Từ chức vô địch AFF Suziki Cup 2014 của ĐTQG Thái Lan:

Nếu chúng ta có "Sắc"...

Thứ Tư, 31/12/2014, 12:55
Với Kiatisak, và với một thế hệ cầu thủ mới trẻ trung, tài năng được chăm bẵm bởi Kiatisak, bóng đá Thái Lan đã trở lại ngôi vua Đông Nam Á sau 12 năm chờ đợi. Và giới chuyên môn khu vực dự đoán: người đàn ông 41 tuổi này rồi sẽ còn mở ra những trang mới đầy bay bổng cho nền bóng đá nước mình.

Sự chói sáng của một ông thầy 

Từ AFF Cup 2004 đến 2012, ĐTQG Thái Lan được dẫn dắt bởi hàng loạt ngôi sao ngoại: một Peter Reid, một Bryan Robson với chất Anh truyền thống, một Schafer với sự lạnh lùng, quyết đoán của người Đức điển hình. Những ông thầy ngoại tên tuổi ấy từng đi tới cái ngưỡng cuối cùng của chiến thắng, như lần Reid dẫn Thái vào chung kết AFF Cup 2008 với Việt Nam hay lần Schafer tự tin sẽ đánh bại Singapore trong trận chung kết AFF Cup 2012, thế nhưng rốt cuộc tất cả đều bại trận. Phải đến thời của Kiatisak thì ĐT Thái mới lại đăng quang, mà đăng quang một cách ấn tượng ngay giữa cả một biển trời khán giả Malaysia. Như thế, "Sắc" làm được cái điều mà những ông thầy ngoại quốc danh giá trước mình không làm được. Vì sao?

Thứ nhất, ai cũng hiểu "Sắc" là một ngôi sao, một biểu tượng lớn của bóng đá Thái Lan. Theo đánh giá của báo giới Thái Lan thì được đá bóng dưới sự dẫn dắt của "Sắc" là niềm ước ao vinh hạnh của rất nhiều cầu thủ trẻ. Và một khi các cầu thủ được "thỏa chí tang bồng" dưới trướng của một thần tượng lớn thì năng lượng của họ là khôn tả.

Thứ hai, ở vào những thời điểm mang tính quan trọng, bước ngoặt nhất của cuộc chơi thì "Sắc" trong tư cách của một công dân Thái (chứ không phải một công dân ngoại quốc) đã luôn biết "đốt lửa" trái tim học trò. Chẳng hạn như sau hiệp 1 trận bán kết lượt về bị Malaysia dẫn ngược 2-0 và nhiều cầu thủ Thái chùn chân trước lối đá rắn, đá rát của đối thủ thì "Sắc" chỉ hỏi các học trò duy nhất một câu: "Các anh muốn đá bóng hay muốn nghỉ? Nếu muốn, hãy dừng ngay trận đấu cuốn gói về nhà". Chính nhờ sự "đốt lửa" tinh thần đặc biệt ấy mà ở hiệp 2 cầu thủ Thái đã thể hiện một gương mặt khác, và đã vùng lên ghi bàn vào đúng những thời điểm gian khó nhất.

Ở Việt Nam, nhiều thầy trẻ tài năng không dám lên Tuyển, VFF buộc phải dùng thầy Nhật Miura. Ảnh: H.M.

Thế nhưng, trước khi lên cầm ĐT U.23 QG, ĐT Olympic QG và ĐTQG, "Sắc" cũng từng cầm một vài CLB hạng Nhất Thái Lan, vậy tại sao ở những CLB này "Sắc" đều thất bại?

Chỗ này thì rõ ràng câu chuyện không đơn thuần nằm ở vai trò của HLV trưởng, mà còn nằm ở chất lượng của các cầu thủ. Nên nhớ, lứa cầu thủ mà "Sắc" đang sở hữu lúc này đã từng được đá bóng với nhau từ khi còn ở độ tuổi U.17, U.19, U.21, và đó là một lứa cầu thủ được người Thái quan tâm đầu tư đặc biệt. Cũng nên nhớ, trước khi hiên ngang giật cúp vàng AFF Cup, lứa cầu thủ này từng vô địch SEA Games, từng vào đến bán kết Asiad, và từng tạo nên cả một cơn địa chấn với chiến thắng 5-1 trước ĐTQG Trung Quốc trong một trận giao hữu trên đất khách. Trận giao hữu mà ngay sau đó, HLV danh tiếng Camacho của ĐT Trung Quốc, cựu HLV trưởng ĐTQG Tây Ban Nha bị sa thải tức thời.

