Nếu Sài Gòn FC được đổi tên…

Thứ Tư, 09/05/2012, 15:20

…thì Bóng đá Việt Nam sẽ được chứng kiến một vụ "phép vua thua lệ làng" ngoạn mục. Một vụ việc mà có thể quyền lực của các ông bầu sẽ bị nhìn nhận là đã được sử dụng như  "bất chấp luật pháp", và sự phát triển căn cơ, bền vững của BĐVN - yếu tố căn cốt trong sự phát triển nói chung của bóng đá chuyên nghiệp sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Rốt cuộc, có bao nhiêu phần trăm khả năng Sài Gòn FC có thể được đổi tên, ngay trong mùa giải năm nay?

VFF không đồng ý

Trải qua 13 trận lượt đi V.League 2012 với cái tên "Sài Gòn - FC", đùng một cái, người đứng đầu đội bóng này - Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy gửi công văn lên VFF đề nghị đổi tên đội bóng thành "Sài Gòn.Xuân Thành". Lý do ông Thụy đưa ra là: "Cái tên Sài Gòn FC là cái tên mang tính địa phương thuần túy, nên rất khó kêu gọi tài trợ. Nhưng một khi gắn tên doanh nghiệp vào cái tên mang tính địa phương ấy thì việc kêu gọi tài trợ sẽ dễ hơn, và đội bóng qua đó sẽ có nhiều tiền hơn".

Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là phải nói đến "tiền", bởi đơn giản là nếu không có tiền bạn sẽ không thể mua cầu thủ giỏi, HLV giỏi, thậm chí mua cả những "chủ tịch danh dự" giỏi "CĐV danh dự giỏi" để phát triển đội bóng ở cả phương diện chuyên môn lẫn phương diện hình ảnh. Thế nên cái lập luận "vì tiền mà phải đổi tên" của bầu Thụy thoạt nghe có thể hơi sượng (hiểu theo nghĩa sống sượng) và hơi sốc (hiểu theo nghĩa sốc nổi) nhưng thực chất lại phản ánh một thực tế…rất chuyên nghiệp của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Có lẽ vì thấu hiểu điều này nên khi tiếp nhận công văn của bầu Thụy, đã có quan chức VFF ủng hộ hết mình. Vị quan chức này thậm chí còn dẫn lại trường hợp của CLB Nam Định tại V.League vài năm về trước - một đội bóng mà ở giai đoạn lượt đi đã thi đấu với cái tên "Nam Định" thuần tính địa phương, nhưng đến giai đoạn lượt về lại thi đấu với cái tên "Mikado Nam Định" vì đã trót nhận tiền tài  trợ của Mikado.

Sau khi dẫn lại câu chuyện này, quan chức VFF nói trên đã hỏi thẳng những thành viên trụ cột trong ngôi nhà VFF: "Một khi Nam Định được thay đổi thì tại sao Sài Gòn FC bây giờ lại không?". Tuy nhiên câu hỏi mang tính "ủng hộ tuyệt đối Sài Gòn FC" đã lập tức bị một quan chức VFF khác bụp lại: "Nếu chúng ta đã làm những việc sai thì nhất thiết phải sửa cái sai, chứ không thể lý luận theo kiểu vì trước đây chúng ta đã sai nên bây giờ vẫn có quyền…được sai như trước".

Bầu Thụy xin đổi tên đội bóng.
Thực ra thì qui chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không cho phép một đội bóng được đổi tên ngay trong mùa giải. Sự thay đổi (nếu có) cũng chỉ được thực hiện khi một mùa giải cũ đã chính thức kết thúc, và một mùa giải mới chuẩn bị bắt đầu.

Thế nên về lý mà nói, việc CLB Nam Định từng được các cựu quan chức VFF lách luật cho "đổi tên giữa dòng" là một việc sai lè, và việc ai đó, vì một lý do tế nhị nào đó mà cứ vin vào cái "sai lè" trong quá khứ để ủng hộ một thứ "sai lè" trong hiện tại cũng đã sai ngay từ bước tư duy đầu tiên. Sau một hồi tranh luận gay gắt, tất cả các nhân vật có tiếng nói ở VFF đều không thể không thừa nhận thực tiễn này. Thế nên ngay sau đó một công văn phát đi từ đường Lê Quang Đạo - Hà Nội (trụ sở VFF) khẳng định việc không cho phép Sài Gòn FC được đổi tên như đề xuất của bầu Thụy.

