tịch rồi giờ đây là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VPF đã nói rằng: "Nếu không có tiêu cực, bóng đá Việt Nam phải vô địch ĐNÁ sớm 10 năm". Có lẽ ông Viễn trong một giây phút quá thất vọng, quá sốc cũng chỉ buột miệng nói ra điều này bởi trong câu nói ấy của ông ai cũng hiểu chẳng khác nào một sự khẳng định về chuyện thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam trong thập kỉ 90 của thế kỉ 20 đã có tiêu cực trong trận chung kết Tiger cup năm 1998 trên sân Hàng Đẫy.

Người trong nghề đã biết và vẫn nói về nghi án ấy từ rất lâu nhưng nó đã là một quá khứ được chôn giấu. Cũng chẳng ai muốn bắn một phát đạn vào quá khứ để rồi nhận lấy khẩu đại bác từ tương lai. Nếu thế hệ sau này phán xét giai đoạn hiên tại với đầy những bê bối, scandal của bóng đá Việt Nam thì có lẽ không chỉ có các cầu thủ dính chàm mà cả những nhà quản lý nền bóng đá này cũng phải nhận tiếng xấu muôn đời. Bóng đá Việt Nam đã sống trong ám ảnh bán độ, dàn xếp tỉ số gần hai thập kỉ. Đó là quãng thời gian mà một nền bóng đá đã tự chuyển đổi từ bóng đá bao cấp sang bóng đá doanh nghiệp nhưng thời nào cũng có những bộ phận cầu thủ bán mình cho quỷ. Đó là nỗi đau chung của cả xã hội.

Chờ chủ tịch VFF hành động

Mức độ tiêu cực của bóng đá Việt Nam đã ở vào giai đoạn mà ai đó đưa ra bất cứ nguyên nhân nào để lý giải cho tình trạng này cũng đều chính xác. Nghĩa là bóng đá nước nhà ở khâu nào cũng có vấn đề, từ thượng tầng kiến trúc là VFF đến hạ tầng cơ sở là các đội bóng, các CLB.

Những bản án răn đe chưa đủ nghiêm khắc, VFF và các đội bóng buông việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cầu thủ mà chỉ chăm lo cho đôi chân, môi trường xã hội xung quanh cầu thủ có quá nhiều cạm bẫy… Tất cả đều đúng nhưng nó cũng nói lên một thực tế - riêng VFF không thể đủ sức để thay đổi thực trạng. Cơ quan công an đã vào cuộc và sẽ còn đánh án tiêu cực bóng đá mạnh hơn nữa để làm trong sạch môi trường nhưng nên nhớ rằng ngay cả lúc bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh Đông Nam Á và mọi người gần như đã quên bẵng là tiêu cực từng tồn tại thì nó vẫn âm ỉ sống, âm ỉ "ám" các đôi chân cầu thủ. Chắc chắn vụ tiêu cực ở hai CLB Ninh Bình và Đồng Nai không phải là những vụ đầu tiên và cũng không phải là lần đầu các cầu thủ dính chàm. Và có thể cũng vẫn còn những phần chìm của tảng băng dàn xếp tỉ số ở sân chơi V-League chưa bao giờ được công khai.

Những tuyên bố rầm rộ theo kiểu "thẳng tay loại bỏ các cầu thủ dính đến tiêu cực khỏi nền bóng đá", "đập đi xây lại"… thực ra chỉ là nói cho sướng miệng bởi những tuyên bố ấy kể cả có thành sự thật cũng không giúp được gì để cải tạo tình trạng hiện nay. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là người rất dị ứng với tiêu cực nên có thể hiểu các tuyên bố mạnh mẽ của ông là một lời tuyên chiến. Ông Dũng nói không có "vùng cấm" trong loại trừ tiêu cực nhưng VFF từ trước tới nay luôn đi chậm hơn tiêu cực một bước. Bây giờ ông chủ tịch VFF muốn vượt lên nắm thế chủ động thì có lẽ không chỉ tuyên bố, không chỉ khẳng định quyết tâm là xong, mà có rất nhiều công việc phải làm, từ xây lại hệ thống đào tạo trẻ, giáo dục văn hoá song hành với đôi chân và cần nhất là ngay trong nội bộ VFF cũng phải tuyên chiến với những yếu kém, lỗi thời.

Gấp rút hợp pháp hoá cá cược

Vấn đề cá độ, dàn xếp tỉ số giờ đây không chỉ còn là một vấn nạn với bóng đá. Đây là câu chuyện của một hiện tượng xã hội chưa được giải quyết. Ở các nước phát triển, hành lang pháp lý cho hoạt động cá cược thể thao đã có từ lâu. Đó được coi là một hình thức giải trí, xổ số được nhà nước thừa nhận và có luật điều chỉnh rất rõ ràng. Với Việt Nam, các cơ quan hữu trách cũng đang xây dựng Đề án cá cược thể thao nhưng vướng mắc ở chỗ còn quá nhiều vấn đề nhạy cảm và những ý kiến trái chiều chưa được giải quyết, thống nhất. Dù vậy, hiện tượng tiêu cực, cá độ ở mức đáng báo động như C45 đã thông báo là phổ biến trong toàn quốc sẽ thúc giục những nhà làm luật phải sớm có khung pháp lý cho hoạt động này. Người dân sẽ được hưởng lợi, bóng đá quốc nội cũng sẽ giảm căng thẳng khi không còn bị coi là mảnh đất màu mỡ để "làm độ". Nếu cứ vì khó, nhạy cảm mà không làm thì nền bóng đá này sẽ còn chịu cảnh "quỷ ám" rất lâu nữa.

P. Ngọc

Hải Minh
.
.
.