Và như thế, sự thành công đặc biệt của người Thái ở AFF Cup năm nay là sản phẩm của một chiến lược đào tạo, dùng người, dùng thầy cực kỳ sáng suốt. 

Những khác biệt về chiến lược

Nhìn vào chiến lược ươm mầm và gặt hái kết quả của người Thái, chắc chắn những người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải đặt ra câu hỏi: vậy nền bóng đá của chúng ta đã, đang hoặc sẽ có những chiến lược nào tương tự như vậy hay không?

Trong quá khứ, khi lứa U.16 của Văn Quyến, Ánh Cường, Lâm Tấn, Như Thuật... lọt vào tới bán kết giải U.16 châu Á thì những nhà làm bóng đá Việt Nam cũng quyết định đầu tư đặc biệt cho lứa cầu thủ này. Nhưng vì quá nhiều lý do khác nhau, trong đó có những sự phát triển bất thường về nhân cách hay việc nhiều cầu thủ đã "ăn gian" tuổi nên ảnh hưởng nghiêm trọng ở quá trình phát triển sau này mà cả một lứa cầu thủ từng được kỳ vọng đã gãy gánh giữa đường.

Hiện tại thì chúng ta đang có một lứa U.19 của những Công Phượng, Đông Triều, Xuân Trưởng, Tuấn Anh. Một lứa cầu thủ mà theo tiết lộ của các quan chức VFF thì không loại trừ khả năng sẽ được đôn lên đá SEA Games ngay trong năm tới, và sẽ là nòng cốt của ĐTQG trong tương lai. Nhưng khác hẳn so với sự ươm mầm, đầu tư của Thái Lan, kế hoạch của chúng ta đang có rất nhiều rào cản.

Rào cản đầu tiên: lứa U.19 tài năng này thực chất chỉ là sản phẩm riêng của một học viện bóng đá, chứ chưa phải là sự tổng hợp toàn bộ tinh hoa của cả một nền bóng đá. Và rào cản thứ hai, nguy hiểm nhất: nếu như trước đây, lứa cầu thủ này gắn bó chặt chẽ với thầy Pháp Guillaume Graechen thì khi được chuyển lên lứa U.23 rồi ĐTQG, có rất nhiều khả năng họ sẽ được "chuyển tay" cho thầy Nhật Miura, mà xét về mặt triết lý bóng đá, rõ ràng thầy Pháp và thầy Nhật có những sự khác biệt điển hình. Trong một cuộc với người viết sau giải U.19 Đông Nam Á 2014, ông Guillaume Graechen từng lo ngại đặc biệt về việc ý tưởng và phương pháp chơi bóng của các cầu thủ sẽ bị phá vỡ dưới bàn tay của một HLV khác, và nếu đúng thế kết quả thu lại như thế nào là điều ai cũng có thể hình dung.

Ở Thái Lan, Kiatisak dũng cảm "nhảy vào lửa".

Mới đây từng xuất hiện ý kiến mang tính "dung hoà" rằng nên mời ông Guillaume Graechen lên ĐT U.23 làm trợ lý cho ông Miura, nhưng chẳng cần đợi tới khi ông Graechen công khai từ chối cũng có thể đoán trước đấy là một ý kiến mang nặng tính viễn tưởng.

Thầy Việt - ông ở đâu?

Rõ ràng, lứa cầu thủ đặc biệt của Thái Lan chỉ thăng hoa với sự dẫn dắt của một ông thầy Thái Lan, vì một ông thầy thực sự "cùng kênh" với cầu thủ sẽ thực sự hiểu cầu thủ và biết phải làm gì để uốn nắn, truyền cảm hứng cho cầu thủ. Đã bao giờ chúng ta nghĩ đến điều này hay chưa?