Nhưng VPF lại bảo phải…cân nhắc lại

Chuyện Sài Gòn FC không thể được đổi tên những tưởng đã chấm dứt thì trong cuộc gặp gỡ báo chí cách đây ít hôm, PCT VPF Nguyễn Đức Kiên lại bất ngờ thổ lộ: "Trưa nay tôi vừa nói chuyện với anh Thụy, và tôi nghĩ VPF sẽ đề xuất VFF cân nhắc lại vấn đề này". Lý do ông Kiên đưa ra là hiện tại, nhiều đội bóng Việt Nam đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ. Nếu chỉ vì không thể đổi tên một đội bóng, qua đó không thể kêu gọi tài trợ như mong muốn mà một ông bầu phải giã từ bóng đá thì đấy là một điều vô cùng đáng tiếc.

Ông Kiên còn "cẩn thận" cho biết bầu Thụy là một người rất yêu bóng đá, và ở thời điểm hiện tại, BĐVN không nên để mất những ông bầu như thế. Một khi bầu Kiên - một trong những ông bầu có quyền lực tối cao trong HĐQT VPF, và cũng là một trong những ông bầu có tầm ảnh hưởng tiên quyết nhất trong đời sống bóng đá Việt Nam hiện tại đã nói như thế thì khả năng Sài Gòn FC được đổi tên rất có thể sẽ xảy ra.

Và nếu quả đúng nó xảy ra thì rõ ràng là qui chế, luật lệ của một cuộc chơi đã bị "chào thua" theo kiểu "phép vua còn thua lệ làng". Trong một cuộc trò chuyện gần đây với chúng tôi, HLV cựu trào Vương Tiến Dũng đã bày tỏ rất thẳng thắn rằng: "Nếu các ông bầu cứ dựa vào quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình để vi phạm qui chế, dù chỉ một lần thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bởi một lần ấy có thể chính là tiền đề cho những vi phạm lần sau. Và nếu cứ như vậy thì tinh thần "thượng tôn luật pháp" trong các hoạt động bóng đá có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào".

Cũng trong câu chuyện này, một chuyên gia bóng đá cựu trào khác (đề nghị giấu tên) lại nhìn nhận theo hướng: "Nếu bảo Sài Gòn FC cần thêm tiền để phát triển đội bóng thì đâu cứ phải tìm đến giải pháp đổi tên vừa phi luật, vừa khiến người ta dị nghị về quyền lực của các ông bầu. Mới đây, tôi nghe nói sau khi có được quyền khai thác bản quyền truyền hình V.League, VPF tự tin cam kết sẽ mang về cho BĐVN không dưới 50 tỷ đồng/ năm. VPF hoàn toàn có thể trích một phần nhỏ trong số đó để hỗ trợ những đội bóng cần phải hỗ trợ kia mà".

Như vậy là đã rõ, nếu VPF kiến nghị lên VFF và bằng một cách nào đó tác động vào VFF để Sài Gòn FC có thể được đổi tên thành "Sài Gòn.Xuân Thành" ngay trong mùa giải này thì đấy vừa là một hành động khiến cho "phép vua phải thua lệ làng" một cách đáng lên án, vừa khiến cho VPF đánh mất đi những thiện cảm mà một bộ phận không nhỏ những người hâm mộ BĐVN đang dành cho mình.

Đi tìm sự ổn định

Sẽ là không thừa nếu nhắc lại rằng bầu Thụy trước đây đã đổ tiền vào bóng đá Hà Tĩnh với quyết tâm đưa Hà Tĩnh có ngày lên chơi chuyên nghiệp. Nhưng sau một mùa giải thất bại với Hà Tĩnh, ông Thụy đã bỏ tiền mua lại suất chơi hạng Nhất của "Hoà Phát V&V" trước khi mang đội bóng vào TP HCM rồi vẽ ra cái tên mới là "Sài Gòn.Xuân Thành".