Câu trả lời là có, vì ngay sau thời của ông thầy Bồ Đào Nha Henrique Calisto, VFF đã lên kế hoạch sử dụng HLV nội, và những thầy nội tài năng, trong đó có những người từng đá bóng cùng thời với Kiatisak, như Huỳnh Đức, như Hữu Thắng từng được đưa vào tầm ngắm. Nhưng tiếc là những ông thầy tài năng này đều lắc đầu từ chối, khiến VFF buộc phải xoay qua phương án 2, phương án 3 và bây giờ lại quay sang phương án trung thành cùng thầy Nhật.

Nỗi buồn thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2014. Ảnh: H.M.

Theo nhận định của phần đông dư luận thì những ông thầy trẻ nói trên đồng loạt  từ chối ĐT không hẳn vì sợ áp lực mà sợ cách làm việc của các quan chức nền bóng đá. Vậy thì cần biết rằng, ngay cả LĐBĐ Thái Lan cũng bị chính dư luận, truyền thông nước mình "đánh" tơi tả. Đấy là một Liên đoàn mà có thời điểm bị dư luận Thái đặt một dấu hỏi lớn về sự "chuyên quyền" cùng cách dùng thầy, sa thải thầy vô tội vạ. Nhưng Kiatisak vẫn bất chấp hoàn cảnh đó để "ngồi vào lửa", để rồi bây giờ lại đang đốt lên một ngọn lửa chiến thắng khiến cả Đông Nam Á phải nghiêng mình.

Nếu làng cầu Việt Nam cũng có những ông thầy dám bất chấp tất cả để "ngồi vào lửa" như "Sắc" thì sao?

Nếu làng cầu Việt Nam cũng có một chiến lược ươm người, dùng người một cách thực sự bài bản, xuyên suốt và khoa học thì sao?

Đến đây, có lẽ phải bắt chước cách nói của người Pháp để nói thêm rằng: Với một chữ "nếu" người ta có thể đổi chỗ Hà Nội và Bangkok cho nhau!?.

Cùng một hiện tượng, tại sao ta nghi ngờ, người Thái thì không?

Trên nhiều diễn đàn Internet, nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam phân tích bối cảnh Thái Lan bị Malaysia dẫn tới 3-0 trong trận chung kết lượt về rồi đặt câu hỏi: Vì sao trước việc ĐTQG bị thua đậm, thua sốc mà dư luận Thái không nghi ngờ cầu thủ của mình "có vấn đề" như một bộ phận dư luận Việt Nam sau trận bán kết với Malaysia? Ở đây, vấn đề không đơn giản nằm ở việc vì rốt cuộc Thái Lan vẫn kịp có 2 bàn thắng để đăng quang, chứ không bị lập tức đá văng khỏi cuộc chơi theo đúng kịch bản "bỗng nhiên kỳ vọng - bỗng nhiên tay trắng" như ĐT Việt Nam, mà còn vì nhiều lý do đặc thù khác nữa.

Một, vì bàn thua đầu tiên của Thái đến từ sai lầm của trọng tài, và hai bàn thua còn lại đến từ những kịch bản tấn công lớp lang, bài bản của Malaysia. Nó khác và khác rất nhiều so với việc có ít nhất 3/4 bàn thua của ĐT Việt Nam trong trận bán kết lượt về là "tự thua".

Hai, vì trong quá khứ, Thái Lan chưa từng có những vấn nạn kinh thiên động địa như việc cầu thủ làm độ ở ĐT U.23 Quốc gia giống bóng đá Việt Nam. Và sát sạt thời điểm diễn ra AFF Cup, Thái Lan cũng chưa xảy ra vấn nạn nhiều cầu thủ bị khởi tố vì làm độ như nhiều cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai ở Việt Nam.

Theo chúng tôi, sự nghi ngờ dành cho ĐT Việt Nam không chỉ đến từ một trận đấu đơn thuần, mà đến từ hàng loạt tỳ vết đã từng xảy ra ở một nền bóng đá nhiều bệnh tật. Vấn đề chỉ là: sự nghi ngờ đã được thể hiện và xử lý một cách hợp lý hay chưa? Có lẽ, sẽ là hợp lý hơn nếu những nhà lãnh đạo nền bóng đá âm thầm điều tra, đợi tới khi nào có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng mới chính thức công bố, thay vì vội vàng công bố mọi nghi ngờ cá nhân trên mặt báo.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.