PCT VFF Nguyễn Lân Trung nói "không được".

Có tiền, có cầu thủ giỏi Sài Gòn Xuân Thành làm mưa làm gió ở giải hạng Nhất, nên dễ dàng lên hạng, và sau khi đã lên hạng thì cái tên "Sài Gòn Xuân Thành" được thay bằng "Sài Gòn FC" mà theo giải thích của chính bầu Thụy thời điểm đó thì "thay đổi như thế để đội bóng mang chất Sài Gòn hơn, qua đó kéo người hâm mộ tới sân đông đảo hơn". Bây giờ, khi cái tên Sài Gòn FC mới chỉ tồn tại qua 13 vòng đấu thì ông Thụy lại muốn quay lại cái tên cũ "Sài Gòn Xuân Thành", và cứ với cái đà này không loại trừ khả năng đội bóng của ông sẽ còn thay tên  A, tên B, tên C, tên D… thêm nhiều lần nữa (?).

Thế nhưng nhìn lại BĐVN trong ròng rã 10 năm tập tành làm chuyên nghiệp, có thể nói Sài Gòn FC chỉ là một trường hợp điển hình, chứ không phải trường hợp duy nhất cho cái việc thay tên đổi họ như thay áo. Mà cũng chẳng riêng gì các đội bóng, ngay cả cuộc chơi V.League  nói chung cũng liên tục thay đổi tên họ theo sự thay đổi của các nhà tài trợ như: "Kinh Đô V.League", "Sting V.League", "Eximbank V.League…".

Mới đây, trong chương trình "Hai mặt V.League", các BTV thể thao của kênh truyền hình AVG đã phát hiện ra một chi tiết rất đáng suy ngẫm rằng, không chỉ thay tên tuổi, mà ngay cả biểu tượng V.League - cái tưởng chừng phải ổn định nhất, vĩnh cửu nhất trên thực tế cũng thay đổi không ngừng qua mỗi mùa giải. 

Trong các nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa, một đội bóng hay một giải đấu có thể thay đổi các nhà tài trợ thường xuyên. Và thực tế thì tên các nhà tài trợ đôi khi vẫn được gắn vào tên các SVĐ của các đội bóng này. Nhưng tên gọi chính thức, cái định danh chính thức của một đội bóng - một giải đấu thì trước sau như một đều bất biến.

Sự bất biến đó đảm bảo cho một đội bóng - một giải đấu nói riêng và cả một nền bóng đá nói chung có thể phát triển bền vững, lâu dài, thay vì phát triển một cách manh mún, què cụt vì cứ bị ảnh hưởng bởi cái tư tưởng…phép vua phải thua lệ làng.

Cách đây 3 mùa giải, sau khi rời cương vị HLV trưởng CLB Chelsea (Anh), HLV nổi tiếng người Brazil Scolari đã bất ngờ sang Trung đông hành nghề, thay vì tiếp tục hành nghề tại Anh, dù lúc đó có rất nhiều đội bóng đặt lời mời ông. Mãi sau này, HLV Scolari mới tiết lộ rằng bản hợp đồng giữa ông với CLB Chelsea có điều khoản qui định sau khi chia tay đội bóng, ông không được huấn luyện cho bất cứ đội bóng nào tại Anh trong vòng 3 năm. Chi tiết này cho thấy trong những nền bóng đá chuyên nghiệp đích thực các CLB đã cạnh tranh thương hiệu với nhau quyết liệt tới đâu, và trong cuộc cạnh tranh ấy, các CLB đã quyết tâm giữ "người của mình" để bảo vệ giá trị của mình tới đâu.

Soi chiếu câu chuyện của HLV Scolari và Chelsea vào thực tế BĐVN - nơi mà một ông HLV vừa dẫn một CLB A sau giai đoạn lượt đi lại đã nhảy sang CLB B, và đến mùa bóng mới lại tiếp tục nhảy sang CLB C mới thấy cái gọi là "bóng đá chuyên nghiệp" ở ta thực tế đang phát triển ì ạch thế nào.

.
.
.